Giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4: Trên dưới đồng lòng, về đích đúng hẹn!

Kỳ 2: Những người gương mẫu đi đầu

NGA - NGỌC - HẰNG
Chia sẻ

(PNTĐ) -Để nhanh chóng bàn giao mặt bằng dự án đường Vành đai 4, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền ở 7 quận, huyện (TP Hà Nội), không thể không nói tới những tấm gương cán bộ, đảng viên, người dân đi đầu, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ cho tập thể, đồng hành thực hiện dự án.

Kỳ 2: Những người gương mẫu đi đầu - ảnh 1

Từ các cuộc họp… đến từng nhà dân
Xã Văn Bình là một trong 9 xã thực hiện dự án đường Vành đai 4 đi qua, với tính chất các phần việc lớn và khó trên địa bàn huyện. Ông Ngô Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Văn Bình (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, tổng diện tích thực hiện dự án đường Vành đai 4 là hơn 34,6ha; số ngôi mộ thực hiện di chuyển lớn nhất huyện (với 1.513 ngôi), và khoảng 6.000m2 đất thổ cư với 60 hộ gia đình sẽ thực hiện di dời và đến khu tái định cư. Nhờ có sự đồng thuận cao của người dân mà xã Văn Bình đã thực hiện số lượng lớn 1.227 ngôi mộ di chuyển chỉ trong thời gian ngắn hơn chục ngày trước Tết Nguyên đán vừa qua. Ngay sau Tết đến nay đã có 74 ngôi mộ tiếp tục được di chuyển đến khu mộ mới, hiện còn 212 ngôi, chúng tôi phấn đấu sẽ tiếp tục thực hiện di chuyển xong trước 15/3. 

Ông Ngô Đình Tiến nhấn mạnh: Công tác di chuyển mộ được đánh giá là khó khăn bởi liên quan đến vấn đề tâm linh, rất cần sự thấu hiểu, khéo léo để tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận cao. Để giải quyết băn khoăn của một vài hộ gia đình trong thực hiện di chuyển mộ, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền, vận động thì chính cán bộ, đảng viên đã gương mẫu đi đầu làm trước nên đã được nhân dân đồng tình ủng hộ. 

Theo ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, để triển khai dự án, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được chính quyền Thành phố xác định là "chìa khóa", then chốt quyết định đến tiến độ tổng thể của dự án. Việc rà soát, xác định chính xác sẽ hạn chế các khó khăn, tồn tại về công tác giải phóng mặt bằng sau khi khởi công xây dựng công trình. Vì vậy, các quận, huyện đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, chủ động triển khai công tác giải phóng mặt bằng và đạt nhiều kết quả tích cực.

Ông Đào Khắc Cường (68 tuổi), ở xóm 1, thôn Văn Giáp, xã Văn Bình là Chi hội phó Chi hội Cựu chiến binh thôn Văn Giáp là một trong những tấm gương đi đầu trong thực hiện dự án đường Vành đai 4. Gia đình ông Cường đang sinh sống trên diện tích 162m2 đất ở ngay mặt đường Quốc lộ 1A - vị trí “đắc địa” trong kinh doanh và thuận tiện đi lại. Ngay khi biết dự án sẽ “lấy” trọn 100% diện tích nhà, ông Cường và gia đình đã đồng thuận cao và sẵn sàng di chuyển sang vị trí mới để bàn giao đất. Bản thân từng là bộ đội, đã tham gia kháng chiến chống Mỹ, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, ông Cường cũng từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong Đảng ủy, UBND xã các thời kỳ nên ông rất hiểu và chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. 

Ông Cường bày tỏ: “Tôi tin tưởng rằng việc thực hiện dự án này cũng sẽ theo đúng tinh thần là vị trí mới sẽ bằng và tốt hơn vị trí cũ. Vì vậy, tôi và những người dân cũng mong Nhà nước áp giá đền bù, hỗ trợ sao cho phù hợp và thỏa đáng cả nơi đi và nơi đến để chúng tôi vừa đủ trả tiền đất, làm nhà ở nơi mới, được an cư”.

Bà Trần Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Bình thông tin, để sớm bàn giao mặt bằng “sạch” cho Thành phố xây dựng, ngay từ ban đầu Hội LHPN xã Văn Bình đã thành lập 1 tổ gồm 5 cán bộ Hội tham gia công tác tuyên truyền di chuyển mộ nằm trong dự án xây dựng trước ngày 15/3/2023 theo văn bản các hộ đã ký cam kết. Các cán bộ, hội viên phụ nữ cũng tích cực tham gia san lấp mặt bằng khu vực quy tập mộ. 

Là một trong những tấm gương đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động các hộ di chuyển mộ và giải phóng mặt bằng, bà Nguyễn Thị Mận, cán bộ Hội LHPN xã Văn Bình, Tổ trưởng tổ phụ nữ xóm 4, trưởng thôn Văn Hội cho hay: Nhận thấy dự án này sẽ mang lại lợi ích to lớn, giúp giao thông thuận tiện, sau này sẽ hình thành thêm nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, trường học... tôi đã về trao đổi với người thân và gia đình tôi là một trong những hộ tiên phong giao mặt bằng sớm để thực hiện dự án. Tôi cũng chủ động cùng chị em phụ nữ đi đến từng nhà các hộ dân để tuyên truyền, vận động về công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng để xây dựng đường Vành đai 4. Hầu hết tất cả hộ dân trong thôn đều đồng thuận, nhất chí thực hiện dự án. 

“Các lãnh đạo xã cũng thường xuyên tổ chức các buổi họp toàn dân để thống nhất ý kiến về việc di chuyển và chi trả, đền bù một cách thỏa đáng cho các hộ” - bà Nguyễn Thị Mận chia sẻ. 

Huy động sức mạnh tổng hợp 
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đoạn qua huyện Mê Linh (Hà Nội) dài khoảng 11,2km, đi qua địa bàn 5 xã gồm: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm, Kim Hoa. Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 141,5ha, trong đó, đất nông nghiệp 120,3ha; đất ở 8,2ha; đất trường học 1,8ha; các loại đất khác 11,2ha; liên quan đến 2.700 hộ dân; chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.000 tỷ đồng. Đến nay, huyện Mê Linh đã lập xong phương án giải phóng mặt bằng tổng thể, xác định được vị trí các khu tái định cư. Huyện đã di chuyển 100% ngôi mộ nằm trong chỉ giới đường đỏ của dự án và khu tái định cư (370/370 ngôi); tổ chức chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (đợt 1) được 30,8ha/120,3ha đất nông nghiệp (đạt 25,60% diện tích). UBND huyện đang xem xét, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với 3 dự án khu tái định cư và 4 nghĩa trang nhân dân các thôn phục vụ dự án.

Chủ tịch UBND xã Kim Hoa Lê Xuân Trường, khẳng định: Trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án đường Vành đai 4, việc tích cực tuyên truyền vận động nhân dân phải là hàng đầu và liên tục. Đây cũng là lúc thể hiện rõ vai trò đi đầu của cán bộ, đảng viên trong việc gương mẫu đi đầu thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Hiện xã Kim Hoa đã thực hiện được giải phóng mặt bằng 18ha trên tổng số 32,7ha liên quan đến 450 hộ, di chuyển 100% số ngôi mộ (47 ngôi), số diện tích đất còn lại đã được kiểm đếm, công khai, các hộ dân đang chờ Nhà nước chi trả tiền. Ban chỉ đạo thực hiện dự án xã Kim Hoa cam kết trong tháng 3/2023 sẽ bàn giao mặt bằng 90% trở lên.

Theo Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm, để có được sự đồng thuận nhất trí cao của nhân dân trong việc bàn giao mặt bằng, bản thân Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện hầu như không tuần nào không có mặt ở cơ sở, vừa đôn đốc, vừa kịp thời chia sẻ, động viên, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Huyện đang gấp rút hoàn thiện dự án hạ tầng kỹ thuật của 4 nghĩa trang nhân dân nhằm phục vụ dự án. Đối với 3 khu tái định cư, huyện chủ trương xây dựng hạ tầng khang trang, hiện đại và đồng bộ. Ngoài ra, sẽ nghiên cứu thêm các hạng mục cây xanh, công viên, vườn hoa, bãi đỗ xe… và thực hiện công khai tới người dân để các hộ thuộc diện phải thu hồi đất sẽ đồng thuận di chuyển về nơi ở mới.

Để đạt được những kết quả trên, theo ông Lê Xuân Trường, xã Kim Hoa đã có những tấm gương cán bộ, đảng viên đi đầu, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để phục vụ cho tập thể, đồng hành thực hiện dự án. Điển hình như: Ông Hà Văn Quyết, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Kim Tiền, vừa là cán bộ đảng viên, vừa là lãnh đạo, lại có diện tích hơn 400m2, đang làm mô hình V.A.C cũng sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho Nhà nước thực hiện dự án. Ông Nguyễn Thế Lực, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ thôn Phù Trì, gia đình có 1.730m2, trồng đào, trồng lúa hàng năm mang hiệu quả cao nhưng sẵn sàng di chuyển toàn bộ cây trồng. Bà Nguyễn Thị Bình ở thôn Ngọc Trì có diện tích thu hồi 750m2 đất, hiện đang làm vườn V.A.C cũng nhất trí nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.

Bí thư Đảng ủy xã Chu Phan Lê Xuân Hùng cho biết, thực hiện Dự án đường Vành đai 4, toàn xã có 10,5ha đất nông nghiệp và 2,5ha đất thổ cư liên quan đến 154 hộ. Đến nay, xã đã hoàn thành di chuyển 21/21 ngôi mộ; giải ngân, chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp đợt 1 cho 85 hộ dân. Để có được sự đồng thuận của người dân trong thực hiện dự án, cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án; phổ biến chính sách đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; tăng cường đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, kiến nghị của người dân. Vì vậy, tất cả các hộ dân trên địa bàn xã đều đồng tình, thống nhất cao, sẵn sàng di dời nhà cửa, công trình, phần mộ, cây trồng, vật nuôi để bàn giao mặt bằng cho dự án. 

Theo Bí thư chi bộ thôn Tân Châu, xã Chu Phan Nguyễn Văn Tu, từ trước đến nay, chưa dự án nào được triển khai bài bản, được lòng dân như dự án đường Vành đai 4. Người dân rất phấn khởi, tin tưởng, nhiều gia đình đã chủ động di dời phần mộ từ nhiều tháng trước.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.