Các nước tăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Chia sẻ

Trước những lo lắng về tác động tiêu cực gây ra cho trẻ em, nhất là trong bối cảnh các em chưa thể đến trường và phải học trực tuyến nhiều hơn, các nước đã có nhiều biện pháp để bảo vệ thế hệ tương lai trước những nội dung xấu độc trên mạng xã hội.

Mạng xã hội ảo, tác hại thật

Các nhà lập pháp Mỹ đã trích dẫn nhiều nghiên cứu về tác hại của mạng xã hội đối với trẻ em, bao gồm các rối loạn ăn uống, giấc ngủ, thậm chí trẻ có thể gặp nhiều nguy hiểm do tiếp xúc với những nội dung khiêu dâm, quảng cáo thuốc gây nghiện, bắt nạt trực tuyến hoặc kỳ thị ngoại hình.

Mới đây mạng xã hội TikTok đã phải đối mặt với nhiều cáo buộc về việc cho phát những video với nội dung nguy hại cho trẻ như hướng dẫn giảm cân sai cách hoặc cổ suý cho những trào lưu thử thách nguy hiểm. Một ví dụ cụ thể là thử thách “Blackout Challenge” đòi hỏi người chơi phải thực hiện một số hành động gây ngạt để rơi vào trạng thái ngất xỉu tạm thời, hậu quả đã khiến cho 3 trẻ em Mỹ thiệt mạng trong nửa đầu năm nay. Ngoài “Blackout Challenge”, trên mạng xã hội video này còn tồn tại nhiều thử thách “quái dị” khác có thể gây hại cho trẻ như thử thách tự thiêu (tự dùng chất đốt gây hại cho cơ thể) hay “TidePod Challenge” (thử thách ăn viên nước giặt).

Facebook cũng đã hứng không ít chỉ trích về vấn đề bảo vệ trẻ em. Các nhà lập pháp Mỹ nhấn mạnh, mạng xã hội này đã gây tác hại đối với thanh thiếu niên. Trong đó, ứng dụng Instagram do Facebook sở hữu đã gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần cho các bé gái tuổi teen, đặc biệt là vấn đề liên quan đến hình thể hay kỳ thị ngoại hình.

Cha mẹ có thể dễ dàng giúp trẻ tránh khỏi những tác hại từ mạng xã hội. Ảnh: Int.Cha mẹ có thể dễ dàng giúp trẻ tránh khỏi những tác hại từ mạng xã hội. Ảnh: Int.

Giải pháp từ nhiều phía

Với mong muốn đưa Vương quốc Anh trở thành “nơi có môi trường trực tuyến an toàn nhất thế giới”, chính quyền nước này đã đưa ra một bộ quy định mới nhằm bảo vệ trẻ em, trong đó nghiêm cấm việc sử dụng các thuật toán nhằm khuyến khích trẻ em từ bỏ quyền riêng tư của mình nhiều hơn mức chúng sẽ chọn, kêu gọi các công ty giảm thiểu dữ liệu họ thu thập về trẻ em và yêu cầu cung cấp cho trẻ em các tùy chọn quyền riêng tư mặc định là bảo mật tối đa, nếu vi phạm, mức phạt có thể lên tới hàng triệu đô la.

Kết quả là TikTok đã có thêm tính năng tắt thông báo trước giờ đi ngủ của trẻ. Ông Michael Beckerman - Phó chủ tịch TikTok khẳng định mạng xã hội này có các công cụ quản lý thời gian sử dụng thiết bị giúp người trẻ và cha mẹ kiểm duyệt thời gian sử dụng ứng dụng và cả những gì trẻ xem. Instagram đã vô hiệu hóa hoàn toàn các quảng cáo nhắm mục tiêu cho người dưới 18 tuổi và YouTube cũng tắt tính năng tự động phát cho người dùng thanh thiếu niên.

Chính phủ Úc cũng đã đưa ra dự thảo luật “Quyền riêng tư trực tuyến”, trong đó bắt buộc phải có sự đồng ý của cha mẹ thì các nền tảng truyền thông xã hội mới được phép cung cấp dịch vụ cho trẻ em dưới 16 tuổi. Facebook hoặc các diễn đàn ẩn danh như Reddit hay các ứng dụng hẹn hò trực tuyến như Bumble và WhatsApp cần phải có nhiều giải pháp nhằm xác minh độ tuổi người sử dụng và bảo vệ quyền lợi trẻ em.

Hồi tháng 8, Trung Quốc đã đưa ra quy định nghiêm ngặt về trò chơi điện tử, theo đó, trẻ dưới 18 tuổi không được phép chơi điện tử quá 3 giờ một tuần. Quy định đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ công chúng. Các công ty trò chơi điện tử của Trung Quốc đã yêu cầu người chơi phải đăng ký và đăng nhập bằng tên thật, đồng thời thực hiện xác thực và giới hạn thời gian chơi theo độ tuổi.

Mặc dù đã có nhiều quy định từ các nhà cung cấp cũng như chế tài từ cơ quan quản lý, nhưng để những biện pháp này thực sự phát huy hiệu quả còn phải cần đến sự giám sát từ phía gia đình, cha mẹ và người thân chính là những người gần gũi và hiểu rõ trẻ nhất, do đó có thể dễ dàng định hướng và giúp trẻ tránh khỏi những tác hại không mong muốn từ mạng xã hội.

PHÚ ĐỖ

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.