Kỳ 2: “Chia lửa” cùng lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch

Chia sẻ

Ngay khi giặc “dịch” Covid-19 xuất hiện, đặc biệt trong đợt dịch thứ 4, cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô đã xung kích trên mọi mặt trận, không quản nguy hiểm, vất vả để “chia lửa” với lực lượng tuyến đầu. Với nhiều cách làm sáng tạo, phụ nữ Thủ đô đã và đang góp sức cùng thành phố vượt qua đại dịch.

“Cánh tay” đắc lực cùng lực lượng tuyến đầu

Những ngày này, quận Thanh Xuân (Hà Nội) căng mình cùng lực lượng tuyến đầu khi trên địa bàn xuất hiện một ổ dịch lớn, đến nay đã có hơn 200 F0 (nằm trên địa bàn của Chi hội Phụ nữ 6, 7, 8, Hội LHPN phường Thanh Xuân Trung). Đây được coi là điểm dịch nóng, nguy hiểm của thành phố.

Chị Lê Thị Thuý Hằng, Chủ tịch Hội LHPN phường Thanh Xuân Trung nhận nhiệm vụ Phó Ban cung ứng thực phẩm, nhu cầu thiết yếu của người dân trong khu vực phong toả hàng ngày cùng các chị em hội viên tiếp nhận đồ cứu trợ, đi chợ hộ cho người dân vùng dịch, đảm bảo các suất ăn phục vụ lực lượng trực chốt 24/7. Từ khi có dịch, các chị chuyển từ giầy cao gót xuống dép lê, đi ủng và mặc quần áo bảo hộ. Thời tiết nóng nực, mồ hôi đầm đìa, mỗi ngày liên tục phải đi lại, bê vác nặng… đau nhức khắp người. Nhưng sáng hôm sau, ai cũng dặn mình phải khoẻ lên, luôn lạc quan bởi nếu chậm một nhịp, công tác phòng chống dịch của cả tập thể có thể cũng bị ảnh hưởng.

Chị Hằng chia sẻ, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, chị cùng các lãnh đạo phường phải cách ly tại UBND phường. Chị chỉ gọi được về nhà, hỏi thăm tình hình con gái 2 tuổi trong mấy phút nghỉ giữa trưa hoặc đêm muộn.

 Cũng tại quận Thanh Xuân, bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, 63 tuổi (hội viên phụ nữ Chi hội khu dân cư Giáp Nhất) là một trong 2 hội viên phụ nữ vinh dự được UBND phường tặng Bằng khen về công tác phòng, chống dịch. Bà khiêm tốn: “Ngăn chặn dịch bệnh lây lan là nhiệm vụ của toàn dân. Thành tích của tôi là tượng trưng cho sự cố gắng, nỗ lực nhiệt tình của đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ đang ngày đêm cùng các ban, ngành, đoàn thể bảo vệ vùng xanh an toàn cho khu dân cư". Trong số các đồng chí trực chốt tại ngõ 1 phố Quan Nhân, Hội Phụ nữ có 4 người tham gia, người lớn tuổi nhất đã hơn 70 tuổi. Các bà tuy tuổi đã cao, chân đã yếu, mắt đã mờ, nhưng luôn giữ tinh thần: “Khi Tổ quốc cần, chúng tôi sẵn sàng đứng lên”.

“Điểm trực chốt của chúng tôi chỉ có một cái ô che, mọi người thay phiên nhau trực từ 6h sáng đến 10h đêm. Có những ngày trời nắng như đổ lửa, trong khi không ai dám ra khỏi nhà thì chúng tôi vẫn không bỏ chốt, mồ hôi tứa ra ướt hết vai áo. Mấy hôm trước, trời mưa tầm tã, nước tràn vào ngõ, chúng tôi đứng nép vào mái hiên căn nhà cạnh đó nhưng vẫn bị ướt hết người. Dù vậy, không ai bỏ chốt cả” - bà Yến hào hứng kể.

Hội LHPN phường Mễ Trì tặng sữa, bánh mỳ cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt trựcHội LHPN phường Mễ Trì tặng sữa, bánh mỳ cho lực lượng làm nhiệm vụ tại chốt trực

Trong những ngày tham gia trực chốt, “kỷ niệm ấn tượng” của bà Yến là trường hợp một nam thanh niên bán hàng quán cà phê bị mắc kẹt 4 tháng không có lương, cũng không thể về quê được bà giúp đỡ. Hằng ngày, bà Yến động viên, hỗ trợ từ mớ rau, lạng thịt, cân gạo cho cậu. “Nếu không có bà và các bác ở đây, có lẽ cháu không vượt qua được mùa dịch này”- cậu thanh niên xúc động nói.

Hội LHPN phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) hiện có số hội viên đông nhất với khoảng hơn 1.600 người. Phụ nữ luôn là lực lượng nòng cốt, tham gia mọi nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, như: Tham gia trực chốt “vùng xanh”, hỗ trợ tiêm chủng vắc-xin… Đến nay, phường Lĩnh Nam đã triển khai 10 đợt tiêm chủng với số lượng tiêm gần 8.000 mũi.

Thời gian đầu triển khai tiêm chủng mở rộng, chứng kiến đội ngũ y tế phường quá vất vả khi lực lượng mỏng mà khối lượng công việc quá lớn, Hội Phụ nữ phường đã huy động sự tham gia của “Chi hội Phụ nữ trẻ” (gồm các hội viên nữ từ 20-28 tuổi) chung tay hỗ trợ. Hàng ngày, các bạn có mặt tại điểm tiêm chủng từ 6h sáng đến 9h tối làm công tác vệ sinh điểm tiêm, sắp xếp ghế ngồi, hướng dẫn người dân ghi phiếu đăng ký tiêm, hướng dẫn trả kết quả, hỗ trợ cán bộ y tế vào sổ, hướng dẫn cách theo dõi sức khỏe sau tiêm…

"Sự chia sẻ của Hội PN khiến lực lượng tuyến đầu ấm lòng

Thời điểm này, lực lượng y tế luôn phải căng mình làm việc từ sáng đến tối, công việc bộn bề, cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ. Có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ như: Chương trình tiêm chủng mở rộng, lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc… ngoài sự nỗ lực của cán bộ y tế còn có sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng, đặc biệt là Hội LHPN phường. Nhiều hôm làm muộn, được các chị mang suất cơm nóng gửi tận tay, chúng tôi thật sự rất xúc động, thấy ấm lòng và có thêm động lực, vững tin để vượt qua khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chị Đặng Thị Nhung - Phụ trách Trạm y tế phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai

“Chúng tôi tổ chức nấu cơm mang đến tận điểm tiêm để cán bộ y tế có thêm vài phút nghỉ ngơi, giúp đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Suốt 10 đợt tiêm vừa qua, 100% kinh phí lo bữa ăn cho lực lượng tiêm chủng tại phường Lĩnh Nam đều do Hội Phụ nữ xã hội hóa, khoảng hơn 40 triệu đồng. Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của phường không phải hỗ trợ, chi thêm bất cứ một khoản nào” - chị Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN phường Lĩnh Nam cho biết.

Cán bộ Hội Phụ nữ phường Lĩnh Nam luôn trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ. “Có hôm 22h tối, vừa chuẩn bị nghỉ ngơi, tôi nhận được điện thoại nhờ mua lương thực, vật dụng thiết yếu cho người dân trong khu cách ly, thế là lại thay quần áo, “xách xe” ra đường, đi mua đồ rồi chuyển tới tận nơi cho người dân. Hay như thời điểm đầu tháng 8/2021, chợ Lĩnh Nam bị phong tỏa do xuất hiện ca F0, cùng lúc đó thành phố triển khai làm phiếu đi chợ. Để kịp cho các khu dân cư triển khai đến người dân, tôi cùng 4 đồng chí trong Hội Phụ nữ thức đến 2h sáng, cùng cán bộ dân phòng, địa chính làm phiếu, đóng dấu, phân loại đi chợ ngày lẻ, ngày chẵn cho các tổ sao cho phù hợp… Công việc nhiều và vất vả nhưng tôi và cán bộ, hội viên Hội LHPN phường Lĩnh Nam ai cũng phấn khởi, tự hào vì có thể “chia lửa” cùng tuyến đầu, góp sức đẩy lùi dịch Covid-19” - chị Nguyễn Thị Hà bày tỏ.

Xây dựng “Chi, tổ phụ nữ an toàn” để “phủ xanh” khu dân cư

 Hơn 70 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Cúc - hội viên Chi hội 12 (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vẫn nhiệt huyết, trách nhiệm với hoạt động phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Không chỉ vậy, bà còn vận động các cháu mình (đang là sinh viên) ghi tên vào danh sách đoàn viên tham gia hoạt động chống dịch. Đều đặn mỗi ngày, từ 6h30 sáng, bà Cúc cùng các cháu mang theo khẩu trang, sát khuẩn tay “ra đường” làm nhiệm vụ trực chốt “vùng xanh” ở ngõ 546 Trần Cung, rà soát danh sách những lao động đang trọ trong khu vực, hay tham gia hỗ trợ tiêm vắc-xin…

Bà bảo, muốn cả xã hội được an toàn thì trước tiên mỗi gia đình phải là một “pháo đài” vững chắc, mỗi người dân là một “chiến sĩ” khỏe mạnh.

Tại phường Mễ Trì, địa bàn có dân số đông, nhiều cửa ngõ, nhiều khu dân cư, người dân thuê trọ đông, công tác phòng, chống dịch Covid không hề đơn giản. Thế nhưng đến thời điểm này, Mễ Trì là một trong những phường có nhiều “vùng xanh” an toàn nhất. Góp phần vào mục tiêu bảo vệ “vùng xanh”, ngăn chặn “vùng đỏ” dịch xuất hiện trên địa bàn, có sự chung tay, góp sức rất lớn của các hội viên, phụ nữ phường.

Trong thời gian thực hiện 3 đợt giãn cách xã hội liên tiếp theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, phường Mễ Trì có 62 chốt “vùng xanh” có cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia trực chốt cùng lực lượng tuyến đầu, chi hội ít nhất là 4 người, chi hội nhiều nhất 10 người. Thời gian trực từ 6h sáng đến hơn 20h.

Đều đặn hàng ngày, dù mưa hay nắng, cứ 6h sáng, các chị Thạch Thúy Liễu, Chi hội trưởng Chi hội 7 và Nguyễn Thị Vân, Chi hội trưởng Chi hội 11 cùng các chị em hội viên các chi tổ đã có mặt tham gia trực chốt bảo vệ “vùng xanh” cùng lực lượng tuyến đầu. Hơn một tháng kể từ khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, các chị em không bỏ một buổi nào. Với các chị, việc tham gia trực chốt bảo vệ “vùng xanh”, ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát, bảo vệ sinh mạng cho chính mình, gia đình và người dân trên địa bàn là nhiệm vụ hàng đầu trong bối cảnh hiện nay.

"Vai trò của Hội PN phường trong công tác phòng chống dịch được chính quyền và nhân dân đánh giá cao

Trong 3 đợt giãn cách vừa qua, hội PN triển khai rất tốt nhiệm vụ, đã chỉ đạo các chi hội cơ sở, phối hợp với tổ dân phố để thực hiện công tác tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt nội dung của Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Công điện 17, 18, 19 của TP Hà Nội. Hiện tại, phường có 23 chốt trực ra vào trên toàn địa bàn và 62 chốt trực "vùng xanh" đều có sự hỗ trợ, chung tay của Hội PN. Ngoài ra, Hội PN còn phối hợp với các ngành MTTQ các ngành đoàn thể rà soát các đối tượng khó khăn, lao động mất việc làm thuê trọ trên địa bàn để tham mưu Đảng ủy chỉ đạo hỗ trợ bằng lương thực, thực phẩm. Đặc biệt trong thời gian gần đây qua hệ thống zaloconnect, thực hiện theo sự chỉ đạo của Đảng ủy Hội PN cùng với Hội Chữ thập đỏ theo sự phân công của MTTQ thiết lập đường dây nóng tổ xác minh các trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp qua hệ thống zaloconnect để phường kịp thời hỗ trợ theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch. Trong bối cảnh công tác phòng chống dịch phải triển khai đồng thời nhiều nhiệm vụ nhưng lực lượng nòng cốt của phường vẫn còn mỏng thì sự hỗ trợ, tiếp sức của Hội PN rất đáng ghi nhận và được Đảng ủy, UBND cùng nhân dân đánh giá cao.

