Những nữ kiểm lâm dũng cảm bảo vệ rừng

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ở Indonesia có một đội nữ kiểm lâm ngày ngày không quản ngại khó khăn vượt hàng trăm km đường rừng để tuần tra và bảo vệ "lá phổi" của quê hương.

Asmia sinh ra trong ngôi làng Damaran Baru, nằm ở chân của núi lửa Burni Telong, được bao quanh bởi những con suối lớn và sườn dốc, khu vực này vốn rất nguy hiểm bởi những vụ lở đất và lũ lụt. Nguy cơ thiên tai giờ đây càng tăng cao hơn sau khi những kẻ lâm tặc tới và phá đi những cánh rừng phòng hộ.

Mức độ nguy hiểm được thấy rõ vào năm 2015, khi một trận lũ quét tàn phá hàng chục ngôi nhà và làm ngập hàng trăm mẫu đất nông nghiệp ở Damaran Baru và các làng lân cận. Mặc dù không có thiệt hại về nhân mạng nhưng hàng trăm dân làng đã phải sơ tán đến các trại tị nạn.

"Nhà tôi chỉ cách con đường nơi nước lũ chảy qua vài mét. Ở trại tị nạn, thật là khốn khổ. Chúng tôi không có nước. Làm sao chúng ta có thể sống mà không có nước?"- cô hồi tưởng.

Mệt mỏi vì luôn phải sống trong nỗi lo lũ lụt tàn khốc sẽ tái diễn, những người phụ nữ ở Damaran Baru quyết định đã đến lúc phải hành động tích cực hơn trong việc bảo vệ môi trường sống của mình. Tuy nhiên, ở Indonesia, kiểm lâm thường được coi là công việc của đàn ông.

Phải mất nhiều tháng thảo luận, lãnh đạo làng mới chấp nhận việc để phụ nữ tham gia đội kiểm lâm. Bên cạnh đó, nhờ có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ như Quỹ Rừng, Thiên nhiên và Môi trường Aceh, đội kiểm lâm đã gửi yêu cầu tới Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia.

Những nữ kiểm lâm dũng cảm bảo vệ rừng - ảnh 1
Các nữ kiểm lâm thu thập dữ liệu và ghi lại tọa độ GPS của các phát hiện trong quá trình tuần tra. Ảnh: NY Times

Cho đến tháng 11/2019, đội nữ kiểm lâm chính thức nhận được giấy phép hoạt động và được trao quyền quản lý và bảo vệ 260ha rừng xung quanh khu vực Damaran Baru. Nếu không có giấy phép này, các kiểm lâm viên chỉ có thể yêu cầu những người vào rừng rời đi. Giờ đây, họ có thể kêu gọi sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn từ chính quyền, cũng như được trang bị thêm công cụ hỗ trợ để bảo vệ bản thân trước những kẻ lâm tặc liều lĩnh.

Nhóm kiểm lâm của hệ sinh thái Leuser trên đảo Sumatra gồm có 15 người, 10 người trong số họ là phụ nữ. Những kiểm lâm này có nhiệm vụ bảo vệ rừng khỏi những kẻ lâm tặc phá rừng lấy gỗ hoặc để trồng trọt trên mảnh đất màu mỡ. Là một thành viên trong nhóm kiểm lâm, Asmia nhanh nhẹn leo lên chiếc xe máy trong khi giữ cố giữ thăng bằng chiếc ba lô đầy ắp những dụng cụ ở phía sau. Cô di chuyển một cách thành thạo để leo lên một vách đá đầy nguy hiểm...

“Ở đây, chúng tôi đã từng chặn một người có ý định chiếm đất, chúng tôi đã yêu cầu anh ta dừng việc xâm lấn”, Asmia nói và chỉ tay trong khi cô bước đi dưới tán cây rậm rạp. “Anh ta rất quyết liệt và nhất định đòi chặt hạ những cây cổ thụ trong rừng để lấy đất trồng cà phê. Nhưng chúng tôi đã kiên trì và thuyết phục anh ấy từ bỏ thành công”.

Trong trang phục khăn trùm đầu, đồng phục màu xanh lá cây và ủng cao su, Asmia cùng các nữ kiểm lâm viên khác của đội mạo hiểm tiến sâu hơn vào khu rừng mưa nhiệt đới mà họ được giao nhiệm vụ canh gác. Tiếng cười của các kiểm lâm viên hoà cùng tiếng chim hót và tiếng côn trùng vo ve trên mỗi bước tuần tra. Các nữ kiểm lâm viên tỉ mỉ quan sát từng tán cây và rêu nhằm tìm kiếm những dấu hiệu hoạt động của con người - điều vốn bị cấm ở nơi đây.

Với mỗi chuyến tuần tra kéo dài khoảng 5 ngày, các nhân viên kiểm lâm nhận được hơn 38 USD. Đây là một khoản bổ sung đáng kể cho thu nhập của gia đình. Đối với phụ nữ, tuần tra vùng hoang dã còn là một cơ hội để thoát khỏi những áp lực trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, điều này còn nâng cao sự tự tin của phụ nữ rằng, chúng ta có thể làm được tất cả mọi việc như đàn ông.

Thông thường, các đội tuần tra rừng sẽ quay trở về nhà vào lúc hoàng hôn, cũng có đôi khi họ cắm trại trong rừng. Cuộc tuần tra của Asmia diễn ra suốt đêm. Bất chấp công việc khó khăn và thậm chí có những khi phải đối mặt với những sự bị bắt nạt trực tuyến, các nữ kiểm lâm vẫn luôn tự hào và cam kết sẽ nỗ lực hết mình.

“Nếu không phải chúng tôi thì là ai? Chúng tôi sẽ luôn mạnh mẽ. Bạn phải thực sự yêu mẹ thiên nhiên thì mới có thể hoàn thành được công việc này"- Asmia nói.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.