Biến chủng Delta thực sự nguy hiểm như thế nào ?
Lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ, biến chủng Delta đã nhanh chóng lây lan ra hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới và không có dấu hiệu dừng lại
Sự nguy hiểm của biến chủng mới
Hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, châu Phi, vùng Scandinavia của châu Âu và các nước vành đai Thái Bình Dương đã ghi nhận các đợt bùng phát mới mà nguyên nhân chính là do đột biến Delta (B.1.617) có đặc điểm tỉ trọng nhẹ hơn các chủng khác, do đó thời gian virus lơ lửng trong không khí sẽ kéo dài hơn trước khi rơi xuống bề mặt. Nguy hiểm hơn, chỉ cần vỏn vẹn 3 ngày là biến chủng có thể tạo ra một chu kỳ mới.
Vắc-xin của AstraZeneca đạt hiệu quả cao trong phòng chống biến thể Delta (Ảnh: Int)
Ủy viên Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Scott Gottlieb nhận định số ca nhiễm biến thể Delta tăng gấp đôi chỉ sau mỗi hai tuần và chiếm tới 10% tổng số ca nhiễm ở Mỹ. Con số này ở châu Âu lên tới hơn 90%.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo biến thể Delta có thể sẽ lây lan mạnh trong mùa hè, đặc biệt là trong nhóm người trẻ tuổi chưa được tiêm vắc-xin. 90% ca nhiễm mới ở Moscow, Nga trong tổng số hơn 50 ngàn ca nhiễm mới được ghi nhận chỉ trong hai tuần là do biến thể này. Chủng vi rút mới cũng đang “làm mưa làm gió” ở Anh khiến Thủ tướng Boris Johnson phải gia hạn lệnh giãn cách thêm một tháng thay vì “mở cửa” vào ngày 15/6 như kế hoạch ban đầu.
Châu Á cũng không thoát khỏi “bóng ma” của biến thể mới với hàng loạt quốc gia ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục. Tại Đông Nam Á, Indonesia dự kiến sẽ đạt đỉnh dịch vào khoảng đầu tháng Bảy, đảo quốc sư tử - Singapore cũng xác định biến thể Delta là biến thể phổ biến nhất trong số các trường hợp lây nhiễm.
Ngay cả quốc gia được coi là hình mẫu của tiêm chủng như Israel cũng bị tấn công. Thủ tướng Naftali Bennett mô tả số ca nhiễm tăng nhanh là “một đợt bùng phát mới”. Bộ Y tế Israel cho biết có khoảng 70% số ca mới nhiễm biến thể Delta.
Trong khi thế giới chưa hết “quay cuồng” với biến thể Delta thì mới đây, Ấn Độ lại công bố thêm một biến thể khác của biến thể này là B.1.617.2.1, hay còn gọi là biến thể Delta plus (AY.1) với đột biến K417N trong protein gai, có thể làm giảm hoạt tính của huyết thanh và kháng thể của những người đã bị bệnh. Tuy nhiên có nguồn tin cho rằng biến thể này đã được phát hiện ở châu Âu hồi tháng 3.
Vắc-xin vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất
Các nhà khoa học cho rằng, đến thời điểm hiện tại, vắc-xin vẫn là “niềm hy vọng lớn nhất” và là “vũ khí” hiệu quả nhất của thế giới nhằm chống lại sự tấn công mạnh mẽ từ các biến chủng Delta.
Cơ quan Y tế công cộng Anh đã công bố nghiên cứu mới về hiệu quả của tiêm chủng đối với virus. Theo đó, vắc-xin ngừa Covid-19 của Pfizer và AstraZeneca cho thấy hiệu quả cao trong việc vô hiệu hoá biến thể Delta. Cụ thể, vắc-xin của Pfizer-BioNTech đạt hiệu quả 88% trên biến thể Delta trong khi vắc-xin AstraZeneca cũng đạt tới 70%.
Người tiêm đủ hai mũi vắc-xin Pfizer có thể có tới 96% khả năng chống lại SARS-CoV-2, tỷ lệ của AstraZeneca cũng đạt 92%. Kết quả này giống với khả năng bảo vệ chống lại biến thể Alpha. Đối với các ca bệnh có triệu chứng khi được tiêm hai loại vắc-xin trong ba tuần sau liều đầu tiên sẽ có hiệu quả 33% với biến thể Delta. Sau mũi tiêm thứ hai hai tuần, vắc-xin Pfizer có hiệu quả 88% và vắc-xin AstraZeneca có hiệu quả 60%. Các nhà khoa học giải thích lý do vắc-xin AstraZeneca có tỷ lệ thấp hơn là do vắc-xin này tạo tốc độ phát triển kháng thể chậm hơn, tuy nhiên vẫn hoàn toàn đảm bảo khả năng bảo vệ chống lại virus.
Song song với nỗ lực tiêm phòng, nhiều quốc gia trên thế giới tiếp tục thực hiện hàng loạt nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp mới điều trị Covid-19. Trong một nghiên cứu được thực hiện trên chuột bởi trường đại học Washington (Mỹ) công bố hôm 21/6, một liệu pháp điều trị bằng hỗn hợp hai loại kháng thể có thể chống lại được hàng loạt biến thể SARS-CoV-2.
Các chuyên gia y tế khuyến khích người dân tiêm phòng sớm nhất có thể do hai mũi tiêm cần phải có thời gian khoảng 3 tuần và một người chỉ được xem là đã được chủng ngừa đầy đủ khoảng 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ hai.
ĐỖ HỮU