Kỳ 1 : Những "cánh tay nối dài" của tổ chức Hội

Chia sẻ

Bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em là vấn nạn của xã hội. Được sự giúp đỡ của cán bộ Hội LHPN Hà Nội và các cấp Hội cơ sở, nhiều nạn nhân trong các vụ việc xâm hại, bạo lực đã được can thiệp, hỗ trợ và có cuộc sống mới tốt đẹp hơn…

Sát cánh bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em bị xâm hại

Nghe tin Phạm Thanh Tùng (SN 1990, trú tại quận Hà Đông) – đối tượng đã xâm hại cháu N.H.B (SN 2009) và Hoàng Thị Thu Huyền (SN 1987, mẹ cháu B) vừa bị TAND TP Hà Nội tuyên phạt 19 năm tù về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” và 3 năm tù về tội “Hành hạ con”, các cán bộ Hội LHPN phường Hà Cầu và quận Hà Đông thở phào nhẹ nhõm. Bởi đây là vụ việc mà Hội đã bám sát, đồng hành suốt gần 1 năm qua để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cháu B và các em của cháu. Hội LHPN TP Hà Nội cũng đã nhiều lần tổ chức các hội thảo, có công văn gửi các đơn vị liên quan nhằm hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ, trẻ em về vấn đề này.

Cán bộ Hội LHPN phường Hà Cầu thăm các con của đối tượng Hoàng Thu HuyềnCán bộ Hội LHPN phường Hà Cầu thăm các con của đối tượng Hoàng Thu Huyền

Bà Lại Hà Phương, Chủ tịch Hội LHPN quận Hà Đông mỉm cười: Hiện tại, cháu B đã được chăm sóc và nuôi dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Hai cháu bé còn lại (1 bé 9 tuổi, 1 bé 8 tháng) đang ở cùng mẹ, nhưng Hội LHPN quận, phường và các tổ chức đoàn thể thường xuyên giám sát đối tượng tại nhà, đồng thời thăm hỏi, hỗ trợ về nhu yếu phẩm, gạo, sữa, thực phẩm… cho các cháu trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Bà Phương nhớ lại, nắm bắt vụ việc cháu bé N.H.B bị mẹ đẻ bạo hành, người tình của mẹ xâm hại qua tin báo từ cơ sở, ngay lập tức, Hội LHPN quận xác định, đây là một vụ án xâm hại tính mạng, sức khoẻ, danh dự của trẻ em - đối tượng mà Hội quan tâm, bảo vệ. Ngay lập tức Hội gửi công văn cho Công an quận Hà Đông đề nghị sớm điều tra, xác minh vụ việc theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đề nghị xử lý nghiêm minh với những hành vi vi phạm pháp luật. Quận Hội cũng phân công cán bộ theo dõi, giám sát quá trình giải quyết vụ việc, kịp thời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ các cháu bé đang sống với mẹ đẻ, phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các giải pháp hỗ trợ, chăm sóc lâu dài, giúp các cháu ổn định tinh thần, sức khoẻ, chỗ ở và việc học tập…

Tâm sự với phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, chị N.T.P (trú tại huyện Ba Vì, Hà Nội) xúc động nói: “May nhờ có các cán bộ Hội Phụ nữ địa phương vào cuộc, giúp tôi tố giác tội phạm, cùng với sự hỗ trợ tích cực của công an và tổ chức CSAGA, vụ việc mới được đưa ra ánh sáng”. Chị P kể, H (SN 2005) là con gái thứ hai của chị. Năm 3 tuổi, H sốt cao, co giật, dẫn đến bị tật nửa người bên phải. UBND xã đã có chứng nhận cháu H là trẻ khuyết tật trí tuệ, có trợ cấp hàng tháng. Hàng ngày, chị P đi làm thuê, cách nhà 10 cây số. Cháu H ở nhà với bà ngoại gần 80 tuổi.

Bà đi cắt cỏ, trồng rau mỗi ngày, để H ở nhà 1 mình. Chính vì vậy, H lọt vào “tầm ngắm” của tên “yêu râu xanh” Phạm Văn Chung (SN 1963, là hàng xóm). Giữa tháng 6/2020, chị P hốt hoảng phát hiện ra con đã có bầu. Vừa thương con, lại sợ đàm tiếu, chị âm thầm đưa con gái đi phá thai. May mắn, một cán bộ Hội Phụ nữ làm công tác dân số ở địa phương biết chuyện đã tìm hiểu ngọn ngành, đồng thời lên tiếng tố giác tội phạm, khuyên chị P làm đơn tố cáo “yêu râu xanh”, sự việc mới được làm rõ bị cáo. Phạm Văn Chung bị tuyên phạt 16 năm tù. Rời tòa, chị P nghẹn ngào nói: “Nếu không có Hội Phụ nữ, có lẽ tôi không bao giờ đòi được công bằng cho con gái”…

Đầu năm 2020, Hội LHPN Hà Nội triển khai thí điểm mô hình “Làng quê an toàn” dành cho phụ nữ và trẻ em tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên với 12 tiêu chí an toàn và 5 yếu tố cần có. Từ khi thành lập đến nay, cuộc sống của người dân xã Phú Túc được thay đổi từng ngày. Các đoạn đường liên thôn đã có đèn điện, một số khu vui chơi công cộng được thành lập. Các chị em được tuyên truyền phổ biến về luật pháp và chia sẻ về bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống xâm hại trẻ em, từ đó đẩy lùi bạo lực, xâm hại...

Em Nguyễn Thị Khánh Linh (lớp 11 THPT Đồng Quan, thôn Lưu Đông, xã Phú Túc) cho biết, mặc dù đường đến trường dài hơn 10km nhưng gần 1 năm nay, em đã không còn lo sợ vì đều có hệ thống chiếu sáng. Là ngôi trường được “hưởng lợi” từ mô hình “làng quê an toàn”, trường THCS Phú Túc đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tuyên truyền kỹ năng sống cho học sinh về việc phòng chống đuối nước, an toàn khi tham gia giao thông, tuyên truyền kỹ năng sống cho học sinh.

Cô giáo Lê Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng trường THCS Phú Túc cho biết, trước đây, một số học sinh phải ở nhà một mình do bố mẹ làm ăn xa. Nhà trường, Hội Phụ nữ, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức của phụ huynh trong việc phòng chống xâm hại đối với trẻ em, nhờ đó, các bố mẹ quan tâm con hơn…

Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội chỉ đạo Hội LHPN quận Hà Đông và các thành viên tổ tư vấn trong buổi làm việc về trường hợp cháu bé 12 tuổi bị bạo hành và xâm hại tình dục trên địa bàn quận Hà Đông.Bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP Hà Nội chỉ đạo Hội LHPN quận Hà Đông và các thành viên tổ tư vấn trong buổi làm việc về trường hợp cháu bé 12 tuổi bị bạo hành và xâm hại tình dục trên địa bàn quận Hà Đông.

Những cán bộ hội kiêm “hoà giải viên” kết nối hạnh phúc gia đình

Bà Nguyễn Thị Mùi (Ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được biết đến là người khéo léo trong việc giải quyết các mâu thuẫn, xung đột tại cơ sở. Bà Mùi “tay bo” hòa giải, âm thầm kín đáo, thậm chí “mưa dầm thấm lâu” để giải quyết xung đột, bức xúc xảy ra trong các gia đình. Những khi bị chồng đánh, chị T đến nhà bà Mùi - địa chỉ tin cậy cho phụ nữ bị bạo hành - khóc lóc cầu cứu. Bà Mùi khuyên chị T tạm lánh ở nhà mình một thời gian, đồng thời đi cùng với cảnh sát khu vực vào làm việc với chồng chị. Ban đầu, người chồng vẫn cương quyết đổ lỗi do vợ dám cãi chồng. Song khi nghe bà Mùi phân tích đúng sai, người chồng đã hiểu và xin lỗi, đồng thời cam kết không đánh vợ. Từ sau sự việc đó, bà Mùi vẫn giám sát, khuyên răn, nhờ đó, người chồng tu chí làm ăn.

