Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi:

Phụ nữ Bảo Yên tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc

TÔ DUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Thực hiện Dự án 6, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, các cấp hội phụ nữ trong huyện Bảo Yên (Lào Cai) đã tích cực khi tham gia vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc tại địa phương.

Giữ văn hóa truyền thống để phát triển du lịch văn hóa

Thực hiện mục tiêu của Dự án 6 khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người, xã Nghĩa đô, huyện Bảo Yên đã triển khai việc hướng dẫn giữ nghề truyền thống cho các chị em phụ nữ.

Bản Nà Khương, xã Nghĩa Đô yên bình dưới những đồi cọ xanh mướt. Là nơi cư ngụ của đồng bào Tày, nên mới chạm chân đến đầu bản đã thấy những ngôi nhà sàn thấp thoáng. Đón chúng tôi ở chín bậc cầu thang là các chị em của tổ Làng nghề thổ cẩm thôn Nà Khương. Mặc dù đang mùa gặt hái, nhưng nghe nói có khách phương xa tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm, chị em vui lắm, ai cũng sắp xếp công việc, thời gian.

“Chị em trong tổ dệt thổ cẩm chưa khéo lắm đâu, đường chỉ vẫn còn vụng về lắm, nhưng bởi yêu thích và mong muốn lưu giữ những giá trị truyền thống của cha ông, nên vẫn cố gắng bảo ban nhau học. Mỗi ngày dệt một chút. Người biết nhiều chỉ cho người chưa biết, thêu chưa đẹp thì học cho đẹp hơn…”- chị Hoàng Thị Lan, một trong những thành viên của tổ nói với chúng tôi trong khi đôi tay vẫn lươn lướt dệt vải thổ cẩm.

Ấy là chị Sách khiêm tốn thế thôi, chứ nhìn các chị cần mẫn bên khung cửi, rồi từ những đôi bàn tay ấy là những đường nét hoa văn cứ sống động, mềm mại qua từng chiếc thoi đưa là cũng đủ biết sự khéo léo, tinh tế của người làm.

Ngược theo dòng chảy thời gian, theo phong tục của người Tày, người con gái khi về nhà chồng phải mang theo chăn, gối, đệm, bởi vậy mà ngay từ khi còn nhỏ, các em gái đã được người lớn tuổi truyền dạy cho nghề dệt. Cũng chẳng biết từ khi nào, việc dệt thổ cẩm đã trở thành “thước đo” đánh giá sự khéo léo của người phụ nữ và là một trong những tiêu chí chọn vợ của cánh mày râu – dệt đẹp, dệt nhanh chứng tỏ là người chịu thương, chịu khó, cần mẫn và khéo léo. Do đó, đã là con gái Tày ai cũng học cho được nghề thêu dệt của tổ tiên và dệt cho khéo, cho giỏi.

Đó là câu chuyện của nhiều năm trước đây, còn bây giờ, những vật dụng đó đều được làm công nghiệp, bán sẵn trên thị trường, nên nhiều phụ nữ Tày đã không còn kẽo kẹt thoi đưa, lớp trẻ cũng không còn học nghề truyền thống của dân tộc. Đau đáu nghề xưa với nỗi lo bản sắc văn hóa của dân tộc dần mai một và biến mất, một số chị em ở Nghĩa Đô đã thành lập mô hình Làng nghề thổ cẩm xã Nghĩa Đô gồm 2 tổ ở bản Nà Khương và Bản Giàng.

Ban đầu mỗi tổ chỉ có vài ba người, chủ yếu là người lớn tuổi, nhưng dần dà mỗi tổ đã có gần chục người, trong đó có rất nhiều người trẻ. Người biết dạy người chưa biết, đến nay tất cả các chị em trong mô hình đã biết các kỹ năng dệt cơ bản.

Chị Hoàng Thị Sách tâm sự: “Ngày bé, mỗi lần mẹ se sợi dệt thổ cẩm, mình đều tò mò làm theo, nhưng quả thực để thành thạo các công đoạn thì quả thực không dễ dàng gì. Ví như trước khi lên khuôn để đưa thoi dệt, người làm cần phải dàn sợi dọc, cài go tạo hoa văn. Đây là khâu rất quan trọng quyết định sự chuẩn xác và độ đẹp của tấm thổ cẩm và cũng rất khó làm. Từ khi vào tổ làm cùng các cô, các chị mình đã được chỉ dạy và giờ thì đã làm thuần thục”.

Phụ nữ Bảo Yên tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc - ảnh 1
Các cấp hội phụ nữ trong huyện khi tham gia vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc tại địa phương.

Nghĩa Đô đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá bản làng. Dệt thổ cẩm giờ không chỉ là sản phẩm dùng trong gia đình, mà còn trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương.

Chị Ma Thị Tắt, Chủ tịch Phụ nữ xã Nghĩa Đô hy vọng: “Trong tương lai không xa, mô hình làng nghề không chỉ là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, mà sẽ trở thành nơi giúp chị em phụ nữ phát triển nghề hàng hóa, đem lại thu nhập bền vững cho gia đình .”

Cho muôn đời sau

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc đã và đang được các địa phương chú trọng, trong đó đưa vào giáo dục tại các trường học được xem là tối ưu. Bởi lẽ bồi đắp tri thức, đời sống văn hóa dân tộc cho lứa tuổi học sinh, những “chủ nhân” tương lai sẽ giúp những giá trị ấy được “sống mãi”. Cùng chung mong muốn ấy, bao năm nay, trong các giờ hoạt động ngoại khóa, Trường Tiểu học số 1 Kim Sơn đều có những chủ đề liên quan đến bản sắc văn hóa dân tộc, như ẩm thực, lao động, văn hóa dân gian truyền thống…

Khi chúng tôi đến, cả sân trường nhộn nhịp. Hôm nay, theo lịch hoạt động, nhà trường tổ chức sinh hoạt ngoại khóa buổi chiều cho các em. Sau màn đồng diễn múa, hát tập thể, học sinh về các khu vực hoạt động của mình ở sân trường, đếm sơ sơ cũng trên chục nhóm. Nhóm gói bánh, nhóm làm gùi, nhóm múa hát các điệu dân ca, dân vũ, nhóm chơi các trò chơi dân gian... Mỗi nhóm đều có các cô, các bác là người địa phương sinh hoạt cùng.

 

Chị Hoàng Thị Diện có con theo học tại trường đang hướng dẫn nhóm học sinh học cách gói bánh chưng Tày. Với kinh nghiệm của bản thân chị say sưa truyền dạy cho các em là con, cháu mình cách làm bánh ngon và đẹp mắt nhất, nào là cách chọn lá, ngâm gạo, tạo nhân, gói bánh chặt tay… Những đôi mắt nhỏ xinh cứ nhìn không chớp mắt vào đôi tay gói bánh nhuần nhuyễn của chị Diện. Kế đó là phần thực hành, mỗi cháu sẽ chọn cho mình các vật liệu cần thiết rồi làm như lời “thầy” của chỉ dạy.

Chị Diện chia sẻ: “Tôi thường xuyên được nhà trường mời đến tham gia hoạt động cùng các cháu trong các buổi ngoại khóa. Tùy theo nội dung hoạt động của nhà trường, với kinh nghiệm của bản thân, tôi sẽ chia sẻ cách làm và thực hành luôn cùng các cháu”.

Cũng như chị Diện nhiều phụ huynh là các bà, các mẹ thường xuyên được Trường Tiểu học Số 1 Kim Sơn mời đến để tham gia hoạt động cùng các em học sinh. Không chỉ nêu lý thuyết hay trình diễn để các em học sinh quan sát, mà các bậc phụ huynh còn tận tình “cầm tay chỉ việc”, cách làm nên các sản phẩm của dân tộc mình.

Cô giáo Trần Thị Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Kim Sơn cho biết: Là người dân bản địa, chị Diện cũng như nhiều phụ huynh khác là những người hiểu rõ nhất những nét đẹp văn hóa dân tộc mình. Do đó, nhà trường thường xuyên phối hợp với Ban đại diện phụ huynh nhà trường lựa chọn các phụ huynh am hiểu văn hóa truyền thống để chỉ dạy cho các em. Coi đây là cách hữu ích trong việc gia đình và nhà trường cùng phối hợp giáo dục trẻ. Được tham gia các trò chơi dân gian, tìm hiểu nét đẹp văn hóa dân tộc, chính là những trải nghiệm thực tế thú vị đối với học sinh, giúp các em thêm yêu trường mến bạn, say mê học tập”.

“Tổ chức các giờ ngoại khóa tìm hiểu truyền thống văn hóa dân tộc có sự tham gia của các nghệ nhân, những người có uy tín trong cộng đồng; hay người này chỉ dạy cho người kia, cho mỗi bản làng là những cách làm hiệu quả mà các cấp hội phụ nữ huyện Bảo Yên đang thực hiện giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Không chỉ giúp các giá trị được “sống mãi” mà còn góp phần bồi đắp những giá trị tôt đẹp trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ”, bà Ngô Hồng Thắm – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bảo Yên khẳng định như vậy và tự hào về những đóng góp của các cấp hội phụ nữ trong huyện khi tham gia vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc tại địa phương.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Truyền cảm hứng cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số về bình đẳng giới và tinh thần lãnh đạo

Truyền cảm hứng cho nữ thanh niên dân tộc thiểu số về bình đẳng giới và tinh thần lãnh đạo

(PNTĐ) - Sáng ngày 3/12, hơn 150 thanh niên, học sinh đã cùng lắng nghe và thảo luận những câu chuyện thành công, chia sẻ các sáng kiến trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và vai trò lãnh đạo của phụ nữ, đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Hội LHPN Việt Nam: Vì sự bình đẳng, phát triển bền vững của phụ nữ và trẻ em

Hội LHPN Việt Nam: Vì sự bình đẳng, phát triển bền vững của phụ nữ và trẻ em

(PNTĐ) - Sau 4 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021 - 2025, các cấp Hội Phụ nữ tại 40 tỉnh trong cả nước đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, xây dựng các mô hình hỗ trợ nâng cao nhận thức, ứng dụng khoa học công nghệ, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực gia đình; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số (DTTS).
Tỉnh Phú Yên: Đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ thực hiện bình đẳng giới

Tỉnh Phú Yên: Đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ thực hiện bình đẳng giới

(PNTĐ) - Hoạt động đối thoại chính sách là một nội dung quan trọng của Dự án 8 nhằm đảm bảo tiếng nói, vai trò và sự tham gia thực chất của phụ nữ trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở và giám sát thực hiện bình đẳng giới trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia. Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên đã tập hợp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) vào quá trình xây dựng, thực thi các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Tỉnh  Lạng Sơn: Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới

Tỉnh Lạng Sơn: Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới

(PNTĐ) - Sau 3 năm hoạt động mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại tỉnh Lạng Sơn trong thực hiện Dự án 8 đã góp phần thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thủ đô

(PNTĐ) - Hơn 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn Thành phố không ngừng được nâng cao. Cùng với đó, đồng bào các DTTS, chính quyền địa phương đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau. Đại hội đại biểu các DTTS thành phố Hà Nội lần thứ IV năm 2024 đã thành công tốt đẹp, qua đó, nhiều kỳ vọng, kiến nghị, đề xuất được đưa ra để tiếp tục phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô trong 5 năm tới.