Từ vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân:

Đừng để cháy nhà mới ra... vi phạm

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Từ vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân khiến 56 người tử vong, dư luận đặt nhiều câu hỏi về công tác quản lý loại hình nhà ở - chung cư mini được thực hiện như thế nào? Những bất cập, trách nhiệm của các bên liên quan trong cấp phép xây dựng? Và giải pháp nào để không bao giờ tái diễn sự việc đau lòng thêm lần nữa?

Đừng để cháy nhà mới ra... vi phạm - ảnh 1
Hiện trường vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ, Thanh Xuân. Ảnh: Int

Hà Nội đang có khoảng 2.000 chung cư mini 

Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, chiểu vào giấy phép xây dựng của chung cư mini, dư luận mới “vỡ nhẽ”, đây không phải là chung cư mà chỉ là nhà ở riêng lẻ, chủ đầu tư đã bất chấp vi phạm quy định.

 Tại Giấy phép xây dựng số 89-2015/GPXD của UBND quận Thanh Xuân cấp ngày 11/3/2015, ông Nghiêm Quang Minh được phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (tại số 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình) theo thiết kế cao 6 tầng, 1 tầng lửng và tum thang có không gian kỹ thuật với tổng diện tích sàn xây dựng là 1.165,9m2; tổng chiều cao công trình là 20,2m (không tính tum thang); mật độ xây dựng là 70%. Công trình được thiết kế bởi Công ty cổ phần Thương mại và Xây dựng Việt W.A.Y lập; công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng và môi trường thẩm tra; và được Phòng Quản lý đô thị quận Thanh Xuân xác nhận kèm theo giấy phép. Tuy nhiên, trên thực tế, tòa nhà này lại được xây dựng 10 tầng, trong đó có 1 tầng hầm, 8 tầng nổi, 1 tum và mật độ xây dựng trên 100% diện tích.

Chỉ sau khi vụ cháy xảy ra, dư luận đầy phẫn uất khi biết nhà ở riêng lẻ này đã được xây vượt tầng, “biến tướng” với tên gọi chung cư mini. Chủ đầu tư Nghiêm Quang Minh đã bị khởi tố và bị bắt tạm giam để điều tra về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.

Thông tin về việc cấp phép xây dựng, trách nhiệm quản lý công trình xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Thành phố phân cấp cho các quận, huyện, thị xã thực hiện về cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ không phân biệt quy mô. Sở Xây dựng chỉ thực hiện cấp phép xây dựng đối với các dự án, công trình cấp 2 trở lên (cụ thể có tổng diện tích sàn từ 5.000m2 đến dưới 10.000m2, hay có chiều cao từ 9-19 tầng), có thẩm duyệt về PCCC, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi... 

Đừng để cháy nhà mới ra... vi phạm - ảnh 2
Lối vào chung cư mini của bị can Nghiêm Quang Minh tại số 58B-C, nằm trong ngõ 117 Thái Hà, quận Đống Đa.   Ảnh: Vân Nga

Là người sống nhiều năm tại một tòa nhà cũng được gọi là chung cư mini trên ngõ 117 Thái Hà, quận Đống Đa, chị Bích Hạnh chia sẻ: “Gần 8 năm nay sống ở đây, chúng tôi chưa bao giờ được hướng dẫn về phòng cháy, chữa cháy, dù tòa nhà cũng có thiết bị chữa cháy, bảng nội quy nhưng không có người giám sát... Chúng tôi tự bảo nhau về việc giữ gìn không để cháy nổ xảy ra thôi. Từ khi xảy ra vụ cháy ở Thanh Xuân, chúng tôi cũng rất lo lắng vì đã mua nhà không có sổ hồng, khi cơ quan chức năng kiểm tra nếu tòa nhà vi phạm về xây dựng, về PCCC… thì quyền lợi và trách nhiệm của chúng tôi sẽ như thế nào”. 

Tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ

Ngày 15/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký công điện số 825 triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo các sở, ngành tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC tại các chung cư, nhà ở nhiều căn hộ, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cháy, nổ cao. Mục tiêu để đánh giá thực trạng, có ngay các giải pháp hạn chế xảy ra cháy, nổ và giảm thiểu tối đa thiệt hại, hậu quả do cháy, nổ gây ra, hoàn thành việc tổng rà soát trước ngày 15/11. 
Cũng trong ngày 15/9, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ban hành kế hoạch về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn Thành phố. Theo đó, Hà Nội yêu cầu tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, an toàn điện, an toàn về PCCC và CNCH đối với 100% chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên địa bàn quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật. 
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Thời gian thực hiện từ 15/9 đến trước 30/10/2023. V.N

 

Không chỉ chị Hạnh mà trên địa bàn thành phố Hà Nội còn rất nhiều người đang sinh sống ở những căn hộ thuộc diện chung cư mini này. Thông tin tại Hội nghị trực tuyến do UBND TP Hà Nội tổ chức triển khai Công điện số 796 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 15/9, đại diện Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cho biết theo rà soát hiện toàn Thành phố có khoảng 2.000 chung cư mini, trong đó tập trung nhiều nhất ở quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ… 

Cần xử lý nghiêm, quản lý chặt
Ngày 15/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy ký ban hành quyết định kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 3 tổ chức Đảng là: Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Xuân, Đảng ủy Công an quận Thanh Xuân và Đảng ủy phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và 2020 - 2025.

Làm rõ về quy định pháp luật đối với loại hình nhà ở có tên chung cư mini, theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong các văn bản về tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng không có khái niệm “chung cư mini”, mà chỉ có nhà chung cư. Cái đang gọi là “chung cư mini” chính là loại hình nhà ở riêng lẻ, do cá nhân/hộ gia đình được cấp phép xây dựng, nhưng tự ý cải tạo để có từ hai căn hộ trở lên, khép kín, diện tích mỗi căn hộ thường khoảng 30m2. 

Luật Xây dựng 2014 không đề cập đến cái gọi là “chung cư mini” mà chỉ có nhà ở riêng lẻ. Nhưng có một số văn bản có đề cập tới chung cư mini như tại Điều 43, Nghị định 71 của Chính phủ năm 2010, và Điều 22, Quyết định số 24/2014, UBND TP Hà Nội. Theo đó, nếu chung cư mini đáp ứng được các điều kiện theo quy định của pháp luật thì người mua sẽ được cấp sổ hồng sở hữu riêng cho căn hộ mua và quyền sử dụng chung đối với diện tích đất xây dựng tòa chung cư này. 

Về giải pháp trong quản lý loại hình nhà ở này, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, trước hết phải nâng cao trách nhiệm khi lập quy hoạch. Ngõ phải mở rộng tối thiểu 4m bảo đảm xe cứu hỏa có thể đi vào khi có sự cố... Ở góc độ quản trị đô thị, chúng ta phải kiểm tra, giám sát thật tốt khâu xây dựng chung cư, phải có báo cáo hoàn công. Mỗi xã, phường có một hay hai cán bộ địa chính, ở quận có đội ngũ thanh tra nếu người ta làm sai phải phạt nghiêm khắc. Đừng có kiểu phạt rồi cho tồn tại, hoặc vì "lợi ích nhóm" để làm ngơ.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nếu như cơ quan chức năng làm việc đúng chức trách, sau khi phát hiện ra sai phạm, xử lý một cách triệt để, trong khi thị trường có đủ các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của người dân, thì có lẽ những tòa chung cư mini không đảm bảo tiêu chuẩn cũng sẽ không có cơ hội được tiêu thụ. Để đảm bảo việc vận hành, khai thác các chung cư mini đảm bảo an toàn, cần có thêm các quy định yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về việc đầu tư, xây dựng. Đồng thời, tuyệt đối không phê duyệt các chung cư mini có vị trí sâu trong ngõ, khó tiếp cận PCCC.

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Hội Nữ trí thức thành phố Hà Nội đề nghị, Thành phố cho rà soát lại thực trạng Hà Nội có bao nhiêu nhà chung cư mini, nhà ở dạng này một cách chi tiết số lượng, phân loại, vị trí như thế nào, xây dựng có phép hay không, đủ điều kiện PCCC chưa… cần tỉ mỉ, chi tiết và công khai. Thứ hai là rà soát hệ thống quy định pháp luật về Luật Nhà ở, Luật Thủ đô… về việc quản lý loại hình nhà ở chung cư mini. Thứ ba là rà soát việc Thành phố đã trao trách nhiệm cho ai quản lý. Thứ tư là trách nhiệm quản lý của các cấp, ngành đến đâu? Sau khi đã làm rõ trách nhiệm thì đề nghị phải xử lý thật nghiêm những người liên quan để không bao giờ tái diễn sự việc đau lòng như vụ cháy vừa rồi nữa. 

Được biết, sau sự cố hỏa hoạn tại quận Thanh Xuân, ngày 15/9, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 4157/BXD-QLN đề nghị các tỉnh, thành phố trên cả nước kiểm soát chặt việc xây dựng công trình thiết kế nhiều tầng, nhiều căn hộ ở.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.
Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Giúp phụ nữ ứng phó với bạo lực trên không gian mạng

Giúp phụ nữ ứng phó với bạo lực trên không gian mạng

(PNTĐ) - Ngày 22/4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp với Hội Phụ nữ Bộ Công an và Văn phòng Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức hội thảo "Phụ nữ, Hòa bình và An ninh mạng - Nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc ứng phó với các thách thức trên không gian mạng".
Bà vẫn yêu cháu nhiều

Bà vẫn yêu cháu nhiều

(PNTĐ) - Tranh thủ lúc cháu nội được nghỉ hè, bà khăn gói quả mướp từ quê lên phố chơi với cháu đôi tháng. Đón bà, cô cháu reo lên vui mừng: “Nhà có thêm bà thật là thích vì bà lúc nào cũng là người yêu cháu nhất”.