Nghĩa tình hậu phương, quân đội nơi miền biên viễn

Bài và ảnh: Quỳnh Trang
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những cái nắm tay thật chặt, những ánh mắt trìu mến như người thân đi xa lâu ngày gặp lại, những món quà hậu phương tuy giản dị, mà chứa đựng, gửi gắm biết bao tình cảm chân thành, cùng sự động viên như của người thân đối với ruột thịt nơi tiền tuyến. Đó chính là tình cảm đã được bồi đắp qua nhiều năm tháng nghĩa tình hậu phương - quân đội mà Hội LHPN Hà Nội với các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng các địa phương kết nghĩa và chị em phụ nữ tại những nơi đoàn có dịp đến thăm.

Nghĩa tình hậu phương, quân đội nơi miền biên viễn - ảnh 1
Hội LHPN Hà Nội tham dự chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Xuân Biên phòng - ấm lòng dân bản” tại Đồn Biên phòng Leng Su Sìn.

Và Tết này, theo chân các lãnh đạo Hội LHPN Hà Nội đến với huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, đến với 2 xã đồng hành là Leng Su Sìn và Sín Thầu trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những việc làm ý nghĩa, sự chung tay đầy trách nhiệm vì cộng đồng của các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội và bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên để giúp bà con nơi đây có sinh kế bền vững, đẩy lùi cái đói, cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng.

Trao cần câu, không trao con cá
Năm 2023, Hội LHPN Hà Nội đã trao mô hình sinh kế nuôi trâu sinh sản cho gia đình chị Mùa Thị Văn ở bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, Điện Biên, với trị giá 20 triệu đồng/ 1con trâu đang chuẩn bị sinh sản. Sau một thời gian chăm sóc, trâu mẹ đã sinh được một nghé con khỏe mạnh, nhảy tung tăng bên mẹ. Hôm chúng tôi đến nhà chị Mùa Thị Văn, hai vợ chồng chị vừa đi làm đồng về. Chị Văn, dân tộc Mông, không giấu nổi niềm vui cho biết: “Trước đây, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, làm thuê không đủ ăn, nay nhờ Hội Phụ nữ Hà Nội thông qua Hội Phụ nữ tỉnh Điện Biên giúp trao sinh kế, gia đình đã có của ăn, của để. Từ ngày trâu mẹ đẻ ra nghé con, gia đình tôi vui lắm. Chúng tôi sẽ chăm sóc hai con trâu để có điều kiện làm kinh tế gia đình, thoát nghèo” - chị Văn phấn khởi. 

Nghĩa tình hậu phương, quân đội nơi miền biên viễn - ảnh 2
Các đại biểu tham quan vườn rau tăng gia của Đồn Biên phòng Leng Su Sìn.

Cũng năm 2023, Hội LHPN Hà Nội trao kinh phí giúp đỡ xây dựng nhà mái ấm tình thương cho gia đình chị Giàng Mỳ Ly, sinh năm 1992, ở bản Tá Sú Lình, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Ngày 27/1, đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội đã trở lại thăm vợ chồng Giàng Mỳ Ly thấy ngôi nhà lợp tôn đã được dựng lên khang trang. Tuy còn nhiều khó khăn do Giàng Mỳ Ly làm nghề tự do, chồng làm ruộng chỉ đủ ăn, nhưng đến nay đã có cuộc sống khấm khá hơn. Hai vợ chồng có hai con trai, con lớn 15 tuổi, con nhỏ đang học tiểu học. “Vợ chồng mình còn có một mảnh vườn nhỏ dự định trồng hoa màu. Chăm chỉ làm ăn và có được mái nhà che mưa nắng, hai vợ chồng mình bảo nhau cố gắng dành dụm để nuôi các con ăn học, nên người”- Giàng Mỳ Ly tâm sự và không quên: “Cảm ơn Hội Phụ nữ Hà Nội nhiều lắm”. 

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều mô hình sinh kế “trao cần câu, không trao con cá” nhằm giúp dân thoát nghèo, cải thiện cuộc sống rất thiết thực và ý nghĩa mà Hội LHPN Hà Nội đã mang lại cho người dân và đặc biệt là chị em phụ nữ ở những tỉnh còn nhiều khó khăn như Điện Biên, Kon Tum, Nghệ An. Theo Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn Trần Quyết Thắng: Với địa bàn rộng, dân số thưa thớt, phần đa là người dân tộc (Mông và Hà Nhì) chiếm tới 99%, những năm qua, thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, Hội LHPN Hà Nội đã có nhiều hoạt động nhằm giúp đỡ địa phương xã Leng Su Sìn và các hội viên phụ nữ trong công tác an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương. Có thể kể ra các công trình như hỗ trợ 10 mái ấm tình thương trị giá 320 triệu đồng; 4 mô hình sinh kế cho 65 hội viên (nuôi trâu, bò, ngan, mở cửa hàng tạp hóa) trị giá 200 triệu đồng; xây dựng phòng học và đồ chơi cho điểm trường Cà Là Pá 1 trị giá 200 triệu đồng, xây dựng bếp ăn điểm trường Cà Là Pá trị giá 50 triệu đồng; hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh cho 13 hội viên trị giá 65 triệu đồng; hỗ trợ bình lọc nước cho 3 trường trị giá 17,5 triệu đồng, bình lọc nước cho 623 hộ dân trị giá 313,5 triệu đồng; công trình nước sạch ở bản Cà Là Pá 1 trị giá 70 triệu đồng...

Nghĩa tình hậu phương, quân đội nơi miền biên viễn - ảnh 3
Hội LHPN Hà Nội và Hội LHPN quận Cầu Giấy trao mô hình sinh kế cho phụ nữ nghèo.

Đai tá Lê Đức Nghĩa, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Điện Biên khẳng định hiệu quả rõ rệt từ các mô hình do Hội LHPN Thành phố Hà Nội triển khai trong chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" tại Điện Biên đã góp phần đáng kể giúp nhân dân vùng biên giới cải thiện đời sống, thay đổi nhận thức, nếp nghĩ cách làm vươn lên thoát nghèo. Đến nay, cùng với việc thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, sự hỗ trợ chung tay của các hội đoàn thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trong đó đặc biệt là Hội LHPN Hà Nội với các mô hình sinh kế, an sinh xã hội tiêu biểu, thiết thực đã đóng góp hiệu quả vào việc giúp đỡ địa phương ổn định cuộc sống cho người dân, làm tốt công tác dân vận, khiến người dân thêm tin yêu chính quyền, tuân thủ luật pháp, bảo vệ an ninh, trật tự biên giới. Đến nay, trên địa bàn hình thành các tổ tự quản an ninh biên giới, nhiều thôn bản không có tội phạm ma túy, tội phạm trộm cắp mất an ninh trật tự tại địa phương...

Tết này, sẵn sàng gác cho dân vui chơi 
Đã thành thông lệ, mỗi dịp Tết đến, xuân về, Hội LHPN Hà Nội lại tổ chức các đoàn công tác đến động viên, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng nơi biên cương, hải đảo tiền tiêu của đất nước; thăm tặng quà các gia đình chính sách, hội viên phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, mang tình cảm, sự sẻ chia đến với những người con xa quê vì nhiệm vụ phải có mặt ở nơi đầu sóng ngọn gió. 

Nghĩa tình hậu phương, quân đội nơi miền biên viễn - ảnh 4
Gia đình chị Mùa Thị Văn bản Suối Voi được tặng mô hình sinh kế trâu sinh sản.

Trong thời tiết giá lạnh của miền biên giới, không khí xuân đã rộn rã khắp mọi nẻo đường, tại các đồn biên phòng mà đoàn tới thăm, đem theo tình cảm nồng ấm, thân thương của chị em phụ nữ Thủ đô đến với cán bộ, chiến sĩ luôn là nguồn cổ vũ động viên tinh thần to lớn, giúp các anh có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn. Trong các ngày từ 25-27/1, tới thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên, trực tiếp đến các đồn biên phòng Leng Su Sìn, A Pa Chải và Nậm Kè, thăm hỏi, động viên các chiến sĩ ở các chốt trực tại các địa bàn cửa ngõ biên giới, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh đã bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến sự hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ biên phòng luôn chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc, bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, trong đó có người dân Thủ đô Hà Nội. Thay mặt các bà, các mẹ, các chị, các em gái Thủ đô, bà Lê Kim Anh nhấn mạnh, Hội LHPN Hà Nội luôn xác định “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là trách nhiệm của các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội, của hậu phương đối với các cán bộ, chiến sĩ BĐBP - những "lá chắn sống" bảo vệ sự bình yên của đất nước, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Đó vừa là trách nhiệm, song cũng chính là tình cảm, sự quan tâm, gắn bó, đồng hành của phụ nữ Thủ đô được gửi gắm qua những ngôi nhà mái ấm tình thương, những công trình an sinh xã hội, mang lại sinh kế bền vững cho phụ nữ. 

