Khi phụ nữ chống lại bạo lực

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Lực lượng dân quân tự vệ địa phương có tên Wazalendo ở Cộng hoà Dân chủ Congo đang cầm vũ khí chống lại nhóm phiến quân M23 để giữ gìn bình yên cho các ngôi làng.

M23 được xem là nhóm phiến quân hoạt động mạnh nhất tại Congo khi chiếm quyền kiểm soát những vùng lãnh thổ rộng lớn ở tỉnh Bắc Kivu. Những cuộc giao tranh gần đây giữa nhóm M23 và quân đội Congo đã khiến nhiều người thương vong, đặc biệt là trẻ em. Khoảng 1,7 triệu người Congo đã phải rời bỏ nhà cửa, sống trong các công trình tạm bợ.

Trong cuộc chiến chống lại phiến quân M23, phụ nữ đang đứng tại tuyến đầu, sát cánh với các chiến binh nam. Họ tham gia vào lực lượng Wazalendo, một lực lượng dân quân tự vệ địa phương. Trong các khu vực bị bao vây, có hơn 100 nhóm vũ trang và liên minh Wazalendo hiện bao gồm các đơn vị mới thành lập cùng với các chiến binh đã tham gia chiến đấu nhiều năm.

Phụ nữ tham gia lực lượng Wazalendo với nhiều lý do khác nhau, từ việc nỗ lực thoát khỏi tình trạng nghèo đói, tìm kiếm sự bảo vệ, hay đơn giản là vì họ cảm thấy không có lựa chọn nào khác ngoài việc chiến đấu. Cô Marie Byamwungu (tên đã được thay đổi), một trong những nữ chiến binh, đã mô tả những trận chiến ác liệt giữa nhóm dân quân của cô và phiến quân M23. Dù nguy cơ tử trận luôn hiện hữu, cô vẫn tự hào vì có thể đứng ra chiến đấu để bảo vệ cộng đồng của mình.

Khi phụ nữ chống lại bạo lực - ảnh 1
Nhiều phụ nữ tham gia lực lượng dân quân tự vệ Wazalendo. Ảnh: Aljazeera

Xung đột đã khiến Byamwungu cũng như những người phụ nữ khác phải di dời khỏi nơi sinh sống của mình. Theo nhận định của các chuyên gia, những phụ nữ như Byamwungu đã nhập ngũ ở các vị trí cấp thấp, vì vậy họ có nguy cơ tử trận rất cao khi thường xuyên phải chiến đấu ở tuyến đầu. Mặc dù vậy, niềm tin vào sự bình yên vào một ngày không xa đã thôi thúc họ tiếp tục chiến đấu. "Tôi đã chứng kiến những cuộc giao tranh ác liệt nhưng tôi tự hào. Tôi vẫn có thể ra trận", cô nói.

Cô Byamwungu còn nhớ như in tiếng bom và đạn súng cối hạng nặng rơi xuống ngôi làng của mình. Không thể cứu được bất kỳ tài sản nào, lựa chọn duy nhất của cô là chạy trốn về phía Nam cùng gia đình, đến một trại tị nạn đổ nát bên lề đường dẫn ra khỏi thành phố. "Ở trại tị nạn không có đủ thức ăn. Phụ nữ phải mạo hiểm vào khu rừng gần đó để tìm kiếm thức ăn và phải đối mặt với nguy cơ bị các nhóm vũ trang hãm hiếp", cô kể lại.

Sau 2 năm, Byamwungu quyết định gia nhập lực lượng Wazalendo. Trong khi mẹ cô không đồng ý vì lo cho sự an toàn của con gái thì cha cô lại bày tỏ sự ủng hộ quyết định mang tính bước ngoặt của con gái. Byamwungu đã chọn gia nhập một nhóm chiến binh có tên là "Liên minh các lực lượng bảo vệ yêu nước Congo" (UFPDC). Tại đây, cô được huấn luyện các kỹ năng chiến đấu, được luyện bắn súng. Cùng với những nữ chiến binh khác, ngoài chiến đấu, cô còn đảm nhiệm việc dọn dẹp căn cứ và phục vụ hậu cần.

Tướng Mbokani Kimanuka, người sáng lập UFPDC cho biết: "Trong lực lượng của chúng tôi có rất nhiều người lính trẻ. Họ rời bỏ nhà cửa và công việc kinh doanh để tham gia chiến đấu. Tất cả đều đã trở thành những người yêu nước. Họ mong muốn hoà bình sớm lập lại".

Các thành viên của Wazalendo đều thừa nhận, họ được nuôi dưỡng nhờ lòng tốt của những cộng đồng lân cận. Họ được cộng đồng cung cấp lương thực, thuốc men và UFPDC không phải là nhóm vũ trang duy nhất tiếp nhận tân binh là nữ. "Người dân địa phương luôn động viên chúng tôi phải mạnh mẽ", Kimanuka nói.

Cũng là nữ chiến binh thuộc Wazalendo, Ntumba (tên nhân vật đã được đổi) dù mới ngoài 20 tuổi nhưng đã chỉ huy hàng chục nữ chiến binh khác. Cô luôn nhắc nhở các chiến binh không được phép cướp bóc hay ăn cắp của người dân. Tất cả các nữ chiến binh đều tin vào tương lai hoà bình. Ngay cả khi cuộc chiến với M23 kết thúc, Byamwungu hy vọng tiếp tục ở lại lực lượng Wazalendo. Còn Ntumba thì cho biết, khi chiến tranh kết thúc, cô sẽ lập gia đình và sinh con.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Kỳ 1: Những nỗi đau không nói thành lời

Kỳ 1: Những nỗi đau không nói thành lời

(PNTĐ) - Tại Việt Nam, trầm cảm là nguyên nhân thứ 5 dẫn đến gánh nặng bệnh tật. Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2023, ước tính có khoảng 3,2 triệu người Việt Nam mắc bệnh trầm cảm. Trong đó, nhóm tuổi từ 18-29 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất (5,4%), tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (4,2%) so với nam giới (2,1%). Đó chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, bởi hàng triệu người vẫn đang phải một mình chống chọi với nỗi đau vô hình đó, khiến không ít thảm cảnh đã xảy ra khiến con thơ mất mẹ, cha mẹ mất con, vợ/chồng mất nhau...
Gắn kết gia đình từ những chiếc bánh

Gắn kết gia đình từ những chiếc bánh

(PNTĐ) - Hôm vừa rồi, tiệm bánh của chị Hòa có cô bé đến mua bánh. Thấy chị đeo tạp dề, gắp bánh, xếp vào hộp cứ thoăn thoắt, bánh lại đẹp mê li, cô bé xuýt xoa, “em cũng muốn có tiệm bánh giống chị”. Mẹ chị Hòa đang phụ con gái mới quay qua bảo: “Ngày xưa, nó thấy bố mẹ không bao giờ mua bánh cho, nên bây giờ bỏ cả cái bằng thạc sỹ để làm bánh đấy cháu ạ!”.