Khi nào người lao động được hưởng chế độ ốm đau?

Chia sẻ

Chị Phan Thu Hòa gửi thư lên Báo PNTĐ nhờ giải đáp: Tôi hiện đang làm kế toán cho 1 Công ty dưới hình thức Hợp đồng không xác định thời hạn dược 10 năm. Tôi có đóng bảo hiểm đầy đủ. Trong tháng vừa rồi tôi phải nghỉ việc 10 ngày vì bị ốm (điều trị tại bệnh viện). Vậy Báo cho tôi hỏi, như vậy tôi có thuộc đối tượng được hưởng chế độ ốm đau không?

Khi nào người lao động được hưởng chế độ ốm đau? - ảnh 1 (Ảnh: minh họa)

Về việc này Báo PNTĐ trả lời như sau: 

Điều 24 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định đối tượng áp dụng chế độ ốm đau là người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 của Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, gồm các đối tượng sau:

“a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

c) Cán bộ, công chức, viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

h) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương”.

- Khoản 1 Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau: Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau”.

- Khoản 1 Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d và h khoản 1 Điều 2 của Luật này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần và được quy định như sau:

a) Làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên;

b) Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Như vậy, theo quy định trên, chị là người lao động theo Hợp đồng lao động không xác định thời hạn, bị ốm điều tri tại bệnh viện  do đó chị thuộc đối tượng được hưởng chế độ ốm đau. Do chị đóng bảo hiểm xã hội được 10 năm, với vị trí là kế toán thuộc trong điều kiện làm việc trong điều kiện bình thường, chị được hưởng chế độ ốm đau là được nghỉ 30 ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần

BÁO PHỤ NỮ THỦ ĐÔ

Tin cùng chuyên mục

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.