Mua bán người: Tội ác cần bị nghiêm trị

Kỳ 1: Những nỗi đau kinh hoàng không thể nào quên

QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mua bán người là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ra biết bao hậu quả nặng nề cho các nạn nhân, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự. Báo Phụ nữ Thủ đô khởi đăng loạt bài “Mua bán người: Tội ác cần bị nghiêm trị” nhằm góp phần nâng cao nhận thức, gia tăng trách nhiệm của cộng đồng cùng chung tay phòng, chống mua, bán người.

Họ từng là nạn nhân của tội phạm mua bán người, phải chịu biết bao cay đắng, tủi nhục nơi đất khách. Mỗi nạn nhân là một hoàn cảnh, một số phận bị tội phạm buôn người lừa gạt bán sang nước ngoài làm vợ người ta, bị ép bán dâm... Nghiêm trọng hơn, có người, từ  nạn nhân bị mua bán còn bị tha hóa trở thành tội phạm mua bán người.

Kỳ 1: Những nỗi đau kinh hoàng không thể nào quên - ảnh 1
Bị cáo Hương Trang trước toà trong phiên toà xét xử năm 2012.

Nước mắt ngày trở về

Suốt nhiều năm làm vợ người trên đất khách quê người, chị Nguyễn Thị T, quê Quảng Ninh phải sống trong nỗi đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Chị T kể: Năm 1988, có một người rủ tôi đi làm ăn ở Móng Cái (Quảng Ninh). Khi ngồi trên xe ra Móng Cái, người phụ nữ đó đưa cho tôi một chai nước chanh đá, tôi uống xong khoảng 5 phút thì đau đầu, chóng mặt, rồi thiếp đi. Khi tỉnh dậy, tôi đã bị đưa sang Đông Hưng, Trung Quốc.

Đến 8 giờ sáng hôm sau tỉnh dậy, cạnh chị lúc đó là một người đàn ông trung tuổi người Việt gốc Hoa. Người này bảo chị đã bị bán cho họ. “Lúc đó, tôi mới biết mình bị lừa bán” - chị T nói.

 Chị T khóc chạy ra cổng để thoát thân nhưng cổng đã bị khoá. Đến tối, một chiếc xe ôtô đỗ trước cửa nhà, người này bảo chị lên xe để về Việt Nam. Lúc lên xe, họ cho chị uống 1 ly cà phê, và chị lại lịm đi mê mệt. Đến 14h chiều hôm sau, chị tỉnh dậy thì đã thấy mình ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. 
“Bọn buôn người bán tôi cho một người đàn ông hơn tôi 25 tuổi. Tôi không chịu thì sẽ bị đánh, bị tra tấn rất dã man, chết đi sống lại. Cuối cùng, tôi đành phải nhắm mắt đưa chân, chấp nhận làm vợ người ta để giữ mạng sống cho mình và tìm đường trở về Việt Nam” - chị T nghẹn ngào. 

Hàng ngày, chị bị bắt đi làm nương nhưng lại không được ăn cơm mà chỉ ăn cháo với củ cải mặn. Làm được đồng nào, chồng chị giữ hết. Một năm sau, chị sinh một bé trai nhưng chỉ 10 ngày sau thì bé trai mất. “Từ lúc con trai mất, tôi như người mất hồn, rơi vào trầm cảm. Tôi không sinh tiếp được nữa nên bị đánh đập nhiều lần. Nhiều lúc tôi muốn tự kết liễu mình cho xong nhưng nghĩ đến bố mẹ, anh chị em ở quê nên cố sống tiếp” - chị T nghẹn lời. 

Năm 2010, chị T xin phép đi chợ và được chồng đồng ý. Rất may mắn, chị gặp một người Việt Nam và được giúp đỡ đưa về Việt Nam. Trở về quê hương sau nhiều năm xa cách, chị T xúc động không nói nên lời. 
Sau nhiều năm bị mua bán trở về, chị N (quê Nghệ An) dù đã có cuộc sống ổn định, nhưng không thể quên những ngày tháng sống trong nước mắt ở xứ người. Chị N kể, khi vừa tròn 17 tuổi, chị quen với một người đàn ông qua mạng xã hội và ra Hà Nội để gặp gỡ. Sau đó, hai người này rủ chị lên biên giới chơi, rồi họ bán chị vào 1 động mại dâm ở Trung Quốc. Tại đây, chị N cũng như những nạn nhân khác bị ép tiếp khách, bóc lột tình dục dã man cho đến khi được giải cứu về nước.  

Trở về từ bên kia biên giới, chị N được mẹ đón ở cửa khẩu và đưa về nhà. Trước áp lực dư luận và những ám ảnh của ngày tháng ở “động quỷ” xứ người, chị N luôn sống trong khủng hoảng. Mẹ chị N đã liên hệ với Ngôi nhà Bình yên để xin cho con gái được tạm trú. 

Bà Lê Thị Ngọc Bích, nhân viên tham vấn của Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Hội LHPN Việt Nam) cho biết, các chuyên viên tâm lý đã điều trị tâm lý, giúp chị N học nghề. Sau khi hồi hương, chị N được hỗ trợ sinh kế, có việc làm và thu nhập ổn định. Giờ chị N đã có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, viên mãn.
100 ngày hãi hùng “sống mòn” trong “động quỷ”
Phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô từng gặp chị Y tại một phiên toà xét xử các bị cáo trong vụ án tổ chức “buôn bán người” diễn ra tại TAND TP Hà Nội. Chị Y cho biết, chị quen Bùi Văn Huy, đối tượng buôn người qua mạng. Khi gia đình gặp biến cố khó khăn về kinh tế, chị Y tâm sự với Huy. Như cá vớ được mồi, Huy nhắn tin động viên, an ủi rồi bảo sẽ tìm cách giúp đỡ Y và rủ chị cùng hắn đi buôn chuyến xuyên biên giới.

Ngày 17/9/2011, Huy đi taxi tới đón chị Y lên Móng Cái. Trong chuyến xe đó, Huy đi cùng với một cô gái mà Huy giới thiệu là em gái (tên thật là Vũ Thị Hồng - đồng phạm) rồi cùng mua vé xe khách về Móng Cái - Quảng Ninh. Đến Móng Cái, Huy gọi điện cho một người phụ nữ nói là mẹ (thực chất là Tình - một chủ chứa đến để xem mặt). Hai người đưa chị Y sang một con sông, nói là sang bên Trung Quốc để lấy vải. Y được Tình và Huy đưa lên ôtô đến tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đến Lim - Coong (Quảng Đông), chị Y được một người phụ nữ đưa về một căn nhà. Ở đó, có khoảng 20 cô gái Việt đang ăn ở, sinh hoạt. Một người bảo chị đã bị bán sang đây làm gái mại dâm với giá 10 nghìn nhân dân tệ. Chị Y bắt đầu cuộc sống trong địa ngục suốt gần 100 ngày đến khi được giải cứu.

Mới đầu sang Trung Quốc, chị Y nghĩ cách chạy trốn nhưng không thể thoát khỏi tai mắt của chủ chứa. Chị không thể nhớ hết được những trận đòn, những lần bị đánh đập, lăng mạ, xỉ nhục và hành hạ thể xác. Mỗi ngày, hành trình của chị và các cô gái bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 7 giờ tối. Chủ chứa quy định mỗi người phải phục vụ ít nhất là 20 khách/ ngày. 

Trong ký ức chắp nối của chị Y, những nỗi đau về thể xác và tinh thần của gần 100 ngày sống trong động quỷ luôn khiến chị kinh hoàng, sợ hãi. Đến ngày 19/12/2011, sau hơn 3 tháng bị bán sang làm gái mại dâm ở Trung Quốc, N.T.Y được Công an Việt Nam phối hợp với Công an Trung Quốc giải cứu về nước. Chị Y đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Bùi Văn Huy, Đỗ Văn Tiên và đồng bọn.
Bước đường lầm lạc của thiếu nữ thôn quê
Ngô Thị Hương Trang (sinh năm 1990, Vụ Bản, Nam Định) là một bị cáo bị truy tố về 2 tội: “Mua bán phụ nữ” và “Mua bán trẻ em”. Bị cáo Trang từng là thiếu nữ bị lừa bán, thành gái bán hoa ở Trung Quốc. Sau khi trở về nước, Trang trở thành tay anh chị cộm cán, cầm đầu đường dây buôn người sang Trung Quốc làm gái mại dâm cho quán cà phê trá hình của mình. 

Vốn là con út nên ngay từ bé, Ngô Thị Hương Trang đã được bố mẹ thương yêu, cưng chiều. Bố mẹ Trang cố gắng làm lụng thêm để con gái có nhiều thời gian tập trung vào đèn sách, nhưng Trang lại chểnh mảng học hành, sa vào chơi bời, lêu lổng. Vì mải chơi nên Trang bị trượt trong kỳ thi chuyển cấp lên THPT. Bị bố mẹ mắng, Trang bỏ nhà đi dạt mấy ngày liền mới về. Vừa bước qua tuổi 17, Trang bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. 

Sau một thời gian làm gái bán dâm ở Trung Quốc, Trang được một “ông chủ” người Trung Quốc mua lại từ “động quỷ”, về sống như vợ chồng ngoài vòng pháp luật. “Ông chủ” mở quán cà phê thư giãn nhưng thực chất là để chứa gái mại dâm ở Quảng Đông rồi giao cho Trang quản lý, điều hành. Trang tìm cách lừa các cô gái ở Việt Nam sang Trung Quốc làm gái bằng cách về nước tổ chức đường dây buôn bán trẻ em sang biên giới.

Trang cùng đồng bọn “mua” chị Ngô Thị T (SN 1992, quê ở Điện Biên) với giá 5 triệu đồng rồi đưa sang Trung Quốc bán dâm tại quán cà phê của mình. Sau đó, đồng bọn tiếp tục lừa cháu Lê Thị Đ (hơn 13 tuổi) đưa sang bán cho “bà chủ” Trang với giá 5 triệu đồng. Tại quán cà phê của Trang, cháu Đ bị ép bán dâm nhiều lần trong ngày. 

Lợi dụng lúc “bà chủ” sơ hở, cháu Đ và chị T đã trốn khỏi “động quỷ”, tìm cách về nước tố cáo hành vi mua bán phụ nữ, trẻ em của Trang và đồng bọn. Ngô Thị Hương Trang đã bị Công an quận Long Biên, Hà Nội bắt theo lệnh truy nã. TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trang mức án 24 năm tù cho 2 tội “Mua bán phụ nữ” và “Mua bán trẻ em”.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Chiều ngày 26/7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình đã tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, theo nghi thức Quốc tang tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội); Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và tại quê nhà Nhà Văn hóa, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ  ​

Gần 3.000 cán bộ, hội viên phụ nữ tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về với đất Mẹ ​

(PNTĐ) - 13 giờ ngày 26/7, Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Hội trường Thống Nhất, TP.HCM và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lễ an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Lễ truy điệu đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13 giờ 00 phút ngày 26 tháng 7 năm 2024 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tình cảm của người dân nơi quê nhà Đông Hội gửi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(PNTĐ) - Sáng sớm ngày 26/7, tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, dòng người đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp nối. Những gương mặt trang nghiêm, những đôi mắt hoe đỏ luôn hướng về tấm di ảnh người con ưu tú của mảnh đất Đông Hội, Đông Anh được đặt trang trọng giữa lớp hoa vàng.