Xu hướng chia sẻ không gian sống của những bà mẹ đơn thân

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày nay, các bà mẹ đơn thân ở khắp nơi trên thế giới đang lựa chọn cách tạo dựng những "cộng đồng" của riêng mình, không chỉ nhằm mục đích cùng chung sống, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái, mà đó còn là cách để các bà mẹ đơn thân giúp đỡ nhau vượt qua những gánh nặng về tài chính hay tâm lý.

Cuộc hôn nhân của Kristin Batykefer tan vỡ vào năm ngoái và cô bị mất việc, tất cả những điều này đã khiến Batykefer trở thành người vô gia cư và không có thu nhập. Hai người bạn đã đưa cô và con gái 4 tuổi của mình về chung sống tại nhà của họ ở Jacksonville, Florida (Mỹ). Không lâu sau, người bạn thân nhất của Batykefer là Tessa Gilder cũng trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ và chuyển đến chung sống cùng với 2 bé gái 5 tuổi và 1 tuổi. Đây là một trong nhiều câu chuyện điển hình của việc hình thành "Mommunes" - thuật ngữ chỉ cộng đồng những bà mẹ đơn thân cùng chung sống trong một mái nhà.

Đây không phải là trường hợp cá biệt bởi, trên khắp thế giới, rất nhiều phụ nữ đang cùng tập hợp, chung sức dưới một mái nhà nhằm chia sẻ những gánh nặng chăm sóc con cái và chi phí trong cuộc sống.

Khi Batykefer bị ốm, những người phụ nữ khác trong nhà giúp nấu súp và làm bánh quy cho cô ăn. Họ còn giúp trông những đứa trẻ để cô có thời gian nghỉ ngơi. Chia sẻ với The New York Times, Batykefer cho rằng đây là một “Hệ thống trợ giúp không giống như bình thường”. Các bài đăng của Batykefer chia sẻ về cuộc sống "Mommunes" của mình đã thu hút tới hơn 1 triệu lượt xem trên TikTok. “Lẽ ra tôi nên chuyển tới đây từ lâu rồi mới phải”, cô nhấn mạnh. Trong video gần đây nhất của Batykefer, cô tuyên bố rằng các bà mẹ đơn thân sống chung nhà vẫn hoàn toàn có thể trải nghiệm những thú vui như tới các buổi hòa nhạc, thưởng thức các suất chiếu phim đêm hay cùng nhau làm đẹp tại nhà vào cuối tuần, khi con cái họ chơi cùng với những người bạn mới của chúng mà không phải lo lắng về trách nhiệm chăm sóc con cái khi làm cha mẹ đơn thân.

Xu hướng chia sẻ không gian sống của những bà mẹ đơn thân - ảnh 1
Các bà mẹ đơn thân lựa chọn sống chung để cùng giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Mô hình các bà mẹ sống chung nhà không phải là điều mới mẻ mà đã tồn tại trong nhiều thế kỷ, đặc biệt ở những cộng đồng người da màu. Những khó khăn gây ra bởi đại dịch COVID-19, cộng với số lượng các bà mẹ đơn thân ngày càng gia tăng ở Mỹ đã khiến mô hình này càng chứng tỏ sự hiệu quả.

Theo Cục điều tra dân số Mỹ, vào năm 2022, có 10.9 triệu mẹ đơn thân có con dưới 18 tuổi, gần 80% trong số này phải đối diện với khả năng nghèo đói và gặp các vấn đề về tâm lý nếu không nhận được những sự trợ giúp. Nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về sức khỏe tâm thần của phụ nữ ở New York, Naomi Torres-Mackie nhận định, việc làm mẹ đơn thân thường dẫn đến rất nhiều căng thẳng cho phụ nữ. “Do đó, chia sẻ tài nguyên là giải pháp và có thể là sẽ là liều thuốc bền vững nhằm giải tỏa sự căng thẳng, cũng như giảm sự cô lập và kỳ thị của xã hội đối với những bà mẹ đơn thân”, bà nói.

Nhờ có mô hình chung sống này, nhiều bà mẹ đơn thân cảm thấy không còn phải sống theo những khuôn mẫu và quy tắc của một bà mẹ đơn thân thông thường như phải tìm một người bạn đời khác, phải hẹn hò hay tái hôn. Mô hình này ngày càng có tổ chức và trở nên chính thức, "chuyên nghiệp hoá"; có những "quy tắc sống chung" được soạn thảo và đưa ra dành cho cộng đồng. Thậm chí một nền tảng chia sẻ nhà ở dành cho các bà mẹ đơn thân - CoAbode cũng ra đời nhằm "hỗ trợ các bà mẹ đơn thân tìm thấy nhau". Ban đầu, CoAbode hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận, ước tính đã có khoảng hơn 300.000 bà mẹ đơn thân đăng ký sử dụng nền tảng này. “Chúng tôi giống như một ngôi làng online”, người sáng lập nền tảng, Carmel Boss (69 tuổi) nói.

Thị trường nhà đất dành cho mẹ đơn thân được đánh giá là một thị trường tiềm năng và hiện chưa được đáp ứng. Nhu cầu chia sẻ nhà là có thật và tồn tại ở khắp nơi trên toàn thế giới. Tại Pháp, Commune - một nhà phát triển nhà ở dân cư đã mở một khu vực riêng dành cho các hộ gia đình gồm toàn mẹ đơn thân ở ngoại ô Paris với không gian cho 14 gia đình. Dự án thứ hai cũng sẽ mở vào cuối năm nay ở miền bắc nước Pháp, với không gian cho 28 gia đình. Ở Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), một cộng đồng mẹ đơn thân đã được sáng lập vào năm 2021 bởi Anna Dillon, bà mẹ 42 tuổi người Ireland và Emily Winchip, 40 tuổi, người Mỹ.

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.