Nhật Bản: Bước vào triều đại mới với Nhật hoàng mới

Chia sẻ

PNTĐ-Từ 1/5, Nhật Bản chính thức bước vào triều đại mới mang tên Reiwa với một Nhật hoàng mới, kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, phải đến 22/10, lễ đăng quang chính thức mới diễn ra.

 
Vào ngày 30/4, Nhật hoàng Akihito trở thành thành viên hoàng gia đầu tiên của Nhật Bản thoái vị trong hơn 200 năm qua, nhường ngôi cho con trai là Naruhito. Từ 1/5, Nhật Bản chính thức bước vào triều đại mới mang tên Reiwa với một Nhật hoàng mới, kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, phải đến 22/10, lễ đăng quang chính thức mới diễn ra.
 
Nhật Bản: Bước vào triều đại mới với Nhật hoàng mới - ảnh 1
Thái tử Naruhito trở thành tân Nhật hoàng từ ngày 1/5

 
Những câu chuyện về Nhật hoàng mới
 
Tân Nhật hoàng Naruhito và vợ, bà Masako có rất nhiều phẩm chất, đặc điểm đáng quý với một cặp đôi hoàng gia. Họ đều học đại học, biết nói nhiều ngoại ngữ, nhiều năm kinh nghiệm sống ở nước ngoài. Nhật hoàng Naruhito học tại đại học Oxford, còn bà Masako học ở Nga, Anh và Mỹ. 
 
Ông Naruhito sinh ra ở Tokyo tháng 2/1960, là con trai cả của Thái tử sau này là Nhật hoàng Akihito và bà Michiko. Ông là người thừa kế tự nhiên của nền quân chủ lâu đời nhất thế giới. 
Ông có bằng đại học chuyên ngành Lịch sử tại đại học Gakushuin năm 22 tuổi.  Một năm sau, ông tự mình tới Anh để đăng ký khóa học sau đại học tại trường Merton thuộc đại học Oxford.
 
Tại đây, ông học về Lịch sử vận tải thời trung cổ trên dòng sông Thames trong hai năm. Đây là lần đầu tiên một người thuộc hàng thừa kế trực tiếp ngai vàng Nhật Bản học ở nước ngoài.
 
Những gì đã trải qua ở Oxford đã được ông Naruhito kể lại trong cuốn hồi ký xuất bản năm 1993 mang tên “Sông Thames và tôi: Ký ức hai năm tại Oxford”. Cuốn sách kể về cuộc sống thường nhật của ông ở Oxford, thời gian đi khắp nước Anh và châu Âu cùng với những câu chuyện về một thái tử Nhật Bản tìm cách hòa nhập với cuộc sống sinh viên. Ông gọi giai đoạn này là thời gian hạnh phúc nhất đời.
 
Theo cuốn sách, tại căn phòng ký túc xá sinh viên, Nhật hoàng tương lai đã tự giặt quần áo lần đầu tiên trong đời, suýt làm ngập cả căn phòng. Ông Naruhito còn nhắc lại chuyện mình nói với bạn học Oxford về sự giống nhau giữa hai từ denka (hoàng thân) và từ denki (bóng đèn điện) và từ đó bạn bè cứ gọi ông là denki thay vì denka.
 
Ông Huge Cortazzi, cựu Đại sứ Anh tại Nhật Bản và là người dịch cuốn sách ra tiếng Anh, nhận xét cuốn hồi ký cho thấy sự ấm áp, giản dị, óc hài hước và quá trình học hành chăm chỉ của Nhật hoàng tương lai và những điều đó sẽ tăng cường hình ảnh quốc tế của ông.
 
Ông Naruhito sau đó trở về Tokyo và có thêm bằng Thạc sĩ của đại học Gakushuin. Thời gian đó, ông đã gặp bà Masako Owada, một nhà ngoại giao tham vọng từng học ở Oxford và Harvard, tại một tiệc trà tiếp đón một công chúa Tây Ban Nha năm 1986.
 
Ông Naruhito đã theo đuổi bà Masako không mệt mỏi cho dù bà đã từ chối lời cầu hôn của ông tới hai lần. Cuối cùng, tháng 12/1992, bà đã chấp nhận ông và kết hôn với ông năm 1993.
 
Theo tạp chí People, không lâu sau khi bà Masako chấp nhận lời cầu hôn thứ ba của mình, Thái tử Naruhito khi đó nói: “Em có thể sợ và lo lắng về việc làm thành viên của Hoàng gia, nhưng anh sẽ bảo vệ em suốt cuộc đời anh”.
 
Cuộc hôn nhân của họ gặp một số thăng trầm. Năm 1999, bà Masako vốn đang chịu áp lực phải sinh con trai để thừa kế ngôi vị Nhật hoàng lại bị sảy thai. Cặp đôi Hoàng gia đã chỉ trích báo chí vì quá soi mói quá trình mang thai của bà Masako. Các công ty truyền hình thuê trực thăng bay theo ô tô chở bà Masako khi bà đi khám thai tại bệnh viện.
 
Có thời điểm, ông Naruhito đã gây sốc khi bảo vệ quyết liệt vợ, nói rằng vợ mình đã hoàn toàn kiệt sức vì cố gắng điều chỉnh với cuộc sống hoàng gia sau khi gạt sự nghiệp và cá tính sang một bên.
 
Bà Masako rút dần khỏi những sự kiện xuất hiện trước công chúng sau khi bị sảy thai. Nhiều tháng sau, bà bị trầm cảm do căng thẳng liên quan tới việc sảy thai. Năm 2001, bà Masako mang thai lần nữa và sinh con gái Aiko một năm sau. Vì luật Nhật Bản cấm phụ nữ thừa kế ngai vàng nên Nhật hoàng Naruhito và vợ vẫn chịu áp lực sinh con trai nối dõi. Sau này, khi em trai ông Naruhito là Fumihito có con trai thì áp lực sinh con trai với vợ chồng ông Naruhito mới giảm. 
 
Trong vai trò Nhật hoàng, ông Naruhito sẽ không có quyền lực chính trị mà sẽ đảm nhiệm các nhiệm vụ nghi lễ như tiếp các nguyên thủ quốc gia. Trước đây, ông từng thể hiện một số quan điểm xã hội và chính trị. Ông hay nói về các vấn đề môi trường, đặc biệt là vấn đề tiếp cận nước sạch. Năm 2007, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch danh dự của Ủy ban Cố vấn về nước và vệ sinh của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
 
Kỷ nguyên mới
 
Sinh ra sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, ông Naruhito là Nhật hoàng đầu tiên không bị tác động bởi những biến động chiến tranh. Ông và vợ đảm nhận vai trò mới trong kỳ vọng của người dân Nhật Bản là vừa quảng bá hình ảnh đất nước ra quốc tế vừa gần gũi với cuộc sống của người dân bình thường. 
 
Khác với cha mình, ông Naruhito đưa hoàng gia gần gũi hơn với người dân trong suốt 30 năm qua. Ông ra ngoài khuôn viên cung điện, giao tiếp với người dân nhiều hơn. Mục đích của ông là mang “làn gió tươi mát” tới ngôi vị Nhật hoàng mặc dù không hề dễ thay đổi một nền quân chủ suốt 14 thế kỷ qua.
 
Nhật Bản đang đối mặt với nhiều thách thức, như dân số giảm và già hóa, gánh nặng nợ nần, thiếu lao động, tỷ lệ sinh thấp, bất bình đẳng giới… Thành công hay thất bại trong nỗ lực mang một động lực mới cho Nhật Bản sẽ tác động tới toàn thế giới. Là nền dân chủ quyền lực nhất châu Á, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, Nhật Bản rất cần thiết trong cân bằng quyền lực toàn cầu.
 
Triều đại Reiwa sẽ là kỷ nguyên hoàng gia đầu tiên mà cái tên được đặt dựa theo nguồn Nhật Bản. Reiwa có nghĩa là Lệnh Hòa, được chọn từ một bài thơ trong tuyển tập thơ cổ nhất ở Nhật Bản còn được lưu giữ.
 
Với niên hiệu mới Reiwa, Nhật hoàng mới sẽ cùng người dân Nhật Bản tạo ra một tương lai mới với nhiều hi vọng.
 
 
Dương Thùy 
(theo Reuters)

Tin cùng chuyên mục