Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Góp phần hỗ trợ an sinh, nâng cao mức sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

P.V
Chia sẻ

(PNTĐ)-Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; Giải quyết sinh kế cho hơn 271.800 hộ; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... là những mục tiêu trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Góp phần thực hiện vào những mục tiêu đó, có những bước chân đồng hành của các bộ hội viên phụ nữ Thủ đô...

Thời gian qua, Hội LHPN Hà Nội đã tích cực thực hiện Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, qua đó các cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô vui mừng chứng kiến những đổi thay tích cực trên vùng đất kiên cường nơi phía Tây dãy Trường Sơn. Nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số vùng biên nhờ chương trình đồng hành mà đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Từ năm 2018 đến nay, bao nhiêu năm mang tình cảm thân thương về với Kon Tum là từng đó năm cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô vui mừng chứng kiến những đổi thay tích cực trên vùng đất Tây Nguyên kiên cường.

Đoàn công tác thăm mô hình trồng sâm dây tại xãĐăk Blô, huyện Đăk GleiĐoàn công tác thăm mô hình trồng sâm dây tại xãĐăk Blô, huyện Đăk Glei. Mô hình này đã giúp cho nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Đăk Blô có thêm nguồn sinh kế.

Nụ cười trên vùng biên viễn

Tôi vẫn còn nhớ vào một ngày vào năm 2021, Đoàn công tác chúng tôi gồm 7 chị em phụ nữ Thủ đô (4 thành viên Hội LHPN Hà Nội và 3 Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) được Đại tá Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Kon Tum Phạm Cảnh Toàn và Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Kon Tum Đoàn Thị Thường đưa đến xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei vào một ngày có nắng.

Nhiệt tình dẫn chúng tôi đi bộ men theo đường mòn qua những rẫy sâm dây xanh mát trải trên các sườn đồi để đến nương rẫy nhà mình, chị Y Hương, thôn Pênh Lang, một phụ nữ dân tộc thiểu số vui vẻ cho biết, những rẫy sâm này của chị em trong thôn đều đã sắp đến ngày thu hoạch. Các chị chẳng ngại một nắng hai sương mưu sinh, nhưng trước đây, cũng là mồ hôi đổ xuống nương rẫy… mà hiệu quả kinh tế thu về không cao. Năm 2019, khi Hội LHPN Hà Nội triển khai chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại xã Đăk Blô, huyện Đăk Glei, 20 gia đình hội viên phụ nữ đầu tiên, trong đó có chị Y Hương đã được nhận vốn sinh kế để trồng sâm dây. Chị Y Hương sử dụng đồng vốn của Hội để mua cây giống. Đến ngày thu hoạch sâm, chị Y Hương và các chị em đã thu về đợt đầu trên 20 triệu đồng.

Chị Phạm Thị Mây, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đak Glei dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng sâm dây chia sẻ: Xã Đăk Blo có đường biên giới giáp nước bạn Lào với đa phần dân cư là người Giẻ Triêng. Trước khi chương trình Đồng hành được Hội LHPN Hà Nội triển khai, bà con chủ yếu sống phụ thuộc vào tự nhiên (ngoài hái lượm “của rừng”, chỉ dựa vào nương rẫy sắn, ngô…). Đây là địa bàn đặc biệt khó khăn, người dân chưa đủ ăn, còn phải dựa vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, nhờ có mô hình cây sâm dây của Hội mà bà con đã có thêm thu nhập, ai nấy đều hăng hái làm kinh tế với hy vọng sớm thoát nghèo. Vai trò, uy tín của tổ chức Hội theo đó cũng tăng lên. Ở xã Đăk Blo, khoảng 70% chị em tham gia Hội Phụ nữ.

Còn xã Mô Rai nằm ở phía tây huyện Sa Thầy cũng là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là nơi mà Hội LHPN Hà Nội hỗ trợ kinh phí để triển khai mô hình Nuôi bò sinh sản. Chị Y Hải, hội viên phụ nữ tại làng Kênh cho biết từ khi tham gia mô hình, gia đình chị ngoài “của ăn” còn có thêm “của để 4 chân”. Bắt đầu từ năm 2019 đã có 10 con bò sinh sản được cấp cho các gia đình hội viên phụ nữ.Sau đó, qua từng năm, đàn bò bắt đầu được mở rộng và lại được chia cho các phụ nữ còn khó khăn để có thêm nguồn sinh kế. Với các phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Mô Rai, có được một con bò trong nhà là cả khối tài sản lớn.

Thực hiện chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương, ngoài vốn sinh kế, hàng năm, Hội LHPN Hà Nội đều có các hạng phục khác để góp phần hỗ trợ phụ nữ biên cương nâng cao mức sống như trao tặng kinh phí hỗ trợ xây mái ấm tình thương; trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; tặng quà cho gia đình chính sách, hội viên phụ nữ nghèo; tặng quà trường mầm non…

Đậm nghĩa tình Hà Nội - Biên cương

Từ năm 2018, cùng với thực hiện Chương trình đồng hành, Hội LHPN Hà Nội đã triển khai Chương trình phối hợp, kết nghĩa với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Tỉnh Kon Tum.

Hàng năm, trong các chuyến đồng hành, Hội đều lần lượt đến thăm, tặng quà Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Tỉnh và các Đồn Biên phòng trên địa bàn.

Đoàn công tác trò chuyện cùng các chiến sĩ tại chốt trực.Đoàn công tác trò chuyện cùng các chiến sĩ đồn biên phòng

Như không biết mệt mỏi, sau mỗi chặng đường khó, xe vừa dừng bánh, sau ít phút đầu thực hiện quân lệnh, tất cả chúng tôi tay bắt, mặt mừng, cùng cười cùng nói, mừng vui trong giọng ngậm ngùi, khóe mắt ngấn nước. Chị em thực sự cảm phục vì các anh không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ biên cương thiêng liêng, mà luôn có mặt để hướng dẫn bà con dân tộc vùng biên về mọi mặt. Các anh là niềm tin là chỗ dựa của chính quyền và người dân, đã có bao câu chuyện thắm tình quân dân ở mảnh đất này.

Thực hiện hoạt động Đồng hành, năm 2021 lần đầu tiên Hội LHPN Hà Nội còn có sáng kiến tổ chức một sự kiện văn hoá đặc biệt “Tết ấm biên cương” tại xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Trân trọng hoạt động ý nghĩa này, Đại tá Lê Minh Chính, Chính uỷ Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum tham dự và cùng chúng tôi tổ chức nhiều hoạt động như: Gian hàng quà tặng 0 đồng, giao lưu gói bánh chưng, ẩm thực truyền thống, biểu diễn văn nghệ, múa cồng chiêng…

Để tổ chức một “Tết ấm biên cương”, ngoài kinh phí trích từ Quỹ “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN Hà Nội còn nhận được sự ủng hộ tích cực của cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhân dân Thủ đô thông qua việc ủng hộ kinh phí và đồ dùng thiết yếu… Đó là những chiếc áo, khăn len… đan bằng tay của các bà, các chị Hội LHPN Thanh Xuân, Hoàn Kiếm; những chiếc chăn bông của Hội LHPN Tây Hồ; là những đôi tất, găng tay, mũ, áo len, khẩu trang cùng nhiều đồ gia dụng thiết yếu… của Hội LHPN Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hoài Đức...

Đường xa, những kiện hàng nặng hơn 1,5 tấn ngày đó tưởng chừng sẽ gặp khó để gửi vào Kon Tum, cuối cùng đã được vận chuyển miễn phí bằng máy bay qua sự tích cực kết nối của Hội LHPN Sóc Sơn. Tất cả đều chung một tấm lòng, một mong muốn sẻ chia với đồng bào vùng biên, tri ân cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng. Được ngắm nhìn nét mặt tươi vui của bà con dân tộc thiểu số khi được cùng chúng tôi vui Xuân, đón Tết, ai nấy đều hạnh phúc.

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Chương trình kết nghĩa” giữa Hội LHPN Hà Nội và Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum và các tỉnh biên giới đã tiếp tục được ký kết, được thực hiện trong nhiều năm nữa.

Và chúng tôi - những người cán bộ Hội Phụ nữ, những cán bộ chiến sĩ Biên phòng sẽ tiếp tục trao và nhận những gánh ân tình ấm áp.

Và những gánh ân tình ấy sẽ tiếp tục làm nên nhiều đổi thay trên những vùng đất biên cương kiên cường của Tổ quốc Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục

Đồng hành cùng trẻ em vùng cao

Đồng hành cùng trẻ em vùng cao

(PNTĐ) - Với mong muốn cải thiện điều kiện sinh hoạt, hỗ trợ các em nhỏ có bữa ăn đầy đủ và ấm áp hơn, một nhà ăn mới cùng các trang thiết bị cần thiết cho trường học đã được Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội trao tặng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú - THCS Sủng Máng, huyện Mèo Vạc.
Truyền cảm hứng cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số về bình đẳng giới và tinh thần lãnh đạo

Truyền cảm hứng cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số về bình đẳng giới và tinh thần lãnh đạo

(PNTĐ) - Sáng ngày 3/12, hơn 150 thanh niên, học sinh đã cùng lắng nghe và thảo luận những câu chuyện thành công, chia sẻ các sáng kiến trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và vai trò lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Hội LHPN Việt Nam: Vì sự bình đẳng, phát triển bền vững của phụ nữ và trẻ em

Hội LHPN Việt Nam: Vì sự bình đẳng, phát triển bền vững của phụ nữ và trẻ em

(PNTĐ) - Sau 4 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021 - 2025, các cấp Hội Phụ nữ tại 40 tỉnh trong cả nước đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xây dựng các mô hình hỗ trợ nâng cao nhận thức, ứng dụng khoa học công nghệ, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số (DTTS).
Tỉnh Phú Yên: Đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ thực hiện bình đẳng giới

Tỉnh Phú Yên: Đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ thực hiện bình đẳng giới

(PNTĐ) - Hoạt động đối thoại chính sách là một nội dung quan trọng của Dự án 8 nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở và giám sát thực hiện bình đẳng giới trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên đã tập hợp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vào quá trình xây dựng, thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tỉnh  Lạng Sơn: Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới

Tỉnh Lạng Sơn: Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới

(PNTĐ) - Sau 3 năm hoạt động mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại tỉnh Lạng Sơn trong thực hiện Dự án 8 đã góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.