Phòng, chống mua bán người: Hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ di cư hồi hương
(PNTĐ) -Theo đánh giá của Bộ Công an, những năm gần đây, tình trạng mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Do đó, cần có những giải pháp phòng chống ngay từ đầu, cũng như hỗ trợ nạn nhân sinh kế sau khi được giải cứu trở về.
Nỗi đau dai dẳng của những phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về
Đến nay, chị N (quê Nghệ An) - nạn nhân của tội phạm mua bán người từng tạm trú tại Ngôi nhà Bình yên (NNBY-Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam) đã có cuộc sống ổn định, nhưng ký ức về quãng thời gian bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm vẫn ám ảnh, khiến chị đau đớn. Năm 17 tuổi, chị N quen một bạn trai qua mạng xã hội. Theo lời mời, chị N ra Hà Nội để gặp gỡ người đó và bị lừa bán vào một động mại dâm ở Trung Quốc, bị bóc lột tình dục đến khi được giải cứu về nước.
Trở về từ bên kia biên giới, chị N được tạm trú tại NNBY. Sau khi ổn định tâm lý, chị N về quê và kết hôn, nhưng cuộc sống hôn nhân không mấy hạnh phúc. Chị thường xuyên bị bạo lực gia đình, chồng chỉ trích, đay nghiến vì quá khứ không mấy sạch sẽ của chị ở đất khách. Kiệt quệ về sức khỏe và tinh thần, chị N lại một lần nữa tìm đến NNBY.
Bà Lê Thị Ngọc Bích, nhân viên tham vấn Trung tâm Phụ nữ và phát triển cho biết, chị N có tuổi thơ và quá khứ đầy giông bão: Chứng kiến bố ngoại tình và bạo hành mẹ, bị xâm hại tình dục từ nhỏ, bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm, bị chồng ngược đãi… N bị ảnh hưởng tâm lý và sức khỏe nghiêm trọng, thường xuyên gặp ác mộng, khó quản lý cảm xúc, có vấn đề về trí nhớ, thiếu kết nối giữa tư duy và hành động, vệ sinh cá nhân kém, uống rượu… “N là điển hình của nạn nhân bị mua bán trở về. Chúng tôi thực hiện điều trị tâm lý cho N, đồng thời, giúp N học thêm nghề. Đến nay, N đã có việc làm và thu nhập ổn định” - bà Bích nói.
Theo bà Bích, 15 năm qua, NNBY đã tiếp nhận, hỗ trợ 430 phụ nữ, trẻ em bị mua bán hoặc nghi bị mua bán trở về. Đặc biệt, những năm gần đây, NNBY tiếp nhận nhiều ca là phụ nữ mang thai hoặc trẻ sơ sinh được cơ quan công an chuyển giao trong các vụ án mua bán người. Như đầu năm 2021, NNBY đón nhận 4 cháu bé và 2 phụ nữ đang mang thai về tạm trú. Hầu hết các cháu bé đều từ 1 đến 4 tháng tuổi, còn rất non nớt.
Nguy cơ bị mua bán người từ mạng xã hội
Tại Việt Nam, nạn nhân của mua bán người không chỉ phụ nữ, trẻ em mà đã xuất hiện mua bán nam giới, trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê… Đặc biệt, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội qua zalo, facebook với tên tuổi giả để tán tỉnh, lừa đảo nạn nhân, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài… Sau đó, chúng lừa bán nạn nhân ra nước ngoài hoặc bán vào các quán karaoke, mat-xa trá hình.
Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cũng khẳng định, tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, cấu kết chặt chẽ, lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để lừa bán nạn nhân. Các vụ mua bán người xảy ra trên toàn quốc, với 90% là ra nước ngoài, chỉ 10% vụ việc lừa bán trong nước. “Tội phạm mua bán người ít khi bị phát hiện và bắt quả tang, bởi nạn nhân đã bị bán sang nước ngoài, khó tố giác tội phạm. Đặc biệt, đa số nạn nhân chỉ quen biết đối tượng mua bán qua mạng xã hội, chúng đã đổi tên, dùng nick giả, hình ảnh giả… nên không nhận diện được đối tượng. Do đó, hành trình phá án càng gặp nhiều khó khăn” - Đại tá Tô Cao Lanh lo ngại.
