Không có cơ sở để đưa Việt Nam vào danh sách buôn bán người

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xuất bản cuốn “Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới”, trong đó, đưa Việt Nam vào danh sách đen buôn người. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định: Báo cáo này chứa thông tin không được xác thực, cũng như không phản ánh đầy đủ và chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam.

Không có cơ sở để đưa Việt Nam vào danh sách buôn bán người - ảnh 1
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng Ảnh: BNG 

Ngày 19/7 mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thêm Việt Nam vào danh sách đen buôn bán người. Theo cáo buộc, Việt Nam đã không có hành động nào để xử lý vụ việc một nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia bị cáo buộc đồng lõa buôn bán một số công dân ra nước ngoài.

Trước đó, trong Báo cáo tình hình buôn người năm 2021, Chính phủ Mỹ cũng đưa ra cảnh báo tương tự, cho rằng nếu không có những cải thiện đáng kể, Việt Nam có nguy cơ rơi vào danh sách đen. Báo cáo này nói rằng, số vụ việc điều tra và kết án đối với tội phạm buôn người của Chính phủ Việt Nam bị giảm xuống trong năm thứ tư liên tiếp.

Trước những cáo buộc vô căn cứ này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định, các thông tin trong báo cáo hoàn toàn không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam. Bên cạnh đó, người phát ngôn cũng nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ Việt Nam về việc sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ cũng như các bên liên quan về các vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

Cũng trong văn bản trả lời, người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng, tích cực triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, thời gian qua, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các bộ, ngành, địa phương; đồng thời, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 và các văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người. 

Trên thực tế, tình hình phòng, chống mua bán người trong nước và qua biên giới đã và đang được rà soát để kịp thời có biện pháp xử lý phù hợp, khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Việt Nam hiện đang tiếp tục các nỗ lực nhằm thực hiện Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) để củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế. 

Người phát ngôn thông tin thêm, trong ngày 18/7, với mục tiêu hướng tới ngày Thế giới và Toàn dân phòng chống mua bán người 30/7, các Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã cùng ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Bộ Quy chế này tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các bộ đối với công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đặc biệt, lấy nạn nhân làm trung tâm, hành động vì quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân. 

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc ký kết bộ Quy chế này đã đánh dấu một mốc quan trọng trong công tác phòng, chống mua bán người. Theo Bộ trưởng, mặc dù số vụ mua bán người chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số vụ án hình sự, tuy nhiên, chúng thường để lại nhiều hậu quả rất nặng nề. Do đó, việc phòng, chống mua bán người được xác định là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và Bộ Ngoại giao luôn sát sao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc ở nước ngoài theo sát tình hình, kịp thời hỗ trợ nạn nhân về nước.

Trên tinh thần đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, Việt Nam mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Hoa Kỳ và các bên liên quan trong thời gian tới để có những đánh giá đầy đủ về tình hình và nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam, cũng như trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hợp tác cụ thể để cùng nhau triển khai hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

Bổ nhiệm ông Phạm Thanh Bình làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao

(PNTĐ) - Ông Phạm Thanh Bình - Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao vừa được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Bình được tiến cử làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc với thời hạn nhiệm kỳ 5 năm thay cho ông Phạm Sao Mai.
Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

Công dân Việt Nam vẫn an toàn giữa căng thẳng Iran-Israel

(PNTĐ) - Đại sứ quán Việt Nam tại Israel và Iran tiếp tục ra thông báo khuyến cáo công dân các biện pháp bảo đảm an toàn trước tình hình xung đột leo thang phức tạp giữa Israel và Iran. Đồng thời, Đại sứ Israel tại Việt Nam khẳng định, Israel cam kết bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam.