Đề xuất 2 phương án giá điện sinh hoạt: Khó cân bằng các lợi ích

Chia sẻ

Ngay khi Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến về dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, người dân đều quan tâm với nỗi lo giá tăng trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Hai phương án được Bộ Công Thương đề xuất để sửa đổi Quyết định 28/2014, với cách tính giá bán lẻ điện theo 5 bậc thang và một giá để

Công nhân quản lý và vận hành thuộc Công ty điện lực Hà ĐôngCông nhân quản lý và vận hành thuộc Công ty điện lực Hà Đông

Không đồng tình với điện một giá

Từ khi biết thông tin về hai phương án giá điện mới, chị Nguyễn Khánh Thủy ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hiện tại gia đình sử dụng 3 điều hòa, tivi, máy giặt, bếp điện, thiết bị chiếu sáng, mỗi tháng chị thanh toán khoảng gần 2 triệu đồng tiền điện. Cụ thể, tháng 6 với 711kWh, chị thanh toán hơn 1,9 triệu đồng (đã bao gồm VAT). Nếu theo phương án mới, tính ở mức có lợi nhất là lựa chọn một giá, chị sẽ phải trả cao hơn 300 nghìn đồng/tháng so với giá hiện hành.

Ông Nguyễn Thanh Quang, Bí thư Chi bộ TDP 22, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông cùng các hộ dân cũng làm phép tính xem độ tăng, giảm của giá điện. Do gia đình ông ở cùng gia đình con nên mọi thiết bị điện đều gấp đôi mức tiêu thụ điện hàng tháng thuộc mức cao trên 700kWh. Áp theo hai phương án mới thì dù chọn phương án 1 hay phương án 2, gia đình ông đều phải trả cao hơn so với mức hiện hành. Ông Quang cho rằng, trong khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, kinh tế khó khăn, các gia đình đều bị ảnh hưởng giảm việc làm, giảm thu nhập nên đề xuất giữ nguyên giá như hiện hành để người dân đỡ phải gánh thêm chi phí từ điện.

Ưu điểm và nhược điểm của phương án tính giá điện mới

Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng được xác định trên cơ sở cơ cấu sản lượng điện thương phẩm của các nhóm khách hàng. Trong quá trình thực hiện giá bán lẻ điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện, phát sinh một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện áp giá sản xuất và kinh doanh, nhiều trường hợp ranh giới giữa các loại không rõ ràng. Vì vậy, Bộ Công Thương bổ sung phương án gộp khách hàng sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp thành 1 nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt. Ưu điểm của phương án này là giảm bớt chênh lệch giá bán lẻ điện giữa các nhóm khách hàng sử dụng điện ngoài mục đích sinh hoạt. Đồng thời, đơn giản trong thực hiện do cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích ngoài sinh hoạt chỉ có 1 biểu giá và giảm thiểu các sai sót trong việc áp giá điện cho các đối tượng khách hàng sử dụng điện khác nhau. Hơn nữa, biểu giá điện mới cho khách hàng sản xuất, kinh doanh tiệm cận giá bán điện bình quân. Bên cạnh đó, chi phí mua điện của nhóm khách hàng kinh doanh giảm 35% so với việc áp dụng giá hiện hành. Bởi vậy, việc điều chỉnh cơ cấu biểu giá bán lẻ điện thống nhất của các ngành sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp sẽ tạo cho các khách hàng sử dụng điện trong việc sử dụng hiệu quả và tiết kiệm điện. Nhược điểm của phương án này là chi phí mua điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng so với việc áp dụng giá hiện hành; khi áp dụng biểu giá cho khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt, các đơn vị bán lẻ điện phải trang bị công tơ đo đếm theo giờ cao - thấp điểm (công tơ 3 giá). (Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương)

Cũng trong nỗi lo điện tăng giá, với người dân ở ngoại thành như chị Lê Thị Hà ở xã Tả Thanh Oai, Thanh Trì, cuộc sống gia đình chị chủ yếu dựa vào gánh rau bán ở chợ làng, chồng chị làm thợ nề công việc phập phù khi có khi không, vậy nên hễ nghe tăng giá điện là chị lại lo. Với nguồn thu ít ỏi, gia đình 4 người trong đó 2 con ăn học, luôn phải tiết kiệm bật ít các thiết bị điện, mỗi tháng chỉ xoay quanh mức hơn 200kWh. Tháng 6, gia đình chị Hà sử dụng 200kWh phải đóng 409.200 đồng. Với cách tính mới theo 5 bậc mà không phải chi trả nhiều hơn thì yên tâm, còn cách tính 1 giá phải chi trả tăng thêm thì chị không đồng tình.

Cũng trong tâm trạng không vui trước thông tin về 2 phương án giá điện mới, anh Phạm Ngọc Thủy ở quận Long Biên, Hà Nội cho rằng, đề xuất điện 1 giá cao (2.703 đồng/kWh hoặc 2.889 đồng/kWh) gần bằng mức cao nhất của giá hiện hành (2.927 đồng/kWh) như vậy là rất cao. Anh Thủy băn khoăn, các cơ quan chức năng cần nêu rõ các chi phí thuế, giá mua vào, vận hành… rồi ra giá phù hợp với đại đa số người dân và xã hội.

Theo cơ chế thị trường, càng mua nhiều càng giảm giá, nhưng sử dụng điện thì càng mua nhiều càng tăng giá. Ví dụ như dịch vụ viễn thông trước đây, khách hàng mở máy ra là mất 3 nghìn đồng, từ ngày không còn độc quyền thì người dân được hưởng lợi, doanh nghiệp vẫn có lãi.

Giá điện 3 bậc đầu nên tối đa 2.000 đồng/1 kWh

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc định giá điện đang có vấn đề cần xem xét lại. Hiện nay, Chính phủ đã có quy định về điện bán lẻ bình quân, giá bán lẻ này đã bao gồm các chi phí đầu vào, các chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh, truyền tải, phân phối và lãi… của ngành Điện. Trong khi đó, hai phương án Bộ Công Thương đưa ra chỉ có 1 mốc là 0-100kWh bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân, còn 4 bậc từ trên 101kWh đến trên 700kWh thì đều cao hơn giá bán lẻ bình quân. Như vậy, tính chung giá bán lẻ bình quân cao hơn giá điện bình quân mà Chính phủ quy định.
Về vấn đề 1 giá, ông Thịnh đặt vấn đề, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án quy định 145% và 155% so với giá bán lẻ điện bình quân, như vậy ý nghĩa của giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ còn có hiệu lực hay không? Và nếu theo phương án 1 giá thì người dùng điện ít lại thiệt thòi.

Tăng, giảm so với giá hiện hành

- Nếu chọn phương án 1, người sử dụng trong khoảng từ 201-300 kWh/tháng và từ 401 kWh/tháng trở lên phải trả thêm 4.000- 99.000 đồng/tháng so với hiện hành. - Nếu chọn phương án 2, người sử dụng từ 701 kWh/tháng trở lên càng phải trả tiền điện nhiều hơn với cả lựa chọn 5 bậc hoặc 1 giá. - Nếu chọn trả 1 giá, khách hàng sử dụng điện sẽ đều phải chi trả tăng hơn so với giá hiện hành.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượngViệt Nam cho biết, phương án điện 1 giá sẽ không khả thi, bởi đưa giá nào để phù hợp với người thu nhập thấp, bảo đảm lợi ích của Nhà nước và người dân là khó. Giá thấp thì người giàu được hưởng lợi vì họ dùng nhiều, nhưng ngành điện không có lãi. Điện sinh hoạt chiếm 35% điện thương phẩm, vì vậy, tính giá thấp họ lỗ, giá cao thì dân không đáp ứng được. Theo đề xuất dự kiến giá điện tăng 145% và 155% so với giá bán lẻ điện bình quân, điện một giá sẽ có mức hơn 3 nghìn đồng/1kWh đã bao gồm thuế. Giá này, người nghèo không thể chi trả, còn người giàu mỗi tháng đóng 6-7 triệu đồng là bình thường. Vì vậy, nên chọn giá 5 bậc thang sẽ phù hợp cho các đối tượng.

Theo ông Ngãi, việc điều chỉnh giữa bậc 1, 2, 3 của phương án bậc thang vừa đưa ra là chưa hợp lý, cần điều chỉnh cho người trung bình trở xuống có thể chấp nhận được. Giá bậc 1, 2, 3 tối đa 2 nghìn đồng/kWh, còn bậc 4, bậc 5 là người khá giả, họ dùng bao nhiêu thì trả lũy tiến thêm theo quy định. Theo đó, khoảng cách giữa 0kWh-100kWh, từ 100-200kWh, 200-400kWh cần phù hợp hơn, nên điều chỉnh bậc 1 lên bậc 2 là 200kWh, bậc 2 lên bậc 3 là 400kWh, trong 2 bậc này điều chỉnh mức giá hợp lý, còn giá nào thì Bộ Công Thương tính toán cho chuẩn.

Trên thế giới, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhiều nước đã áp dụng giá điện theo các bậc để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân. Giá điện của các bậc tăng dần, hộ sử dụng điện càng nhiều, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng, không tiết kiệm điện sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn.

Riêng đối tượng hộ nghèo theo tiêu chí về thu nhập do Thủ tướng Chính phủ quy định được hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt, mức hỗ trợ hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Hộ chính sách xã hội theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định (không thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện theo quy định tại khoản 2 Điều này) và có lượng điện sử dụng cho mục đích sinh hoạt trong tháng không quá 50kWh được hỗ trợ tiền điện tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành. Kinh phí hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo và hộ chính sách xã hội được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn tài chính hợp pháp khác.

Các phương án tính giá điện đều có ưu và nhược

Theo nguyên tắc, Chính phủ quy định mức giá điện bình quân cho một kWh điện và giao cho Bộ Công Thương xây dựng biểu giá điện bán lẻ phục vụ sinh hoạt. Cụ thể, biểu giá điện sinh hoạt bán lẻ phải đảm bảo hai mục tiêu: Thực hiện chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người có thu nhập thấp. Khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, bởi nguồn cung nguyên liệu đầu vào là khoáng thạch có hạn; đồng thời, nếu sử dụng nhiệt điện than sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường, trong khi nhu cầu sử dụng điện rất lớn.

Hiện giá điện đang được xác định dựa trên giá bán lẻ điện bình quân theo Quyết định 24/2017 của Thủ tướng. Mức giá này bao gồm đầy đủ các chi phí đầu vào như phát điện, truyền tải, phân phối, bán lẻ, quản lý ngành… nhằm đảm bảo ngành điện có lãi để tái đầu tư, thực hiện phúc lợi xã hội và hoạt động ổn định, lâu dài.

Theo đề xuất mới của Bộ Công Thương, đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, có hai phương án. Phương án 1 và 2 đều có biểu giá tính theo 5 bậc trên cơ sở 6 bậc hiện tại. Cụ thể: Ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0-100kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành. Giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101-200kWh là bậc 2 mới. Ghép các bậc từ 201-300kWh với 301-400kWh thành bậc 2 mới. Tách bậc thang trên 401kWh-700kWh thành 4 bậc mới: 401-700kWh và bậc 5 từ 701kWh trở lên. Đồng thời, ở phương án 2 có thêm cách tính một giá cho người sử dụng lựa chọn với giá bình quân là 2.703 đồng/kWh (phương án 2A) và 2.889 đồng/kWh (phương án 2B).

Cũng theo đề xuất của Bộ Công Thương, ở phương án 2, khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá. Thời gian tối thiểu khi khách hàng thay đổi từ giá bán lẻ điện 5 bậc sang giá bán lẻ điện một giá, hoặc ngược lại là một năm tính từ thời điểm bắt đầu thay đổi (12 kỳ hóa đơn thanh toán).

Thông tin thêm về các phương án giá mới, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, khác với phương án một giá đã đưa ra lấy ý kiến trước đây bằng giá bình quân sinh hoạt, không nhận được sự ủng hộ của phần đông các bộ, ngành. Bởi lẽ, phương án một giá bằng giá sinh hoạt bình quân, tiền điện các khách hàng sử dụng mục đích sinh hoạt có mức dưới 200kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000 đồng đến 39.000 đồng/khách hàng/tháng. Theo đó, số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hằng năm tăng từ mức trên 1.000 tỷ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỷ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng/năm) do mức giá điện một giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành. Hơn nữa, việc áp dụng giá điện một giá cho tất cả các đối tượng khách hàng sẽ không khuyến khích được việc sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả.

Trên cơ sở đó, ở phương án 2, Bộ Công Thương xây dựng biểu giá ở 4 bậc (phương án 2A và 2B) giống với phương án 1; tại bậc thứ 5 sẽ được tính toán lại để giá điện sinh hoạt bình quân không đổi. Còn đề xuất 1 giá là 145% (phương án 2A) và 155% (phương án 2B) giá bình quân.

Cũng theo ông Tuấn, với hơn 98% tổng số khách hàng hiện đang sử dụng điện ở mức dưới 700kWh/tháng thì lựa chọn phương án 1 và 4 bậc đầu của phương án 2A, 2B thì chi phí trả tiền điện là bằng nhau. Vì vậy, nếu phương án 1 được áp dụng thì biểu giá cho khách hàng chỉ giảm 1 bậc so với biểu giá hiện hành. Còn nếu áp dụng phương án 2A hoặc 2B, khách hàng sẽ có quyền lựa chọn theo giá điện bậc thang hoặc một giá phù hợp với thực tế sử dụng điện của gia đình.

Ông Tuấn cũng cho rằng, các phương án trên đã khắc phục được một phần biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt hiện hành. Và đều có những ưu và nhược điểm. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp ý kiến lựa chọn của các cơ quan đơn vị, các khách hàng sử đụng điện để hoàn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Bài và ảnh: Thu Hằng - Vân Nga

 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.