Cần giải pháp thiết thực chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam

YẾN PHẠM
Chia sẻ

(PNTĐ) -Việt Nam hiện đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu, đe dọa mục tiêu trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.

Cần giải pháp thiết thực chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam - ảnh 1
Để tránh thảm họa khí hậu, Việt Nam cần sớm hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” Ảnh: Int

Dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu
Theo “Báo cáo Quốc gia về khí hậu và phát triển cho Việt Nam” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những tác động đáng kể nếu không bắt đầu các biện pháp chi tiêu nhằm giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cụ thể, theo WB, Việt Nam sẽ cần tới khoảng 368 tỷ USD, tương đương 6,8% GDP đến 2040 để giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy các mục tiêu phát triển quốc gia.

Việt Nam với dân số khoảng 100 triệu người, được cho là một trong những quốc gia dễ gặp tổn thương nhất trên thế giới do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt và mực nước biển dâng cao. Thống kê từ WB tiết lộ, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính dựa trên bình quân đầu người tăng nhanh nhất trên thế giới trong vòng 2 thập kỷ qua, mặc dù đóng góp vào khí nhà kính toàn cầu với tỷ trọng rất nhỏ (chiếm 0,8% lượng phát thải của thế giới).

Báo cáo của WB cũng chỉ ra với hơn 3.200km đường biển trải dài từ Bắc vào Nam, cộng thêm nhiều thành phố có địa hình trũng thấp và các vùng đồng bằng ven sông, Việt Nam đang là một trong các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Thực tế này đã và đang làm gián đoạn các hoạt động kinh tế cũng như có khả năng làm suy yếu tăng trưởng của đất nước. 

Cần có lộ trình xây dựng khả năng thích ứng phù hợp
Trước những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, trong đó cần thiết đầu tư khoảng 6,8% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm, WB cảnh báo biến đổi khí hậu có thể sẽ khiến Việt Nam thiệt hại tới 14,5% GDP vào năm 2050. 

“Việt Nam nên áp dụng một mô hình phát triển mới dựa trên hai nền tảng trụ cột bao gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu song song với giảm thiểu biến đổi khí hậu, bằng cách loại bỏ cacbon trong quá trình phát triển của nền kinh tế cũng như định hướng nền kinh tế thoát khỏi các loại năng lượng sử dụng tới nhiều carbon”, báo cáo viết.

Báo cáo của WB nhận định kết quả khả quan nếu đi theo con đường này, Việt Nam có thể nhanh chóng đạt được các mục tiêu về khí hậu trong khi GDP bình quân đầu người vẫn tăng hơn 5% một năm. WB cũng nêu ra khuyến nghị rằng, Việt Nam cần có lộ trình xây dựng khả năng thích ứng phù hợp nhằm bảo vệ tài sản cũng như các cơ sở hạ tầng thiết yếu và con người trước những thách thức mới về biến đổi khí hậu. Các biện pháp thích ứng cần tập trung vào những lĩnh vực và địa điểm dễ bị tổn thương nhất của đất nước, đặc biệt là nông nghiệp, giao thông, thương mại và công nghiệp, các vùng ven biển và Đồng bằng sông Cửu Long.

 Tiếp đó, Việt Nam có thể áp dụng các cải cách chính sách như một công cụ bổ trợ trong lĩnh vực tài khóa và tài chính để có thể tạo thuận lợi cũng như kích thích đầu tư từ cả khu vực công và khu vực tư nhân với tổng nhu cầu tài chính khoảng 254 tỷ USD từ năm 2022 đến năm 2040.

WB lưu ý nhiệm vụ trọng tâm là Việt Nam cần kết hợp chuyển đổi mạnh mẽ hơn sang năng lượng tái tạo với các giải pháp trong lĩnh vực giao thông, nông nghiệp và công nghiệp, đồng thời cần có các giải pháp cụ thể để cải thiện hệ thống giao thông công cộng và áp dụng các biện pháp nghiêm túc hơn đối với các phương tiện xe cơ giới. “Việt Nam cần có lộ trình “khử” carbon, tiến tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” vào năm 2050”, tổ chức này nhấn mạnh.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục