Người lính Cụ Hồ thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống chế độ ngụy quyền Sài Gòn

Chia sẻ

PNTĐ-Trưa 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 của Quân Giải phóng dũng mãnh húc bật tung cánh cổng Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền Sài Gòn...

 
 Tổng thống chế độ Sài Gòn Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các có mặt trong Dinh lúc ấy đã phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện trước yêu cầu của vị chỉ huy cao nhất Quân Giải phóng - Chính ủy Lữ Đoàn Tăng - Thiết giáp 203, Trung tá Bùi Văn Tùng!
 
Bản lĩnh của người lính đã viết nên lịch sử
 
Chính ủy Bùi Văn Tùng quê Đà Nẵng, sinh năm 1930. Với lòng yêu nước nồng nàn, năm 1947 ông gia nhập lực lượng quân đội non trẻ, lúc ấy ông 17 tuổi. Gắn bó với đơn vị Tăng Thiết giáp ngay từ những ngày đầu, ông đã chiến đấu và chỉ huy chiến đấu giành nhiều chiến thắng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn Tăng Thiết giáp của ông đã xốc tới theo tinh thần quyết chiến quyết thắng trong bức điện của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp “Thần tốc! Thần tốc hơn nữa! Táo bạo! Táo bạo hơn nữa! Xốc tới Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam! Thống nhất đất nước”.
 
Trưa 30/4/1975 chiếc xe tăng 390 dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại úy - Chính trị viên Vũ Đăng Toàn đã anh dũng húc thẳng vào cánh cổng Dinh Độc Lập. Đại tướng Dương Văn Minh - Tổng thống chế độ Sài Gòn cùng toàn bộ nội các có mặt trong Dinh lúc ấy đề nghị được bàn giao chính quyền, nhưng Trung tá Bùi Văn Tùng lúc ấy rất dõng dạc khẳng định với Đại tướng Dương Văn Minh: “Các ông không còn gì để bàn giao! Các ông chỉ có đầu hàng vô điều kiện Quân Giải phóng!”. Trước những lời đanh thép của vị chỉ huy Quân Giải phóng, Tổng thống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các ngụy quyền Sài Gòn phải chấp nhận đầu hàng vô điều kiện.
 
Chính ủy Bùi Văn Tùng rất nhanh, đã thảo ra Lời tuyên bố đầu hàng để Tổng thống Dương Văn Minh đọc trên đài phát thanh. Tướng Minh đề nghị được bỏ chức vụ Tổng thống trong Tuyên bố đầu hàng, chỉ viết là "Đại tướng Dương Văn Minh", vì ông ta chưa kịp làm lễ nhậm chức. Nhưng Trung tá Tùng đã kiên quyết bắt Tướng Minh phải đọc Tuyên bố đầu hàng với danh nghĩa Tổng thống, vì như vậy thì toàn bộ hệ thống chính quyền và quân đội ngụy Sài Gòn mới tuân thủ, súng mới ngừng nổ, giảm bớt đổ máu và mới bảo vệ được thành phố Sài Gòn tránh đổ nát vì bom đạn.
 
Người lính Cụ Hồ thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống chế độ ngụy quyền Sài Gòn - ảnh 1
Trung tá Bùi Văn Tùng và nhà báo Gallasch tại
Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975
 
Với tư cách người chỉ huy cao nhất của Quân Giải phóng vào thời điểm vô cùng quan trọng như vậy của lịch sử dân tộc, Chính ủy Bùi Văn Tùng đã chủ động chỉ huy toàn bộ việc ra hàng, chấp nhận đầu hàng của chính quyền ngụy. Ông đã cho áp giải Tướng Minh đến đài phát thanh Sài Gòn nhưng không để Tướng Minh đọc trực tiếp trên hệ thống phát thanh. Bùi Văn Tùng đề nghị các nhà báo phương Tây có mặt tại đó cho mượn máy ghi âm, ghi lại lời của Tướng Minh rồi mới phát sóng. Ngay sau khi Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Bùi Văn Tùng đã dõng dạc phát biểu trên đài phát thanh thay mặt Quân Giải phóng tiếp nhận đầu hàng của chính quyền ngụy.
Chính vì bản lĩnh, sự thông minh, sáng tạo của Trung tá Bùi Văn Tùng vào thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc như vậy, nên đồng chí Bùi Văn Tùng đã được Bác Tôn ôm hôn và khen ngợi. Đến nay, ở tuổi gần 90, Chính ủy Bùi Văn Tùng vẫn xúc động nhớ lại:
 
- Khi các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng - Chính phủ vào tiếp quản Sài Gòn giải phóng, đã khen ngợi, biểu dương tôi là “Đồng chí Bùi Văn Tùng làm tốt lắm”, Bác Tôn ôm hôn tôi. Lúc đó tôi xúc động trào nước mắt, biết rằng Bác Tôn đang thể hiện tình yêu thương với Quân đội, với những người lính Cụ Hồ mà tôi may mắn được đại diện…

Sáng đẹp nhân cách Bộ đội Cụ Hồ
 
Sau gần 30 năm tham gia chiến đấu chống ngoại xâm, khi đất nước thống nhất, Bùi Văn Tùng được điều về làm Bí thư Đảng ủy, phó Hiệu trưởng trường Tăng - Thiết giáp Long Thành (Đồng Nai) cho đến năm 1985 ông nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Về với gia đình và người vợ hiền Trương Thị Thu Cúc (nguyên Phó Giám đốc một Cty của Bộ Công nghiệp) ở phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh, Đại tá Bùi Văn Tùng lại được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy phường liên tục 2 khóa.
 
Cả cuộc đời ông miệt mài cống hiến cho đất nước, cho nhân dân, không hề nghĩ đến bản thân. Công trạng của ông khi thảo lời Tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy và thay mặt Đảng ta, Quân đội và nhân dân ta tiếp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của ngụy quyền Sài Gòn vào trưa 30/4/1975, lại bị người khác đứng ra nhận, rồi họ tổ chức hội thảo rùm beng về chiến tích ấy, nhưng đồng chí Bùi Văn Tùng không để tâm. Bởi thế nên năm 2010 khi tôi vào TP Hồ Chí Minh tìm ông để mong muốn làm rõ sự thật: Ai là người đã thảo Lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh? Đại tá Bùi Văn Tùng vẫn cười rất hiền: “Dù là tôi thảo hay người khác nhận là họ thảo Lời tuyên bố đầu hàng đó thì cũng đều là đại diện cho Quân đội ta, chiến thắng đó là chiến thắng của Đảng ta, Quân đội ta, nhân dân ta”.
 
Rồi Đại tá Bùi Văn Tùng kể cho tôi câu chuyện khi Tướng Dương Văn Minh mất (năm 2001), phóng viên một đài nước ngoài đã phỏng vấn ông: “Tướng Dương Văn Minh vừa qua đời. Ông từng là đối thủ và nay lại là hàng xóm của ông Minh. Vậy ông có ý kiến gì không?”. Đại tá Bùi Văn Tùng đã trả lời: “Tôi là người Việt Nam, ông Minh cũng là người Việt Nam. Ông Minh mất đi, tôi thành thật gửi lời chia buồn với gia đình ông Minh. Nhà tôi ở hiện nay vô tình lại đấu lưng vào biệt thự Hoa Lan của ông Minh, nhưng nhiều năm nay ông Minh cũng không ở đây, chỉ có người nhà ở”.
 
Tuy Đại tá Bùi Văn Tùng không màng danh lợi, nhưng sự thật lịch sử thì luôn cần chính xác. Và thật kỳ lạ là, đã có những bất ngờ không ai hình dung hết khi các chứng cứ và các nhân chứng lịch sử lại bỗng xuất hiện…

Điều kỳ diệu của lịch sử
 
Sáng 30/4/2010, có một nữ nhà báo của Hãng Truyền hình CHLB Đức (thường trú tại Mỹ và là người Mỹ), đến Việt Nam để dự Lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng Sài Gòn, đó là bà Gallasch Kelley. Bà thay người chồng đã mất của mình đến thăm VN, thăm TPHCM và dự buổi lễ long trọng này. Giây phút này 35 năm trước, chồng bà - nhà báo Borries Gallasch, là 1 trong 2 nhà báo nước ngoài đã dũng cảm đi dưới mưa bom bão đạn để vào trong Dinh Độc Lập chứng kiến tận mắt thời khắc lịch sử: Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất. Tiếc rằng ông Gallasch đã mất sớm vì bệnh hiểm nghèo năm 1990, nên bà Gallasch đến Việt Nam với một nghĩa cử cao đẹp là thay chồng tìm và tặng lại những di sản - tư liệu lịch sử ảnh, băng ghi âm và quyển sách quý giá mà Borries Gallasch với vai trò làm báo của mình đã ghi lại tại thời khắc chuyển giao chế độ Sài Gòn, cho Trung tá Bùi Văn Tùng, người đã thảo Lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống ngụy Dương Văn Minh cáo chung chế độ ngụy quyền.
 
Đó là cuốn sách “Thành phố Hồ Chí Minh - giờ khắc số 0 - những phóng sự kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm” mà Gallasch làm chủ biên đã xuất bản tại CHLB Đức từ tháng 9/1975 (Ho-Tschi-Minh-Stadt - NXB Rowohlt Rororo Reinbeck xuất bản ở Hambugr tháng 9-1975). Cuốn sách quý giá này ngay lập tức được dịch sang tiếng Việt và được xuất bản kỷ niệm 35 năm Sài Gòn được giải phóng.
 
Tôi may mắn được gặp và trò chuyện với bà Gallasch tại Thủ đô Hà Nội trong lần bà đến VN này. Mới biết câu chuyện tình yêu của vợ chồng bà không chỉ đầy lãng mạn mà còn chấp nhận cách trở do nghề nghiệp và thời cuộc đòi hỏi họ phải dấn thân, mặc dù họ đều là công dân của những nước phát triển.
 
Người lính Cụ Hồ thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Tổng thống chế độ ngụy quyền Sài Gòn - ảnh 2
Bà Galasch Kelley (giữa) trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam
và tác giả Trần Thu Hằng (thứ 2 bên phải)
 
Bà Gallasch Kelley nhớ lại: Gallasch là một PV năng nổ, tâm huyết với nghề, là một cây bút chủ lực của báo Der Spiegel (Tấm gương), vì vậy đầu năm 1975, khi Der Spiegel cần một PV tới Sài Gòn để viết về cuộc chiến tranh VN thay thế cho PV cũ, thì Gallasch đã nhận đảm trách công việc khó khăn và nhiều nguy hiểm đến tính mạng này. Gallasch đến Sài Gòn vào đầu tháng 3-1975, thời điểm mà cuộc chiến ở Nam VN đang hết sức khốc liệt nhưng lại thu hút mọi sự quan tâm trên thế giới. Khi đó Gallasch mới 31 tuổi.
 
Sáng 30/4/1975, khi mà tiếp tục như nhiều ngày trước đó, binh lính Mỹ - Ngụy và nhiều người dân Sài Gòn và các tỉnh náo loạn di tản bởi sợ hãi do những thông tin tâm lý chiến của Mỹ là “cộng sản chiếm được thành phố thì sẽ tắm máu”. Nhưng Gallasch và một số ít nhà báo phương Tây vẫn dũng cảm bám trụ Sài Gòn dù súng đạn vẫn nổ từ 2 phía. Khi Quân Giải phóng của ta tiến vào đánh chiếm Dinh Độc Lập - sào huyệt cuối cùng của chế độ ngụy quyền, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thì Gallasch mặc dù “sợ đến run cả 2 đầu gối”, ông vẫn dũng cảm cùng một nữ nhà báo Pháp có mặt tại Dinh Độc Lập để chứng kiến thời khắc lịch sử cực kỳ quan trọng đó. Ông không những đã chứng kiến toàn bộ việc nội các ngụy quyền của Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, mà thời khắc đó Gallasch còn cho bộ đội ta mượn máy ghi âm để ghi “Lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện” của Tổng thống Dương Văn Minh, để phát trên đài phát thanh tại Sài Gòn ngay trưa 30/4/1975, chấm dứt 30 năm chiến tranh.
 
Gallasch đã chứng kiến toàn bộ việc ra hàng của nội các ngụy cùng với vai trò của Trung tá QĐNDVN Bùi Văn Tùng - Chính uỷ Lữ đoàn Tăng - Thiết giáp 203. Nhà báo Gallasch đã miêu tả rất chi tiết việc Trung tá Bùi Văn Tùng trong chỉ huy giải quyết toàn bộ việc đầu hàng của nội các chính quyền ngụy trong Dinh, yêu cầu Tổng thống ngụy ra ngay đài PT để tuyên bố đầu hàng, chính Trung tá Tùng thảo bản tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh đọc và cũng là người đã kiên quyết bắt ông Minh phải đọc tuyên bố đầu hàng với danh nghĩa Tổng thống.
 
Sau này, khi trở về Đức, Galasch đã không chỉ viết bài báo tường thuật “Sài Gòn 30/4/1975” mà ông còn trao đổi với 9 PV của 9 quốc gia khác đều cùng có mặt tại cuộc chiến VN chống Mỹ, tập hợp những bài viết của các nhà báo này về cuộc chiến tại VN, xuất bản thành tập sách “Ho-Tschi-Minh-Stadt”. Với sự trung thực của một nhà báo, Gallasch không nghĩ rằng ông đã góp phần làm nên điều kỳ diệu: cung cấp những cứ liệu quan trọng cho lịch sử Việt Nam.
 
Trần Thu Hằng

Tin cùng chuyên mục

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

Vẻ đẹp của lòng dũng cảm

(PNTĐ) - Tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2025, đại diện Somalia - Zainab Jama đã thu hút sự chú ý đặc biệt không chỉ bởi nhan sắc, học vấn mà còn từ câu chuyện cá nhân đầy ám ảnh về hủ tục cắt âm vật (FGM) - một thực trạng vẫn tồn tại phổ biến tại quê hương cô. Vượt qua nỗi đau thể xác và tinh thần, Zainab trở thành tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh vì quyền phụ nữ và nỗ lực xóa bỏ hủ tục tàn nhẫn này.
Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

Nữ nhiếp ảnh gia hành động vì môi trường

(PNTĐ) - Giữa những băng tuyết lạnh giá của vùng cực Bắc, nơi nhiệt độ có thể giảm xuống âm hàng chục độ C, có một người phụ nữ âm thầm theo chân các nhà khoa học, ghi lại từng khoảnh khắc trong cuộc chiến với thời gian và khí hậu. Đó là Esther Horvath – nhiếp ảnh gia người Hungary, người đã dùng máy ảnh như một công cụ kể chuyện, đưa những vấn đề sống còn của hành tinh ra ánh sáng bằng những khung hình đầy cảm xúc.
Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

Hành trình chữa lành cho con gái bằng yêu thương

(PNTĐ) - Trong số rất nhiều cuốn sách dành cho thiếu nhi ra mắt gần đây, Cây mận ngọt nhất trái đất từng đến vịnh Hạ Long (NXB Kim Đồng) của nhà báo, tác giả Tiểu Phong (bút danh văn học của Phạm Thị Thủy, sinh năm 1989, quê Hưng Yên) nổi bật lên như một lời thì thầm đầy dịu dàng nhưng ám ảnh, không chỉ dành cho trẻ nhỏ mà còn làm lay động trái tim của những người lớn từng tổn thương.
Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

Việt Nam thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc

(PNTĐ) - Ngày 12/6, Bộ Công an phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) tổ chức Diễn đàn quốc tế “Tăng cường sự tham gia của nữ sĩ quan cảnh sát trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc - Kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam”. Sự kiện là dấu mốc quan trọng khẳng định cam kết mạnh mẽ của Bộ Công an Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao vai trò của nữ sĩ quan Công an nhân dân trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế.