Du lịch Châu Á dần "mở cửa"

Chia sẻ

Vượt qua nhiều đợt bùng phát, các quốc gia châu Á đang thực hiện chính sách sống chung với virus, cùng với đó là thành tựu trong các chiến dịch tiêm chủng đã giúp một số quốc gia mở cửa trở lại biên giới và chào đón khách du lịch.

Sau hơn 20 tháng đóng cửa biên giới, với tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới (92% dân số) Singapore đã bắt đầu nới lỏng các quy định đi lại quốc tế. Bộ trưởng Y tế Ong Ye King cho biết: “Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình đại dịch đang dần ổn định. Điều này cho phép chúng tôi mở cửa biên giới với các nước trong khu vực”.

Trước đó, đảo quốc Sư tử và Hàn Quốc cũng đã thiết lập một cơ chế “bong bóng du lịch” đối ứng do Hàn Quốc cũng đã nới lỏng các quy định đi lại đối với người nước ngoài. Mặc dù số ca mắc mới gần đây đã đạt kỷ lục ở Hàn Quốc, chính quyền nước này vẫn có kế hoạch tiếp tục chiến lược “sống chung với Covid” khi 78% dân số đã hoàn thành tiêm chủng 2 mũi.

Tương tự, ở Campuchia, du khách đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ không còn phải cách ly kể từ tuần này. 88% trong tổng số 16 triệu người dân đất nước chùa tháp đã được tiêm phòng đầy đủ. Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng cũng cho biết chính phủ đang có kế hoạch nhanh chóng triển khai các mũi tiêm bổ sung và tiêm chủng cho thanh thiếu niên, trẻ nhỏ.

Du khách hào hứng khi Vịnh Marina ở Singapore mở cửa trở lại.Du khách hào hứng khi Vịnh Marina ở Singapore mở cửa trở lại. (Ảnh: New York Times.)

Sau gần 2 năm buộc phải ngừng hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Tiểu bang Victoria (Úc) vừa có chuyến bay quốc tế đầu tiên. Theo hãng tin SBS Australia, chuyến bay QF35 đã cất cánh từ sân bay Melbourne đi Singapore theo thỏa thuận “hành lang đi lại” được ký kết giữa hai bên. Sau QF35, hàng loạt chuyến bay đi London (Anh) và Los Angeles (Mỹ) cũng sẽ được thực hiện trong vài tuần tới. Bộ trưởng Thương mại và Du lịch Úc Martin Pakula đánh giá việc tái mở cửa các đường bay quốc tế sẽ trở thành nhân tố chính góp phần đẩy nhanh quá trình “hồi sinh” ngành hàng không của tiểu bang. Ngành này trước khi dịch bệnh bùng phát đã tạo công ăn việc làm cho khoảng 6.700 lao động. Bên cạnh đó, hơn 23.000 nhân công thuộc lĩnh vực xuất khẩu giá trị cao cũng được hưởng lợi, những điều này sẽ giúp đóng góp khoảng 3,4 tỷ USD vào GSP (tổng giá trị sản phẩm) của tiểu bang. Úc cũng được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu về tiêm chủng khi chỉ tính riêng tiểu bang Victoria, tỷ lệ bao phủ vắc-xin đã đạt tới 90% dân số.

Ngay cả một số quốc gia châu Á có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn cũng đã mở lại biên giới hoặc có kế hoạch sớm làm như vậy. Tại Philippines, mặc dù chỉ có 31% dân số được tiêm chủng đầy đủ nhưng Bộ Du lịch nước này vẫn chấp thuận đề xuất mở cửa cho những du khách nước ngoài đã tiêm đủ hai mũi, việc thực hiện chỉ còn chờ vào quyết định cuối cùng của “lực lượng đặc nhiệm Covid của chính phủ”.

Myanmar cũng có kế hoạch mở lại các tuyến đường giao thông trên bộ với Trung Quốc và Thái Lan vào tháng tới, đồng thời mở lại các đường bay quốc tế ngay trong tháng đầu năm mới nếu các trường hợp nhiễm virus tiếp tục giảm và số người được tiêm phòng tăng. Hệ thống chăm sóc sức khỏe của quốc gia đã gặp nhiều xáo trộn kể từ cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 của quân đội. Điều này đã làm Myanmar “tụt hậu” so với phần còn lại của Đông Nam Á về tiêm chủng. Đất nước 54 triệu dân phải đối mặt với sự gia tăng số ca mắc và số ca tử vong trong tháng Bảy, nhưng con số hàng ngày kể từ đó đã giảm đáng kể.

Một số quốc gia châu Á khác bao gồm Ấn Độ đã mở lại biên giới cho hầu hết du khách quốc tế trong tuần này sau 20 tháng bị hạn chế đi lại. Theo cơ quan Y tế Ấn Độ, 29% dân số nước này đã hoàn thành tiêm chủng. Dự kiến đất nước sẽ mở “bong bóng du lịch” với 99 quốc gia. Cũng giống như Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan đã cho phép du khách đền từ một số quốc gia nhất định kể từ tháng Mười khi tỷ lệ tiêm chủng của hai nước lần lượt là 33% và 54% dân số.

Mặc dù đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến khó lường nhưng với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao, cùng những chính sách đúng đắn khi sống chung với dịch bệnh, các nước hoàn toàn có thể tự tin mở cửa trở lại biên giới, phục hồi ngành “công nghiệp không khói” vốn là sinh kế chính người dân. Tuy nhiên, trước sự biến đổi liên tục của virus, các biện pháp phòng dịch chủ động vẫn rất cần thiết, tránh tình trạng vừa mở cửa lại phải đóng cửa do dịch bệnh bùng phát.

PHÚ ĐỖ

Tin cùng chuyên mục

Việt Nam tăng tốc kết nối đường sắt với Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác số với ASEAN và Úc

Việt Nam tăng tốc kết nối đường sắt với Trung Quốc, thúc đẩy hợp tác số với ASEAN và Úc

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 và các hội nghị liên quan tổ chức tại Malaysia, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có loạt cuộc tiếp xúc song phương với đại diện ngoại giao Trung Quốc, Algeria và Úc, đồng thời tham dự nhiều hội nghị quan trọng với các đối tác của ASEAN.
ASEAN tiếp tục là ngọn hải đăng hòa bình giữa bối cảnh đầy biến động

ASEAN tiếp tục là ngọn hải đăng hòa bình giữa bối cảnh đầy biến động

(PNTĐ) - Chiều 9/7, tiếp tục chương trình làm việc tại Malaysia, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tham dự phiên họp hẹp Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 với trọng tâm là kiểm điểm, định hướng quan hệ đối ngoại của ASEAN và trao đổi các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm.
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Brazil

Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tại Brazil

(PNTĐ) - Sáng 9/7, sau gần 24 giờ bay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh BRICS mở rộng và hoạt động song phương tại Cộng hòa Liên bang Brazil từ ngày 4/7 theo lời mời của Tổng thống Brazil Lula da Silva.