Khám phá hầm hạt giống “ngày tận thế” ở Na Uy

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sâu trong lòng một ngọn núi băng giá ở một hòn đảo phía trên Vòng Bắc Cực giữa Na Uy và Bắc Cực là một thứ có tầm quan trọng sống còn đối với tương lai của loài người. Đó không phải là than đá, dầu mỏ hay khoáng sản quý giá mà là hạt giống.

Theo tạp chí TIME, hàng triệu hạt nâu nhỏ của hơn 930.000 loại cây lương thực được lưu trữ trong hầm hạt giống toàn cầu tại Spitsbergen, một phần của quần đảo Svalbard của Na Uy. Về cơ bản, đây là một chiếc két an toàn khổng lồ, chứa bộ sưu tập đa dạng sinh học nông nghiệp lớn nhất thế giới. Ông Brian Lainoff, điều phối viên quan hệ đối tác chính của Crop Trust (công ty quản lý kho hạt giống), cho biết: “Bên trong tòa nhà này là 13.000 năm lịch sử nông nghiệp”.

Khám phá hầm hạt giống “ngày tận thế” ở Na Uy - ảnh 1
Hầm chứa hạt giống nổi tiếng ở Na Uy

Sẽ khó tìm được nơi nào xa xôi hơn vùng hoang dã băng giá của Svalbard. Đó là nơi xa nhất về phía Bắc mà người ta có thể đi bằng máy bay thương mại. Ngoài thị trấn Longyearbyen gần đó, đây chỉ là một dải đất trắng bao la băng giá.

Hầm hạt giống toàn cầu được gọi là hầm “ngày tận thế”, gợi lên hình ảnh về một kho dự trữ hạt giống để sử dụng trong trường hợp xảy ra sự kiện tận thế hoặc thảm họa toàn cầu. Nhưng trong thực tế, kho hạt giống này nhằm đối phó với tình trạng hủy diệt và mối đe dọa mang tính cục bộ, nhỏ hơn nhiều. Đây là mối đe dọa mà các ngân hàng gien trên toàn thế giới phải đối mặt và đó là lý do tại sao kho hạt giống được mở vào tháng 2. Nhân dịp này, các mẫu hạt từ Ấn Độ, Pakistan và Mexico đã được gửi cùng với hạt giống từ Syria.

Bà Marie Haga, Giám đốc điều hành của Crop Trust cho biết: “Có những ngày tận thế lớn và nhỏ đang diễn ra trên khắp thế giới mỗi ngày. Vật liệu di truyền đang mất đi trên toàn cầu. Mùa đông vừa qua đã mang đến cho ngân hàng gien một cơ hội để cân bằng”.

Gần lối vào kho hạt giống, một cái nêm bê tông hình chữ nhật nhô hẳn ra khỏi khung cảnh đầy tuyết, khiến biệt danh ngày tận thế có vẻ phù hợp một cách kỳ lạ. Chính vì có vị trí xa xôi mà Svalbard đã được chọn làm nơi xây kho hạt giống.

Lối vào dẫn đến một căn phòng nhỏ giống như đường hầm, đầy tiếng ồn ào của hệ thống điện và hệ thống làm mát cần thiết để giữ nhiệt độ trong hầm ổn định. Qua một cánh cửa là một đường hầm bê tông rộng được chiếu sáng bằng dải đèn dẫn xuống núi sâu 131m. Ở cuối hành lang này là một căn phòng và là một lớp an ninh bổ sung để bảo vệ các hầm chứa hạt giống.

Khám phá hầm hạt giống “ngày tận thế” ở Na Uy - ảnh 2
Chỉ có một buồng đang được sử dụng và cửa buồng được bao phủ bởi một lớp băng dày

Có ba hầm dẫn ra khỏi buồng, nhưng chỉ có một hầm đang được sử dụng và cửa được bao phủ bởi một lớp băng dày, cho thấy nhiệt độ dưới 0 độ C bên trong. Tại đây, hạt giống được bảo quản trong các gói bạc và ống nghiệm được đóng gói chân không trong các hộp lớn được xếp ngay ngắn trên các kệ cao từ trần đến sàn. Chúng có rất ít giá trị tiền tệ, nhưng những chiếc hộp này có khả năng nắm giữ chìa khóa cho tương lai của an ninh lương thực toàn cầu.

Trong 50 năm qua, các hoạt động nông nghiệp đã thay đổi đáng kể, có những tiến bộ công nghệ giúp sản xuất cây trồng quy mô lớn. Mặc dù năng suất cây trồng tăng lên, nhưng đa dạng sinh học lại giảm xuống đến mức hiện nay chỉ còn khoảng 30 loại cây trồng cung cấp 95% nhu cầu lương thực - năng lượng cho con người. Chẳng hạn, chỉ có 10% giống lúa mà Trung Quốc sử dụng trong những năm 1950 vẫn được sử dụng cho đến ngày nay. Mỹ đã mất hơn 90% các loại trái cây và rau quả kể từ những năm 1900. Bản chất độc canh này của nông nghiệp khiến nguồn cung cấp lương thực dễ bị đe dọa do bệnh tật và hạn hán.

Khám phá hầm hạt giống “ngày tận thế” ở Na Uy - ảnh 3
Hạt giống được bảo quản trong các gói bạc và ống nghiệm được đóng gói chân không

Những hạt nằm trong tủ lạnh sâu gồm các giống hoang và cũ, nhiều loại không còn được sử dụng phổ biến nữa. Nhiều loại hạt chỉ có tại hầm này, không xuất hiện bên ngoài.

Có tới 1.700 phiên bản của kho hạt giống, được gọi là ngân hàng gien, trên toàn thế giới. Mạng lưới toàn cầu này thu thập, bảo quản và chia sẻ hạt giống để tiếp tục nghiên cứu nông nghiệp và phát triển các giống mới.

Kho hạt giống ở Svalbard được khai trương vào năm 2008, hoạt động như một đơn vị lưu trữ dự phòng cho toàn bộ hàng trăm nghìn giống khác nhau. Ý tưởng này được ông Cary Fowler, cựu Giám đốc điều hành của Crop Trust hình thành từ những năm 1989, nhưng chỉ bắt đầu trở thành hiện thực sau khi Hiệp ước Hạt giống Quốc tế do Liên hợp quốc đàm phán được ký kết vào năm 2001. Quá trình xây dựng do chính phủ Na Uy tài trợ. Chính phủ Na Uy vận hành kho hạt giống cùng với Crop Trust. Mục tiêu là tìm và lưu trữ một hạt của mọi loại hạt giống duy nhất tồn tại trong ngân hàng gen toàn cầu. Kho này sẽ sớm có hạt giống thứ 1 triệu.

Khám phá hầm hạt giống “ngày tận thế” ở Na Uy - ảnh 4
Kho hạt giống ở Svalbard được khai trương vào năm 2008, hoạt động như một đơn vị lưu trữ dự phòng cho toàn bộ hàng trăm nghìn giống khác nhau.

Do hoàn cảnh xung đột và thiếu tiền, nhiều quốc gia không có nguồn lực để lưu trữ hoặc bảo vệ đúng cách những hạt giống mà họ nắm giữ. Crop Trust đang quyên góp tiền cho một quỹ tài trợ để đảm bảo rằng 1.700 cơ sở ngân hàng gen trên thế giới có thể tiếp tục đóng vai trò đảm bảo cho đa dạng sinh học toàn cầu.

Trong thời đại căng thẳng địa chính trị và tình trạng bấp bênh gia tăng, hầm hạt giống ở Svalbard là một tia hy vọng trong hợp tác quốc tế vì lợi ích của nhân loại. Mọi tổ chức và quốc gia đều có thể gửi hạt giống đến đó và không có hạn chế nào vì lý do chính trị hay yêu cầu ngoại giao. Những chiếc hộp gỗ màu đỏ từ Triều Tiên được đặt cạnh những chiếc hộp màu đen từ Mỹ. Ở lối đi bên cạnh, những hộp hạt giống từ Ukraine đặt trên những hộp hạt giống từ Nga. Ông Lainoff nói: “Những hạt giống không quan tâm đến việc có hạt giống của Triều Tiên và hạt giống của Hàn Quốc trên cùng một lối đi. Các hạt giống được bảo quản lạnh và an toàn, đó mới là điều thực sự quan trọng”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Công dân Việt Nam không nên đến Syria thời điểm này

Công dân Việt Nam không nên đến Syria thời điểm này

(PNTĐ) - Do tình hình diễn biến phức tạp, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria cảnh báo công dân Việt Nam không đến Syria lúc này. Trường hợp đang ở Syria, cần khẩn trương sơ tán người và tài sản đến nước thứ ba, hoặc trở về Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ăn sáng, làm việc với hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ăn sáng, làm việc với hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật-Việt

(PNTĐ) - Sáng 4/12, tại thủ đô Tokyo, mở đầu cho các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có các cuộc ăn sáng-làm việc với Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) do hai đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Keidanren, ông Fujimoto Masayoshi và ông Ueno Shingo, chủ trì.