Nâng cao ý thức, trách nhiệm của tài xế

Chia sẻ

Chính phủ đã thống nhất ý kiến về quy định trừ điểm trên giấy phép lái xe tại Nghị quyết 123/NQ-CP phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2020 ban hành ngày 31/8/2020. Theo đó, mỗi người có giấy phép lái xe (GPLX) có 12 điểm và nếu vi phạm thì bị trừ điểm vào bằng lái xe.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của tài xế - ảnh 1 (Ảnh: minh họa (nguồn: CSGT))

Tài xế vừa mừng, vừa lo

Ngay khi có thông tin về quy định trừ điểm nếu vi phạm trong danh mục 28 lỗi, rất nhiều người dân quan tâm đến vấn đề này, nhất là những người “mưu sinh” bằng nghề tài xế.

Là người có thâm niên lái xe hơn 20 năm nay, ông Lê Văn Phương (55 tuổi) ở KĐT Thanh Hà, Hà Đông cho rằng, việc trừ điểm khi vi phạm các lỗi sẽ góp phần nâng cao ý thức và trách nhiệm của người lái xe khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Với 12 điểm được ứng trước sẽ bị trừ dần với mỗi lỗi vi phạm cho tới khi hết điểm là bị tước bằng thì ai nấy sẽ phải rất cẩn thận cho xe lăn bánh an toàn và đúng luật. Bản thân ông Phương là người trầm tính, dày dặn kinh nghiệm với nghề tài xế, ông cho rằng quy định này mang đến nhiều lợi ích. Tuy nhiên, ông Phương cũng băn khoăn khi liên hệ với việc bấm lỗ bằng lái hồi năm 2003 và đặt câu hỏi không biết việc thi hành xử lý vi phạm trừ điểm này có hạn chế được tiêu cực phát sinh không?

Tại Nghị quyết số123/NQ-CP nêu rõ dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ quy định nguyên tắc, Chính phủ sẽ quy định cụ thể về căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện việc trừ, phục hồi điểm của giấy phép lái xe. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm đơn giản, hợp lý, tránh phiền hà cho người dân. Đồng thời, Chính phủ sẽ quy định cụ thể các hành vi, nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong nghị định xử phạt vi phạm hành chính có liên quan. Chính phủ giao Bộ Công an tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10.

Cũng trong nghề lái xe, anh Hà Quốc Thắng ở quận Đống Đa đọc đi đọc lại 28 lỗi trừ điểm thì nhận thấy một số lỗi như theo quy định hiện hành là tước bằng lái sẽ được hạ xuống còn trừ điểm, tức là lái xe được thêm cơ hội “rút kinh nghiệm”. “Chúng tôi làm nghề lái xe, việc bị tước GPLX là mất “cần câu cơm” nên rất lo sợ. Vì vậy, tự biết phải rèn bản thân nghiêm chỉnh chấp hành quy định”.

Còn nhiều băn khoăn về quy định này, anh Nguyễn Quang Hưng, lái xe Công ty TNHH Vina CPK thẳng thắn nói: “Theo tôi có 5 lỗi không nên trừ điểm trên bằng lái. Một là không giữ nguyên hiện trường tai nạn, không cấp cứu người bị tai nạn, điều này sẽ xung đột với luật khác và không phải ai cũng biết sơ cứu. Hai là, không có biển số xe, đăng ký xe, điều này không liên quan đến bằng lái xe, nên chỉ phạt tiền, tạm giữ phương tiện. Ba là, lắp còi, đèn sai quy định, với trường hợp xe đi thuê thì người lái sẽ không thể biết lắp thêm bộ phận gì, nên chỉ phạt tiền. Bốn là, xe cải tạo tương tự với trường hợp xe đi thuê. Năm là, xe quá niên hạn, chỉ nên phạt tiền, tạm giữ phương tiện”. Anh Hưng cho rằng: “Để tránh “xin xỏ” thì cách phạt như hiện nay là tốt nhất, vi phạm đến đâu, phạt trực tiếp tới đó hoặc tăng thêm hình thức phạt nguội”.

Bên cạnh đó, các tài xế cũng còn băn khoăn liên quan đến việc phát hiện, xử lý vi phạm khi áp dụng các biện pháp này còn liên quan đến hệ thống cơ sở hạ tầng, biển báo, vạch kẻ đường, và camera giám sát hỗ trợ… nếu đồng bộ và làm nghiêm minh thì sẽ phát huy hiệu quả thực sự.

Anh Trần Vịnh, lái xe taxi công nghệ ở Trung Hòa, Cầu Giấy bày tỏ: “Quy định rất tốt nếu thực sự cả hệ thống vận hành từ con người đến phương tiện không để lọt khe dẫn đến sai sót hoặc tiêu cực trong xử lý vi phạm”.

Cần quy định rõ ràng và thực thi minh bạch

Theo luật sư Phạm Quốc Vượng- Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, khi ban hành chính sách cần có sự nghiên cứu và tường minh, rõ ràng, nhất là cần lấy ý kiến đa chiều, rộng rãi từ người dân, người trong cuộc, doanh nghiệp sử dụng lao động lái xe… Cụ thể, khi đưa ra 28 hành vi và nhóm hành vi trong dự thảo trừ điểm trên bằng lái xe, Bộ Công an cần rà soát kỹ từng câu từ sao cho rõ ràng và phù hợp với thực tế để tránh tình trạng “cãi” giữa quy định với công dân mà trực tiếp là cảnh sát giao thông (CSGT) với người bị cho là vi phạm.

Luật sư Phạm Quốc Vượng nêu: Hành vi “sử dụng điện thoại di động” cần rõ hơn là "khi đang điều khiển phương tiện giao thông”, để tránh nhầm lẫn với việc lái xe sử dụng điện thoại khi dừng ở lề đường vẫn ngồi trên xe. Hành vi “Lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định”, nên có thêm từ "30% trở lên". Hành vi “Ôtô lắp thêm đèn phía trước, phía sau, trên nóc, dưới gầm, một hoặc cả hai bên thành xe”, không nên quy định vậy, bởi gắn thêm là thêm sáng, thêm cảnh báo thì tốt, phải quy định "cấm gắn thêm đèn pha", bởi đèn pha mới làm ảnh hưởng đến xe đối diện, hoặc xe bên cạnh…

Bên cạnh đó, luật sư Phạm Quốc Vượng cho rằng, Bộ Công an cần chia hành vi vi phạm thành 4 nhóm dựa theo tiêu chí “Lỗi”. Cụ thể, nhóm 1: Lỗi cố ý trực tiếp (tức là biết rõ, cố ý làm). Ví dụ như đua xe; đưa xe hết hạn kiểm định vào sử dụng lưu thông; nhóm này trừ luôn tối đa đến 2 điểm. Nhóm 2: Lỗi cố ý gián tiếp (nhẹ hơn). Ví như, đi xe vào đường cấm (có khi lái xe lạ đường, quên đường nên đi vào 100m, 200m mới phát hiện ra; công an dừng xe bất ngờ không kịp dừng... phải chạy thêm 15m, 20m mới dừng được… Nhóm này nên đưa điều kiện “con” là đang trong thời hiệu chấp hành hình phạt hành chính về an toàn giao thông. Nhóm 3: Lỗi vô ý do tự tin. Nhóm 4: Lỗi vô ý vì cẩu thả.

Theo luật sư Phạm Quốc Vượng, năm 2020-2021 cần xử lý mạnh 2 nhóm lỗi có tính “Cố ý trực tiếp” và nhóm có nguy cơ gây mất an toàn cho tính mạng con người cao hơn. Ví như, vượt ở đoạn có vạch sơn liền kề tại khu vực đường cong (cua, quẹo) khuất tầm nhìn; khu vực chỉ có 2 làn đường ngược chiều hỗn hợp… các lỗi này thật sự có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông, xảy ra tai nạn. Tiếp theo, các hành vi khác sẽ được siết chặt vào năm 2022-2023. Luật sư Phạm Quốc Vượng cho rằng, cần phải có đồng bộ về mức phạt và cách phạt với hệ thống xử lý được kết nối mạng internet.

Trừ điểm không phải là xử phạt hành chính

Ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô-tô Ðức Thịnh (ở Đông Anh-Hà Nội) cho rằng, quy định này rất tốt, giúp cho việc nâng cao ý thức và trách nhiệm chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người lái xe. Về việc đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe thì các đơn vị vẫn thực hiện nghiêm theo đúng quy định.

Theo Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục CSGT, trừ điểm vào GPLX khi tài xế vi phạm là văn minh và mang tính nhân văn. Bởi nếu như trong quy định của pháp luật hiện hành, có một số hành vi, khi tài xế vi phạm đã bị tước ngay GPLX thì nay nếu trừ điểm sẽ tác động vào tâm lý, giúp tài xế có ý thức hơn, không bị tước ngay GPLX, còn cơ hội để chấp hành nhưng tăng tính cảnh báo. Hơn nữa, việc trừ điểm GPLX đã được các quốc gia tiên tiến trên thế giới áp dụng nhiều năm nay.

Cục Cảnh sát giao thông đã tham khảo một số quốc gia có hệ số an toàn giao thông cao sử dụng hệ thống trừ điểm như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc... Bên cạnh mục đích quản lý toàn diện, điều này còn được cho là giúp người lái xe có ý thức chấp hành tốt hơn.

Bộ Công an khẳng định, sẽ xây dựng quy định việc tính điểm bảo đảm chặt chẽ. Dữ liệu về điểm, lịch sử cộng, trừ điểm, thời gian và người thực hiện sẽ công khai và dễ dàng tra cứu từ bất kỳ đâu, vào bất kỳ thời gian nào để ngăn chặn sai phạm, phòng ngừa tiêu cực.
Hiện tại, Bộ Công an đang chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông triển khai phần mềm xử lý phạm. Theo đó, toàn bộ phương tiện vi phạm, giấy phép lái xe của người vi phạm sẽ có trong dữ liệu. Khi cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt sẽ nhập dữ liệu vào, từ đó kiểm soát được tất cả những lỗi lái xe đã vi phạm. Dữ liệu này sẽ được kết nối với hệ thống quản lý cấp đổi giấy phép lái xe.

Theo Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, khám nghiệm điều tra tai nạn giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, việc trừ điểm giấy phép lái xe không phải biện pháp xử phạt hành chính, là hình thức quản lý văn minh và toàn diện.

Người dân cần hiểu rõ Bộ Công an sẽ không thể hiện trực tiếp số điểm trên bằng lái mà mã hóa, lưu trên hệ thống dữ liệu. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ được trừ trên hệ thống. Cảnh sát giao thông chỉ cần thực hiện thao tác kiểm tra nhanh trên máy là biết tài xế còn bao nhiêu điểm.

Điều này cũng không phát sinh thủ tục hành chính cho người dân. Đồng thời, sẽ tăng kết nối thông qua công nghệ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giữa cảnh sát giao thông với người dân dễ dàng hơn.

THU HẰNG - VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Tự hào Việt phục: Một hành trình văn hóa xuyên thời gian trên đất nước xứ sương mù

Tự hào Việt phục: Một hành trình văn hóa xuyên thời gian trên đất nước xứ sương mù

(PNTĐ) - Giữa nhịp sống sôi động và hiện đại của thủ đô London, Vương quốc Anh hình ảnh đoàn người Việt Nam trong những bộ Việt phục truyền thống qua các thời kỳ lịch sử – từ áo viên lĩnh, giao lĩnh, áo tấc, nhật bình , ngũ thân, áo dài, áo yếm, cho đến những thiết kế cách tân tinh tế – đã tạo nên một khoảnh khắc thực sự đẹp đẽ và xúc động.
Ngày Dân số thế giới (11/7):  Việt Nam khuyến sinh để ứng phó với già hóa dân số

Ngày Dân số thế giới (11/7): Việt Nam khuyến sinh để ứng phó với già hóa dân số

(PNTĐ) - Tuổi kết hôn tăng, tỷ lệ kết hôn giảm và xu hướng sinh con muộn hay thậm chí ngại sinh con đang là những yếu tố chính khiến Việt Nam có nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế. Đứng trước tốc độ già hóa dân số nhanh và nỗi lo Việt Nam sớm trở thành quốc gia dân số già, những nỗ lực khuyến sinh đã và đang được triển khai.
Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

Báo Phụ nữ Thủ đô trao thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng

(PNTĐ) - Chiều 24/6, nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Phụ nữ Thủ đô phối hợp với Hội LHPN huyện Ứng Hòa và nhà tài trợ Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Phúc Hoàng An đã tổ chức trao tặng thiết bị y tế trị giá 100 triệu đồng cho Trạm y tế xã Kim Đường (huyện Ứng Hòa, Hà Nội).
Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.