Đồng chí Nguyễn Khắc Vững - Bí thư Đảng ủy phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm

Chị Nguyễn Thị Vân cho biết, việc các chị em tham gia trực chốt bảo vệ cùng lực lượng tuyến đầu có ảnh hưởng tốt đến ý thức các tầng lớp nhân nhân. Không chỉ nhanh nhẹn trong việc kiểm tra giấy tờ của mọi người ra, vào “vùng xanh”, nhắc nhở chị em đi chợ đúng ngày theo phiếu để thực hiện nghiêm quy định giãn cách, tránh tụ tập đông người, chị em còn vận dụng sự mềm mỏng của phụ nữ để thuyết phục nhiều trường hợp “bất hợp tác”, khuyên nhủ họ hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết.

Chị Đỗ Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Mễ Trì cho biết: Trong đợt thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Hội LHPN phường đã tích cực huy động mọi nguồn lực, hỗ trợ tham gia phòng, chống dịch Covid-19, 83 cán bộ hội viên không quản ngày đêm vất vả tham gia tổ Covid cộng đồng, luôn phát huy vai trò chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn. Bên cạnh đó, chỉ trong thời gian ngắn, Hội đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ tiền mặt và nhu yếu phẩm phục vụ các chốt trực; Tặng trạm y tế khẩu trang 3M, nước sát khuẩn tay với tổng số tiền hơn 60 triệu đồng. Chị em còn tham gia hỗ trợ trạm y tế trong công tác tiêm vắc-xin Covid-19 cho nhân dân; Kêu gọi ủng hộ tuyến đầu chống dịch và người dân tại huyện Yên Thế - Bắc Giang (2 đợt) với 68.140.000 nhu yếu phẩm.

Phát huy vai trò của phụ nữ trong mỗi gia đình, đồng thời hội viên tự bảo vệ sức khỏe của bản thân để chống dịch Covid-19, Hội LHPN quận Tây Hồ đã sáng tạo trong xây dựng, triển khai mô hình “Chi, tổ Phụ nữ an toàn” từ cuối tháng 7/2021. Đến nay, 100% hội viên thuộc 91 chi hội phụ nữ và 303 tổ phụ nữ thuộc Hội LHPN quận Tây Hồ đã ký cam kết và nghiêm túc đưa mô hình vào thực tiễn, gắn với thực hiện phường an toàn, tổ dân phố an toàn trong công tác phòng, chống dịch, với các tiêu chí “3 không” và “3 có”. “3 không” là: Không có ca F0; Không có cán bộ, hội viên phụ nữ vi phạm các quy định phòng chống dịch Covid-19; Không có cán bộ, hội viên, phụ nữ không khai báo y tế, trốn cách ly. “3 có” gồm: 100% cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện tốt quy định “5K” của Bộ Y tế; 100% cán bộ, hội viên ủng hộ quỹ vắc-xin; 80% cán bộ, hội viên phụ nữ trong độ tuổi đủ điều kiện tham gia tiêm vắc-xin.

“Sau 2 tháng triển khai, mô hình “Chi, tổ phụ nữ an toàn” đã giúp nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn trong việc tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng, góp phần thực hiện mục tiêu “kép. Mô hình cũng được quận ủy, chính quyền quận Tây Hồ ghi nhận, đánh giá cao” - chị Bùi Thị Ngọc Thúy, Chủ tịch Hội LHPN quận Tây Hồ cho biết.

HÀ - HƯƠNG - NHUNG

Tin cùng chuyên mục

Kỳ 3: Để giảm thiểu hậu quả của trầm cảm!

Kỳ 3: Để giảm thiểu hậu quả của trầm cảm!

(PNTĐ) - Trầm cảm đang có xu hướng gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, đặc biệt là ở các xã hội hiện đại. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn. Vì vậy, hơn bao giờ hết, mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng cần nâng cao nhận thức, kỹ năng nhận biết và phòng tránh bệnh trầm cảm.
Đẩy mạnh hợp tác giữa Estonia và Việt Nam trong chuyển đổi số

Đẩy mạnh hợp tác giữa Estonia và Việt Nam trong chuyển đổi số

(PNTĐ) - Từ ngày 4 đến 8/11/2024, đoàn đại biểu cấp cao từ Estonia có chuyến thăm Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty, tổ chức và cơ quan hành chính Việt Nam. Sự kiện được tổ chức bởi Trade Estonia thuộc Enterprise Estonia, phối hợp với Đại sứ quán Estonia. Chuyến công tác này nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế của Estonia, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp và tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các ngành công nghệ thông tin của hai nước.