Bài cuối: "Lá chắn thép" nhận diện, phòng chống tin giả

Chia sẻ

Trong công cuộc tuyên truyền phòng, chống tin giả trên mạng xã hội, bên cạnh việc xử lý nghiêm các đối tượng tung tin giả, mỗi người dân cần là một “lá chắn thép” để nhận diện, phòng, chống tin giả và trở thành người sử dụng mạng xã hội thông thái.

Mỗi người dân là một “lá chắn thép”

Việt Nam là một trong 10 nước đứng hàng đầu thế giới về số người dùng mạng xã hội (MXH), với gần 64 triệu tài khoản Facebook và gần 35 triệu tài khoản Youtube. Với số lượng lớn người sử dụng MXH như vậy, ngoài những đối tượng cố tình tung tin giả để gây nhiễu loạn, có không ít người vô tình chia sẻ thông tin giả, tin sai sự thật. Theo nghiên cứu tâm lý, người dân sẽ dễ bị lôi kéo tương tác với thông tin giả cao gấp 6 lần so với tin thật. Tin giả ngày càng tinh vi, khó nhận biết, với cơ chế đăng tải thông tin lại rất đơn giản, dễ dàng, nên bất kỳ ai, ở đâu, chỉ cần có phương tiện và kết nối mạng là có thể thực hiện.

Đánh giá về vấn đề này, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) cho biết, MXH là phương tiện livestream đang được nhiều người sử dụng nhưng lại là mảnh đất màu mỡ cho tin giả, tin xấu độc lan tỏa. Nếu chính quyền ở nơi mảnh đất giả phát sinh, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, trực tiếp cho dân thì tin giả không còn đất để tồn tại. Ông Lê Quang Tự Do cho rằng, cơ quan chức năng thông tin cảnh báo đến người dân, trước hết phải có sự cảnh giác, đối diện với những thông tin trên mạng, các trang nghi ngờ có dấu hiệu sai trái, lừa đảo. Ngoài ra, cần sớm phát hiện, gỡ, chặn những trang MXH đưa tin sai trái, lừa đảo cho mọi người. Nhưng tốt nhất, mỗi người dân hãy trang bị một bộ lọc và tiếp nhận những thông tin chính thống, để từ đó có sự cảnh giác trước tin giả.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng Văn phòng luật Interla, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, mỗi người dân hãy trở thành một người sử dụng MXH thông minh và tỉnh táo. Trước khi đăng tải, chia sẻ bất cứ thông tin nào, người dân cần tuân thủ Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (theo Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17/6/2021 của Bộ TTTT); Chủ động nghiên cứu, trang bị kiến thức và pháp luật như Luật An ninh mạng, Bộ luật Hình sự, Luật An toàn thông tin mạng, Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Tuyệt đối không đăng tải, bình luận những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật dưới bất cứ hình thức nào, dù với bất kỳ động cơ, mục đích gì.

“Khi tiếp nhận thông tin, nhất là trên MXH, người dân cần hết sức tỉnh táo, thận trọng để không trở thành nạn nhân của tin giả. Người dân hãy luôn tin tưởng vào thông tin chính thống, xác thực do cơ quan chức năng, báo chí, truyền hình cung cấp, tuyệt đối không chia sẻ, lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, đồng thời tích cực tham gia phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng hoặc thông qua các nhóm cộng đồng trên không gian mạng để cảnh báo về tin giả” - luật sư Hòe khuyên.

Trong công cuộc tuyên truyền phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội, báo chí đóng vai trò xung kích, chủ lực trên tuyến đầu thông tin. Theo luật sư Hòe, bên cạnh nhiệm vụ đưa thông tin trung thực, công bằng và cân bằng, báo chí còn phải tham gia vào vấn đề kiểm chứng thông tin và bóc trần những thông tin sai lệch, ngụy tạo... Người làm báo có vũ khí sắc bén là ngòi bút chuyên nghiệp, cơ quan báo chí chính thống, có uy tín, sức lan tỏa nhanh, rộng khắp. Báo chí được mệnh danh là “quyền lực thứ 4”, là điểm tựa niềm tin nơi công chúng, là lực lượng hùng hậu có trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, lực lượng này phần lớn là đội ngũ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, có trình độ, kỹ năng trong khai thác, xử lý thông tin, tổ chức thông tin, sản xuất và truyền tải thông tin hiệu quả nhất.

Còn Trung tá Vũ Việt Anh, Đội trưởng Đội Phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hà Nội cho rằng, có một số tờ báo hiện nay đang chạy theo hình thức câu view, chưa cập nhật, kiểm chứng chính xác đã đăng tải trên báo mạng, dẫn đến đưa thông tin không đúng đến với độc giả.

“Nhiều trường hợp người dân đọc và chụp lại thông tin từ các tờ báo có uy tín, sau đó đăng lên MXH, trở thành hiện tượng tin giả. Do đó, việc kiểm duyệt thông tin trước khi đăng lên báo chí cần chặt chẽ hơn. Đồng thời, báo chí cần tăng cường tuyên truyền để đẩy mạnh hình thức xử lý theo quy định pháp luật, nâng cao nhận thức người dân trong việc đăng tin trên MXH, từ đó đẩy lùi tin giả” - Trung tá Vũ Việt Anh đề nghị.

Các nhóm cộng đồng cư dân thu hút đông đảo lượt tham gia và đóng góp, tương tác tích cực từ người dân, thanh thiếu niên Thủ đôCác nhóm cộng đồng cư dân thu hút đông đảo lượt tham gia và đóng góp, tương tác tích cực từ người dân, thanh thiếu niên Thủ đô

Nhân rộng mô hình “vùng xanh an toàn” trên mạng xã hội

Để ngăn chặn, đẩy lùi tin giả, công an TP Hà Nội đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc đăng tin trên MXH, xử lý vi phạm về đăng tin giả, kiểm soát chặt chẽ các trang web hoặc chủ tài khoản có dấu hiệu đăng tin sai sự thật nhằm câu view, câu like… Đặc biệt là sự ra đời của hệ thống 579 nhóm “Tôi yêu xã, phường, thị trấn” do tổ chức Đoàn các cấp trong Công an Thủ đô, quận, huyện, thị xã thuộc TP Hà Nội (Công trình thanh niên) nhằm góp phần hỗ trợ từng địa phương tuyên truyền kịp thời, chính xác các chủ trương, quy định về công tác phòng chống dịch bệnh đến từng người dân. Qua đó, phản bác, đính chính thông tin không chính xác tại địa bàn từng tổ dân phố, thôn, xóm của các phường, xã, thị trấn giúp nhân dân an tâm thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Những phần tử xấu tham gia các nhóm này cũng bị sàng lọc, loại bỏ và xử lý ngay.

Ngay khi triển khai, các Công trình thanh niên đã nhận được sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp bộ, ngành và Đoàn Thanh niên trên địa bàn Thủ đô. Các bài viết về biện pháp phòng ngừa đối với các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ANTT; Đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả công tác bảo đảm ANTT, công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi; Những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, những tấm gương tiêu biểu của thanh niên Thủ đô trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giúp nhân dân chủ động phòng ngừa.

Trên diễn đàn đó, những phản ánh của người dân được các lực lượng hỗ trợ trong thời gian ngắn nhất. Qua đó, người dân tiếp nhận thông tin và yên tâm chấp hành các biện pháp phòng chống Covid-19. Đồng thời, nhiều người đã động viên, sẻ chia với lực lượng tuyến đầu như công an, y tế, bảo vệ dân phố, thanh niên… Mô hình này đã được ghi nhận là cách làm hay, phát huy sức mạnh toàn dân, tăng kết nối giữa lực lượng chức năng, chính quyền với người dân tại địa phương.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tin giả, tin sai sự thật, ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Sở TTTT Hà Nội cho biết, Sở đã vào cuộc quyết liệt, chủ động rà soát, phát hiện để xử lý và kịp thời phản bác trên các phương tiện truyền thông, phối hợp với Cục Phát thanh và Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) để công bố tin giả, thông tin sai sự thật. Sở cũng phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công khai trên báo chí các hành vi vi phạm để người dân biết, phòng tránh. Từ đầu năm đến nay, Sở TTTT đã xử phạt 40 tài khoản đăng tin giả, tin sai sự thật liên quan tình hình dịch bệnh Covid-19, xử phạt vi phạm hành chính là 380 triệu đồng. Đồng thời, Sở khuyến cáo người dân không đăng tải, chia sẻ, những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật nói chung, đặc biệt là thông tin gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch.

Giám đốc Sở TTTT Nguyễn Thanh Liêm nhấn mạnh: “Việc xử lý tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng được Sở TTTT Hà Nội xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống dịch. Thời gian tới, Sở tiếp tục tập trung vào triển khai các giải pháp như: Tăng cường rà quét, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội Facebook, Zalo…; Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Tiếp tục tuyên truyền trên báo chí thông tin chính thống về công tác phòng chống dịch của Trung ương và Thành phố; Kịp thời truyền thông phản bác các thông tin giả, sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng để người dân nắm được, không chia sẻ, lan tỏa thông tin, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của Thủ đô.

HỒNG NHUNG - VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường. Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội; đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường.