Afghanistan chống lại nạn bạo hành gia đình ngay từ phòng ngủ

Chia sẻ

Giới bảo vệ nữ quyền ở Afghanistan đang triển khai sáng kiến chống lại nạn bạo hành phụ nữ bằng các hoạt động tập trung không chỉ vào nạn nhân là phụ nữ mà cả các ông chồng của họ.

Một nơi đáng sợ của phụ nữ

Đây không phải là lần đầu tiên người phụ nữ Afghanistan sống tại thủ đô Kabul gặp phải tình trạng như thế này. Chồng bà đã không ngừng đánh đập hành hạ  trong suốt quãng thời gian 30 năm dài chung sống với nhau. Thậm chí, không ít lần bà bị chồng cột chặt rồi treo lên cành cây ở ngoài vườn suốt đêm trong cái rét buốt cắt sâu vào da thịt.

Afghanistan chống lại nạn bạo hành gia đình ngay từ phòng ngủ - ảnh 1

Và rồi, trong một lần ông ta tìm cách thiêu sống bà, Nabila không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bỏ chạy để tự cứu lấy mình. Suốt 4 năm sau đó, người phụ nữ 50 tuổi này phải chịu cảnh sống chui lủi trong một căn hộ nhỏ của mẹ mình ở một khu lao động nghèo, làm đủ thứ nghề để kiếm sống, và luôn nơm nớp lo sợ một ngày nào đó người chồng đáng sợ kia sẽ tìm thấy mình. “Tôi đã từng muốn li dị ông ấy trong một thời gian dài”, bà kể. “Thế nhưng tôi thậm chí không biết phải tìm đến ai để tìm kiếm sự giúp đỡ”.

Báo cáo của một tổ chức quốc tế cho biết, có khoảng 87% phụ nữ và trẻ em gái ở quốc gia Trung Đông này phải gánh chịu tình trạng ngược đãi trong suốt quãng đời của mình. Mặc dù Luật ngăn chặn các hành vi bạo lực đối với phụ nữ được nước này thông qua năm 2009 và nhận được sự khen ngợi của giới đấu tranh bảo vệ nữ quyền thì việc thực thi lại quá hạn chế khiến hầu như không có nạn nhân nào được bảo vệ cả.

Những hoạt động truyền thông thúc đẩy tiếng nói của phụ nữ đối với nạn bạo hành gia đình đang được tổ chức thường xuyên ở Afghanistan.Những hoạt động truyền thông thúc đẩy tiếng nói của phụ nữ đối với nạn bạo hành gia đình đang được tổ chức thường xuyên ở Afghanistan.

Sáng kiến nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực gia đình

Chiến dịch “Hãy nói chuyện để Gia đình êm ấm” (tiếng Anh: Talk for Harmony) vừa được khởi xướng ở thủ đô Kabul nhằm mục đích xua đi phần nào tấm màn đen u ám của nạn bạo lực gia đình trầm kha xảy ra từ lâu nay. Theo đó, sáng kiến này có sự hợp tác của nhiều bên, bao gồm những nhà hoạt động bảo vệ phụ nữ, lãnh đạo tôn giáo và chuyên gia tâm lý kết hợp cùng mạng xã hội để tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về quyền của người phụ nữ, cung cấp thông tin về bình đẳng giới, cũng như hướng dẫn cách thức kiềm chế sự căng thẳng và các lời khuyên về giữ gìn hạnh phúc gia đình.

“Bạo lực xuất phát từ ngay trong chính ngôi nhà của chúng ta, sau đó dần lan ra trường học, công sở, đường phố và khắp mọi nơi. Chính vì vậy, cần phải giải quyết nó ngay từ gốc”, Freshta Farah, phụ trách mạng lưới Vì phụ nữ Afghanistan cho biết.

Theo bà Farah, bạo lực gia đình thường xảy ra dưới các hình thức như: bạo lực tinh thần, bạo lực thể chất và bạo lực tình dục. Và trong khi phần lớn nạn nhân là phụ nữ thì hầu như không có ai dám nói lên vấn đề hoặc tìm đến tòa án nhờ giúp đỡ mà chỉ âm thầm chịu đựng.

“Tình trạng giữ kín nạn bạo hành ở bên trong phòng ngủ khiến vấn đề bạo lực gia đình tồn tại và kéo dài hàng chục năm nay”, bà Farah nhận xét.

Những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình đang tham gia một buổi trị liệu tâm lý được tổ chức tại nhà tạm lánh.Những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình đang tham gia một buổi trị liệu tâm lý được tổ chức tại nhà tạm lánh.

“Điều đáng lo ngại là, nhiều người cho rằng bạo hành gia đình là điều bình thường, thậm chí là cách mà các ông chồng sử dụng để giải tỏa các áp lực hay căng thẳng mà họ gặp phải ở bên ngoài”, bà Balqis Ehsan, chuyên gia về phòng chống bạo lực gia đình cho biết.

“Vì vậy, chúng tôi không chỉ tập trung các can thiệp của mình vào mỗi phụ nữ mà còn với cả những người bạo hành - chính là các ông chồng của họ”, bà Ehsan chia sẻ. “Chúng tôi sử dụng các nền tảng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter và Instagram để tiếp cận cả nạn nhân lẫn người gây ra hành vi bạo hành. Hệ thống đài phát thanh và truyền hình địa phương cũng là kênh thông tin hữu hiệu để truyền thông bằng các clip ngắn hấp dẫn đến từng gia đình”.

Trước khi chiến dịch “Hãy nói chuyện để Gia đình êm ấm” được khởi xướng, một nghiên cứu trên diện rộng được thực hiện tại nhiều địa phương cho thấy, ngay khi đại dịch COVID-19 bắt đầu lan rộng thì xu hướng bạo lực giới ngay lập tức tăng cao “với 1/3 số phụ nữ tham gia khảo sát tiết lộ rằng, họ không biết phải tìm đến đâu, hay phải làm gì để tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị bạo hành”.

Thậm chí, có tới 30% số phụ nữ được phỏng vấn cho rằng, bị chồng đánh khi rời nhà mà không xin phép là “điều chấp nhận được”.

“Bạo lực không phải là giải pháp cho những cơn nóng giận”, bà Freshta Farah nói. “Và chiến dịch này chỉ mới là sự khởi đầu cho một chặng đường dài cam go trong việc đấu tranh chống lại tình trạng bạo hành phụ nữ ở đất nước này”.

LONG NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.
Quan hệ Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển tốt đẹp

Quan hệ Việt Nam và Brazil ngày càng phát triển tốt đẹp

(PNTĐ) - Trong buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira đang thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thông qua ngoại trưởng Brazil chuyển lời thăm hỏi và lời mời thăm Việt Nam thời gian tới của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Chủ tịch Đảng Lao động - Tổng thống Brazil Lula da Silva.