Những điều thú vị về Năm mới ở Nhật Bản
(PNTĐ) - Năm mới ở Nhật Bản là ngày lễ được yêu thích và nhiều màu sắc nhất, được tổ chức vào ngày 1 tháng 1 dương lịch kể từ năm 1873. Tuy nhiên những phong tục tổ chức lễ Giáng sinh của Cơ đốc giáo trước Năm mới cuối cùng đã trở thành một phần không thể thiếu trong truyền thống văn hóa Nhật Bản chỉ một thế kỷ sau đó - vào những năm 1970.
Giáng sinh là thời điểm tốt nhất cho những buổi hẹn hò lãng mạn
Đối với hầu hết người Nhật, lễ Giáng sinh hoàn toàn không có nội dung tôn giáo, bởi số người theo đạo Cơ đốc ở nước này không vượt quá 1-2% dân số. Giáng sinh Nhật Bản được bao bọc trong bầu không khí yêu thương. Những người đàn ông Nhật chưa có vợ, theo phong tục hay dành đêm Giáng sinh sẽ cùng người mình yêu hẹn hò lãng mạn tại một nhà hàng. Vào dịp Giáng sinh ở Nhật Bản, người ta có phong tục tỏ tình và cầu hôn.
Trong khi đó Năm mới là ngày lễ quan trọng và được yêu thích nhất trong lịch của người Nhật. Người Nhật bắt đầu chuẩn bị đón Năm mới từ nhiều ngày trước đó.
Thiệp năm mới
Ngay từ đầu tháng 12, tất cả các bưu điện ở Nhật Bản đều tràn ngập thiệp chúc mừng năm mới do cả người lớn và trẻ em viết. Họ viết thư cho người quen, họ hàng, bạn bè, thầy cô.
"Kadomatsu" - "cây thông ở lối vào"
Là đồ trang trí làm từ cành thông, tre, dương xỉ và các loại cây khác - "kadomatsu" - được gắn phía trên cửa vào hoặc cổng bằng một sợi dây bện từ rơm rạ. Điều này đối với người Nhật thường mang ý nghĩa chặn đường tất cả các thế lực độc ác và ngăn không cho chúng tiến vào trong năm tới. Ngược lại, những linh hồn tốt sẽ tìm thấy nơi trú ẩn và nghỉ ngơi trong những lá thông thơm.
Ăn bánh gạo mochi truyền thống
Năm mới đối với người Nhật không thể thiếu bánh gạo “Mochi”. Những chiếc bánh dẻo làm từ gạo nếp dẻo, được phủ màu sặc sỡ không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn là lễ vật dâng lên các vị thần linh để các vị thần linh phù hộ cho sự an khang của gia đình trong năm tới. "Mochi" được đặt trên bàn và treo như một vật trang trí trên cành liễu và tre. Đặc biệt, vào cuối ngày lễ Năm mới, mỗi thành viên trong gia đình, theo truyền thống, bước sang bao nhiêu tuổi trong năm mới thì sẽ phải ăn hết bấy nhiêu chiếc bánh “Mochi”.
Ý nghĩa các món ăn
Tối cuối cùng của năm các gia đình Nhật Bản sẽ cùng quây quần bên bàn ăn tất niên. Người lớn mở đầu bằng một ngụm rượu gạo. Mỗi món ăn trên bàn ngày Tết đều mang một ý nghĩa tượng trưng. Ví dụ, mì kiều mạch dài như vô tận "soba" - mang ý nghĩa tuổi thọ, và bánh gạo - sự giàu có trong gia đình, đậu - biểu tượng của sức khỏe, cá chép - sức mạnh và trứng cá trích mang ý nghĩa về một gia đình hạnh phúc và đông con.
108 nhịp chuông
Vài phút trước khi bắt đầu năm mới, tiếng chuông ngân vang trong các ngôi chùa Phật giáo trên khắp Nhật Bản. Có chính xác 108 tiếng – mỗi một tiếng chuông tượng trưng cho một trong những tội lỗi hay điều băn khoăn lo lắng mà mỗi người phải trải qua. Bằng cách đó, khi được giải thoát khỏi những tội lỗi và lo lắng trước đây, người Nhật cảm thấy sẵn sàng bắt đầu một cuộc sống mới. Như người Nhật tin tưởng, trong cuộc sống mới họ sẽ được bảy vị thần hạnh phúc giúp đỡ, các vị thần này đến với Nhật Bản trên con tàu thần thánh cùng với chiếc chuông cuối cùng. Đây là những vị thần may mắn, chân thành, thân thiện, nhân phẩm, trường thọ, hào phóng và nhân từ. Ngày đầu tiên của năm mới bắt đầu bằng một chuyến viếng thăm các ngôi đền, và sau đó người dân có thể vui chơi và làm bất kỳ điều gì họ muốn, vui mừng khi "được sinh ra một lần nữa" trong năm mới.