Người dân New York tự nguyện hộ tống người Mỹ gốc Á

Chia sẻ

Có tới gần 2.000 người dân New York đã tham gia đăng ký hộ tống người Mỹ gốc Á đi bộ từ bất kỳ khu vực công cộng nào trong thành phố đến nơi họ cần đến. Đây được cho là một trong nhiều nỗ lực cộng đồng nhằm ngăn chặn và chống lại làn sóng bạo lực nhắm đến người châu Á cũng như các hành vi tội ác căm thù, phân biệt chủng tộc.

Người biểu tình tuần hành chống lại làn sóng thù hận người châu Á trên Quảng trường Thời đại ở New York hôm 20/3.Người biểu tình tuần hành chống lại làn sóng thù hận người châu Á trên Quảng trường Thời đại ở New York hôm 20/3. (Ảnh: Nguồn Int.)

Những tình nguyện viên biết ngôn ngữ của các nước châu Á được giao nhiệm vụ tuần tra các khu dân cư “nhạy cảm” trong thành phố New York, đặc biệt là khu phố Tàu, đồng thời, cung cấp dịch vụ hộ tống cho bất kỳ ai yêu cầu sự giúp đỡ.

Sáng kiến này được tổ chức SafeWboards NYC triển khai từ hồi tháng Một năm nay sau hàng loạt các vụ tấn công phụ nữ trên tàu điện ngầm. Các tình nguyện viên đeo dây an toàn sáng màu, thực hiện công việc phát tờ rơi trong mỗi ca hai giờ làm việc. Bên cạnh đó, một chiến dịch gây quỹ hỗ trợ sáng kiến SafeWboards trên GoFundMe đã quyên góp được khoảng 17.000 USD kể từ tháng Hai.

Nữ tình nguyện viên Lisa Gold nói: "Chúng ta cần thể hiện tính nhân văn của mình. Chúng ta không thể để người ta làm tổn thương những người lớn tuổi trong cộng đồng".

Trong những tuần gần đây, đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ tấn công chống lại người châu Á ở thành phố New York. Mới nhất là vụ một phụ nữ châu Á 65 tuổi đã bị hành hung và sỉ nhục ngay trên vỉa hè New York.

Không chỉ ở New York những câu chuyện liên quan đến bạo lực chống người châu Á xảy ra ở hầu hết toàn nước Mỹ gần đây đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm. Trước đó, cảnh sát đã bắt giữ một gã đàn ông liên quan đến một loạt các vụ xả súng giết chết 8 người tại ba tiệm spa ở khu vực Atlanta, 6 trong số 8 nạn nhân là phụ nữ châu Á. Robert Aaron Long -kẻ xả súng 21 tuổi đến từ Woodstock (Georgia) khai với cảnh sát rằng các vụ tấn công là do chứng nghiện tình dục và không có động cơ chủng tộc.

Nhiều nghiên cứu xác định số lượng tội phạm và bạo lực chống lại người châu Á đã tăng đột biến trong năm ngoái. Một phân tích của Trung tâm nghiên cứu về chủ nghĩa thù hận và cực đoan (CSHE) tại đại học California cho thấy tội phạm thù hận về tổng thể giảm 7% trong năm 2020, trong khi đó, tội phạm thù hận nhắm đến người châu Á tăng khoảng 150%.

Stop AAPI Hate, một tổ chức phi lợi nhuận theo dõi tình trạng bạo lực đối với người Mỹ gốc Á và người dân các đảo ở Thái Bình Dương, đã công bố một báo cáo xác định gần 3.800 trường hợp phân biệt đối xử chống người châu Á chỉ riêng trong năm 2020. Stop AAPI Hate nhận định con số này còn rất thấp so với thực tế. Thông cáo báo chí của tổ chức này cho hay: "Chúng ta chưa hành động đủ để bảo vệ người Mỹ gốc Á khỏi các biểu hiện thù ghét, phân biệt đối xử và bạo lực ngày càng gia tăng. Cần phải có những hành động cụ thể ngay từ bây giờ nhằm ngăn chặn các hành động vô nhân đạo đó trong cộng đồng".

Các cuộc tuần hành trên khắp nước Mỹ phản đối nạn thù ghét người châu Á vẫn diễn ra rầm rộ. Điển hình là trong ngày 4/4, hơn 10.000 người Mỹ gốc Á đã tập trung tại New York để tham gia cuộc tuần hành quy mô lớn kêu gọi chấm dứt tình trạng thù hận người gốc Á tại Mỹ. Cuộc tuần hành do Liên đoàn Các hiệp hội người Mỹ gốc châu Á của New York tổ chức, đây là cơ hội để họ lên tiếng vì chính quyền và lợi ích của cộng đồng này. Nhà tổ chức kêu gọi Chính phủ Mỹ theo dõi các vụ việc liên quan và thu thập dữ liệu về tội phạm thù hận, đưa vấn đề lên làm ưu tiên hàng đầu và ngăn chặn những hành động hoặc phát ngôn mang tính thù hận.

Một số biện pháp khác cũng được đề xuất như giới chính trị cần chấm dứt mọi hành động bôi nhọ và phân biệt người Mỹ gốc Á, các cơ quan hành pháp cần đẩy mạnh cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc và bạo lực thù hận, áp dụng những hình phạt nghiêm khắc với những người vi phạm. hay các đơn vị phòng chống tội phạm thù hận nên cung cấp dịch vụ đa ngôn ngữ để hỗ trợ các cộng đồng người gốc Á.

Đỗ Hữu

Tin cùng chuyên mục