Mua bán người: Tội ác cần nghiêm trị

Kỳ 2: Vỡ mộng đổi đời ở “miền đất hứa“

Hoàng Lan
Chia sẻ

(PNTĐ) - Do thiếu hiểu biết, cả tin, muốn nhanh đổi đời, nhiều người đã rời bỏ quê hương, ra nước ngoài lao động bất hợp pháp. Họ tưởng đâu sẽ tìm được cái kết có hậu ở miền đất hứa nhưng cuối cùng, người thì bỏ mạng, người thân tàn ma dại, người phải chấp nhận sống chui lủi, cơ cực...

Kỳ 2: Vỡ mộng đổi đời ở “miền đất hứa“ - ảnh 1
Bà Trần Thị Chang tham gia hỗ trợ người Việt tại Malaysia trong thời gian xảy ra dịch Covid-19. Trong số này, có cả những người sang Malaysia làm việc bất hợp pháp, phải sống lẩn trốn trong các khu nhà ở xa trung tâm, tồi tàn.

Hũ tro cốt của nạn nhân bị buôn bán và lời cảnh báo

Malaysia hiện là quốc gia có đông người Việt. Cùng với một bộ phận các cô dâu Việt Nam lấy chồng là người Malaysia, còn có người Việt sang Malaysia để sinh sống, làm việc và học tập.

Theo bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia-Việt Nam, hiện nay, việc nhập cảnh từ Việt Nam vào Malaysia khá thuận tiện. Với hộ chiếu du lịch, một người có thể ở lại Malaysia trong vòng 30 ngày. Nhiều đối tượng lừa đảo đã lợi dụng chính sách này để “dụ” nạn nhân qua Malaysia dưới hình thức du lịch rồi tìm cách trốn ở lại.

Nếu đi theo con đường xuất khẩu lao động đúng pháp luật, người lao động sẽ được bên sử dụng lao động tại Malaysia làm các thủ tục về visa. Sau khi qua Malaysia, người lao động được cấp visa để cư trú và đảm bảo đầy đủ các quyền lợi về lương, thưởng (nếu có), bảo hiểm, chế độ làm việc và các chế độ khác theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Nhưng ngược lại, nếu xuất khẩu lao động “chui”, người lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, khi gặp hoạn nạn không có ai chịu trách nhiệm. Đặc biệt nếu bị công an nước sở tại bắt giữ sẽ có nguy cơ bị phạt tù.

Là Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam, bất cứ khi nào nhận tin có người Việt gặp nạn, bà Chang đều cùng các cộng sự cố gắng có mặt kịp thời để trợ giúp. Cũng vì vậy mà bà có điều kiện tiếp cận với nhiều nạn nhân bị lừa sang Malaysia làm việc bất hợp pháp.

“Tôi còn nhớ một em quê Vũng Tàu bị dụ dỗ sang Malaysia làm việc bất hợp pháp. Em và một số phụ nữ khác bị đưa vào khách sạn để phục vụ khách đến mua vui, tới bữa có người mang thức ăn lên tận phòng và gần như không được phép ra ngoài. Các đối tượng buôn người thường vẽ ra mức lương cao ở nước ngoài, nhưng thực tế, nhiều chị em bị trừ đủ loại từ tiền ăn, tiền quần áo, son phấn... nên tiền thực cầm gần như không còn gì. Cô gái đã phải sống trong tình trạng vô cùng khủng hoảng, sức khỏe kiệt quệ, cơ thể tàn tạ”- bà Chang nhớ lại.

Do cư trú bất hợp pháp, nhiều chị em cũng buộc phải chui lủi trong các khu nhà trọ chật chội, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn. Thậm chí, khi công an sở tại mở chiến dịch truy quét lao động bất hợp pháp, có trường hợp sợ hãi, vội mở cửa phía sau chạy trốn rồi nhảy từ trên cao xuống dẫn tới bị chấn thương cột sống, thậm chí thiệt mạng rất thương tâm. 

Hay như trường hợp của một nạn nhân bị buôn bán quê ở Củ Chi. Do bị bóc lột sức lao động, nơi ăn ở tồi tàn, nạn nhân bị sang chấn tâm lý nặng nề. Cô khỏa thân đi lang thang trên phố, không có tài sản gì ngoài cuốn hộ chiếu, được công an đưa vào bệnh viện rồi gọi điện nhờ bà Chang tới hỗ trợ. Cô gái này sau đó đã được bà Chang và các cộng sự hỗ trợ làm thủ tục đưa về Việt Nam. Đây là nạn nhân điển hình của tội phạm mua bán người mà bà Chang thường chia sẻ để cảnh tỉnh những ai vẫn đang ảo tưởng về “miền đất hứa”.

Nguyễn Trần Vân Thủy hiện là sáng lập công ty đồ chơi thủ công Bobi Craft với nhiều hoạt động hỗ trợ lao động yếu thế. Sau khi tốt nghiệp đại học tại Việt Nam, Thủy có cơ hội qua Anh cùng các cộng sự mở công ty tư vấn du học và các thủ tục giấy tờ khác liên quan đến xuất nhập cảnh ở Anh. Thủy nhớ lại, năm đó, trong một cuộc đột kích bất ngờ của cảnh sát Anh tại một cơ sở trồng cần sa tại London, một phụ nữ Việt Nam không có giấy tờ bị bán qua Anh làm việc bất hợp pháp đã quá sợ hãi đến mức lên cơn đau tim và qua đời. Gia đình cô và cảnh sát London đã nhờ công ty của Thủy thực hiện các thủ tục pháp lý để chuyển tro cốt của cô về lại Việt Nam.

 “11 tiếng ngồi trên máy bay từ London về Hà Nội, nhìn lên ngăn hành lý nơi vali được cất với tro cốt của nạn nhân mà nước mắt tôi cứ trào ra. Tôi tự hỏi tại sao cô gái ấy phải trốn khỏi Việt Nam để sống trong sợ hãi bị cấm ra ngoài ở một căn nhà ngột ngạt không ánh nắng mặt trời tại một đất nước xa xôi, cô ấy thậm chí còn không nói được ngôn ngữ của họ”- Thủy rưng rưng.

 Và năm sau đó cũng là năm chuyến xe tải đông lạnh buôn người vượt biên qua biên giới Anh với 39 người Việt qua đời trong tình trạng khốn khổ. 

Thủy cho biết, nhiều người lầm tưởng bỏ tiền để vượt biên qua nước ngoài sẽ có một cuộc sống tốt đẹp trong mơ. Nhưng họ đâu ngờ, chính mình dễ dàng trở thành nạn nhân của các tổ chức buôn người, không giấy tờ định cư bất hợp pháp tại một đất nước họ không thể sử dụng ngôn ngữ, không thể  cầu cứu, bị bóc lột sức lao động, đánh đập. Sống trong nơm nớp sợ hãi, chẳng may bị công an bắt thì họ phải ngồi tù và bị trục xuất. Mất hết tiền của, bên cạnh họ hoàn toàn không người thân, không nơi bấu víu.

Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cũng cho biết thời gian gần đây, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Lào nhận được rất nhiều đơn cầu cứu, đề nghị giúp đỡ của công dân Việt Nam bị dụ dỗ sang làm việc tại Lào, tập trung tại Đặc khu kinh tế Tam giác Vàng, thuộc tỉnh Bokeo (Bắc Lào). Theo trình báo của những nạn nhân, thông qua các mạng xã hội hoặc bạn bè, người quen, họ được hứa hẹn đưa sang Lào làm những công việc nhẹ nhàng, điều kiện làm việc thuận lợi và thu nhập cao, được hỗ trợ chi phí đi lại, chi phí môi giới việc làm… Tuy nhiên, sau khi đến nơi làm việc, họ bị buộc ký hợp đồng lao động với chủ sử dụng lao động bằng ngôn ngữ mà họ không hiểu (thực chất là những hợp đồng ghi nợ), bị buộc tham gia vào những hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo, mại dâm hoặc các hoạt động giải trí nhạy cảm khác...

Người lao động thường bị quản chế trong các khu vực biệt lập, bị thu giữ giấy tờ đi lại, giấy tờ tuỳ thân, không được ra ngoài và hạn chế giao tiếp; bị ép làm việc 12-16 giờ/ngày, bị quỵt lương, đánh đập, bỏ đói, phạt tiền hoặc bị bán cho chủ sử dụng lao động khác nếu không hoàn thành chỉ tiêu. Những người chống đối hoặc có ý định bỏ trốn bị giam cầm biệt lập, bị đánh đập, bị đe doạ tính mạng hoặc bị đòi tiền chuộc rất cao.
Đừng biến mình thành nạn nhân  
Theo một thống kế vào năm 2017 của Hội đồng Kinh tế và xã hội Liên hợp quốc, mỗi năm ước tính các đường dây buôn người đã đưa khoảng 18.000 lao động Việt Nam đến châu Âu bằng đường bất hợp pháp. Theo Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm LHQ (UNDOC), năm 2017, Việt Nam được coi là "điểm nóng" trong khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong vì tình trạng đưa người di cư trái phép và mua bán người. 

Tại Anh, đến nay, dù Chính phủ Anh không có chính sách tiếp nhận lao động bậc thấp ở Việt Nam nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn cố tình dùng chiêu trò vẽ ra một viễn cảnh về những công việc có thu nhập cao để thu phí của các nạn nhân hàng trăm triệu đồng. Tiền mất, nhưng cuối cùng, những gì họ nhận về chỉ là sự cùng cực về nhiều mặt.

Bà Trần Thị Chang chia sẻ: “Tôi vẫn luôn nói người lao động chỉ nên ra nước ngoài khi biết rõ công việc mình đang làm, công ty mình đến và việc xuất khẩu lao động này là hợp pháp; còn lại, đừng bao giờ nghe theo lời mồi chài để các đối tượng lừa đảo đưa mình ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp. Không có tay nghề, ngoại ngữ, người lao động bất hợp pháp sang Malaysia chỉ có thể làm các công việc nặng nhọc, cường độ cao, với phụ nữ có thể là mua vui cho khách, có nguy cơ bị ngược đãi với mức thu nhập rất thấp”- bà Chang nói và cho biết thêm tới đây, Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam sẽ đẩy mạnh phối hợp tổ chức tuyên truyền phòng, chống mua bán người, cách nhận diện các chiêu thức lừa đảo, cảnh tỉnh thực tế cuộc sống bất hợp pháp ở xứ người... để mọi người nắm bắt được.

Còn theo Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, nạn nhân của tội phạm mua bán người thường bị bóc lột đến kiệt quệ và rất khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, nhiều trường hợp còn bị nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người dân nên cảnh giác trước những lời mời, lời dụ dỗ đường mật sang nước ngoài làm việc nhẹ lương cao, đồng thời tìm hiểu thông tin về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện truyền thông đại chúng và các trang thông tin điện tử của các cơ quan chức năng để hiểu rõ hậu quả của mua bán người như: Bị bóc lột sức lao động, bị hành hạ, đánh đập tàn nhẫn, bị bóc lột tình dục, có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (HIV/AIDS), bị sang chấn tâm lý...

(Còn tiếp)

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Tràn dịch khớp gối

Tràn dịch khớp gối

(PNTĐ) - Khớp gối là khớp hoạt dịch, bao gồm thành phần bao hoạt dịch chứa dịch khớp. Dịch khớp cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp, thực hiện chức năng bôi trơn, giảm ma sát và hỗ trợ khớp khởi động.
Khó như sống chung với... nhà chồng

Khó như sống chung với... nhà chồng

(PNTĐ) - Nghiên cứu của công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) cho thấy, gần 1/3 người được khảo sát xác nhận rằng mâu thuẫn với gia đình chồng là lý do dẫn đến hôn nhân của họ tan vỡ. Trên thực tế,  đúng là việc hòa hợp giữa những người vốn trước kia thuộc về các nếp nhà khác nhau quả không dễ dàng...
Giúp phụ nữ ứng phó với bạo lực trên không gian mạng

Giúp phụ nữ ứng phó với bạo lực trên không gian mạng

(PNTĐ) - Ngày 22/4, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp với Hội Phụ nữ Bộ Công an và Văn phòng Cơ quan Liên Hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) tổ chức hội thảo "Phụ nữ, Hòa bình và An ninh mạng - Nâng cao nhận thức, năng lực cho phụ nữ và trẻ em gái trong việc ứng phó với các thách thức trên không gian mạng".
Bà vẫn yêu cháu nhiều

Bà vẫn yêu cháu nhiều

(PNTĐ) - Tranh thủ lúc cháu nội được nghỉ hè, bà khăn gói quả mướp từ quê lên phố chơi với cháu đôi tháng. Đón bà, cô cháu reo lên vui mừng: “Nhà có thêm bà thật là thích vì bà lúc nào cũng là người yêu cháu nhất”.