Đảo chiều kế hoạch chống Covid-19

Chia sẻ

Sự xuất hiện của biến chủng Omicron khiến chính phủ nhiều quốc gia phải “đảo chiều” kế hoạch chống dịch.

Hàng loạt quốc gia “cắt giảm” thời gian cách ly

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hồi tuần trước đã ra thông báo rút ngắn yêu cầu cách ly đối với các nhân viên chăm sóc sức khỏe bị nhiễm bệnh trong bối cảnh biến chủng Omicron lây lan nhanh chóng tại nước này.

Tương tự, Israel cũng đã dỡ bỏ quy định cách ly bắt buộc 7 ngày đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ mà có tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc biến chủng Omicron. Lý giải về quyết định này, Tổng vụ trưởng Bộ Y tế Israel, Nachman Ash cho rằng, số lượng người cách ly quá đông sẽ khiến đất nước rơi vào trạng thái tương tự như phong tỏa. Bên cạnh đó lệnh cấm du khách nước ngoài nhập cảnh vẫn đang được áp dụng và điều quan trọng là “để phòng tránh sự quá tải cho hệ thống y tế”.

Dù đang phải vật lộn với làn sóng bùng phát biến thể Omicron với trung bình 10 ngàn ca nhiễm mới mỗi ngày, Chính phủ Anh vẫn ra quyết định rút ngắn thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, kèm theo đó là bệnh nhân cần có hai lần xét nghiệm âm tính với virus bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên tại nhà, vốn được cho là kém chính xác hơn so với xét nghiệm PCR.

Động thái này nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học ở một số quốc gia, họ đã trích dẫn những nghiên cứu cho thấy biến chủng Omicron có thời gian lây nhiễm ngắn hơn so với các biến chủng khác. Cùng với đó là bằng chứng về những người đã được tiêm chủng đầy đủ sẽ không trở nặng hơn khi nhiễm virus. Chính phủ các nước cũng cho rằng đây là biện pháp cần thiết trong bối cảnh virus luôn biến đổi. Do đó, nếu tiếp tục theo đuổi các chính sách cách ly nghiêm ngặt có thể dẫn đến hậu quả sụp đổ hệ thống bệnh viện, trường học và nhiều cơ sở kinh doanh.

Tại Canada, bang Saskatchewan và Ontario đã thực hiện rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc từ 10 ngày xuống còn 5 ngày đối với người bệnh đã tiêm phòng đầy đủ. Tỉnh Quebec thậm chí còn cho phép các nhân viên y tế đã được xác định nhiễm bệnh hoặc có tiếp xúc với virus tiếp tục đi làm do lo ngại thiếu hụt nhân lực trong ngành y tế khi số nhân viên hoạt động trong lĩnh vực bị cách ly có thể sớm lên tới con số 10.000.

Italia cũng đã dỡ bỏ các quy định cách ly bắt buộc đối với những trường hợp tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19 nếu người đó đã được tiêm liều vắc-xin thứ hai hoặc thứ ba hay vừa bình phục sau khi nhiễm bệnh. Trước đó, những người tiếp xúc gần phải thực hiện cách ly 7 ngày nếu đã tiêm chủng và 10 ngày nếu chưa tiêm.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại Berlin, ĐứcNhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm nCoV tại Berlin, Đức (Ảnh: AP)

Những phản ứng trái chiều từ người dân

Bên cạnh sự ửng hộ, việc thay đổi các chính sách cách ly cũng làm dấy lên lo ngại ở nhiều nơi.

Ngay tại Italia, việc dỡ bỏ các quy định cách ly bắt buộc đã tạo nên làn sóng tranh cãi ở đất nước này. Khi còn nhiều điều chưa chắc chắn về biến chủng Omicron, cùng với sự thay đổi liên tục các hướng dẫn y tế khiến công chúng bối rối, dẫn đến các cáo buộc giới chức đề ra chính sách dựa trên lợi ích chính trị và kinh tế, thay vì ưu tiên sức khỏe cộng đồng.

Vấn đề càng được thể hiện rõ hơn tại Nam Phi – nơi phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên khi chính phủ nước này tuyên bố ngừng các yêu cầu truy vết tiếp xúc và cách ly, chỉ trừ những ca nhiễm có triệu chứng. Bộ Y tế nước này "đã chìm trong những chất vấn và bình luận" từ truyền thông cũng như người dân, dẫn đến quyết định rút lại chính sách vào ngày 28/12.

Ở Quebec, lãnh đạo cơ quan y tế địa phương Christian Dube nỗ lực giải thích với công chúng rằng tình trạng lây lan nhanh chóng của Omicron đã khiến nhiều người lao động phải nghỉ việc, trong đó có tới 7.000 nhân viên y tế tính đến ngày 27/12.

Giám đốc y tế cộng đồng của Quebec Horacio Arruda nhấn mạnh rằng, chỉ những nhân viên không có triệu chứng mới được đi làm và để ngỏ khả năng quy định trong tương lai có thể tiếp tục thay đổi theo hướng các nhân viên y tế đã nhiễm bệnh chỉ được điều động để điều trị bệnh nhân Covid-19 chứ không tiếp xúc gần các đồng nghiệp. “Vấn đề là phải cân bằng giữa sự chăm sóc mà chúng ta dành cho mọi người và rủi ro của Covid-19”, Arruda nói.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục