Động đất tại Maroc: Số nạn nhân đã lên đến hơn 2.000 người
(PNTĐ) - Tối ngày 8/9 (giờ địa phương) khu vực thành phố Marrakech (Maroc) đã phải hứng chịu trận động đất mạnh 6.8 độ richter và một dư chấn mạnh 4.9 độ richter sau đó. Trận động đất này được cho là thảm họa động đất lớn nhất khu vực Bắc Phi. Tính đến thời điểm hiện tại, trận động đất đã khiến ít nhất 2.000 người thiệt mạng và 2.059 người bị thương.
Trong thông báo cập nhật con số thương vong qua truyền hình, Bộ Nội vụ Maroc kêu gọi người dân bình tĩnh.
Trước đó, một quan chức địa phương cho biết, hầu hết các nạn nhân tập trung ở các khu vực núi cao khó tiếp cận. Thành phố Marrakech là địa điểm gần vùng tâm chấn nhất. Động đất đã làm sập nhiều tòa nhà ở thành phố cổ được UNESCO công nhận là Di sản thế giới này.
Các địa phương khác bị ảnh hưởng bao gồm Al Haouz, Ouarzazate, Azilal, Chichaoua và Taroudant. Theo lời kể của các nhân chứng, có nhiều đợt rung chấn kéo dài khoảng 20 giây.
Xung chấn khủng khiếp của trận động đất đã khiến nhiều tòa nhà cổ lịch sử tại đây bị hư hại nặng nề, nhiều ngôi làng tại các khu vực miền núi gần Marrakech biến thành đống hoang tàn và khiến cho nhiều người mất đi gia đình, người thân.

Tại một trong những ngôi làng này, phóng viên AFP đã tìm thấy Lahren (khoảng 40 tuổi), người đang co ro đau đớn trước đống đổ nát, cúi đầu buồn bã nói: "Tôi đã mất tất cả".
Được biết, Lahren đang ở bên ngoài ngôi nhà khi trận động đất xảy ra và may mắn trốn thoát nhưng toàn bộ thành viên gia đình anh đã biến mất cùng với ngôi nhà bị sập, trong đó có vợ và bốn đứa con của anh. Sau đó, lực lượng cứu hộ đã đưa thi thể 3 cô con gái của Lahren ra khỏi đống đổ nát nhưng vợ và con trai anh vẫn đang mất tích.
Tại ngôi làng miền núi Moulay Brahim, nơi từng là nơi sinh sống của khoảng 3.000 dân làng, nơi đây gần như bị bao trùm bởi không khí bi thương. Được biết, sau khi trận động đất mạnh xảy ra, đã có tới 1.293 người tại ngôi làng này không may thiệt mạng tại ngôi làng này và các khu vực miền núi xung quanh.
Một ngày sau trận động đất kinh hoàng, mọi người ở Moulay Brahim đều bận rộn đào mộ và chôn cất thi hài của những người thân yêu của mình. Hasna, một phụ nữ trung niên vẫn còn bị sốc, nói với AFP: "Đây là một thảm kịch khủng khiếp. Cả làng đang thương tiếc những đứa trẻ và người thân đã thiệt mạng của họ. Nỗi đau này là không thể diễn tả được".

Lãnh đạo nhiều nước đã gửi lời chia buồn tới Maroc. Trong phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ấn Độ sáng 9/9, Thủ tướng nước chủ nhà Narendra Modi đã chia buồn trước những thiệt hại về người do trận động đất gây ra ở Maroc, đồng thời cầu mong tất cả những người bị thương sẽ sớm hồi phục. Ông khẳng định Ấn Độ sẵn sàng hỗ trợ Maroc trong thời điểm khó khăn này.
Qua mạng xã hội X (trước đây là Twitter), Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân trong trận động đất kinh hoàng tại Maroc. Ông viết: "Vào thời điểm khó khăn này, suy nghĩ của chúng ta đều hướng về các nạn nhân của trận động đất kinh hoàng. Xin chia sẻ với những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai này".
Cơ quan địa vật lý của Maroc cho biết trận động đất xảy ra ở khu vực Ighil thuộc vùng núi High Atlas và có độ lớn 7. Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ thì cho biết trận động đất có độ lớn 6,8 với chấn tiêu tương đối nông, 18,5 km.
Đây là trận động đất gây nhiều thương vong nhất tại Maroc kể từ thảm họa năm 2004 ở vùng gần Al Hoceima, vùng núi Rif ở phía bắc nước này khiến hơn 600 người thiệt mạng.

Việt Nam sẵn sàng bảo hộ công dân
Đại sứ quán cũng duy trì liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Maroc để cập nhật tình hình, sẵn sàng phương án hỗ trợ công dân.
Theo Đại sứ Đặng Thị Thu Hà, hiện có 4 đoàn cán bộ đến từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang và Đắk Nông đang công tác tại thành phố Marrakech, nơi gần tâm chấn động đất. Ngoài ra, còn có một số công dân Việt Nam đi du lịch, làm việc tại nước này.
Đến nay, cơ quan đại diện Việt Nam vẫn chưa ghi nhận có công dân Việt Nam nào bị thương hoặc thiệt mạng do trận động đất. Tuy nhiên, một số người đã phải rời khỏi khách sạn do tường nứt.
Đại sứ Đặng Thị Thu Hà và đoàn công tác đại sứ quán cũng đã tới thành phố Marrakech để hỗ trợ bà con và thực hiện công tác bảo hộ công dân.
Công dân Việt Nam cần giúp đỡ có thể liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc theo số điện thoại +212 7 61 86 87 29 và +212 6 18 53 65 52 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao tại số điện thoại +84 981 84 84 84.

Việt Nam gửi điện chia buồn
Ngay trong ngày 9/9, lãnh đạo Việt Nam đã gửi điện chia buồn tới lãnh đạo Vương quốc Maroc về thảm họa động đất xảy ra ngày 8/9.
Theo đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi điện chia buồn tới Quốc vương Maroc Mohamed VI. Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi điện chia buồn tới Thủ tướng Aziz Akhannouc. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi điện chia buồn tới Chủ tịch Thượng viện Naam Miyara và Chủ tịch Hạ viện Rachid Talbi Alami.
Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện chia buồn tới Bộ trưởng Ngoại giao, hợp tác châu Phi và kiều dân Maroc Nasser Bourita.