Hoa Kỳ bàn giao thao trường huấn luyện rà phá bom mìn cho Việt Nam

MINH THƯ. Ảnh: TTXVN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 24/3, Thiếu tướng Lance Okamura, Phó Tư lệnh phụ trách nội vụ của Lục quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương (USARPAC) và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper đã đồng chủ trì lễ bàn giao Thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ tại Ba Vì (thao trường Ba Vì) nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong rà phá bom mìn chưa nổ (UXO).

Thao trường Ba Vì có tổng diện tích 2 ha, vốn đầu tư 700.000 USD, bắt đầu được xây dựng từ năm 2024. Thao trường tuân thủ tiêu chuẩn hành động bom mìn quốc tế (IMAS), được thiết kế để đào tạo nhân sự cho các hoạt động rà phá bom mìn nhằm hỗ trợ Chương trình quốc gia 504 của Việt Nam.

Tại thao trường, có một khu vực huấn luyện chuyên dụng đáp ứng tiêu chuẩn IMAS để xử lý vật liệu nổ, tiến hành điều tra và khảo sát, thực hiện các hoạt động rà phá bom mìn, thử nghiệm thiết bị và đào tạo quy trình phá dỡ.

Hoa Kỳ bàn giao thao trường huấn luyện rà phá bom mìn cho Việt Nam - ảnh 1
Lễ khánh thành Thao trường huấn luyện xử lý vật liệu nổ tại Ba Vì, Hà Nội.

Thiếu tướng Okamura cho biết, thao trường Ba Vì cung cấp cho Trung tâm Hành động bom mìn Việt Nam (VNMAC) một thao trường chuyên dụng để huấn luyện phá hủy bom mìn, phát triển đội ngũ giảng viên, đáp ứng các yêu cầu về quản lý và triển khai khắc phục hậu quả chiến tranh.

Dự án đánh dấu cột mốc quan trọng trong cam kết của Mỹ về khắc phục hậu quả chiến tranh và chương trình hành động bom mìn nhân đạo giữa Lục quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương và Việt Nam, nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao hai nước.

"Khả năng đóng góp của Việt Nam vào việc xử lý thách thức liên quan đến bom mìn chưa nổ trên toàn thế giới sẽ ngày càng tăng, củng cố vai trò của Việt Nam với tư cách là thành viên có trách nhiệm, tích cực của cộng đồng quốc tế và thể hiện mục tiêu chung là làm cho Hoa Kỳ, Việt Nam và thế giới trở nên an toàn hơn", Đại sứ Knapper phát biểu tại buổi lễ.

Hoa Kỳ bàn giao thao trường huấn luyện rà phá bom mìn cho Việt Nam - ảnh 2
Dự án đánh dấu cột mốc quan trọng trong cam kết của Mỹ về khắc phục hậu quả chiến tranh và chương trình hành động bom mìn nhân đạo giữa Lục quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương và Việt Nam.

Về phần mình, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết hợp tác trong khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là một trong những nền tảng phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn tin tưởng, việc hợp tác, hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn của Hoa Kỳ sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững của khu vực và trên thế giới. Ông cũng yêu cầu VNMAC phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan quản lý, sử dụng thao trường đúng quy định.

Theo Thiếu tướng Okamura, trong thời gian tới, Lục quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương mong muốn hợp tác với Việt Nam về huấn luyện hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, hỗ trợ quân y, các dự án xây dựng công trình và chương trình xây dựng quan hệ dân sự - quân sự.

Hoa Kỳ bàn giao thao trường huấn luyện rà phá bom mìn cho Việt Nam - ảnh 3
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper tham quan các mô hình tại thao trường.

Được biết, Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho hoạt động khảo sát và rà phá bom mìn chưa nổ tại Việt Nam, với tổng số tiền hơn 250 triệu USD kể từ năm 1993. Hai nước đã ký kết biên bản ghi nhớ về tiếp tục hợp tác xử lý vật liệu chưa nổ vào tháng 12/2013 và kế hoạch hợp tác chuyên sâu vào năm 2023.

Hoa Kỳ bàn giao thao trường huấn luyện rà phá bom mìn cho Việt Nam - ảnh 4

Ngày 20/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh là nền tảng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, góp phần quan trọng vào việc hòa giải, hàn gắn, xây dựng lòng tin giữa hai nước, qua đó mở ra cơ hội hợp tác mới trong những lĩnh vực quan trọng khác.

"Nhiều dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực này đang tiếp tục được triển khai hoặc khởi động lại, trong đó có các dự án rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh và tẩy độc sân bay Biên Hòa", bà Phạm Thu Hằng khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, việc triển khai thực chất và hiệu quả các dự án nói trên sẽ đóng góp thiết thực vào việc củng cố mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững Việt Nam – Hoa Kỳ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bệ phóng cho mỹ thuật Việt

Bệ phóng cho mỹ thuật Việt

(PNTĐ) - Trong bối cảnh nền mỹ thuật Việt Nam đang từng bước hội nhập với thị trường nghệ thuật khu vực và thế giới, việc xuất hiện một giải thưởng có uy tín và quy mô như UOB Painting of the Year (UOB POY) không chỉ là một sân chơi sáng tạo mà còn là một cột mốc quan trọng thúc đẩy nghệ sĩ trẻ vươn tầm. Được tổ chức bởi Ngân hàng UOB (Singapore), giải thưởng này đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2022 và nhanh chóng tạo dấu ấn bằng cách tìm kiếm, tôn vinh những tài năng hội họa đương đại.
Việt Nam - Kazakhstan: Quan hệ song phương bước vào “thời kỳ vàng”

Việt Nam - Kazakhstan: Quan hệ song phương bước vào “thời kỳ vàng”

(PNTĐ) - Từ ngày 5-7/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Kazakhstan theo lời mời của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev. Đây là chặng dừng chân đầu tiên trong hành trình công du châu Âu của Tổng Bí thư, đồng thời là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới Kazakhstan trong vòng 13 năm và là lần đầu tiên Tổng Bí thư Việt Nam thăm Kazakhstan.
Mở rộng cơ hội hợp tác nghệ thuật toàn cầu

Mở rộng cơ hội hợp tác nghệ thuật toàn cầu

(PNTĐ) - Hội đồng Anh chính thức khởi động vòng đăng ký Chương trình tài trợ "Kết nối thông qua Văn hóa" (Connections Through Culture - CTC) năm 2025, một sáng kiến toàn cầu nhằm thúc đẩy kết nối, hợp tác và đồng sáng tạo giữa các nghệ sĩ và tổ chức nghệ thuật tại Vương quốc Anh với 19 quốc gia thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Châu Âu, trong đó có Việt Nam.