Hè về, báo động thảm kịch đuối nước ở trẻ em

Bài và ảnh: QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhưng theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước vẫn có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mùa hè đang đến, trẻ em được nghỉ học, có nhiều hoạt động ngoài trời, cũng là thời điểm đáng lo ngại nhất về sự cố đuối nước.

Hè về, báo động thảm kịch đuối nước ở trẻ em - ảnh 1
Lực lượng chức năng tìm kiếm nữ sinh T.T.M.T (14 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mất tích do đuối nước ngày 6/5.    Ảnh: C.Dũng

Gia tăng trẻ tử vong do đuối nước
Năm nay, dù vừa mới vào hè nhưng cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm. Trong ngày 6/5, cả nước đã xảy ra 3 vụ tai nạn đuối nước, khiến 5 người thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em. Tại Hà Nội, nữ sinh T.T.M.T (14 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mất tích do không may trượt chân ngã xuống hồ điều hòa trong khu đô thị ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm khi đang vui chơi, chụp ảnh. Cùng ngày, em Đ.G.H (16 tuổi, trú tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đi tắm biển cùng bạn thì chẳng may bị sóng cuốn trôi. Tại Nghệ An, hai bé gái V.T.H.A (sinh năm 2011) và cháu K.T.T.X (sinh năm 2012, cùng trú tại xã Thanh Sơn, huyện Đô Lương) rủ nhau đi bắt ốc ở khe suối gần nhà thì bị đuối nước... 

Đặc biệt, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, nhiều trẻ được gia đình cho đi du lịch, nghỉ mát ở các bãi biển, khu sinh thái hoặc về quê chơi cũng đã xảy ra đuối nước. Ngày 3/5, cháu N.H.Đ (15 tuổi) khi đi chơi tại khu vực thác Trời trên sông La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) không may bị đuối nước. Cháu P.M.Đ, 14 tuổi cùng gia đình đi tắm tại bể bơi Khu sinh thái Hải Thượng (Hương Sơn, Hà Tĩnh) cũng tử vong do đuối nước. Cháu L.V.H, 15 tuổi, trú tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị theo gia đình vào biển Cửa Việt để tắm biển và bị sóng cuốn trôi. Chiều 29/4, ba cháu nhỏ (cháu lớn nhất 12 tuổi, cháu nhỏ nhất 5 tuổi) ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã tử vong do đuối nước khi đi tắm tại đập nước gần nhà… 

Những con số thống kê về đuối nước trẻ em luôn khiến người lớn giật mình lo lắng. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), mỗi năm cả nước có trên 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Con số này đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với trẻ em ở Việt Nam trong độ tuổi từ 2-15. 

“9 nguyên tắc an toàn để phòng chống đuối nước mà cha mẹ dạy trẻ gồm: Không xuống nước nếu không biết bơi; không chơi ở các khu vực ao hồ, sông, đập; không tự ý đi chơi, bơi khi không có người lớn đi kèm; không chơi, bơi ở những nơi nguy hiểm; quá trình bơi có mưa dông hay mệt mỏi thì phải lên bờ ngay; chỉ bơi, chơi ở những nơi có người cứu hộ; dạy các con đảm bảo an toàn nơi cộng đồng, bảo đảm an toàn cho con khi tham gia giao thông đường thủy; trẻ khi tham gia giao thông đường thủy cần mặc áo phao; không nô đùa khi ngồi trên tàu…Cần tập kỹ năng cứu đuối gián tiếp và kỹ năng sơ cấp cứu cho trẻ, tuyệt đối không cứu đuối trực tiếp khi có sào gậy thì đưa cho họ bám lấy…” - bà Vũ Thị Kim Hoa, Cục phó Cục Trẻ em nhấn mạnh.

Đặc biệt, tỷ lệ tử vong do đuối nước ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị. Đuối nước chủ yếu xảy ra tại cộng đồng (như ở ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng) chiếm tới 77,6%; 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác. Các số liệu cũng ghi nhận tình trạng đuối nước xảy ra chủ yếu vào những tháng học sinh nghỉ hè và trong số các trẻ bị đuối nước còn có các em đã biết bơi, thậm chí bơi rất giỏi! 

Người lớn còn chủ quan trong đảm bảo an toàn đuối nước cho trẻ
Trẻ con luôn hiếu động, thích khám phá nhưng lại chưa biết cách bảo vệ mình khi gặp tình huống nguy hiểm ở dưới nước. Hầu hết các vụ đuối nước trẻ em thì nạn nhân bị đuối nước do tắm ao, sông, hồ... vốn là những địa điểm nằm trong/gần khu vực các em cư trú, nên phát sinh sự chủ quan về sự cảnh báo hoặc răn đe từ người lớn. Sự xao nhãng, bất cẩn của các bậc cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự cố đuối nước ở trẻ. Theo thống kê, trên 50% các trường hợp chết đuối xảy ra ngoài trời khi trẻ tắm ở ao, hồ, sông, suối và tắm biển không có người lớn đi kèm. 

Ở khu vực nông thôn, tỷ lệ trẻ được học bơi, biết bơi rất thấp. Đơn cử như tại Nghệ An, địa phương có nhiều kênh, ao, hồ trên các địa bàn dân cư song chỉ có 3,3% trẻ biết bơi. Điều này cho thấy, nhận thức về đuối nước của người dân ở các khu vực này còn thấp. Việc trẻ biết bơi từ thấp đến rất thấp khiến cho nguy cơ đuối nước càng cao. 

Tại các thành phố lớn, trẻ được chú trọng việc học bơi lội hơn, song bơi ở bể bơi khác bơi ở ao hồ, sông suối và càng khác khi trẻ bơi ở biển. Biết bơi chỉ là kỹ năng cơ bản, để thực sự an toàn, trẻ cần được học một số kỹ năng an toàn trong môi trường nước, biết cách sơ cứu để có thể tự cứu mình khi không may bị chuột rút hoặc bị sóng đánh ra xa bờ, và có thể cứu đuối bạn một cách an toàn. Trên thực tế, không ít trường hợp trẻ biết bơi, những kỹ năng sinh tồn, xử lý tình huống còn kém, dẫn đến gặp nguy hiểm khi sự cố xảy ra. 

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, phòng khám Cây Thông Xanh phân tích: Hầu hết các tỉnh của Việt Nam, ao, hồ, kênh, rạch nhiều nhưng thiếu điểm vui chơi an toàn, thiếu người cảnh giới, không có rào chắn hay cảnh báo nơi nguy hiểm, mà ở lứa tuổi của các em cần thiết phải có sự giám sát của người lớn. Tuy nhiên, người lớn còn bận đi làm kiếm sống, và nhiều lúc trẻ em lẻn đi chơi mà không báo cho cha mẹ biết, khi xảy ra đuối nước thì đã quá muộn…

Chưa kể, chính sự chủ quan từ phía các đơn vị quản lý cũng khiến cho các vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Không ít vùng biển không hề có cờ cảnh báo khi nước sâu, nước xoáy, nhiều khu vui chơi, resort những đội cứu nạn, cứu hộ không có tính chuyên nghiệp, cũng không túc trực để sẵn sàng xử lý sự cố. Có những hồ bơi người lớn và trẻ nhỏ để cạnh nhau, trẻ có thể thoải mái sang hồ bơi người lớn mà không ai nhắc nhở. Nhiều hồ bơi hoành tráng, đẹp nhưng thiết bị thiếu an toàn cũng khiến sự cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào…

Một vấn đề nữa là tình trạng sơ cứu, cấp cứu, điều trị kịp thời cho trẻ bị đuối nước còn chưa tốt. Đa số cha mẹ hay người lớn khi thấy trẻ đuối nước thường dành quá nhiều thời gian cho việc xốc nước. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Hồ Chí Minh chỉ ra, động tác dốc ngược nạn nhân bị đuối nước là không cần thiết và không nên thực hiện. Thông thường, lượng nước vào phổi rất ít và sẽ được tống ra ngoài khi nạn nhân tự thở lại. Việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt, ấn tim và tăng nguy cơ hít sặc, làm mất thời gian vàng cứu trẻ thoát khỏi tình trạng thiếu oxy não, có thể gây tử vong hoặc di chứng nặng nề cho trẻ sau này. Do đó, người sơ cứu phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa đầu nạn nhân lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ, sau đó tiếp tục hồi sức tim phổi. 

Tai nạn đuối nước: Cần phòng hơn chống
Đuối nước không chỉ là một thực trạng hay số liệu. Đằng sau mỗi vụ đuối nước trẻ em là những nỗi đau đớn, ân hận không bao giờ nguôi ngoai, để lại những vết thương lòng cho các gia đình. Làm sao để tỉ lệ đuối nước ngày một giảm, giảm sâu đến mức tối thiểu là mong muốn của mỗi người, của toàn xã hội. Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTBXH), một trong những biện pháp hiệu quả nhằm giảm nguy cơ đuối nước là tiếp tục tuyên truyền, phổ cập dạy bơi cho trẻ, trang bị cho các em những kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Hiện nay, chương trình phòng, chống đuối nước đã được Bộ LĐTBXH triển khai dạy bơi cho hơn 30.200 trẻ em từ 6-16 tuổi tại 8 tỉnh có tỷ lệ trẻ em đuối nước cao nhất cả nước và đang được nhân rộng tại nhiều địa phương. Một số địa phương như Long An, Đồng Tháp, TP Cần Thơ... đã triển khai chương trình bể bơi mini bằng lưới có 4 cây tre/ ống nước lớn căng ở 4 góc để trẻ tập bơi, mô hình bể bơi di động…

Bác sĩ Nguyễn Trọng An cũng nhấn mạnh: Trẻ xuống nước vui chơi, không chỉ là biết bơi lội phổ thông mà cần thiết phải có kỹ năng sinh tồn trong môi trường nước, như nín thở - ngụp lặn, trồi người, đứng nước và kỹ năng cứu đuối. Chính vì có nhiều em thiếu các kỹ năng trên, mới biết bơi được hơn chục mét đã chủ quan, khi xảy ra sự cố như tụt chân xuống hố nước đột ngột, chuột rút, bị bạn dìm, túm bám… đã không biết cách xử trí. Hoặc thấy bạn bị đuối nước đang vùng vẫy là nhảy ào xuống cứu, bị bạn ôm chặt cứng lấy, bạn bị bất tỉnh ko biết cách bơi dìu vào bờ, không biết cách hồi sức tim phổi… dẫn đến chết chùm cả 2, 3. Do đó, dạy bơi cho trẻ em cần được hiểu là: Dạy các kỹ năng tồn tại trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối, kỹ năng hồi sức tim phổi... sau đó mới đến kỹ năng bơi ếch, bơi sải,... như chúng ta biết. Điều này rất cần được tuyên truyền sâu rộng.

 Bàn về vai trò của cha mẹ, bà Vũ Thị Kim Hoa, Cục phó Cục Trẻ em khẳng định, cha mẹ là những người đầu tiên bảo vệ con em mình trước tai nạn đuối nước từ trong gia đình. Cha mẹ cần xây dựng ngôi nhà an toàn, cắm rào ao ở các khu vực nguy hiểm; các chum vại bể nước phải đậy và dùng nắp bể an toàn, dạy con kỹ năng bơi lội và kỹ năng an toàn trong môi trường nước…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

(PNTĐ) - Chiều 24/6, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Hội LHPN huyện Ứng Hòa và nhà tài trợ Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Phúc Hoàng An đã tổ chức trao tặng thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng cho Trạm y tế xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.