Trần Hoài Dương - nhà văn của cỏ cây hoa lá…

Chia sẻ

Cuộc đời và sáng tác của Trần Hoài Dương hệt như một thiên cổ tích hiện đại. Nhớ bạn gần trong tâm tưởng và xa nơi cõi vĩnh hằng, tôi kể lại vài khúc trong thiên cổ tích đó...


 
Trần Hoài Dương rất quý trọng tình người, tình bạn. Anh và tôi là bạn thân thiết suốt đời. Đầu năm 1982, chúng tôi cùng đi một chuyến xe lửa rời quê hương vùng châu thổ sông Hồng vào sống, lập nghiệp ở đất phương Nam xa xăm. Có thể nói đó là một con tầu hoa dù vốn nó là tầu hỏa chật ních hàng hóa và người thời bao cấp hậu chiến - khi ấy mỗi người dân có thể là người yêu nước và một kẻ đi buôn.
 
Trần Hoài Dương - nhà văn của cỏ cây hoa lá… - ảnh 1
Trần Hoài Dương – nhà văn lớn của trẻ nhỏ
 
Chả là tôi dạy chuyên văn ở Hà Nội, được điều vào thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục “gõ đầu trẻ”. Các em học sinh đi tiễn vốn biết thầy thích hoa, em nào cũng mang theo hoa tặng. Trần Hoài Dương rất yêu hoa lá, thấy bạn đồng hành ôm bao nhiêu là hoa thì khoái ra mặt. Anh đưa ra một ý độc đáo là đến mỗi ga trên hành trình xuyên Việt thì tung xuống vài bông thắm. Tôi hưởng ứng liền, sau khi tặng cho kíp phục vụ trên tầu một bó hoa đẹp và được trưởng tầu cho mượn một cái lọ nhỏ đủ cắm dăm bông tươi tắn.
 
Trần Hoài Dương còn mang theo một bi đông rượu “quốc lủi” loại ngon, hai “lãng tử” chúng tôi cùng vừa nhâm nhi vừa ngâm nga Tương tiến tửu, hào sảng, khoái hoạt của thi tiên Lý Bạch. Con đường vô Nam của đôi bạn yêu văn chương đúng là con đường vui dù cả hai đứa đều lạ lẫm nơi đích đến.
 
Khoảng tháng Tám năm 2010, khi ra Hà Nội, anh ghé đến thăm tôi lúc này đã hồi hương băm sáu phố phường. Anh mang theo máy ảnh, nhiệt tình chụp cho tôi vài kiểu ngồi sau bình hoa hồng vàng xòe nở. Rồi anh lại xăng xái để máy chụp tự động ghi hình anh và tôi bên nhau. Về đất Sài Gòn, anh gửi ra tặng tôi những tấm ảnh đẹp, rồi lại viết thư điện tử tha thiết giãi bày: Minh ơi, chúng mình kết bạn với nhau suốt đời nhé, mãi mãi nhé.
 
Thật là cảm động vì tôi biết Trần Hoài Dương do nhiều lí do khác nhau mà có khi chỉ anh biết, đã từng “bỏ” khá nhiều bạn thân. Anh cũng đã từng nắn nót và bay bướm ghi ở góc bức thư pháp của Nguyễn Vũ Tiềm, tặng tôi câu thơ dịch của thiền sư Trí Bảo đời Lý: “Quen biết khắp thiên hạ- Tri âm được mấy người”. Và còn viết thêm dòng chữ nhỏ: “Trần Hoài Dương chép tặng vợ chồng Minh-Vân. Sáng mồng bốn Tết năm con Gà - 2005”.
 
Trần Hoài Dương - nhà văn của cỏ cây hoa lá… - ảnh 2
Nhà văn Trần Hoài Dương ở London 2010
 
Trần Hoài Dương yêu hoa lá đắm đuối đến kì lạ. Anh đã nhiều lần ngây người ngắm lá cây bồ đề. Đi với tôi trên đường Hà Nội qua dãy phố có hàng cây bồ đề xôn xao lá gió, anh dừng lại bảo tôi rằng cuống lá bồ đề dài và thanh nên cứ gió thổi qua là rung lên như những quả chuông nhỏ. Quả là một nhận xét tinh tế, thú vị.
 
