Các nước ASEAN cần chung tay bảo vệ môi trường biển

Chia sẻ

Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương (PE) ngày 30/9 đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Chia sẻ các thực tiễn tốt nhất về thành lập và quản lý các Khu bảo tồn biển (MPA) và các khu vực được bảo vệ bởi các biện pháp bảo tồn hiệu quả khác (OECM) trong Khu vực ASEAN”.

Hội thảo có sự tham gia của ông Stephen Woodley, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN, bà Beth Pike, Marine Conservation Institute, bà Criselda Castor, Cục quản lý đa dạng sinh học DENR Philippines, ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cùng nhiều chuyên gia đầu ngành từ các tổ chức trong và ngoài nước khác.

Hội thảo được tổ chức nhằm chia sẻ các khái niệm, quy định và bài học kinh nghiệm từ việc thành lập và vận hành các khu MPA và các khu OECM tại các nước trong khu vực ASEAN. Qua đó cung cấp đầy đủ thông tin và phân tích các cơ hội giúp các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam đưa ra các quyết định có lợi cho môi trường trong các cuộc đàm phán Công ước về Đa dạng sinh học COP 15 sắp tới.

Khu vực nuôi ngọc trai tại vùng biển An Thới, Khu bảo tồn biển Phú Quốc.Khu vực nuôi ngọc trai tại vùng biển An Thới, Khu bảo tồn biển Phú Quốc.

Trưởng ban Quản lý Vịnh Nha Trang, ông Huỳnh Bình Thái chia sẻ: "Hội thảo tạo điều kiện cho các khu bảo tồn biển trong và ngoài nước được trao đổi cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản".

Ông Michael Atrigenio, cố vấn chiến dịch 30x30 của Philippines nhận xét về tính cấp bách của các giải pháp bảo tồn đa dạng hệ sinh thái đại dương: “Cần phải cấp bách thảo luận các giải pháp để đạt được mục tiêu bảo vệ 30% đại dương toàn cầu nhằm duy trì những lợi ích mà chúng ta thu được từ đa dạng sinh học dưới nhiều hình thức như đánh bắt cá và các tài nguyên khác". Ông nhấn mạnh: "Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách thực hiện các chiến lược bảo tồn dựa trên khu vực, bao gồm các khu bảo tồn biển và các khu được bảo vệ dựa trên các biện pháp hiệu quả khác (OECMs)”.

Chiến dịch 30x30 là một lời kêu gọi toàn cầu được phát động từ năm 2016 với mục tiêu bảo vệ được ít nhất 30% diện tích đất và nước của thế giới đến năm 2030.

Khu vực nuôi ngọc trai tại vùng biển An Thới, Khu bảo tồn biển Phú Quốc. Đoàn viên, thanh niên thành phố Quy Nhơn dọn rác, làm sạch bờ biển xã Nhơn Lý.

Cùng quan điểm, Giám đốc Bộ phận bảo tồn biển, tổ chức Môi trường Thái Bình Dương, bà Nicole Portley bình luận: “Bảo vệ 30% diện tích của hành tinh vào năm 2030 là khá tham vọng, nhưng đồng thời cũng rất cấp thiết. Chúng ta sẽ không thể đạt được mục tiêu này nếu không có sự tham gia của các nước Đông Nam Á, điểm nóng toàn cầu về đa dạng sinh học biển, đồng thời cũng là điểm nóng về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản”.

Trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, xu hướng tiến ra biển, làm giàu từ biển và khai thác các nguồn tài nguyên từ biển đang ngày càng tăng. Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường biển, phá hủy đa dạng sinh học, cạn kiện tài nguyên biển cũng dần trở nên đáng báo động, gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Bởi vậy, các công tác bảo tồn, gìn giữ đa dạng sinh học, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng như bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên biển càng trở nên cấp bách, đòi hỏi cả chính quyền và người dân mỗi quốc gia phải cùng chung tay để có một môi trường biển bền vững, từ đó phát triển kinh tế nói chung và kinh tế biển nói riêng bền vững.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục