Chống lại nạn tảo hôn, trao quyền cho trẻ em gái
Ấn Độ đang thực hiện nhiều thông điệp để đấu tranh chống lại nạn tảo hôn, vốn là vấn đề nhức nhối ở quốc gia Nam Á này.
Trong một báo cáo được đưa ra hồi tháng 3/2021, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã nêu ra con số đáng quan ngại: Khoảng 100 triệu trẻ em gái có nguy cơ là nạn nhân của tảo hôn trong thập kỷ tới. Trong đó, Ấn Độ là quốc gia có số lượng "cô dâu trẻ em" lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 tổng số toàn cầu. Ước tính mỗi năm có ít nhất 1,5 triệu trẻ em gái kết hôn ở Ấn Độ.
Theo các nhà nghiên cứu, đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây ra nhiều hệ luỵ tiêu cực như khiến trường học phải đóng cửa, kinh tế gia đình trở nên căng thẳng, các dịch vụ tư vấn chăm sóc sức khoẻ bị gián đoạn, và đặc biệt là việc mồ côi cha mẹ khiến hơn 10 triệu trẻ em gái rơi vào nguy cơ bị tổn thương và phải đối mặt với nạn tảo hôn.
Tranh vẽ cổ động chống lại nạn tảo hôn Ảnh: UNNews
Giám đốc JAS, tổ chức phi chính phủ hoạt động vì quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái tại bang Rajasthan, bà Radhika Sharma cho biết, những gia đình gặp khó khăn về kinh tế đã quyết định để con gái của họ đi lấy chồng sớm, bất chấp việc chúng chưa đủ tuổi kết hôn. Bà cảnh báo thực trạng đáng buồn là các bậc cha mẹ thường cho rằng con gái của họ sẽ được an toàn hơn nếu kết hôn sớm mà không biết những nguy cơ về việc bị lạm dụng thể xác, đối mặt với nghèo đói, thiếu giáo dục, chế độ gia trưởng và bất bình đẳng giới chính là phần chìm của tảng băng.
Dự án Naubat Baja thuộc JAS sử dụng cách thức rất đơn giản nhưng không kém phần hiệu quả nhằm gửi đi thông điệp đến người dân: “Hãy nuôi dạy con cái và chấm dứt nạn tảo hôn”. Cụ thể, những tấm áp phích, tranh vẽ lớn đã được treo khắp các con ngõ, đường phố của bang Rajasthan. Các bức tranh được vẽ với hai hình ảnh đối lập: Một bé gái có mái tóc thắt bím, đuôi tóc buộc bằng những chiếc nơ vải màu hồng với khuôn mặt ủ rũ tuyệt vọng khi đi cạnh một người đàn ông lớn tuổi.
Em đeo vòng hoa quanh cổ - dấu hiệu của việc vừa tổ chức đám cưới. Cô bé cầm trên tay chiếc bảng đen ghi những chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái tiếng Hindi, thể hiện thông điệp muốn đi học thay vì lấy chồng. Đối lập là hình ảnh một bé gái khác được mặc bộ đồng phục học sinh, ngồi bên cạnh người mẹ đang tươi cười, trên khuôn mặt em là nụ cười hạnh phúc.
Tuyên truyền bằng tranh cổ động là một trong những hoạt động của chiến dịch “Missed Call Radio” thuộc dự án Naubat Baja. Đây là một kênh phát thanh dựa trên công nghệ đám mây ở bang Rajasthan, được lập ra để giải quyết các vấn đề về hạnh phúc, quyền lợi và sức khỏe của thanh thiếu niên.
Ngoài ra, Naubat Baja còn khai thác các tính năng của điện thoại di động, để thâm nhập vào những vùng xa xôi hẻo lánh của Ấn Độ. Sáng kiến này được đưa ra từ một thực tế: Điện thoại di động đang là phương thức liên lạc yêu thích của giới trẻ, nhất là ở những khu vực mà người dân không có đủ điều kiện để xem truyền hình hoặc truy cập internet.
Mục đích của Naubat Baja không chỉ dừng ở chống lại nạn tảo hôn mà còn trao quyền cho trẻ em gái theo nhiều cách khác nhau. Các nạn nhân khi gọi tới đường dây nóng của Naubat Baja sẽ nhận được các tin tức xoay quanh vấn đề xã hội được kể bằng hình thức hài kịch hoặc châm biếm.
Bên cạnh đó, họ còn nhận được tin tức về các cơ hội việc làm, thông tin về các chương trình phúc lợi của chính phủ hướng tới đối tượng thanh thiếu niên. Đặc biệt, những chủ đề nhạy cảm như tảo hôn, bạo lực gia đình, sức khỏe sinh sản, vệ sinh cho trẻ em gái vị thành niên, các chủ đề về nhạy cảm giới cũng được tình nguyện viên tư vấn giải đáp. Nội dung của Naubat Baja được cập nhật thường xuyên, do đại diện UNFPA giám sát.
YẾN PHẠM