Kiến trúc sư hàng đầu Cộng hoà Séc thăm Việt Nam
(PNTĐ) - Vào đầu tháng 4 năm nay, một trong những nhân vật hàng đầu của ngành kiến trúc Cộng hòa Séc - Kiến trúc sư Martin Rajniš, sẽ chính thức tới thăm Việt Nam. Chuyến thăm này hứa hẹn mang đến một cuộc gặp gỡ thú vị và ý nghĩa giữa các kiến trúc sư hai nước.

Kiến trúc sư Martin Rajniš, sinh năm 1944, là biểu tượng trong ngành kiến trúc Séc. Ông là người đồng sáng lập của Hội Kiến trúc sư Cộng hòa Séc và xưởng kiến trúc Huť Architektury, một trong những xưởng kiến trúc hàng đầu của đất nước.
Sự nghiệp của ông không chỉ phong phú về số lượng công trình, mà còn đa dạng về phong cách, phản ánh sự phát triển của tư duy kiến trúc trong suốt nhiều thập kỷ. Những năm đầu sự nghiệp, ông nổi tiếng với các công trình đô thị lớn, kết hợp tinh tế giữa thẩm mỹ và công năng, sử dụng vật liệu kính và thép. Tuy nhiên, từ sau năm 2000, ông tìm cảm hứng thiết kế từ thiên nhiên và bắt đầu kiến tạo nên những tác phẩm kiến trúc độc đáo, gần gũi với thiên nhiên hơn, các tác phẩm của ông chủ yếu sử dụng chất liệu gỗ. Sự chuyển đổi này đã thể hiện rõ trong các công trình nổi tiếng như Bưu điện trên đỉnh núi Sněžka, các tòa tháp quan sát Bára, Ester, Doubravka XIV, Máminka, Závist, và Khinh khí cầu Gulliver. Đóng góp quan trọng của ông trong lĩnh vực kiến trúc bền vững đã được ghi nhận bằng Giải thưởng Kiến trúc Bền vững Toàn cầu (Global Award for Sustainable Architecture) vào năm 2014 do Quỹ Locus của Pháp trao tặng.

Chuyến thăm của Kiến trúc sư Martin Rajniš bắt đầu bằng buổi gặp gỡ và thảo luận đầu tiên với Hội Kiến trúc sư Việt Nam vào ngày 4/4. Sau đó, ngày 8/4 sẽ diễn ra sự kiện đặc biệt: Khai mạc triển lãm "Thời Đại Gỗ của KTS Martin Rajniš". Triển lãm này, do đơn vị thiết kế Kiến Việt thực hiện, sẽ giới thiệu những công trình tiêu biểu của ông, đặc biệt là những tác phẩm sử dụng vật liệu gỗ. Triển lãm không chỉ tôn vinh tài năng của Kiến trúc sư Martin Rajniš mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của tính bền vững và sự hòa hợp giữa kiến trúc và thiên nhiên trong thiết kế đương đại.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Kiến trúc sư Rajniš sẽ tham gia tọa đàm kiến trúc mang tên "Thời Đại Gỗ của KTS. Martin Rajniš" tại khuôn viên Đại sứ quán Cộng hòa Séc. Buổi tọa đàm là một phần của chuỗi sự kiện ECAP, được tổ chức dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Cộng hòa Séc, Trung tâm Séc, Hội Kiến trúc Sư Việt Nam, Hội nội thất Việt Nam, Văn phòng kiến trúc Séc – Việt ODDO và Kiến Việt Media. Tại buổi tọa đàm, ông sẽ tập trung chia sẻ về giai đoạn thiết kế sử dụng gỗ ấn tượng nhất trong sự nghiệp của mình, bao gồm những công trình gỗ tinh xảo, nổi bật bởi vẻ đẹp, sự tinh nghịch, sáng tạo và sự quyện hòa với thiên nhiên. Ông sẽ giới thiệu cuốn sách Huť Architektury, trong đó có một trích dẫn đặc sắc của ông thể hiện quan điểm về kiến trúc trong giai đoạn này: "Mọi thứ bạn tạo ra sẽ bắt đầu sống cuộc đời riêng của chính nó. Và rất có thể sẽ ẩn chứa vô vàn điều bí ẩn đối với thế giới xung quanh. Hoặc sẽ thú vị hoặc sẽ không như mong muốn. Nếu trời thương, tòa tháp sẽ là một bí ẩn đầy mê hoặc. Tựa như một trò chơi của số phận. Là cuốn sách dạy sự phá cách. Là cuốn sách dạy sự khiêm nhường. Là thử thách để khám phá giới hạn của chính nó. Và còn vô vàn những điều khác nữa".

Ngày 9/4, ông sẽ khép lại chuyến thăm bằng một buổi thăm và giao lưu với sinh viên, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (HAU).
Chuyến thăm của Kiến trúc sư Martin Rajniš không chỉ đơn thuần là dịp giới thiệu một trong những nhân vật nổi bật trong ngành kiến trúc Séc đến với công chúng Việt Nam, mà còn mang một ý nghĩa sâu sắc, góp phần tái kết nối mối quan hệ vốn rất gắn bó giữa các kiến trúc sư Séc và Việt Nam, bị gián đoạn sau năm 1989. Trung tâm Séc tại Hà Nội đã tích cực tạo ra các cơ hội giao lưu, truyền cảm hứng và học hỏi lẫn nhau giữa giới kiến trúc sư hai nước trong những năm qua.

Chuyến thăm này hứa hẹn mang đến những trải nghiệm thú vị và những chia sẻ quý giá cho các kiến trúc sư, sinh viên, và công chúng yêu thích kiến trúc Việt Nam. Đây là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm, giao lưu, và hiểu biết sâu sắc hơn về tư duy và phong cách kiến trúc của một bậc thầy trong ngành, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành kiến trúc Việt Nam.