Khi sống ở thành phố lớn phương Nam, anh lại mách với tôi rằng anh đã biết con đường, góc đường nào ở đây cũng có cây hoa sữa; thí dụ ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai cắt Nam Kỳ Khởi Nghĩa có cây hoa sữa cao, lá dày, tỏa tròn, xen kẽ những chùm hoa trắng xanh, rất Hà Nội, rất đẹp. Về sau anh lại đem một cây sấu nhỏ từ đất Bắc vào trồng tại vườn nhà anh ở Gò Vấp, và nâng niu, chăm bón cực kì cẩn thận. Khi người ta chặt mất cây hoa công chúa - anh gọi tên như thế - nở nhiều chùm hoa vàng tươi tuyệt đẹp trong sân một nhà xuất bản,  anh cứ ngẩn ngơ tiếc hoài.
 
Trần Hoài Dương là một trong những nhà văn viết nhiều dòng, nhiều trang diễm lệ, gợi cảm, đượm vị cổ tích và mang tính phát hiện về hoa, về lá. Phần chắc là cây bút anh tả nhiều nhất về các loài hoa, cỏ bình dị, khiêm nhường. Xin trích vài đoạn trong các văn phẩm của anh:
 
Hoa giấy đẹp một cách giản dị. Mỗi cánh hoa giống hệt một chiếc lá, chỉ có điều mỏng manh hơn và có màu sắc rực rỡ…
 
Tôi rất yêu những bông hoa giấy. Chúng có một đặc điểm khác nhiều loài hoa khác: Hoa giấy rời cành khi vẫn còn đẹp nguyên vẹn, hoa rụng mà vẫn còn tươi nguyên; đặt trên lòng bàn tay, những cánh hoa mỏng tang rung rinh, phập phồng run rẩy như đang thở, không có mảy may biểu hiện của sự tàn úa. Dường như chúng không muốn mọi người phải buồn rầu vì chứng kiến cảnh héo tàn. Chúng muốn mọi người lưu giữ mãi những ấn tượng đẹp đẽ mà chúng đã đem lại trong suốt cả mùa hè: những vồng hoa giấy bồng bềnh đủ màu sắc giống hệt những áng mây ngũ sắc chỉ đôi lần xuất hiện trong những giấc mơ thuở nhỏ… (Hoa giấy)
 
Góc vườn ẩm ướt mọc đầy cây chua me đất. Những chiếc lá mềm mại, xanh mướt màu cốm non. Xen giữa đám lá, những bông hoa mảnh dẻ màu tím nhạt, cánh mỏng tang tưởng như khẽ chạm vào sẽ tan biến… Vậy mà suốt cả một ngày dài, những bông hoa chua me đất ấy vẫn ngời ngợi tươi tắn…(Hoa chua me đất)  
 
Lộc cây cơm nguội trắng ngà, li ti lăn tăn như bèo non. Lộc bàng khi mới nhú màu hung nâu. Chỉ vài ba ngày sau, nó chuyển sang màu xanh nõn, mập mạp chúm chím như những búp hoa. Thoáng nhìn một cây bàng vừa nẩy lộc, cứ ngỡ vừa có một đàn bướm xanh ở đâu bay về đậu khắp cành. Chúng có thể sẵn sàng bay tung lên bất cứ lúc nào. Nhưng Trang thích nhất vẫn là những cây long não, thứ cây đẹp cả bốn mùa. Mùa hạ, lá cây xanh đậm, sau những cơn mưa như trút nước, đường phố dát toàn bằng những lá cây long não đã hơi bị dập nát, tỏa hương thơm lừng không gian. Mùa thu, xen kẽ giữa những nhánh cành là những chiếc lá đỏ thắm, lung liêng đung đưa như những trái hồng chín mọng, như những chiếc đèn lồng trong đêm hội hoa đăng. Mùa đông rét buốt nhưng cây vẫn không trụi lá. Dọc phố, những hàng cây bè bạn đã trơ cành, riêng cây long não vẫn rực rỡ hồng tươi dưới một bầu trời phẳng lì mây xám, không một chút ánh nắng. Hình như tất cả các sắc màu rực rỡ bốn phương tích tụ lại trong vòm cây long não. Rồi đến tháng Giêng, tháng Hai, khi mưa xuân rỉ rả, thấm đẫm lá cành, khắp thân cây long não đen thẫm lại…
 
Trong lúc những chiếc lá già vẫn còn bám trên cây, những mầm lá non và nụ hoa đã âm thầm chuẩn bị ra đời. những kẽ lá cương dần và nhu nhú chiếc nanh mầm xanh sáng. Nụ hoa nở cùng lá non. Lá non được bọc rất cẩn thận trong một lớp vỏ mỏng tựa những chiếc búp đa nhỏ xíu. Lá non và nụ cứ lớn dần lên. Cho đến một hôm chợt có gió nồm ào về, đường phố rụng tơi bời những chiếc lá vàng đỏ. Cành long não khẽ rùng mình, những chiếc lá già rụng xuống mà như bay lượn, để lại một vòm xanh tươi mát, lá non xanh mới, sáng cả trời đất. (Lá non).
 
Một chiếc lá bàng đỏ thắm đính ở đầu cành khẳng khiu run rẩy trước cơn gió lạnh cuối đông. Gió rủ rê lá:
 
- Lá đỏ ơi, hãy cùng tôi lang  thang rong chơi đi! Tôi sẽ đưa bạn đến những vùng xa lạ, có biết bao cảnh đẹp…
 
Lá đỏ mỉm cười:
 
-  Thôi cảm ơn bạn Gió. Bạn hãy rong ruổi một mình, tôi không đi đâu. Suốt đời, cây đã nuôi tôi. Trong những phút cuối cùng của cuộc đời, tôi không muốn bỏ cây mà đi. Tôi đang muốn đem lại niềm vui cho cây nên đã dồn hết sức mình, đẹp rực rỡ lên một lần cuối để cho cây tự hào mình có một chiếc lá đỏ đẹp đến như thế… (Chiếc lá đỏ).
 
Trần Hoài Dương yêu sách đến mê mẩn. Có thể nói anh yêu quý sách hơn cả sinh mệnh của anh.
 
Khi sống ở Thủ đô thời bao cấp, la cà hè phố, anh phát hiện bà hàng chè chai có quyển sách hay mà túi anh lại nhẵn tiền. Trần Hoài Dương liền nài nỉ bà chè chai đợi để trở lại “mua” ngay cuốn sách ấy. Anh đạp xe về nhà - tất nhiên lúc ấy vợ đi làm - hối hả vào xúc mì, gạo rồi vội vã đem đi đổi lấy sách. Bà hàng thấy anh chàng quá kì quặc, vả lại mình cũng “bán” được giá hời, liền vui lòng trao đổi. Tất nhiên những chuyện như thế này, Trần Hoài Dương giấu nhẹm người bạn đời của anh.
 
Ngày chuyển vùng vào Nam, anh đóng - nếu tôi nhớ không nhầm - 11 hòm sách lớn mang theo (sau khi cân nhắc, tiếc đứt ruột tạm để lại một số sách). Đó là hành trang quan trọng nhất của anh. Rồi thời gian sống độc thân ở Sài Gòn, chẳng có chút thu nhập nào, không hiếm lần tiền hết gạo không, thế mà khoản tiền cháu Quỳnh (nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh, con trai anh) từ nước Anh gửi đều về biếu bố, Trần Hoài Dương chủ yếu dùng để mua sách (và đôi khi đãi bạn một cách hào phóng).
 
Các cô bán sách ở nhiều cửa hàng sách lớn, sách Ngoại văn là bạn thân thiết của anh văn sĩ nghèo Trần Hoài Dương. Anh chọn toàn sách quý, sách đắt tiền, không chỉ là sách văn chương mà cả các loại sách về hội họa, mĩ thuật… “Tậu” được những cuốn giá trị, thú vị, anh lại phóng xe tới khoe với tôi. Tôi phát thèm những cuốn sách ấy mà ít khi dám mua. Tôi chưa dám nghệ sĩ hết mình như anh vì tôi còn lo nuôi vợ, nuôi con.
 
Có lần tôi nhẹ nhắc anh dành ngân khoản cho cơm áo gạo mì… thì anh tâm sự rằng, anh mua đọc cho đã và để đó tích góp cho cháu Quỳnh dùng sau này. Không ít lần, với anh, chỉ một vại bia, mấy củ lạc ngồi lai rai ở quán bia là nên bữa, xong bữa trưa hoặc bữa chiều. Sớm sớm, anh không ăn điểm tâm mà thường chỉ nhấp từng hụm nhỏ trà hoặc cà-phê loại rẻ nhất nơi quán cóc lề đường. Mắt anh dõi nhìn dòng người xe qua lại như đón ý cho một truyện ngắn mới, như đợi một dáng quen, như ngóng mẹ đi chợ về.
 
Khi sang sống nhiều tháng bên nước Anh với con, cháu, Trần Hoài Dương dành nhiều thì giờ đọc và viết sách. Về nước, gặp tôi, anh kể chuyện say sưa về những trang văn. Nào là không ngờ Trốt-xki viết chân dung văn học hay ra phết, nào là truyện ngắn của nhà thơ Phùng Cung rất đáng nể, nào là đã viết xong cuốn Hành trình đến tự do - một thiên tự sự ít nhiều mang tính cổ tích hiện đại mà Trần Hoài Dương hằng ấp ủ, cưu mang, kì vọng, viết đi viết lại…Tiếc rằng sau đó không lâu anh lại bảo với tôi rằng anh đã bỏ bản thảo ấy vì tự thấy chưa đạt, chưa được như mong muốn!
 
Trần Đồng Minh

Tin cùng chuyên mục

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

(PNTĐ) - Họ là những “bông hồng thép” trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - đại đội nữ duy nhất đảm nhiệm công việc không kém gì nam giới, nữ cựu thanh niên xung phong trở về từ trong bão lửa chiến tranh, viết nên những trang sử anh hùng trên cung đường huyền thoại. Họ là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương suốt bao năm thuỷ chung chờ đợi chồng, cha là chiến sĩ trở về, chấp nhận mất mát, hi sinh để cùng viết lên những câu chuyện tình yêu vượt thời gian… Những câu chuyện của họ thật bình dị mà quá đỗi phi thường, đã khắc hoạ một bức tranh lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

“Chạm” vào lịch sử để thêm yêu lắm Việt Nam

(PNTĐ) - Dự án "Yêu lắm Việt Nam" được Báo Nhân Dân thực hiện nhằm hưởng ứng và hướng tới Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025). Tại đây, lần đầu tiên hơn 180 di tích di sản của 63 tỉnh thành của Việt Nam được đưa vào thế giới số, mang đến cho du khách một trải nghiệm du lịch liền mạch giữa thực và số. Và đó cũng là cách thức rất hiệu quả để kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, non sông về một mối.
Kiến tạo ngành phong thái từ học đường đến chuyên nghiệp

Kiến tạo ngành phong thái từ học đường đến chuyên nghiệp

(PNTĐ) - Học Viện Phong Thái Á Đông được thành lập năm 2019 dưới sự dẫn dắt của CEO Nguyễn Quỳnh Trang, là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo Phong thái và Khí chất dành cho người phụ nữ Việt Nam. Trải qua hơn 5 năm hình thành và phát triển, Học viện hiện có 2 cơ sở đào tạo chính tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đào tạo cho hơn 10.000 học viên và hơn 100 đối tác là các doanh nghiệp trên cả nước…
Người Việt toàn cầu hướng về ngày Giỗ Tổ

Người Việt toàn cầu hướng về ngày Giỗ Tổ

(PNTĐ) - Nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tổ chức đoàn kiều bào về nước tham dự Lễ Giỗ Tổ; đồng thời bà con kiều bào trên toàn thế giới sẽ tổ chức ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu vua Hùng toàn cầu với chủ đề “Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc”.