Ngân hàng Thế giới thay đổi dự báo về Việt Nam

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa thay đổi dự báo kinh tế Việt Nam, trong đó nâng mức dự báo GDP Việt Nam năm 2025 lên 6,8%, cao hơn kỳ công bố trước đó (6,6%).

WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố Báo cáo Điểm lại, cập nhật kinh tế Việt Nam - tháng 3/2025. Tại báo cáo công bố sáng nay (12/3), World Bank dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 6,8% trong năm 2025 và ổn định ở mức 6,5% trong năm 2026. Như vậy, WB đã tăng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Mức mới này cao hơn lần lượt 0,2% và 0,1% so với con số được đưa ra hồi tháng 1 vừa qua.

Ngân hàng Thế giới lý giải rằng, các hoạt động xuất khẩu phục hồi trong năm 2024 dự kiến sẽ chậm lại trong năm 2025 và tiếp tục giảm trong năm 2026 do dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại trong ngắn hạn ở Trung Quốc và Hoa Kỳ - các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam - cũng như viễn cảnh bất định về thương mại toàn cầu trong điều kiện dự kiến có sự chuyển dịch về chính sách thương mại.

Các hoạt động kinh tế và dịch vụ trong nước tiếp tục được củng cố trong năm 2025 và sang năm 2026 do được tạo đà khi thị trường bất động sản phục hồi. WB dự báo lạm phát dự kiến sẽ ổn định ở mức 3,5% trong các năm 2025 - 2026 thấp hơn mục tiêu 4,5 - 5% cho năm 2025.

Mặc dù xung đột ở Ukraina và Trung Đông tiếp tục diễn ra, nhưng lạm phát giá dầu thương phẩm thô được dự báo tiếp tục hạ nhiệt. World Bank nhận định các gói chi trả liên quan đến giảm biên chế công chức trong quá trình sáp nhập các bộ ngành dự kiến chỉ có tác động rất nhỏ đối với lạm phát toàn phần do quy mô của khu vực nhà nước chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng việc làm (3,8% tổng việc làm).

WB cho rằng, đầu tư nước ngoài và thương mại dự kiến vẫn là những động lực tăng trưởng quan trọng trong các năm 2025 - 2026, nhưng trong điều kiện bất định gia tăng. Tài khoản vãng lai được dự báo vẫn đạt thặng dư, chủ yếu nhờ cán cân thương mại hàng hóa.

Trong đó, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được cho là vẫn ổn định trong ngắn và trung hạn, do các nhà đầu tư nước ngoài vẫn quan tâm đến Việt Nam.

Báo cáo của World Bank cũng lưu ý triển vọng trên còn phụ thuộc vào những rủi ro tiêu cực cả trong nước và bên ngoài.

Các yếu tố bất định chính bao gồm tăng trưởng toàn cầu thấp hơn dự kiến và thương mại bị gián đoạn, nhất là ở các đối tác thương mại lớn như Mỹ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc. “Những diễn biến đó, bao gồm những bất định gia tăng do chuyển hướng chính sách thương mại và sự chia rẽ ngày càng sâu sắc về thương mại, có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, sản lượng công nghiệp và tăng trưởng của Việt Nam”, báo cáo đề cập.

Trong nước, thị trường bất động sản có thể phục hồi lâu hơn dự kiến, gây tác động bất lợi đến đầu tư của khu vực tư nhân. Nếu chất lượng tài sản trong khu vực tài chính bị suy giảm thêm, năng lực cho vay của các ngân hàng có thể bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, là một trong những quốc gia có nguy cơ dễ tổn thương nhất với biến đổi khí hậu, rủi ro về thiên tai ngày càng lớn đối với Việt Nam.

Tại sự kiện công bố báo cáo, ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam đã đánh giá về mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 của Việt Nam.

Chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh và một lần nữa sẽ là một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Á năm 2025. Tuy nhiên có một số điểm Việt Nam cần lưu ý, bao gồm việc lực cầu bên ngoài đang cho thấy dấu hiệu yếu hơn so với năm ngoái. “Chúng tôi đã xem xét đến điều này khi đánh giá triển vọng, trong 2 tháng đầu của năm 2024 thì xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm trước đó, nhưng năm nay thì tốc độ chậm hơn rất nhiều, khoảng 8% - chỉ bằng một nửa. Đây là một ý rất quan trọng chúng ta phải tính đến”, ông Andrea Coppola lưu ý.

Bên cạnh đó, chỉ số PMI ngành sản xuất cũng có những cái tín hiệu cho thấy lực cầu đang suy yếu. Tốc độ tăng vốn đầu tư FDI thực hiện cũng thấp hơn so với cùng kỳ. “Tất cả các yếu tố này gợi ra rằng chúng ta phải thận trọng khi xem xét hiệu quả tăng trưởng kinh tế 2025. Liệu có đạt được 8% hay không? Hoàn toàn có thể đạt được nhưng phải có các điều kiện”, ông Andrea Coppola chia sẻ.

Ngân hàng Thế giới thay đổi dự báo về Việt Nam - ảnh 1

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức 8%

Để đạt được mục tiêu, Việt Nam cần có bối cảnh toàn cầu thuận lợi với lực cầu mạnh từ các đối tác thương mại chính như Hoa Kỳ, châu Âu. Việt Nam cũng cần có điều kiện toàn cầu bên ngoài thông thoáng, ví dụ như lãi suất toàn cầu không giảm nữa.

Trong nước, cần có chính sách tài khóa hiệu quả hơn nữa, không chỉ tăng giải ngân đầu tư công mà cần tăng chất lượng đầu tư công - còn nhiều dư địa cho điều này. Mức nợ công cũng còn dư địa tài khoá để tăng, đặc biệt là các ngành hạ tầng giao thông, hạ tầng điện và phát triển về nguồn vốn con người. “Việt Nam được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong hai năm tới, nhưng có thể sử dụng dư địa tài khóa của mình để chuẩn bị tốt hơn cho những bất ổn gia tăng”, theo bà Mariam J. Sherman, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào.

Đại diện World Bank tại Việt Nam cũng lưu ý, phải theo dõi sát sao, thận trọng về tình hình lạm phát trong thời gian tới. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng khuyến nghị cần khuyến khích hệ thống ngân hàng cải thiện các hệ số an toàn vốn và tăng cường khung thể chế cũng như trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước về giám sát an toàn (bao gồm phát hiện và xử lý những vấn đề phát sinh do ngân hàng liên kết với các tập đoàn doanh nghiệp) để có thể can thiệp sớm, phòng ngừa khủng hoảng một cách hữu hiệu.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Vatican chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao lịch sử

Vatican chuẩn bị cho giai đoạn chuyển giao lịch sử

(PNTĐ) - Đức Giáo hoàng Phanxicô qua đời ngày 21/4/2025 tại Vatican, khép lại một triều đại đầy cảm hứng và cải cách. Vatican bước vào giai đoạn chuyển giao với các nghi thức tang lễ trang nghiêm và chuẩn bị mật nghị Hồng y để bầu tân Giáo hoàng kế nhiệm.
Thủ tướng Ethiopia kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam

Thủ tướng Ethiopia kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam

(PNTĐ) - Chiều 17/4, Thủ tướng nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia Abiy Ahmed Ali và Phu nhân Zinash Tayachew rời Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư từ ngày 14 đến ngày 17/4, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân.
Hợp tác công-tư là chìa khoá để hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững

Hợp tác công-tư là chìa khoá để hiện thực hoá các mục tiêu phát triển bền vững

(PNTĐ) - Ngày 17/4, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo với cộng đồng doanh nghiệp với chủ đề “Hợp tác công-tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững”.
Thông qua Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm

Thông qua Tuyên bố Hà Nội về chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm

(PNTĐ) - Chiều 17/4, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, sau bốn ngày làm việc (từ 14-17/4), với hơn 20 phiên thảo luận sâu sắc và thực chất, Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư năm 2025 với chủ đề “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” đã kết thúc thành công tốt đẹp.