Tại lễ phát động “Chung tay phòng, chống mua bán người” do Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức vào tối 29/7 vừa qua, bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết, theo thống kê, đầu năm 2022, Việt Nam có gần 77 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 78,1% dân số. 97,6% người dùng Internet ở Việt Nam đang sử dụng mạng xã hội facebook và tỷ lệ phụ nữ dùng facebook là 50,9%. Đây vừa là cơ hội cho phụ nữ tiếp cận thị trường, nâng cao kiến thức, kỹ năng, nhưng cũng là nguy cơ trở thành nạn nhân của nhiều loại hình tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người.
“Hội LHPN Việt Nam đã phát huy tính ưu việt của công nghệ số để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người. Hiện các cấp Hội có gần 2.000 trang fanpage facebook, hơn 11.000 nhóm zalo được thành lập phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền của các cấp Hội. Các cổng thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các cấp Hội được điều hành ngày càng hiệu quả, là diễn đàn quan trọng để lắng nghe tâm tư của hội viên, phụ nữ và là nguồn thông tin chính thống cung cấp kiến thức, kỹ năng toàn diện cho hội viên, phụ nữ và nhân dân, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa trong các tầng lớp phụ nữ, cộng đồng xã hội về phòng, chống mua bán người” - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh.
Hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và nạn nhân bị mua bán trở về
Tại hội thảo “Vận động chính sách hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương và hỗ trợ, xác minh nạn nhân bị mua bán trở về” do Hội LHPN Việt Nam tổ chức cùng ngày (29/7), nhiều đại biểu tham dự nhấn mạnh đến công tác hỗ trợ, trợ giúp nạn nhân vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập như: Người dân chưa nhận thức đầy đủ về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; việc xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán vẫn còn kéo dài, khó khăn trong việc thu thập thông tin từ quốc gia có liên quan; nguồn lực hỗ trợ cho người lao động di cư hồi hương hạn chế... Trên thực tế, với những hạn chế, vướng mắc trong việc thực thi luật và quy định về xử lý vi phạm hành chính, vi phạm hình sự đã tạo kẽ hở để các loại tội phạm hoạt động, khiến lao động di cư phải đối mặt với rủi ro trở thành nạn nhân của di cư bất hợp pháp, của lao động cưỡng bức và mua bán người.
Đại tá Đoàn Thế Vinh, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công An - cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2022, đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người tổng đài 111 tiếp nhận 1.095 cuộc gọi, tăng 75 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 850 cuộc gọi đề nghị cung cấp thông tin chung về hoạt động của đường dây nóng, tình hình mua bán người tại Việt Nam và các vấn đề khác như di cư, xuất khẩu lao động hoặc việc làm…
Đại tá Đoàn Thế Vinh cũng nêu ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân như: Tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, người dân, nhất là người có nguy cơ cao về âm mưu, thủ đoạn của tội mua bán người và chế độ chính sách cho nạn nhân bị mua bán. Triển khai thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng, đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình thành công.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bà Nguyễn Thị Minh Hương: “Với đặc thù là loại tội phạm khai thác tình trạng dễ bị tổn thương, khó khăn, tuyệt vọng cũng như niềm tin của nạn nhân, bọn tội phạm mua bán người đã và đang lợi dụng tính chất không biên giới của công nghệ thông tin để tìm kiếm, bóc lột nạn nhân và thu lợi bất chính không có điểm dừng. Thời gian qua, Hội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, phòng, chống di cư trái phép, đồng thời hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương, hỗ trợ xác minh, xác định nạn nhân bị mua bán trở về. Hàng năm, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Công an thực hiện chuỗi hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống mua bán người, di cư trái phép cho nhân dân; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người, các hội thảo vận động chính sách, các chương trình, sự kiện tuyên truyền cộng đồng”.
“Để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Việt Nam đã có nhiều quy chế phối hợp giữa các bộ, ban, ngành có liên quan như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao… trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ tái hòa nhập cho nạn nhân; triển khai các dịch vụ hỗ trợ xã hội, đường dây nóng, xây dựng các nhà tạm lánh. Bên cạnh đó, việc tạo sinh kế cho lao động hồi hương cũng được Việt Nam triển khai để ổn định tình hình kinh tế và thực hiện an sinh xã hội, hướng tới việc giảm thiểu tình trạng lao động di cư trái phép”- bà Nguyễn Thị Minh Hương nhấn mạnh.