Đại tá Phan Ngọc Quảng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Leng Su Sìn đón tiếp đoàn công tác của Hội LHPN Hà Nội tới tham dự chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” cho biết: Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, đồn biên phòng Leng Su Sìn luôn quán triệt và thực hiện tốt phương châm “3 bám, 4 cùng” với người dân, chính quyền địa phương. Đơn vị đã tham mưu cho chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện thành công các mô hình chuyển đổi sản xuất, phát triển kinh tế và củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên khu vực biên giới. Cùng với đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ cũng trực tiếp dùng tiền lương của mình để hỗ trợ cho các học sinh người dân tộc gặp khó khăn. Đến nay, đồn đã nuôi được 4 em trong chương trình “Nâng bước em đến trường” và “con nuôi đồn biên phòng, giúp các em ổn định cuộc sống.

Đối với đồn biên phòng A Pa Chải, đóng quân trên địa bàn xã Sín Thầu quản lý tới 38km đường biên với 16 mốc giới và có cột mốc giao điểm 3 nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, theo Thượng tá Đoàn Thanh Tuấn - Chính trị viên Đồn biên phòng A Pa Chải, Ban Chỉ huy Đồn biên phòng luôn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội và chủ quyền an ninh vùng biên. Đến nay, Sín Thầu là xã duy nhất đạt tiêu chí nông thôn mới của huyện Mường Nhé. Xã cũng đi đầu trong thực hiện “4 không” (không di dân tự do, không có tôn giáo trái phép, không phá rừng và không có người nghiện hút ngoài cộng đồng).

Vượt qua đoạn đường đèo dốc ngoằn nghoèo đến thăm và tặng quà chốt tuần tra của đồn biên phòng A Pa Chải tại đỉnh cột cờ lên cột mốc 3 biên, chứng kiến điều kiện vật chất còn nhiều khó khăn của các chốt biên giới, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội bày tỏ sự cảm phục và chúc cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng A Pa Chải chắc tay súng, gác cho dân vui chơi, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. 

Nhiều phần quà ý nghĩa trao tặng đồng bào nghèo
Cũng trong chuyến công tác của Hội LHPN Hà Nội, thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đoàn đã cùng bộ đội biên phòng Leng Su Sìn tổ chức chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”. Tại đây, Hội LHPN Hà Nội đã trao tặng 100 phần quà Tết cho phụ nữ của 7 bản thuộc xã Leng Su Sìn, mỗi phần quà gồm nhiều nhu yếu phẩm thiết yếu như chăn ấm, mũ len, dầu ăn, nước mắm, bánh kẹo, sữa…, mỗi phần quà trị giá 500 nghìn đồng. Hội LHPN Hà Nội, Hội LHPN quận Ba Đình trao tặng 1 mái ấm cho phụ nữ nghèo trị giá 50 triệu đồng; Hội LHPN Hà Nội và Hội LHPN Quận Cầu Giấy trao tặng 60 triệu đồng mô hình sinh kế nuôi trâu sinh sản cho 3 hộ gia đình  (mỗi hộ 20 triệu đồng);  Tại xã Sín Thầu, đoàn công tác đã trao 30 suất quà Tết cho hội viên phụ nữ 7 bản. Tổng số các phần quà trị giá lên tới trên 200 triệu đồng. 

Chủ tịch Lê Kim Anh cũng bày tỏ mong muốn, để xóa đói giảm nghèo bền vững thì mỗi người dân các xã biên giới cần nỗ lực cố gắng, không ngừng phấn đấu vươn lên thoát nghèo, mong rằng, người dân Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé nói riêng, người dân tỉnh Điện Biên nói chung phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, không ngừng đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.

Năm 2024, cũng là năm Điện Biên kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hà Nội cũng sẽ long trọng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Đây được xem là những dấu son chói lọi trong lịch sử hào hùng của dân tộc. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và sự cố gắng vươn lên của người dân, Chủ tịch Lê Kim Anh chúc cho hai Hội Phụ nữ Hà Nội và Điện Biên luôn kề vai sát cánh thực hiện nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, thiết thực hơn nữa nhằm giúp đỡ người dân địa phương no ấm, thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhân dịp Tết Giáp Thìn sắp tới, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội chúc cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Leng Su Sìn, cán bộ, hội viên phụ nữ xã, huyện, tỉnh luôn mạnh khỏe, bình an, hạnh phúc, chung tay vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.