Một kỳ Olympic của những điều tử tế
Thế vận hội (Olympic) Tokyo 2020 đã bế mạc vào tối ngày 8/8/2021 với dư âm đẹp. Không chỉ bị hoãn tới một năm do đại dịch Covid-19, đây còn là một kỳ Thế vận hội chứng kiến rất nhiều sự tử tế.
VĐV Gianmarco Tamberi và Mutaz Barshim cùng chia sẻ HCV thay vì quyết đấu phân định thắng thua (Ảnh: AFP)
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach khẳng định: “Mặc dù gặp khó khăn do Covid-19 nhưng Olympic Tokyo 2020 vẫn diễn ra đã truyền đi một thông điệp ý nghĩa, đó là ‘đừng bao giờ bỏ cuộc’, nhấn mạnh sự đoàn kết để vượt qua khó khăn.
Khán giả thấy rõ hơn thông điệp này trong tất cả các môn thi đấu của Thế vận hội năm nay. Thay vì cạnh tranh quyết liệt để giành những tấm huy chương cao quý, Olympic lại chứng kiến các vận động viên (VĐV) ưu tú nhất thế giới dành cho nhau những sự dịu dàng, ấm áp tình người bằng những hỗ trợ, an ủi nhau sau mỗi cuộc đối đầu, thậm chí là cùng chia sẻ huy chương hoặc lau nước mắt cho nhau.
Một tình huống để lại nhiều ấn tượng khó phai trong lòng khán giả tại sân vận động Olympic là tình huống VĐV người Ý - Gianmarco Tamberi và Mutaz Barshim (Qatar) cùng chia sẻ tấm huy chương Vàng (HCV). Gianmarco Tamberi và Mutaz Barshim không chỉ là hai VĐV nhảy cao xuất sắc, họ còn là hai người bạn thân, tình huống khó xử diễn ra khi cả hai đều thi đấu hoàn hảo và vượt qua độ cao kỷ lục của Olympic là 2,39m. Do HCV chỉ có thể trao cho một người nên cả hai phải trải qua một lượt đấu “tie-break” nhằm phân định người chiến thắng. Tuy nhiên, cả hai đã quyết định không thi đấu mà cùng nắm tay nhau chia sẻ tấm HCV. “Với những gì tôi đã làm, tôi thấy mình xứng đáng nhận tấm HCV này, anh ấy cũng vậy. Điều này đã vượt ra ngoài ranh giới của thể thao. Chúng tôi muốn truyền đi thông điệp về sự sẻ chia đến thế hệ trẻ”, Barshim nói sau khi cả hai VĐV quyết định chia sẻ tấm HCV Olympic.
Tamberi đập tay Barshim rồi cả hai ôm chầm lấy nhau trong tâm thế của những người chiến thắng. “Tấm huy chương này còn lấp lánh hơn rất nhiều khi nó được chia sẻ với một người bạn, thật kỳ diệu”, Tamberi vui mừng nói sau quyết định chưa từng có trong lịch sử Olympic.
Trước đó, trong môn điền kinh, VĐV Isaiah Jewett của Mỹ và Nijel Amos của Botswana đã bị vấp vào chân nhau và ngã trong lượt bán kết chạy 800m nam. Tuy nhiên, không có sự tức giận nào diễn ra. Thay vào đó, cả hai đã giúp nhau đứng dậy, cùng khoác tay và dìu nhau về đích. Hình ảnh này đã lấy đi nước mắt của không ít khán giả, nó nhanh chóng đã lan toả và khiến người ta quên mất rằng đó là trong một cuộc đấu thể thao không khoan nhượng để giành ngôi cao nhất.
Nhiều VĐV hàng đầu đã quen biết nhau ngay từ khi còn trẻ hoặc trong quá trình theo đuổi môn thể thao. Tất cả đều phải trải qua hành trình tập luyện gian khổ, tập trung và mãnh liệt với mong muốn được ghi dấu bằng những khoảnh khắc đẹp nhất trên “sân khấu” lớn Olympic. Khao khát chiến thắng của họ đã vượt lên khỏi những điều bình thường, đặc biệt là tại Olympic Tokyo.
Một sự tử tế khác diễn ra sau cuộc thi 3 môn phối hợp nữ. Dưới thời tiết nóng nực của Tokyo, VĐV Lotte Miller của Na Uy, người xếp thứ 24, đã dành một chút thời gian để nói chuyện và an ủi VĐV người Bỉ - Claire Michel khi cô có dấu hiệu bị kiệt sức, ngồi sụp xuống đất và khóc nức nở. Michel sau đó đã cố gắng hoàn thành phần thi của mình dù về cuối cùng. Cuộc đua này bắt đầu với 54 VĐV nhưng có 20 VĐV đã bị tụt lại quá xa hoặc phải bỏ cuộc. Miller đã an ủi Michel rằng: “Bạn là một chiến binh tinh nhuệ. Đó chính là tinh thần của Olympic”.
Thế vận hội bế mạc với đoàn VĐV Mỹ đứng đầu bảng tổng sắp huy chương với 39 HCV, trong đó có 11 HCV ở môn bơi lội, tiếp theo là Trung Quốc với 38 HCV, trong đó có 7 HCV cử tạ và 7 HCV môn lặn. Chủ nhà Nhật Bản đứng thứ 3, đạt kỷ lục về tổng số huy chương đạt được tại Olympic (58 huy chương), trong đó có nhiều HCV nhất với 27 huy chương.
Olympic Tokyo đã khép lại sau hơn hai tuần tranh tài trong bối cảnh đặc biệt nhất, các VĐV đã có màn trình diễn xuất sắc, thể hiện được đúng tinh thần thông điệp: "Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn - Cùng nhau". Trên hết, đó là một kỳ Thế vận hội
ĐỖ HỮU