Kinh tế Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực bất chấp rủi ro thương mại

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bất chấp những biến động toàn cầu và rủi ro từ các chính sách thuế quan mới, nền kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao về khả năng tăng trưởng ổn định trong trung và dài hạn.

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 7/2025 công bố ngày 23/7, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tăng 6,3% trong năm 2025 và 6,0% vào năm 2026. Đồng thời, lạm phát được kỳ vọng giảm xuống còn 3,9% trong năm 2025 và 3,8% năm 2026, mức thấp hơn so với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực.

Mặc dù ADB có điều chỉnh giảm nhẹ so với dự báo trước đó, nhưng tổ chức này vẫn đánh giá nền kinh tế Việt Nam vững vàng, nhấn mạnh rằng niềm tin của nhà đầu tư quốc tế tiếp tục gia tăng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng 32,6%, trong khi giải ngân FDI tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư toàn cầu vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào triển vọng dài hạn của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực bất chấp rủi ro thương mại - ảnh 1

Ngoài ra, giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất kể từ năm 2018, với 31,7% kế hoạch cả năm đã được hoàn thành, tăng 19,8% so với cùng kỳ. Việc thúc đẩy đầu tư công không chỉ hỗ trợ tổng cầu, mà còn giúp cải thiện hệ thống hạ tầng – một trong những nền tảng quan trọng để khu vực tư nhân phát triển.

ADB cũng ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của xuất nhập khẩu trong nửa đầu năm, phản ánh nỗ lực đáng kể của Việt Nam trong ứng phó với các rủi ro về thuế quan từ Hoa Kỳ và các thị trường lớn. Tuy nhiên, ADB cảnh báo rằng tăng trưởng thương mại có thể chững lại trong ngắn hạn nếu những chính sách thuế mới từ Mỹ tiếp tục gây áp lực.

Dù vậy, ADB nhấn mạnh rằng nếu Việt Nam đẩy mạnh cải cách trong nước, bao gồm cải thiện môi trường đầu tư, phát triển chuỗi cung ứng nội địa và thúc đẩy chuyển đổi số, thì các rủi ro này hoàn toàn có thể được giảm thiểu. Như vậy, nền tảng tăng trưởng vẫn được củng cố nhờ các động lực trong nước.

Trái với xu hướng giảm tốc chung của khu vực, Việt Nam tiếp tục “ngược dòng” trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn. Trong khi ADB điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á – Thái Bình Dương xuống còn 4,7% năm 2025 và 4,6% năm 2026, và Đông Nam Á chỉ tăng trưởng 4,2% và 4,3% tương ứng, thì Việt Nam vẫn giữ được mức dự báo cao hơn khu vực đáng kể.

Đặc biệt, ADB cho rằng lạm phát khu vực đang giảm, với dự báo 2,0% trong năm 2025 và 2,1% năm 2026 nhờ giá dầu hạ nhiệt và sản lượng nông nghiệp ổn định. Trong khi đó, Việt Nam được kỳ vọng giữ lạm phát dưới 4%, phù hợp với mục tiêu điều hành của Chính phủ.

Kinh tế Việt Nam tiếp tục được đánh giá tích cực bất chấp rủi ro thương mại - ảnh 2

Không chỉ riêng ADB, một số tổ chức quốc tế khác cũng có đánh giá rất tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. United Overseas Bank (UOB) – ngân hàng có trụ sở tại Singapore mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 lên 6,9%, tăng tới 0,9 điểm phần trăm sau khi số liệu tăng trưởng quý II/2025 vượt kỳ vọng. Cụ thể, GDP quý II/2025 tăng 7,96%, cao hơn nhiều so với dự báo của Bloomberg (6,85%) và UOB trước đó (6,1%). Tính chung 6 tháng đầu năm, tăng trưởng đạt 7,52% - mức cao nhất kể từ năm 2011.

Đáng chú ý, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn ADB, từ 8,3% đến 8,5% cho năm 2025, nhằm tạo đà cho giai đoạn phát triển nhanh từ 2026-2030, hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số. Điều này cho thấy sự quyết tâm của Việt Nam trong việc duy trì tốc độ phát triển cao, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều bất ổn.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng những thách thức bên ngoài vẫn tiềm ẩn, căng thẳng thương mại, xung đột địa chính trị... Ngoài ra, việc đứt gãy chuỗi cung ứng và giá năng lượng cao cũng có thể ảnh hưởng đến khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực trong nước như dòng vốn FDI mạnh mẽ, chính sách tài khóa mở rộng, và tiến độ giải ngân đầu tư công cao đang là những trụ cột giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng.

ADB kết luận rằng, nếu các cải cách thể chế và chuyển đổi cơ cấu tiếp tục được đẩy mạnh một cách quyết liệt và hiệu quả, Việt Nam hoàn toàn có thể vượt qua các dự báo hiện tại, giữ vững vị thế là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định hàng đầu khu vực.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục