Du lịch Tây Bắc - Bừng tỉnh sau đại dịch

HẠ THI
Chia sẻ

(PNTĐ) -Đại dịch Covid-19 đã khiến cho du lịch - ngành công nghiệp không khói bị ảnh hưởng nặng nề và cần giải pháp đồng bộ để phục hồi, phát triển. Trong đó, tăng cường truyền thông, quảng bá kích cầu du lịch là một trong những giải pháp quan trọng. Đó cũng là chủ đề hội thảo "Báo chí tuyên truyền phục hồi phát triển du lịch" do Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc quốc lộ 6 tổ chức tại Điện Biên ngày 12/5/2022. Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Điện Biên và Hội Nhà báo 5 tỉnh/TP dọc quốc lộ 6 là Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên.

Phục hồi và phát triển du lịch: Nhiều thách thức

Ông Phạm Ngọc Hân, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập báo Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Điện Biên với vai trò Cụm trưởng Cụm thi đua - cho biết: Xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảng bộ các địa phương dọc quốc lộ 6 đã đề ra nhiều giải pháp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh phát triển du lịch. Do đó, Hà Nội và các địa phương trong khu vực Tây Bắc đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. 

Hai năm gần đây, do tác động của đại dịch Covid-19, du lịch Hà Nội và các tỉnh trong khu vực đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có. Thị trường du lịch và các hoạt động du lịch bị đứt gãy, đình trệ làm cho lĩnh vực du lịch không đạt được các chỉ tiêu, chệch hướng quỹ đạo tăng trưởng. Hiện nay, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang được kiểm soát, ngành du lịch đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển. 

Tuy nhiên, con đường dẫn tới sự phục hồi và phát triển du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.  

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Vừ A Bằng cho biết: Điện Biên có tiềm năng phong phú, đa dạng để phát triển du lịch với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử hào hùng, văn hóa độc đáo. Toàn tỉnh hiện có 29 di tích xếp hạng, trong đó nổi bật nhất là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt chiến trường Điện Biên Phủ, 14 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh.

Trong 2 năm (2020-2021), ngành du lịch Điện Biên bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Năm 2021, Điện Biên chỉ đón được 345.000 lượt khách du lịch, đạt 37,91% so với kế hoạch (901.000 lượt khách), trong đó khách quốc tế ước 308 lượt, đạt 0,4% so với kế hoạch. Tổng doanh thu chỉ đạt 43,24%.

Nhiều đơn vị, doanh nghiệp phải thu hẹp, thậm chí tạm dừng hoạt động kinh doanh. Số lao động hoạt động trong ngành du lịch giảm mạnh từ 14.000 người xuống còn 3.000 người. Lực lượng lao động trong ngành du lịch đã chuyển mạnh sang các ngành, lĩnh vực khác để duy trì thu nhập đảm bảo đời sống. Điều này gây khó khăn rất lớn đối với phục hồi hoạt động du lịch sau đại dịch.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Tưởng, Phó Tổng Biên tập báo Hòa Bình thông tin: Hai năm qua, ngành du lịch Hòa Bình bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Có những thời điểm, để phòng chống dịch bệnh, các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Hòa Bình và các tỉnh, thành phố trên cả nước phải đóng cửa.

Các đường bay quốc tế, nội địa và hoạt động vận tải phải tạm dừng, rơi vào tình trạng “ngủ đông”. Năm 2020, tổng doanh thu từ khách du lịch của Hòa Bình chỉ đạt 59% kế hoạch năm. Đến năm 2021 giảm xuống còn 43% kế hoạch, không đạt chỉ tiêu đề ra. 

Còn ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên nhấn mạnh: Một trong những khó khăn và thách thức lớn nhất trong việc phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch là nguồn nhân lực lao động trong ngành du lịch. Việc thiếu hụt nguồn nhân lực khi lao động chuyển sang ngành nghề khác, lực lượng lao động mới chưa kịp đào tạo bài bản ảnh hưởng rất lớn đến sự phục hồi. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa đồng bộ, không có sự kết nối liên thông với các điểm đến hấp dẫn khác cũng khiến khách du lịch đến một lần và khó quay trở lại…

Bàn về các giải pháp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn sau đại dịch, ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội cho rằng muốn kích cầu du lịch đồng bộ, vững chắc trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, khó lường rất cần những cơ chế, chính sách phù hợp, linh hoạt mang tính đặc thù về tài chính, trang thiết bị, đội ngũ chuyên sâu, tháo gỡ những điểm nghẽn tồn tại để có thể khai thác, tận dụng tối đa năng lực, chuyên môn của các đơn vị, cá nhân lựa chọn đầu tư phát triển du lịch. 

Báo Phụ nữ Thủ đô trao học bổng cho học sinh dân tộc nghèo vượt khó
Nhân tham dự hội thảo "Báo chí tuyên truyền phục hồi và phát triển du lịch", Quỹ Vì Phụ nữ và trẻ em hoạn nạn, Báo Phụ nữ Thủ đô đã trao 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho 10 học sinh dân tộc nghèo vượt khó tại các điểm trường các xã: Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng, Pá Khoang (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Các em đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đã nỗ lực để vươn lên học tập.
Hoạt động trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó là một hoạt động xã hội thường niên của báo Phụ nữ Thủ đô nhằm động viên, tiếp sức đến trường cho những học sinh nghèo.
Du lịch Tây Bắc - Bừng tỉnh sau đại dịch - ảnh 1
Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (thứ 6 trái qua) trao đổi cùng đại biểu Hội Nhà báo các tỉnh dọc quốc lộ 6 tại Hội thảo Ảnh: T.H

Báo chí định hướng, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch

Một trong những giải pháp quan trọng là cần đổi mới và tăng cường công tác truyền thông về du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, truyền thông trên báo chí đóng một vai trò quan trọng. Tại hội thảo, nhiều ý kiến của các đại biểu đến từ Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố dọc quốc lộ 6 đã đưa ra nhiều đánh giá, kiến nghị, giải pháp để báo chí làm tốt việc định hướng, thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch.

Theo Tổng Biên tập báo Điện Biên Phủ Phạm Ngọc Hân, trong công tác tuyên truyền về phát triển du lịch, Hội Nhà báo các địa phương trong Cụm thi đua đã phối hợp với lãnh đạo các cơ quan báo chí, bám sát định hướng tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bộ và chính quyền địa phương về phát triển du lịch, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Qua đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch một cách bền vững, giúp cấp ủy, chính quyền địa phương có cái nhìn tổng thể hơn trong các lĩnh vực này. Từ đó, đưa ra những quyết sách kịp thời, phù hợp với từng giai đoạn. Thông qua các chuyên đề, chuyên mục về du lịch, báo chí không chỉ thông tin đầy đủ cho du khách về những nét đẹp văn hóa của địa phương mình mà còn cung cấp cho nhân dân những kiến thức cơ bản, những hiểu biết nhất định về chương trình phát triển du lịch của từng tỉnh, thành phố, các loại hình du lịch đang phát triển trên địa bàn; giới thiệu những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa dân tộc, làng nghề truyền thống, lễ hội đặc trưng…

Sự đa dạng và phong phú trong cách tuyên truyền không chỉ làm cơ sở cho nhận thức của người dân mà còn giúp các cấp lãnh đạo địa phương thấy rõ thực trạng phát triển du lịch ở địa phương mình, từ đó có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời trong quá trình điều hành. 

Dẫn chứng về hiệu quả trong công tác truyền thông về du lịch trên báo chí, góp phần vào việc phục hồi và phát triển du lịch trong đại dịch của Lai Châu, ông Nguyễn Viết Mạnh, Tổng Biên tập báo Lai Châu cho biết: Với phương châm “mở cửa an toàn để phục hồi du lịch”, những tháng cuối năm 2021, Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, du lịch Lai Châu đã có những khởi sắc khi hàng loạt hoạt động kích cầu, thu hút du lịch được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương tổ chức. Các điểm đến cộng đồng đã đón hàng loạt lượt du khách ghé thăm, trải nghiệm nhờ chính sách kích cầu và tuyên truyền đúng định hướng. 

Ông Đinh Anh Đức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sơn La cũng cho biết: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Sơn La gặp khó khăn trong công tác tuyên truyền về phát triển du lịch khi phải hạn chế đi lại, tụ tập đông người. Tuy nhiên, các cơ quan báo chí Sơn La đã làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, thường xuyên dành thời lượng phát sóng, khuôn khổ trang báo để xây dựng chuyên trang, chuyên mục, cử phóng viên bám khối, bám ngành, bám cơ sở, tuyên truyền đậm nét du lịch trong đại dịch theo mục tiêu, giải pháp chiến lược “thích ứng linh hoạt, từng bước đưa các hoạt động chuyển sang bình thường mới”. 

Đánh giá cao hiệu quả tuyên truyền về du lịch thông qua các cuộc thi viết về du lịch được phát động trên báo chí nhằm định hướng phục hồi và phát triển du lịch trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp, ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo TP Hà Nội nêu đề xuất lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam cùng phối hợp tổ chức giải báo chí về chủ đề “Văn hóa và Du lịch” dành riêng cho 5 Hội Nhà báo dọc quốc lộ 6.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung, chủ đề tuyên truyền phù hợp với thực tế, tổ chức các nhóm phóng viên của 5 tỉnh thành phố chủ động tìm hiểu cơ sở, đăng ký đề tài, xây dựng kịch bản, đề xuất ý tưởng… từng bước mở rộng quy mô giải để thu hút thêm các đối tượng chuyên và không chuyên cùng tham gia. 

Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, để tiếp tục đồng hành cùng ngành du lịch phục hồi phát triển, cần tăng cường kết nối báo chí cùng doanh nghiệp du lịch, cơ quan quản lý du lịch với nhiều hình thức quảng bá phong phú, hiện đại để việc quảng bá, tuyên truyền đạt hiệu quả cao. Chia sẻ hình ảnh, video, clip giữa các cơ quan báo chí để có thể tạo ra những sản phẩm truyền thông về du lịch. Từ đó quảng bá các sản phẩm du lịch đặc sắc của từng địa phương trong tỉnh nhằm kích cầu du lịch trở lại.

Loạt bài "Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống" của nhóm phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đoạt giải Nhì 
Ngày 12/5, Cụm thi đua Hội Nhà báo các tỉnh/thành phố dọc quốc lộ 6 đã trao giải cuộc thi báo chí tuyên truyền "Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống" năm 2021. Cuộc thi được phát động từ ngày 1/2/2021 đến hết ngày 30/9/2021. Ban tổ chức đã nhận được 100 tác phẩm dự thi, trong đó, 55 tác phẩm được tuyển chọn vào vòng chung khảo.
Kết quả, có 21 tác phẩm đoạt giải với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải khuyến khích. Nhóm phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô vinh dự được nhận giải Nhì với tác phẩm: “Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống: Nhanh chóng biến Nghị quyết thành hiện thực” của các tác giả: Thu Hà, Phạm Hằng, Thảo Hương, Vân Nga và Quỳnh Anh.
 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường. Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội; đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường.