Khốn đốn vì tín dụng đen qua app

T.Hà - H.Nhung
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thủ tục vay dễ dàng, không cần tín chấp, chuyển khoản nhanh chóng cho khách hàng khiến nhiều người đã sập bẫy các app vay tiền dưới hình thức “tín dụng đen” trên mạng xã hội. Để rồi sau đó phải khốn đốn với mức lãi suất cắt cổ và nhiều hình thức đòi nợ như khủng bố, dọa dẫm, bôi nhọ danh dự, uy tín của các app tín dụng đen này.

Khốn đốn vì tín dụng đen qua app - ảnh 1
Bộ Công an triệt phá ổ nhóm cho vay qua app chuyên khủng bố con nợ, lãi suất cắt cổ lên đến 2.000 %/năm Ảnh: BCA

Một người sập bẫy, cả nhà bị khủng bố
Làm đơn kêu cứu đến báo Phụ nữ Thủ đô, chị P.T.V (trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai) cho biết, từ tháng 6/2022, chị nhận được các cuộc điện thoại gọi đến giới thiệu về một số app vay tiền trên mạng xã hội và trên trang web theo hình thức tự động cập nhật họ tên, số điện thoại, hộ khẩu, nơi làm việc, tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân…Do đang có nhu cầu vay một khoản nhỏ để trả nợ thẻ tín dụng đến hạn, chị V có vào tìm hiểu các trang web và app cho vay tiền dưới sự hướng dẫn của nhân viên tự xưng là tư vấn viên của các trang web và app đó. Sau khi chị V làm theo hướng dẫn thì tiền tự động được chuyển vào tài khoản của chị. 

Chị V cho biết liên tục sau đó các trang web và app khác (Thiên Nga, Hiệp sĩ, Hồ lô, Kim Tự Tháp, Hoa loa kèn, Trà sữa…) tự động cập nhật thông tin cá nhân và tự động chuyển tiền vào tài khoản của chị. Đồng thời trên trang web và các app cũng tự động báo chị có khoản nợ kèm theo các chi phí như: Lãi suất, phí thẩm định, phí quản lý hồ sơ rất cao so với khoản tiền thực chuyển vào tài khoản của chị. Ví dụ, số tiền trên app thực chuyển vào tài khoản của chị chỉ có 1 triệu nhưng số tiền sau 7 ngày chị phải trả hoàn lại cho áp là hơn 3 triệu đồng. Nếu sau 7 ngày không trả thì số tiền đó cứ thế nhân đôi theo ngày một. Do không có khả năng hoàn trả app, chị được các app khác liên tục chuyển tiền và tài khoản nên đã dùng số tiền đó quay vòng tạm thời trả app trước đã vay. Không ngờ, việc đó khiến chị nhanh chóng rơi vào bẫy của các app tín dụng đen. 

Ghi nhận của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022, có hơn 2.624 người báo cáo lừa đảo qua canhbao.ncsc.gov.vn. Trong đó, số người phản ánh về các ứng dụng liên quan tới hoạt động tín dụng đen chiếm 30% số lượng cảnh báo về lừa đảo trực tuyến được gửi về. Để vay tiền, người dân chỉ cần tải các ứng dụng trên điện thoại (app), sau đó chụp ảnh CMND hoặc CCCD và thế chấp bằng danh bạ điện thoại là có thể vay số tiền từ 2 đến 30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết bất cứ một giấy tờ vay nợ nào. Nhiều người vì thế đã rơi vào cảnh nợ nần chỉ vì lãi mẹ đẻ lãi con, dẫn đến rơi vào bi kịch gia đình, thậm chí phải tìm đến cái chết.

Trao đổi với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, chị V cho biết: "Nhân viên tự xưng là cán bộ phụ trách các trang web và app cho vay tiền liên tục gọi điện để quấy rầy, chửi bới để gây áp lực cho tôi, bắt tôi chuyển trả tiền với các loại chi phí ngày càng cao. Do hoảng sợ bị đe dọa nếu không thanh toán tiền thì họ sẽ tung các ảnh nóng được cắt ghép lên mạng xã hội, gọi điện thoại đòi nợ người thân nên tôi đã thực hiện đầy đủ các giao dịch hoàn lại tiền gốc và lãi cho các app theo đúng thời hạn (trong vòng 6-7 ngày)".

Theo chị V đến ngày 14/7/2022, chị không còn khả năng để hoàn trả lại số tiền thực chuyển về tài khoản cá nhân chị và thêm các loại phí "cắt cổ" của một số app khác thì chị và người thân liên tục nhận được các cuộc điện thoại, nhắn tin đến chửi bới, đe dọa, sỉ nhục để tạo sức ép bắt trả nợ khiến cả nhà khốn khổ theo. Cùng với đó, chị bị một số app đăng tải hình ảnh, kèm thông tin cá nhân bị cắt ghép với lời lẽ tục tĩu lên mạng xã hội facebook và zalo. Thậm chí, các app này còn truy cập vào danh bạ điện thoại của chị để gọi cho bạn bè, đồng nghiệp, những người thân khác để chửi bới, lăng mạ, ép trả nợ thay cho chị. Chị đành làm đơn kêu cứu và trình báo ra cơ quan công an để nhờ giúp đỡ.

App tín dụng đen ngày càng "phủ sóng" quy mô rộng
Số nạn nhân giống như chị V bị sập bẫy tín dụng đen qua app ngày càng nhiều trong thời gian gần đây. Điều đáng nói là nạn nhân sập bẫy thường là những người đang gặp khó khăn về kinh tế nhưng không thể tiếp cận được các nguồn vay chính thống từ ngân hàng do không có tài sản tín chấp. Phổ biến nhất là người lao động, công nhân đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hình thức đòi nợ tín dụng đen của các app ngày càng lan rộng tới nhiều mối quan hệ của nạn nhân, khiến những người vô tội (lãnh đạo doanh nghiệp, bạn bè, người thân nạn nhân) bị liên đới chịu hậu quả, ảnh hưởng đến tinh thần, cuộc sống và công việc làm ăn.
Mới đây nhất, ngày 12/7, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự và Công an tỉnh Lào Cai triệt phá đường dây cho vay nặng lãi quy mô lớn qua ứng dụng điện thoại di động, hoạt động xuyên biên giới vào Việt Nam. Đến khi bị triệt phá, có khoảng 159.000 khách hàng đã vay tiền qua ứng dụng với tổng số tiền lên đến hơn 1.800 tỷ đồng. 

Theo lực lượng công an, đây là đường dây phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia, được tổ chức chặt chẽ, do các đối tượng nước ngoài cầm đầu, móc nối với các đối tượng trong nước. Chúng lập ra các bộ phận chuyên trách, đặt tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Lào Cai, do Nguyễn Thị Hoài Thương (SN 1993, trú tại TP Hồ Chí Minh), Phạm Thị Huyền (SN 1990, trú tại tỉnh Lào Cai), Chống Ngọc Phụng (SN 1999, trú tại TP Hồ Chí Minh) điều hành. Chúng lập ra công ty TNHH công nghệ Funmobi, sử dụng gần 300 ứng dụng cho vay tiền trên điện thoại di động (Vndong, Hitien, Zdong, Hvay...), liên kết với gần 200 công ty cầm đồ, công ty tài chính Fintech để cung cấp các gói sản phẩm cho vay trị giá từ 2-7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày với lãi suất khoảng 2.090,93%/năm. 

Để vay tiền, khách hàng được hướng dẫn cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động, cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân như họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD/Hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng, nghề nghiệp, nơi làm việc, ảnh chân dung, giấy tờ tùy thân; cấp quyền cho ứng dụng truy cập danh bạ, các ứng dụng trên điện thoại… và đăng ký khoản vay. Sau đó, hồ sơ vay của khách hàng sẽ được kiểm tra, đánh giá. Số tiền mà các đối tượng chuyển khoản vào số tài khoản ngân hàng của khách chỉ được 59,9% so với số tiền khách vay. Phần còn lại, các đối tượng hưởng lợi (được gọi là khoản phí và lãi suất cho gói vay 7 ngày). Sau 7 ngày, nếu khách hàng không thanh toán được khoản vay thì sẽ phạt phí quá hạn là 6%. Không những thế, để đòi nợ, các đối tượng thực hiện thủ đoạn đe dọa, khủng bố tinh thần, bôi nhọ danh dự của khách hàng vay và người thân, bạn bè…để thu hồi được khoản vay. 

Trước đó, tháng 5/2022, Công an TP Hà Nội đã phối hợp cùng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an và một số đơn vị liên quan triệt phá đường dây tín dụng đen bằng cách vay qua app với quy mô lớn với 26 đối tượng bị khởi tố để điều tra về các tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản… Trung bình mỗi tháng, số tiền nhóm này giải ngân cho vay khoảng 100 tỷ đồng. Theo đó, nhóm này lập ba app cho vay “cashvn”, “vaynhanhpro” và “ovay”. Chỉ cần người vay chụp ảnh CMND hoặc CCCD là đã được vay trong thời gian ngắn với lãi suất lên tới 1.570-2.190%/năm. Theo cơ quan Công an, sơ bộ có gần 1 triệu người dính vào đường dây này.

Cần xử lý nghiêm các hình thức tín dụng đen
Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, sở dĩ một trong những nguyên nhân giúp các app tín dụng đen có thể lộng hành như vậy là bởi nhiều người còn khó tiếp cận được với nguồn tín dụng hợp pháp, do đòi hỏi nhiều điều kiện rất chặt chẽ. Ngược lại, tín dụng đen thủ tục thực hiện vô cùng đơn giản. Khách hàng thường đang ở trong hoàn cảnh túng quẫn, sẵn sàng chấp nhận mọi điều kiện, miễn có tiền giải quyết nhu cầu nóng và thường không nhận thức được mối nguy hiểm phía sau. 

Trao đổi về các giải pháp cho tình trạng này, Thượng tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công An) cho rằng, trước hết, mỗi người dân cần nâng cao ý thức về chuyện vay mượn. Trước khi có ý định vay tiền trên các ứng dụng trên mạng thì cần lường trước các nguy cơ và cố gắng không tham gia vào các giao dịch qua mạng. Trong trường hợp buộc phải sử dụng loại hình vay tiền qua mạng, cần kiểm tra thật kĩ các thông tin, từ các doanh nghiệp uy tín, có lãi suất ổn định. Đặc biệt, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân. Nếu các doanh nghiệp nào đòi hỏi các yêu cầu này thì chúng ta cần đặt dấu hỏi ngay.

Theo quy định, lãi suất cho vay không được quá 20% của khoản tiền vay. Khi gặp phải tình trạng bị đe dọa, quấy rối hoặc phát sinh các vấn đề khác thì cần báo cáo ngay với cơ quan chức năng để cung cấp các thông tin liên quan xem xét, xử lý. Bên cạnh đó, trước sự xuất hiện của các diễn đàn ngầm hướng dẫn cách bùng tiền từ app vay trực tuyến, theo Thượng tá Đào Trung Hiếu, đây đều là những đó là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Đồng quan điểm, luật sư Hùng cho rằng, để giải quyết vấn nạn tín dụng đen, Nhà nước cần ban hành các quy định cho vay với thủ tục đơn giản hơn hướng đến các đối tượng người nghèo cần vốn để làm ăn. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm đối với các hành vi cho vay tín dụng đen đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

(PNTĐ) - Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường. Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội; đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường.