Con dâu “xuôi”, lên núi “ngược”, khởi nghiệp với táo mèo

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đó là câu chuyện khởi nghiệp của chị Trương Thị Luân ở hợp tác xã Thuận Châu Xanh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La khi đã biến những quả táo mèo trên rừng thành những sản phẩm tiêu dùng trong đời sống, được yêu thích như: Giấm táo mèo, tương ớt táo mèo, mật ong lên men từ táo mèo.

Có dịp gặp chị Trương Thị Luân (sinh năm 1987) ở Hà Nội, mới thấy được sự quyết tâm, tin tưởng vào sự thành công nếu có tình yêu, sự đồng hành hỗ trợ của người phụ nữ năng động, xinh đẹp này.

Câu chuyện của chúng tôi liên tục được mở rộng trong tiếng nói cười vui vẻ bởi của người phụ nữ miền xuôi (Vĩnh Phúc) lên miền ngược (Sơn La) làm dâu và dành tình yêu đặc biệt cho mẹ chồng, cho cây táo mèo đặc sản của quê hương chồng.

Cốc nước đặc biệt của mẹ chồng mỗi sáng

Tiếp xúc lần đầu tiên với chị Luân, ấn tượng về người “thuyền trưởng” Hợp tác xã Thuận Châu Xanh ấy chính là sự gần gũi, xinh đẹp, nhẹ nhàng nhưng đầy nhiệt huyết. Kể về cơ duyên đến với quả táo mèo trên quê hương Sơn La, chị Luân nói: Sơn La là một nơi có điều kiện tự nhiên lớn, đặc biệt là rừng núi. Hơn chục năm nay Nhà nước triển khai hoạt động trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc, trong đó ưu tiên cây táo mèo - vì vừa phủ được xanh đất trống, lại tạo ra sinh kế cho bà con.

Con dâu “xuôi”, lên núi “ngược”, khởi nghiệp với táo mèo - ảnh 1
Chị Trương Thị Luân giới thiệu về các sản phẩm làm từ táo mèo

Cách đây 10 năm, quả táo mèo bán ra thị trường vô cùng đắt, có thể đến 100.000đồng/kg. Với chủ trương trồng cây táo mèo diện rộng, hiện Sơn La có khoảng 30.000ha cây, riêng Thuận Châu có đến hơn 5.000ha táo mèo đã được trồng; chủ yếu ở vùng cao nơi người Mông (Mèo) sinh sống.

Tuy nhiên, sau giai đoạn dịch Covid-19, nhất là thời điểm 2019-2021, đã phát sinh thực trạng cung vượt quá cầu, không có người thu mua táo mèo. Trong khi địa phương lại không có hợp đồng bao tiêu với đơn vị thu mua nào, nhất là các đơn vị sơ, chế biến quả táo mèo, nên người dân chịu nhiều thiệt thòi.

Ở Thuận Châu - nơi chị Luân sinh sống thường chỉ bán quả táo mèo tươi, nhiều vườn quả chín rụng đầy dưới gốc cây vì không tiêu thụ được. Người dân thấy thế cũng chặt cây đi rất nhiều, khiến diện tích vườn táo mèo giảm mạnh. Chỉ tính riêng huyện Thuận Châu, diện tích cây táo mèo chỉ còn khoảng 2.300ha (so với hơn 5.000ha trước đó).

Trước đó, quả táo mèo cũng được bán dưới dạng trái khô. Nhưng do lợi nhuận thấp, hàng trăm tấn táo mèo mới thu nhập khoảng 20-30 triệu đồng nên nhiều người không mặn mà. Quả táo mèo có vị chát, người nào ăn không quen sẽ không thấy ngon nên ở địa phương, chủ yếu người dân cũng chỉ sử dụng theo cách phơi khô, ngâm rượu.

Bản thân chị Luân khi mới về làm dâu tại Thuận Châu (Sơn La) cũng chưa có nhiều hiểu biết, và cũng không thực sự thích ăn quả táo mèo. Nhưng có một điều đặc biệt, ấy là khoảng thời gian đầu, mẹ chồng luôn pha cho con dâu 1 cốc giấm táo mèo để uống vào mỗi sáng sớm. Khi đó, chị đâu biết tác dụng của cốc nước đặc biệt ấy, chỉ là thấy mẹ chồng kỳ công, yêu thương, dành nhiều tâm sức nên chẳng nỡ chối từ.

Nhưng sau một thời gian, chị Luân phát hiện ra nó thật kỳ diệu. Bản thân chị hay bị nóng trong, bị táo bón, mọc mụn, vậy mà chẳng biết tự lúc nào cơ thể dễ chịu hơn rất nhiều, còn có phản ứng “thèm” nước giấm táo của mẹ chồng. “Đi đâu nắng nôi về đến nhà tôi chỉ nghĩ đến cốc giấm táo pha. Các loại nước ngọt không bao giờ uống, nhưng thức uống mẹ chồng pha ngay từ những ngày đầu đó tôi rất thích” - chị Luân bộc bạch.

Tuy nhiên, kể cả thời điểm cơ thể có sự thay đổi tích cực, chị Luân cũng chưa hiểu cơ chế của giấm táo, chỉ biết nó giúp chị thích và uống dễ chịu, nhất là sau khi ăn no, khó tiêu. Vì vậy chị uống rất đều đặn, cho đến khi cách đây gần 2 năm, có dịp đi cùng một đoàn công tác của bên Bộ Khoa học và Công nghệ sang Thái Lan công tác. Trong chuyến đi ấy, mỗi thành viên được tặng 1 voucher xét nghiệm máu bằng công nghệ cao.

Con dâu “xuôi”, lên núi “ngược”, khởi nghiệp với táo mèo - ảnh 2
Sản phẩm giấm táo mèo do chị Luân làm ra

Sau khi xét nghiệm xong thì khoảng 10/12 người trong đoàn đều nhiễm các vấn đề về máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ, kim loại nặng… Chỉ có chị Luân và một bác sĩ trong đoàn không gặp vấn đề gì về máu. Lúc đó chị Luân mới nhớ ra là giấm táo mèo này cực kỳ hiệu quả vì khi sống ở miền núi nên chị Luân cũng không tiêu dùng đặc biệt, không sử dụng thực phẩm chức năng gì và không chú ý đi khám định kỳ. Đến lúc ấy thì mình mới test máu. Trước khi uống thì cứ uống thôi chứ không đi kiểm tra xem nó có thay đổi như nào đâu.

Thế là ý tưởng về việc sẽ đưa giấm táo tới đông đảo người dùng được chị nhen nhóm. Năm 2023, Hợp tác xã Thuận Châu Xanh được chị thành lập, với mong muốn có thể tận dụng được nguồn táo mèo sạch ngay tại địa phương, vừa giúp bà con tiêu thụ, còn tạo thêm công văn việc làm, thu nhập cho người dân nơi đây.

Thời gian đầu vận hành, sản phẩm đã từng bước được cung ứng ra thị trường. Lần đầu tiên khởi nghiệp, Hợp tác xã đã sản xuất hơn 10.000 lít giấm táo mèo. Đến thời điểm này cơ bản tiêu thụ hết. Thực tế, số lượng dù chưa được nhiều nhưng những người đã từng mua sản phẩm một lần, hai đều tin tưởng và lựa chọn sản phẩm của chị Luân để sử dụng lâu dài. Chị Luân kể, nhiều khách hàng trong 1 năm mua tới hơn 20 lần, vừa để sử dụng, vừa đem biếu tặng.

Ngoài giấm táo mèo, chị Luân còn nghiên cứu, sản xuất thêm tương ớt táo mèo, bán được khoảng 300 lọ/tháng nhưng được người tiêu dùng đánh giá tốt, dành nhiều lời khen. Từ những người ăn được cay họ cũng khen ngon. Những người không ăn được cay thì cứ bảo “không ăn được cay đâu, nhưng sau vài hôm thử nghiệm họ lại mua hàng”.

Nhiều sự động viên giúp đỡ cho “giấm táo mèo” non trẻ

Có thể nói với chị Luân, hành trình khởi nghiệp đã bước đầu có kết quả. Trong quá trình trò chuyện, hễ nhắc tới những gì đạt được, chị lại nói về sự giúp đỡ mà hợp tác xã nhận được. Và mẹ chồng được chị Luân yêu thương gọi là “nhân vật khởi nghiệp” của mình, bởi không có bà, không chắc chị đã có hành trình khởi nghiệp hôm nay. Chính mẹ chồng chị cũng là những người trải nghiệm thức uống từ giấm táo rất lâu, khoảng hơn 20 năm, ban đầu để chữa viêm xoang (do bà đọc được thông tin trong một cuốn sách dược liệu rằng quả táo mèo có thể làm được thành giấm và chữa viêm xoang).

“Sau này, một cô hàng xóm của tôi cũng là khách hàng trải nghiệm đặc biệt. Vấn đề cô ấy gặp vấn đề về tiêu hóa, bị táo bón, cả một tuần không đi được. Đến khi cô sử dụng giấm táo mèo đều đặn, vừa phải thì vấn đề đã được giải quyết hiệu quả” - chị Luân kể. Nhờ các khách hàng ấy nên sản phẩm giấm táo được duy trì trong đời sống hàng ngày. Và mẹ chồng chị Luân cũng rất vui, ủng hộ con dâu khi chị phát triển sản phẩm yêu thích của bà, đem lợi ích được tới cho nhiều người dân.

Con dâu “xuôi”, lên núi “ngược”, khởi nghiệp với táo mèo - ảnh 3
Hợp tác xã Thuận Châu Xanh ký kết hợp tác hỗ trợ phát triển toàn diện với các đơn vị đối tác

Lợi ích ở đây không chỉ là lợi ích về sức khỏe, mà còn là lợi ích về kinh tế. Từ khi có hợp tác xã Thuận Châu Xanh, một phần sản lượng táo mèo trước đây không có ai bao tiêu đã được đơn vị hỗ trợ, thu mua. Nhận thấy đây là mô hình tiềm năng và có thể giúp tháo gỡ bài toán về nguồn tiêu thụ táo mèo cho bà con, nên ngay khi hợp tác xã thành lập, huyện Thuận Châu đã hỗ trợ gói khoảng 100 triệu đồng để Thuận Châu Xanh thiết kế bao bì, nhãn mác cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La cũng rất cổ vũ, động viên hợp tác xã, hỗ trợ đề tài cấp tỉnh để giúp Thuận Châu Xanh hoàn thiện sản phẩm của mình. Nhiệm vụ chính là hoàn thiện sản phẩm, ổn định sản phẩm đưa ra thị trường và xây dựng kênh phân phối. Đề tài được triển khai từ tháng 9/2024. Thời gian vừa qua, chị Luân cũng biết đến hội xúc tiến và trung tâm xúc tiến đầu tư và du lịch của t nh Sơn La, trong quá trình bọn em thực hiện đề tài, chị Hồng Anh - Giám đốc Trung tâm có “lời” hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm xong sẽ xúc tiến.

Tới nay, sản phẩm giấm táo của chị Luân dù chưa thực sự được hoàn thiện cả về mẫu mã, bao bì… như mong muốn. Nhưng với định hướng phát triển lâu dài, sau khi hoàn thiện sản phẩm xong rồi, chị Luân dự định sẽ mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm. Mong muốn này càng được thôi thúc sau khi chị được tham gia khóa huấn luyện, đào tạo khởi nghiệp theo Đề án 844 - Hỗ trợ Hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo Quốc gia đến năm 2025 của Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam. Nhờ đó, chị Luân đã bổ khuyết, trang bị được cho mình rất nhiều kiến thức hữu ích về cách kết nối, cách viết bài trên mạng của các chuyên gia.

Trong thời gian tới, chị Luân cũng như anh chị em trong Hợp tác xã mong muốn sớm hoàn thiện xong nhiệm vụ khoa học của cấp tỉnh để hoàn thiện quy trình sản phẩm, để có thể tạo ra thêm sản phẩm mới. Trước hết là với những sản phẩm hoàn thiện rồi thì hợp tác xã sẽ xúc tiến đưa ra thị trường. 

Tin cùng chuyên mục

Trao tặng Nhà lớp học cho điểm Trường Mầm non Minh Thắng, Hà Giang

Trao tặng Nhà lớp học cho điểm Trường Mầm non Minh Thắng, Hà Giang

(PNTĐ) - Vừa qua, tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang đã diễn ra Lễ khánh thành và trao tặng nhà lớp học điểm Trường Mầm non Minh Thắng, xã Việt Vinh. Đây là công trình điểm trường vùng cao được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tài trợ 400 triệu đồng kinh phí để xây dựng.
Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

Tớ dày “nhuộm hồng” miền di sản Mù Cang Chải

(PNTĐ) - Miền di sản Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) không chỉ nổi tiếng với danh thắng ruộng bậc thang mà còn vô cùng rực rỡ bởi những vạt tớ dày hồng rực, khoe sắc thắm. Chịu đựng điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng núi cao, sức sống của cây tớ dày mãnh liệt như chính đồng bào nơi đây.
Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xoá bỏ định kiến giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

(PNTĐ) - Thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (gọi tắt là Dự án 8) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, thời gian qua, các cấp Hội LHPN Hà Nội đã đẩy mạnh truyền thông bình đẳng giới, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn TP Hà Nội.
Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

Hà Nội tuyên truyền sâu rộng, kịp thời ngăn chặn tình trạng tảo hôn

(PNTĐ) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra hệ lụy rất nặng nề đối với chất lượng dân số và sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vấn đề trên cũng rất được quan tâm; đồng thời đưa vào nội dung quan trọng trong Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 về "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi".