Hộ chiếu Việt Nam thăng hạng mạnh nhất trong 20 năm

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hộ chiếu Việt Nam tăng 7 bậc trong bảng xếp hạng quý III của Henley Passport Index, đạt vị trí 84 trên tổng số 199 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo công bố của Henley Passport Index, Việt Nam hiện xếp thứ 84 toàn cầu về mức độ tự do đi lại, tăng 7 bậc so với đầu năm và 3 bậc so với năm 2024. Đây là một trong những lần thăng hạng đáng chú ý nhất của Việt Nam kể từ khi chỉ số này được triển khai năm 2006.

Công dân Việt Nam có thể nhập cảnh 51 điểm đến mà không cần visa, hoặc chỉ cần xin e-visa, visa cửa khẩu hoặc ETA (giấy phép du lịch điện tử). Dù con số này vẫn tương đương với vị trí xếp hạng 91, nhưng việc mở rộng thêm thỏa thuận với một số quốc gia đã giúp nâng vị thế của hộ chiếu Việt trên bảng xếp hạng Henley.
Một số điểm đến miễn visa hoặc cấp visa điện tử cho công dân Việt gồm các nước ASEAN, Bolivia, Kazakhstan, Kenya, Iran, Maldives, Madagascar, Suriname, Tajikistan và Tanzania.

Hộ chiếu Việt Nam thăng hạng mạnh nhất trong 20 năm - ảnh 1

Trong bảng xếp hạng lần này, Singapore tiếp tục giữ vị trí số một với quyền miễn thị thực tại 193 điểm đến. Theo các chuyên gia từ CNN, việc trở thành công dân Singapore không dễ dàng, với các tiêu chí nghiêm ngặt như yêu cầu cư trú tối thiểu hai năm, đóng góp kinh tế và nghĩa vụ quân sự đối với nam giới.

Hàn Quốc tăng một hạng, đồng hạng nhì với Nhật Bản, cho phép công dân nhập cảnh không visa tại 190 điểm đến. Nhóm hạng ba gồm Đức, Pháp, Ireland, Italy, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Phần Lan (189 điểm đến).

Các quốc gia có bước tiến đáng kể còn có UAE, tăng 34 bậc trong một thập kỷ, từ hạng 42 lên hạng 8. Trung Quốc cũng tăng mạnh từ vị trí 94 năm 2015 lên hạng 60, dù vẫn chưa được miễn visa vào khối Schengen.
Ngược lại, Mỹ lần đầu tiên tụt xuống hạng 10 cùng với Iceland và Lithuania, chỉ cho phép nhập cảnh không cần visa tại 182 điểm đến. Đây là thứ hạng thấp nhất trong 20 năm bảng Henley được công bố. Các chuyên gia nhận định việc thiếu nỗ lực ngoại giao để mở rộng thỏa thuận visa là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ tụt hạng. Trước đó, vào năm 2014, Mỹ từng giữ vị trí đầu bảng.

Một chính sách mới trong luật nội địa Mỹ yêu cầu du khách quốc tế có visa không định cư phải đóng "phí đảm bảo thị thực" tối thiểu 250 USD. Hiệp hội Du lịch Mỹ đã lên tiếng lo ngại chính sách này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lượng khách quốc tế.

Chủ tịch Henley & Partners, ông Christian H. Kaelin, nhận xét rằng mức độ tiếp cận toàn cầu là kết quả của chiến lược ngoại giao chủ động và bền vững. Theo ông, những quốc gia tích cực đàm phán và duy trì thỏa thuận tương hỗ về visa sẽ có xu hướng thăng hạng, trong khi các nước ít linh hoạt sẽ dần bị bỏ lại.

Bảng xếp hạng Henley sử dụng dữ liệu từ Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), công bố định kỳ hai lần mỗi năm vào quý I và quý III, phản ánh khả năng đi lại toàn cầu dựa trên số lượng quốc gia mà công dân một nước có thể tiếp cận không cần visa hoặc xin visa đơn giản.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục