Kỳ 4: Người Việt quảng bá tinh hoa ẩm thực Việt
PNTĐ-Họ là 3 phụ nữ Việt trẻ đang định cư ở 3 châu: Á, Âu, Mỹ. Với lòng tự hào về nguồn cội, dù bận rộn mưu sinh, họ vẫn miệt mài lưu giữ tinh hoa ẩm thực Việt...
Họ là 3 phụ nữ Việt trẻ đang định cư ở 3 châu: Á, Âu, Mỹ. Với lòng tự hào về nguồn cội, dù bận rộn mưu sinh, họ vẫn miệt mài lưu giữ tinh hoa ẩm thực Việt, tự lập facebook, trang web cá nhân, đăng tải trên kênh Youtube hay xuất bản sách để quảng bá món ăn Việt ra thế giới.
Làm theo “mệnh lệnh trái tim”
Gần 20 năm xa Việt Nam, dù đã nhập quốc tịch Nhật, nói tiếng Nhật thành thạo, thấu hiểu văn hóa Nhật, nhưng Nguyễn Thùy Trang-tên Nhật là Takahara Ayumi chưa bao giờ để bản sắc Việt phai nhạt.
![]() |
Ayumi Trang |
Trang luôn muốn mình phải nấu món ăn Việt thật giỏi ngay trên đất Nhật. Thủ đô Tokyo, nơi Trang đang cư trú có ít người Việt sinh sống do sinh hoạt phí rất đắt đỏ. Vì thế, thật khó để tìm được một trung tâm dạy món ăn Việt cũng như các cửa hàng chuyên bán đồ ăn, thực phẩm cho người Việt. Thật may, cô của Trang là đầu bếp, đã gửi sang cho cháu gái nhiều công thức món ăn. Trang đọc rồi tự mày mò làm theo, khi gặp khó thì gọi điện về Việt Nam nhờ cô gỡ rối. Dần dà, cô gái 8x đã có thể nấu thành thạo nhiều món ăn Việt như cá kho, thịt kho, cơm sườn nướng, bánh da lợn, bánh bèo…
Để có nguyên liệu nấu món Việt, Trang trồng trong vườn nhà các loại rau thơm, bạc hà, húng, ớt, đu đủ, dưa leo, đậu bắp, khoai lang… Một số gia vị khác Trang mua của những người Việt bán hàng online sống ở vùng ngoại ô Tokyo. Trang còn nhờ gia đình gửi nước mắm Phú Quốc nguyên chất theo đường hàng hải, qua 2 tháng tàu vượt biển mới đến Nhật. Mỗi lần gia đình chuyển 20 lít mắm đủ để cô dùng trong 1 năm. Trong bữa cơm hàng ngày của hai vợ chồng bao giờ cũng hiện diện ít nhất 1 món ăn Việt Nam. Trang tâm sự: Dù xa quê đã nhiều năm nhưng cô vẫn luôn giữ thói quen ăn món ăn Việt Nam hàng ngày.
Trang tâm sự: “Tôi quảng bá văn hóa Việt không vì lợi nhuận mà là tuân theo mệnh lệnh của trái tim mình”.
Giữ món ăn Việt là giữ linh hồn Việt
Cathy Hà sinh năm 1972, theo gia đình sang Mỹ định cư đã hơn 35 năm. “Lúc xa Việt Nam, tuy còn rất nhỏ nhưng mình luôn nhớ về hương vị những món ăn quê nhà như: canh chua, cá kho tộ, canh củ dền nấu sườn...”. Cathy đã tìm đọc nhiều cuốn sách dạy món ăn Việt bằng tiếng Việt và tiếng Anh bày bán ở Mỹ. Mỗi lần đi ăn ở nhà hàng Việt, về nhà, Cathy mày mò nấu lại, gia giảm công thức theo ý mình.
![]() |
Cathy Hà |
Đang làm trong ngành địa ốc, Cathy cũng như nhiều chị em công sở khác ở Mỹ tất bật mưu sinh từ sáng tới tối. Cathy hiểu rằng, để đưa ẩm thực Việt đến với nhiều căn bếp gia đình tại Mỹ thì cách chế biến phải nhanh, gọn nhưng món ăn vẫn giữ nguyên hương vị. Cathy hướng dẫn chị em kho thịt, cá, khi không có nồi đất bằng cách đút lò nướng rồi để tủ lạnh ăn dần. Tối khuya đi làm về, chị em mở tủ lạnh là có ngay món mặn ăn cùng cơm trắng, chẳng khác nào đang ở Việt Nam. Với món cá bạc má, người Việt kho cùng nước dừa tươi, hành, cà chua. Ở Mỹ không sẵn dừa tươi như ở Việt Nam, Cathy cải biến dùng nước dừa lon đóng hộp.
Cathy còn làm nhiều món ăn mới lạ khác như: món cá hồi lúc lắc, lấy ý tưởng từ thịt bò lúc lắc; gỏi dưa hấu, dưa leo, ngó sen, hành tím và con Bắc Cực Bửu (bán nhiều ở Mỹ) cảm hứng từ món gỏi tôm của Việt Nam; món cà ry gà bỏ thêm hạt điều tạo độ bùi, béo; món bánh canh Nhật Bản hải sản sáng tạo từ món bánh canh gạo Việt Nam nấu thịt nạc… Nhờ vậy những bạn trẻ Mỹ và con em của các gia đình Việt kiều vẫn có cơ hội dễ dàng tiếp cận món ăn Việt bằng chính những nguyên liệu vốn xuất hiện nhiều trong đồ ăn ở Mỹ.
Cathy còn tận dụng mọi cơ hội để có thể quảng bá món ăn Việt Nam. Năm 2016, sự kiện Tổng thống Mỹ Barack Obama khi sang thăm Việt Nam đã đi ăn bún chả được truyền đi khắp thế giới. Ở Mỹ, Cathy làm món bún chả Hà Nội để giới thiệu với bạn bè. Không có điều kiện nướng trên than hoa, Cathy nướng chả bằng bếp nướng điện, tuy độ thơm có giảm nhưng vẫn rất ngon; Dưa góp ăn kèm, không có su hào, Cathy thay bằng củ cải trắng ngâm giấm, đường.
Uyên Lưu: Muốn thật nhiều người biết nấu món Việt
Không phải đầu bếp chuyên nghiệp, thế nhưng, Uyên Lưu đã được nhiều tờ báo quốc tế ca ngợi vì đã mang hương vị ẩm thực Việt Nam tới vương quốc Anh. Xa Việt Nam từ năm lên 4 tuổi nhưng tình yêu ẩm thực Việt vẫn được nuôi dưỡng trong Uyên Lưu từ những bữa cơm mẹ nấu. Chính nhờ sự dạy dỗ của mẹ, cộng thêm với sự tìm tòi, tự học hỏi của bản thân mà Uyên Lưu có thể nấu tốt những món ăn Việt Nam. Không những vậy, Uyên Lưu còn biến ngôi nhà của mình nằm tại Thủ đô London trở thành điểm hẹn của những người yêu món ăn Việt Nam.
![]() |
Uyên Lưu |
Uyên Lưu không thích sự lai tạp, vì thế, cô luôn cố gắng để món ăn mình nấu ra thật chuẩn vị và giống món ăn được nấu tại quê nhà nhất. Nhà Uyên Lưu nằm gần các cửa hàng bán đồ Việt Nam nên không quá khó để cô mua được các loại gia vị, trừ khi đó là những thứ không được nhập vào Anh. Giá bán các mặt hàng này khá cao nhưng Uyên Lưu không ngần ngại mua vì với cô, có như vậy, món ăn mới đảm bảo “chuẩn 100% Việt Nam”. Uyên Lưu cũng thường sử dụng nước mắm trong chế biến dù ở phương Tây, nhiều người chưa quen với mùi mắm.
Thế nhưng, khi món ăn hoàn thành, chẳng ai phàn nàn mà còn khen hương vị mắm thật ngon. Tiếng lành đồn xa, mọi người bắt đầu tìm tới không gian ẩm thực Việt của Uyên Lưu. Có người đến để được thưởng thức món ăn Việt do tự tay cô nấu. Lại có người đến để học cách nấu món ăn Việt do chính cô dạy. Ngoài các bạn trẻ gốc Việt, rất đông thực khách đến từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi… trong đó có cả nhân vật nổi tiếng như Raymond Blanc, Jamie Oliver, thành viên của ban nhạc của Michael Buble. Lại có người lúc đầu chỉ đến để thử nghiệm món Việt, sau bị cuốn hút tới mức trở thành học viên. Họ đến ăn, kết bạn với Uyên Lưu, kết bạn với nhau, thậm chí không ít cặp đôi đã yêu nhau và nhờ món ăn Việt se duyên thành vợ chồng.
Không dừng lại ở đó, Uyên Lưu còn xuất bản một cuốn sách dày 100 trang, giới thiệu công thức 65 món ăn Việt. Để có đủ tư liệu cho sách, Uyên Lưu đã trở về Việt Nam nghiên cứu, học hỏi từ các nhà hàng, các đầu bếp Việt. Phần mỹ thuật của sách do Uyên Lưu thực hiện vì cô từng học làm phim, nghệ thuật, thời trang và nhiếp ảnh tại đại học Central Saint Martins College of Arts and Design (London). Sách được in bằng tiếng Anh và đã có mặt ở nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Singapore… Nhiều người tâm sự, sách của Uyên Lưu đẹp tới mức, họ sau khi đọc xong chỉ muốn lao vào bếp nấu món ăn Việt ngay.
Hoàng Lan