Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:
Cùng các em nhỏ dân tộc vùng núi tới trường
(PNTĐ) - Thời gian qua, thực hiện Dự án 6, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhiều phụ huynh có con em trong độ tuổi mẫu giáo đang theo học ở các trường điểm bản ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) đều có thể trực tiếp đến trường hỗ trợ giáo viên chăm sóc các cháu.
Vừa là cha vừa làm thầy của con
Háng Thị Mỷ (bản Sẻ Sáng, xã Cao Phạ) về nhà sau một ngày dài trên nương. Lúc ngang qua điểm trường mầm non Sẻ Sáng (thuộc Trường mầm non Khau Phạ, xã Cao Phạ), nhìn bóng mình đổ dài, nghiêng nghiêng trên tường lớp học, Mỷ bảo: “Con mình sắp hết nghỉ hè, mình lại sắp được cùng con đến lớp đấy”. Rồi Mỷ vừa đi vừa kể: “Từ năm ngoái là mỗi tháng mình đến trường điểm bản Sẻ Sáng 1 lần. Mình chải đầu, buộc tóc cho các cháu gái, rửa chân tay, mặt mũi cho các cháu nữa. Buổi trưa thì giúp cô giáo rửa bát, nấu cơm, rồi dọn chỗ cho các cháu ngủ…”.
Ở xã Mồ Dề có 2 phụ huynh là Giàng Thị Lầu (bản Màng Mủ), Giàng Thị Dù (bản Mồ Dề) cũng đang khấp khởi ngóng chờ ngày con trở lại trường để cùng đến trường phụ giúp giáo viên. Cô giáo Phùng Mùi Lai một mình dạy lớp ghép ở trường điểm bản Màng Mủ, phụ trách gần 30 cháu. Những năm học trước, bao nhiêu khó khăn, áp lực của giáo viên cắm bản, cô Lai chỉ có thể chia sẻ với đồng nghiệp bám bản ở các điểm trường khác qua những lời tâm sự.
Ở xã Lao Chải, phụ huynh khắp 5 bản có 5 điểm trường lẻ (thuộc Trường mầm non Lao Chải) đã ít nhiều trở thành những ông bố, bà mẹ có kiến thức. Vợ chồng anh Sùng A Chư có con sắp sang lớp mẫu giáo 5 tuổi. Năm ngoái, vợ chồng anh Chư cùng các ông bố bà mẹ khác được đến trường, cùng học những bài học về chữ cái, về kích thước, về lá cây…
Những bữa cơm mang đậm tình thương
Nhiều năm qua, Mù Cang Chải vẫn là một trong những huyện khó khăn nhất cả nước. Năm học vừa rồi, toàn huyện thiếu gần 100 giáo viên mầm non. Huyện có 15 trường mầm non, thì đến 14 trường thuộc vùng kinh tế đặc biệt khó khăn với 55 điểm trường lẻ. Bài toán thiếu giáo viên càng trở nên ngặt nghèo.
![]() |
Phụ huynh xã Lao Chải hướng dẫn các cháu học ở trường - Ảnh: PV |
Bà Lê Hải Yến - Hiệu trưởng Trường mầm non Mồ Dề - cho biết, trường có 5 điểm lẻ, hiện đang thiếu 10 giáo viên. Những ngày đầu tiên vận động cũng gặp khó khăn, nhiều phụ huynh không thích, vì tham gia nghĩa là mất 1 ngày làm việc. Nhưng chỉ sau 1-2 lần tham gia là các phụ huynh hết sức ủng hộ. Có bà mẹ chưa đến phiên mình nhưng đã đăng ký tham gia giúp nhà trường, nên có những ngày cả hai bà mẹ cùng đến giúp.
“Nhờ sự hỗ trợ tự nguyện của các bậc phụ huynh, công tác huy động học sinh ra lớp đã đạt hiệu quả rất cao. Những công việc như dọn dẹp vệ sinh lớp học, vệ sinh cá nhân cho trẻ, giúp giáo viên quản lý trẻ trong quá trình tổ chức các hoạt động tập thể trên lớp hay hỗ trợ giáo viên khi tổ chức cho trẻ ăn và ngủ trưa - rất thiết thực, đã giúp chúng tôi giảm bớt những khó khăn trước tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở điểm trường lẻ, xa trung tâm” - bà Hải Yến nói.
Không chỉ góp phần vơi bớt khó khăn thiếu giáo viên, cách làm độc đáo này của Mù Cang Chải còn giải quyết được “cơm cặp lồng” cho các cháu. Những đứa trẻ vùng cao, hành trang đến trường mỗi sáng là chiếc cặp lồng. Hầu hết các bữa cơm của đa số các cháu chỉ gồm cơm trắng, chút rau xanh hoặc măng cay, thảng hoặc mới có cặp lồng thêm miếng trứng chiên nho nhỏ… Rồi tất cả cùng co kéo, dè sẻn để san sẻ cho các cháu; những quỹ thiện nguyện, các nhóm tình nguyện cũng kêu gọi để các cháu có bữa cơm có thịt, có đậu hũ, có trứng.