Đều đặn mỗi năm, Hội LHPN phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm đều cho ra mắt địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Hiện nay, toàn phường có 11 địa chỉ tin cậy, đặt tại nhà 11 chi hội trưởng phụ nữ. Với sự nhanh nhạy, tinh ý của mình, các cán bộ, phụ nữ đã nắm bắt kịp thời vụ việc, nhanh chóng vào cuộc giải quyết ổn thỏa, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cũng như hạnh phúc gia đình cho phụ nữ.

Chị Đỗ Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Mễ Trì tự hào: Hiệu quả của mô hình “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng” thực chất đến từ “cái tài” phát hiện của cán bộ phụ nữ. “Có khi, cán bộ phụ nữ đi gội đầu, đi chợ hay chơi thể thao cũng phát hiện ra nhà nào có chuyện”.


Chị Liên nhớ lại một vụ việc tiêu biểu ở Tổ dân phố số 3, phố Mễ Trì Thượng, hai vợ chồng gần như không còn gì níu kéo nữa. Người chồng ở rể nhà vợ. Hai vợ chồng vay mượn để mở một cửa hàng bán cơm, nhưng rồi làm ăn thua lỗ, lại thêm tính ghen tuông, nên mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng, người chồng còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ. Biết chuyện, Hội LHPN phường, nòng cốt là các chị em tại địa chỉ tin cậy của Chi hội 3, cùng tổ dân phố và các đoàn thể đến nhà khuyên nhủ. Nhờ sự thuyết phục, hòa giải, mâu thuẫn vợ chồng được giải quyết, hạnh phúc trở lại.

Một vụ việc khác xảy ra gần nhà Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Mễ Trì, chị Ngô Thị Mai Anh. Đó là hai vợ chồng trẻ, mới cưới được gần nửa năm thì cô vợ bỏ về nhà mẹ đẻ ở 2 năm nay. Người chồng vẫn còn yêu vợ, không hề muốn ly hôn, nên tìm đến chị Mai Anh xin giúp đỡ. Chị Mai Anh cùng các chị em trong địa chỉ tin cậy đến nhà, thuyết phục người vợ bỏ qua lỗi lầm, nghĩ tới tương lai mà về lại với chồng. Nhờ sự nhẹ nhàng, “trúng ý” của cán bộ phụ nữ, hai vợ chồng đã trở về bên nhau, sinh thêm 2 con khiến cuộc sống gia đình càng thêm ấm áp.

Tại huyện Gia Lâm, các mô hình phòng chống bạo lực gia đình được thành lập để triển khai các nội dung về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát hiện sớm, ngăn chặn các vụ bạo lực gia đình, nơi truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng chống bạo lực gia đình tại các gia đình và cộng đồng, được thành phố đánh giá cao. Hiện nay trên địa bàn huyện có 191 tổ hoà giải với 1.241 hoà giải viên, trong đó nữ chiếm 34,8%. Số lượng vụ việc hoà giải thành công đạt tỷ lệ 84%.


Theo chị Vũ Lan Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm: “Các mô hình CLB sinh hoạt có sự đổi mới. Chúng tôi đẩy mạnh hoạt động các câu lạc bộ “nam giới đi đầu trong phong trào phòng chống bạo lực gia đình” thí điểm ở một số xã như Yên Viên, Đông Du... Nhiều ông chồng sau khi tham gia các hội thảo về phòng chống bạo lực gia đình đã bày tỏ là từng có hành vi bạo lực với vợ/con mà không biết” - chị Lan Anh cho biết.

(Còn nữa)

HỒNG NHUNG - QUỲNH ANH

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.