Hàn Quốc quyết liệt chấn chỉnh cán bộ lơ là trong công tác phòng chống thiên tai

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trước thiệt hại nghiêm trọng do mưa lớn kéo dài gây ra trên diện rộng, chính phủ Hàn Quốc đang có những hành động mạnh mẽ nhằm siết chặt kỷ cương trong công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là đối với những cán bộ công vụ buông lỏng trách nhiệm.

Từ ngày 16/7, Hàn Quốc hứng chịu đợt mưa lớn kéo dài gây ra lũ lụt và sạt lở đất tại nhiều địa phương. Đến sáng 22/7, ít nhất 19 người đã thiệt mạng, 9 người mất tích, hàng nghìn người phải sơ tán, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam – nơi thiệt hại được ghi nhận là nghiêm trọng nhất. Trước tình hình này, Tổng thống Lee Jae Myung đã chỉ thị tiến hành thanh tra khẩn cấp, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ công chức không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong công tác ứng phó thiên tai.

Hàn Quốc quyết liệt chấn chỉnh cán bộ lơ là trong công tác phòng chống thiên tai - ảnh 1

Ngay sau chỉ đạo của Tổng thống, Thủ tướng Kim Min Seok đã yêu cầu kiểm tra hành chính khẩn cấp một số chính quyền địa phương để đánh giá cách thức phản ứng khi xảy ra mưa lớn và lũ lụt. Tiếp theo đó, một đoàn thanh tra liên ngành do Cơ quan Quản lý Dịch vụ Công chủ trì đã được triển khai đến các khu vực như thành phố Guri và thành phố Sejong. Nhiệm vụ của đoàn là kiểm tra tính hiệu quả của hệ thống phòng chống thiên tai tại địa phương, đồng thời xác định liệu có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về công vụ hay không.

Cuộc thanh tra được khẩn trương thực hiện sau khi truyền thông Hàn Quốc đưa tin về một sự việc gây bức xúc dư luận: Thị trưởng thành phố Guri, ông Baek Kyung Hyun, đã tham gia một buổi dã ngoại ca hát và nhảy múa tại huyện Hongcheon - tỉnh Gangwon vào đúng thời điểm đang diễn ra tình huống khẩn cấp chống lũ (ngày 20/7). Ngay sau đó, ông Baek đã công khai xin lỗi. Tuy nhiên, sự việc này vẫn bị dư luận phản ứng gay gắt, thúc đẩy chính phủ nhanh chóng có động thái chấn chỉnh toàn hệ thống.

Bên cạnh việc kiểm tra thực tế, chính quyền trung ương cũng đang siết chặt trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Trước đó, tại cuộc họp Nội các tháng 6, Tổng thống Lee Jae Myung đã chỉ thị các chính quyền địa phương phải ký cam kết rõ ràng rằng lãnh đạo sẽ phải chịu trách nhiệm kỷ luật nếu không chuẩn bị và ứng phó đầy đủ với thảm họa thiên tai. Theo Văn phòng Tổng thống, đến nay, toàn bộ 365 cơ quan, bao gồm các bộ ngành trung ương, chính quyền địa phương và tổ chức công trong hệ thống quản lý thiên tai, đã hoàn tất việc nộp bản cam kết này.

Cũng trong ngày 22/7, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống, bà Kang Yoo Jung, nhấn mạnh rằng Tổng thống Lee đã yêu cầu cấm tuyệt đối mọi hình thức tiệc tùng, uống rượu, ca hát, kể cả ăn tối tập thể, trong thời điểm đất nước đang phải đối mặt với thiên tai hoặc khủng hoảng. Chỉ đạo này không chỉ áp dụng cho cán bộ cấp địa phương mà còn có hiệu lực trong toàn bộ hệ thống hành chính, bao gồm cả Văn phòng Tổng thống.

Trong một sự việc khác, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc – ông Lee Jin Sook, người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm phát sóng thông tin thảm họa, cũng bị dư luận chỉ trích vì nộp đơn xin nghỉ phép vào ngày 18/7 - đúng thời điểm đang diễn ra mưa lớn. Văn phòng Tổng thống cho biết đơn nghỉ phép này đã không được phê duyệt, và cho rằng hành động của ông Lee là không phù hợp với vai trò và trách nhiệm trong bối cảnh khẩn cấp.

Không dừng lại ở việc chấn chỉnh công vụ, chính phủ Hàn Quốc còn thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ thực tế cho người dân tại các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Trong cùng ngày 22/7, Tổng thống Lee đã chính thức công bố 6 địa phương là khu vực thảm họa đặc biệt gồm: huyện Gapyeong (tỉnh Gyeonggi), thành phố Seosan và huyện Yesan (tỉnh Nam Chungcheong), huyện Damyang (tỉnh Nam Jeolla), huyện Sancheong và Hapcheon (tỉnh Nam Gyeongsang). Việc công bố này cho phép các địa phương nhận thêm hỗ trợ ngân sách từ nhà nước, đồng thời người dân sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi như hoãn nộp thuế, giảm phí dịch vụ công cộng và hỗ trợ tài chính phục hồi.

Tổng thống Lee nhấn mạnh, chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực để giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng đẩy nhanh việc dọn dẹp bùn đất, sửa chữa cơ sở hạ tầng và khôi phục sản xuất. Ông cũng nhấn mạnh cần có những đối sách lâu dài và căn bản hơn trong ứng phó thiên tai, trong đó có việc xây dựng các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ cảnh báo và quản lý khủng hoảng hiệu quả hơn trong tương lai.

Theo Bộ Nội vụ và An toàn, tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 2.500 người vẫn đang phải sơ tán do ảnh hưởng của mưa lũ; khoảng 3.800 cơ sở bao gồm nhà ở, cửa hàng và nhà máy bị ngập bùn, cần được dọn dẹp khẩn cấp.

Những động thái quyết liệt của chính phủ Hàn Quốc cho thấy sự cam kết mạnh mẽ trong việc bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân, đồng thời củng cố lại kỷ luật hành chính, đảm bảo bộ máy công quyền hoạt động hiệu quả, có trách nhiệm hơn trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến khó lường.


Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục