Chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân:

Vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước

Khánh An
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhiều năm qua, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hà Nội liên tục tổ chức các buổi truyền thông kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) đặc biệt là chăm sóc SKSS trước hôn nhân, nhằm tạo cho người dân, nhất là lứa tuổi vị thành niên, thanh niên ý thức và thói quen chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đồng thời có nhận thức đúng về sự cần thiết và lợi ích của việc khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước - ảnh 1
Nhiều bạn trẻ ngày nay đã chủ động khám sức khỏe tiền hôn nhân. Ảnh minh họa

Giải pháp giúp hôn nhân bền vững

Là một cán bộ đoàn năng nổ, chị Nguyễn Khánh Linh, Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết, chị luôn ý thức việc thực hiện tư vấn, khám sức khoẻ trước hôn nhân. Thông qua tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn giúp thanh niên bước vào cuộc sống vợ chồng một cách tự tin nhất; phòng ngừa được các vấn đề về bệnh tật để sinh ra những đứa con khỏe mạnh.

 “Việc khám sức khỏe trước hôn nhân không chỉ đơn thuần thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe của mình mà còn là thể hiện trách nhiệm đối với người chồng/vợ của mình. Khi khám sức khỏe trước khi kết hôn, thanh niên sẽ được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống lành mạnh, an toàn mà vốn trước đó chưa có kinh nghiệm. Thanh niên được tư vấn để chuẩn bị mang thai, sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho con trong tương lai, chuẩn bị cho phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh con an toàn. Tránh gặp phải những rắc rối trong đời sống tình dục, tránh gặp phải những bệnh tật liên quan đến cơ quan sinh sản” - chị Linh nói.

Theo chị Linh, thời gian qua, Quận đoàn Thanh Xuân phối hợp với TTYT quận triển khai các mô hình Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn tại 3 phường Khương Trung, Khương Mai và Thượng Đình. Bên cạnh đó, quận cũng chú trọng công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh phường về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, các hoạt động mô hình, về chăm sóc SKSS cho lứa tuổi thanh niên, cung cấp tài liệu, tờ rơi, tờ gấp cho Ban chủ nhiệm câu lạc bộ, cộng tác viên tư vấn cho nam, nữ thanh niên…. 

Năm 2023, chủ đề “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước” là chủ đề của Tháng hành động Quốc gia về Dân số và hưởng ứng Ngày Dân số Việt Nam 26/12. Tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn nhằm phát hiện, phòng ngừa và hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ sau khi kết hôn như: Mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng giống nòi.

Tại Phòng khám đa khoa Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nhiều thanh niên trên địa bàn quận Hai Bà Trưng đã được khám sức khỏe tổng quát. Đồng thời được thực hiện các xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C, xét nghiệm HIV và thực hiện các xét nghiệm khác theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình khám, các thanh niên được các bác sĩ tư vấn và giải đáp các thắc mắc có liên quan đến chăm sóc SKSS, KHHGĐ, phòng tránh lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, phát hiện sớm, điều trị kịp thời các bệnh di truyền... Những trường hợp khi khám phát hiện hoặc nghi ngờ có bệnh hoặc mang gen bệnh di truyền sẽ được Trung tâm Y tế quản lý, theo dõi để tiếp tục tư vấn điều trị, tầm soát và chẩn đoán sàng lọc trước sinh. 

Vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước - ảnh 2
Thanh niên được khám và tư vấn sức khoẻ trong Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSK và các hoạt động nâng cao chất lượng dân số quận Thanh Xuân năm 2023. Ảnh: H.N

Việc khám sức khỏe trước khi kết hôn giờ đây đã trở thành việc làm quan trọng của thế hệ trẻ hiện nay. Trong quá trình khám sức khoẻ sẽ phát hiện sớm những nguy cơ về bệnh tật của bản thân, xa hơn nữa là sức khỏe của con và đặc biệt để duy trì hạnh phúc gia đình bền vững.

 Chị Nguyễn Thị Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, chị tham gia khám sức khoẻ trước khi tổ chức kết hôn vào tháng 12 âm lịch năm nay. “May mắn là kết quả khám không có gì bất thường” - chị Mai vui vẻ nói.
Giải pháp cần thiết cho phát triển bền vững
Những năm gần đây, nhiều bạn trẻ hiểu được lợi ích của việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân nên đã chủ động đến các bệnh viện hoặc trung tâm y tế để khám trước khi kết hôn. Một số địa chỉ uy tín được các bạn trẻ lựa chọn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội...

Vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước - ảnh 3
Quận Cầu Giấy tham gia diễu hành tuyên truyền về công tác dân số và phát triển.
Ảnh: Q.A

Thống kê của Chi cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình thành phố Hà Nội cho thấy: Năm 2022, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn trên địa bàn thành phố là 31,9%. 9 tháng năm 2023, tỷ lệ cặp nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn là 53,4% (vượt kế hoạch đề ra). Năm 2023, Hà Nội là một trong 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình giao chỉ tiêu mỗi năm tăng thêm ít nhất 15% so với năm 2022.

Để có được kết quả trên, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp các đơn vị liên quan làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng. Đồng thời, thực hiện tư vấn tại cộng đồng, tư vấn tại các tụ điểm, các trường học, câu lạc bộ…; giới thiệu các cặp nam, nữ đến các cơ sở dịch vụ có đủ điều kiện theo quy định thực hiện tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Bên cạnh đó, Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi những trường hợp khi khám phát hiện hoặc nghi ngờ có các bệnh hoặc mang gen bệnh di truyền để tiếp tục tư vấn, tầm soát, chẩn đoán sàng lọc khi mang thai và trước khi sinh. Thông qua các hoạt động tư vấn, các bạn trẻ nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng tránh lây nhiễm bệnh qua đường tình dục, phát hiện sớm, điều trị kịp thời các bệnh di truyền... Sau các buổi tuyên truyền, các cặp đôi đã được trang bị kiến thức, kỹ năng chăm sóc SKSS, chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho cuộc sống sau hôn nhân và chuẩn bị sức khỏe thật tốt để chào đón những đứa con khỏe mạnh.

ThS.BS Nguyễn Tân Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế cho biết: Tư vấn và khám SKSS trước kết hôn là một vấn đề cần sự hiểu biết sâu, cần có quan điểm đúng, thái độ đúng của cả hai. Khám sức khỏe trước kết hôn bao gồm khám sức khỏe tổng thể và khám SKSS. Thông qua khám sức khỏe trước kết hôn có thể phát hiện, hạn chế được một số bệnh, điển hình như: HIV, viêm gan B; Hội chứng Down là hội chứng thường gặp nhất trong các bất thường về nhiễm sắc thể; bệnh huyết tán bẩm sinh (Thalassemia) cũng là loại bệnh di truyền do biến đổi gen từ nhiều thế hệ trước; con bị dị tật không có não, thoát vị não, não úng thuỷ, bại não, dị tật cơ xương, sứt môi, hở hàm ếch, dị tật tứ chi, dị tật bộ phận sinh dục... chết ngay khi ra đời, hoặc dù sống được nhưng nỗi khổ vẫn đeo đẳng bản thân đứa trẻ, gia đình và xã hội suốt đời.

Hiện tại các bạn trẻ có nhu cầu được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cần đến các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên. Tuy nhiên, trước khi quyết định cùng nhau đi khám sức khoẻ trước kết hôn, các bạn trẻ cần gặp cán bộ dân số quản lý trên địa bàn để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể, kể cả các địa chỉ có uy tín, có chính sách miễn, giảm kinh phí…

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

169 hạt sen và giấc mơ vũ trụ Việt

(PNTĐ) - Khi đồng hồ điểm 8h30 sáng ngày 14/4 tại Texas, Mỹ, tên lửa New Shepard của công ty du hành vũ trụ Blue Origin rời bệ phóng, mang theo 6 người phụ nữ can đảm, đánh dấu chuyến bay có phi hành đoàn toàn nữ đầu tiên kể từ sau sứ mệnh của nữ phi hành gia Valentina Tereshkova năm 1963. Trong số đó, một cái tên khiến hàng triệu người Việt Nam tự hào: Amanda Nguyễn - người phụ nữ gốc Việt đầu tiên chính thức bay vào vũ trụ.
Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

(PNTĐ) - Họ là những “bông hồng thép” trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - đại đội nữ duy nhất đảm nhiệm công việc không kém gì nam giới, nữ cựu thanh niên xung phong trở về từ trong bão lửa chiến tranh, viết nên những trang sử anh hùng trên cung đường huyền thoại. Họ là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương suốt bao năm thuỷ chung chờ đợi chồng, cha là chiến sĩ trở về, chấp nhận mất mát, hi sinh để cùng viết lên những câu chuyện tình yêu vượt thời gian… Những câu chuyện của họ thật bình dị mà quá đỗi phi thường, đã khắc hoạ một bức tranh lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.