Nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024

PV
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm nay (5/11), nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024. Đây không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng đối với nước Mỹ mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu.

Ba thị trấn ở bang New Hampshire gồm Dixville Notch, Hart's Location và Millsfield là những điểm đầu tiên mở cửa cho người dân đi bỏ phiếu từ 0h ngày 5/11 (12h giờ Hà Nội). Phần lớn các bang bắt đầu mở cửa địa điểm bỏ phiếu từ 6h.

Tại một số khu vực bang Vermont, cử tri có thể đi bỏ phiếu sớm nhất vào lúc 5h. Ở bang Iowa, người dân một số hạt phải chờ tới trưa mới được bỏ phiếu, phụ thuộc vào quyết định của các quan chức bầu cử địa phương.

Việc bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày thứ ba sau thứ hai đầu tiên trong tháng 11 là truyền thống đã có từ gần 180 năm trước và duy trì tới ngày nay. Mỹ có khoảng 244 triệu cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu năm nay, trong đó hơn 74 triệu người đã đi bỏ phiếu sớm.

Các cuộc thăm dò trên toàn quốc và ở các bang chiến trường cho thấy tỷ lệ ủng hộ giữa ứng viên Cộng hòa Donald Trump, 78 tuổi, và ứng viên Dân chủ Kamala Harris, 60 tuổi, rất sít sao, có thể dẫn tới kịch bản kiểm phiếu lại ở một số nơi.

Quá trình kiểm phiếu năm nay được cho là sẽ nhanh hơn nhiều so với năm 2020, khi nhiều bang mất thời gian kiểm phiếu qua thư do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. 4 năm trước, truyền thông Mỹ phải mất 4 ngày sau ngày bầu cử mới xác định được người chiến thắng.

Nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 - ảnh 1
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: AP

Nơi bỏ phiếu và kiểm phiếu "nhanh như chớp"

Khu dân cư Dixville Notch ở bang New Hampshire hoàn thành quá trình bầu cử chỉ hơn 15 phút sau 0h sáng 5/11 với kết quả hòa nhau giữa hai ứng viên tổng thống.

Đúng 0h ngày 5/11 (giờ địa phương, giữa trưa nay giờ Việt Nam), người dân khu dân cư Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.

Hầu hết cử tri Mỹ sẽ chỉ bắt đầu bầu cử trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu từ khoảng 6h sáng. Tuy nhiên, trong nhiều thập kỷ qua, Dixville Notch đã duy trì truyền thống tổ chức bỏ phiếu ngay nửa đêm của ngày bầu cử. Ghi nhận đầu tiên về việc đi bầu giữa đêm tại đây là vào cuộc bầu cử năm 1936.

Thực tế Dixville Notch không phải nơi đầu tiên tại New Hampshire có truyền thống đi bầu trong đêm này. Các khu dân cư Hart's Location và Millsfield cũng thường xuyên tổ chức bầu cử nửa đêm. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử năm 2024, chỉ có Dixville Notch còn duy trì truyền thống.

Việc bầu cử giữa đêm tại Dixville Notch không thật sự ảnh hưởng đến kết quả bầu cử vì số cử tri hợp lệ tại khu dân cư này hiện chỉ là... 6 người.

Tuy nhiên, những lá phiếu này vẫn mang một ý nghĩa biểu tượng lớn khi là điểm phát tín hiệu khởi đầu cho ngày bầu cử toàn quốc.

Công tác bỏ phiếu và kiểm phiếu diễn ra trong vỏn vẹn chưa đầy 20 phút. Việc kiểm phiếu diễn ra ngay sau đó. Kết quả, ông Donald Trump và bà Kamala Harris chia nhau mỗi người 3 phiếu tại khu vực này.

Kết quả này phần nào phản ánh rõ sự phân hóa và bất phân thắng bại trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Các thăm dò ý kiến cử tri gần đây đều cho ra kết quả chênh nhau từng 0,1 điểm phần trăm giữa ông Trump và bà Harris.

Việc Dixville Notch duy trì truyền thống bỏ phiếu lúc nửa đêm trong tình hình đầy biến động này được xem như một biểu tượng cho tinh thần dân chủ lâu đời, bất chấp những căng thẳng chính trị và xã hội ngày càng tăng.

Nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 - ảnh 2
Trước thềm bầu cử chính thức 5/11, người dân ở Michigan và nhiều bang khác tiếp tục đi bỏ phiếu sớm.

Hai ứng viên vận động tranh cử xuyên đêm tại các bang chiến trường

Chiều 4/11 theo giờ bờ Đông của Mỹ (rạng sáng 5/11 giờ Việt Nam), hai ứng cử viên tổng thống Donald Trump bên phía đảng Cộng hòa và Kamala Harris của đảng Dân chủ đã thực hiện nỗ lực vận động phút chót trước thềm giờ bỏ phiếu tại các bang chiến trường.

Trong bối cảnh chỉ còn vài tiếng là tới bỏ phiếu chính thức cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, cựu Tổng thống Donald Trump đã có cuộc vận động tranh cử tại thành phố Raleigh, tiểu bang Bắc Carolina, vào buổi trưa 4/11. Bắc Carolina, với 16 phiếu đại cử tri, đang chứng kiến cuộc chạy đua quyết liệt giữa hai ứng cử viên.

Cùng ngày, ứng cử viên của đảng Cộng hòa cũng thực hiện hai cuộc vận động tranh cử khác tại thành phố Reading (bang Pennsylvania) vào lúc 14h và tại Pittsburgh lúc 18h. Pennsylvania, với 19 phiếu đại cử tri, được giới phân tích nhận định là bang chiến trường có ý nghĩa quyết định nhất trong chiến dịch bầu cử năm nay.

Vào nửa đêm 4/11, ứng cử viên Trump có cuộc vận động tranh cử cuối cùng trước khi điểm bỏ phiếu mở cửa tại Grand Rapids thuộc Michigan, tiểu bang có 15 phiếu đại cử tri. Các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đều giành chiến thắng tại Michigan trong hai cuộc bầu cử gần đây nhất. Tuy nhiên, hiện hai ứng cử viên Harris và Trump đang bám đuổi quyết liệt tại tiểu bang này, với tỷ lệ thăm dò lần lượt là 48,4% và 48%.

Phó Tổng thống Kamala Harris trong ngày 4/11 cũng có hàng loạt nỗ lực vận động con thoi tại bang chiến trường quan trọng nhất Pennsylvania. Bà Harris đã tiến hành 3 cuộc vận động phút chót ở Scranton, Allentown và Pittsburgh trong buổi chiều. Nửa đêm cùng ngày, nữ ứng cử viên này khép lại chiến dịch vận động tranh cử tại thành phố Philadelphia. Phát biểu trước cử tri Pennsylvania, bà Harris bày tỏ tin tưởng đang có nhiều lợi thế trước ông Trump và bà sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay.

Nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 - ảnh 3
Bảng ghi kết quả bầu cử tại Dixville Notch cho thấy hai ứng viên tổng thống hòa nhau tại điểm bỏ phiếu này - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Mỹ được bầu như thế nào?

Hơn 150 triệu cử tri bỏ phiếu bầu tổng thống trong hoặc trước Ngày bầu cử. Nhưng có 538 cử tri sẽ bầu ra tổng thống trong quá trình kéo dài từ tháng 12 đến tháng 1.

Khi cử tri đi bỏ phiếu, thực chất họ đang lựa chọn một danh sách đại cử tri có liên hệ với ứng cử viên giành được số phiếu phổ thông ở mỗi tiểu bang.

Sau đó, các đại cử tri sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống tại thủ phủ của mỗi tiểu bang vào ngày 17/12. Hệ thống đó được gọi là Cử tri đoàn và được quy định trong Hiến pháp.

Những phiếu đại cử tri này sẽ được kiểm tại Hạ viện vào ngày 6/1/2025, trước sự chứng kiến của Quốc hội mới.

Tổng thống mới sẽ nhậm chức vào ngày 20/1/ 2025.

Mỗi tiểu bang nhận được bao nhiêu phiếu đại cử tri?

Con số này gắn liền với quy mô của phái đoàn quốc hội của một tiểu bang, với một phiếu đại cử tri cho mỗi thượng nghị sĩ và thành viên Quốc hội.

Các tiểu bang nhỏ nhất - Alaska, Delaware, hai tiểu bang Dakotas, Vermont và Wyoming - mỗi tiểu bang nhận được 3 phiếu.

Với mỗi thành viên Quốc hội bổ sung, một tiểu bang sẽ có thêm một đại cử tri. Các tiểu bang đông dân là California (54 phiếu đại cử tri), Texas (40 phiếu đại cử tri) và Florida (30 phiếu đại cử tri).

Những con số này có thể thay đổi sau mỗi 10 năm vì Hiến pháp Mỹ yêu cầu phải có số liệu thống kê dân số chính thức hoặc điều tra dân số, sau đó số ghế trong quốc hội sẽ được phân bổ lại. Cuộc điều tra dân số gần đây nhất diễn ra vào năm 2020, vì vậy số phiếu đại cử tri đã thay đổi.

Những cử tri ở Washington DC cũng nhận được 3 phiếu đại cử tri nhờ Tu chính án thứ 23, nhưng họ không có đại diện bỏ phiếu tại Hạ viện hoặc Thượng viện.

Có bao nhiêu phiếu đại cử tri và cần bao nhiêu phiếu để giành trở thành Tổng thống?

Có tổng số 538 phiếu đại cử tri. Con số đó tương đương với 100 thượng nghị sĩ và 435 thành viên Quốc hội, cộng thêm 3 phiếu bầu cho Washington DC.

270 là số phiếu đại cử tri tối thiểu mà 1 ứng cử viên phải giành được để trở thành tổng thống.

Nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 - ảnh 4
Một người bỏ phiếu qua bưu điện vào ngày 15/10/2024 tại Doylestown, Pennsylvania. Ảnh: Getty.

Các tiểu bang chiến trường năm 2024

Có 7 tiểu bang chiến trường, nơi 2 hai ứng cử viên đều có cơ hội giành chiến thắng.

3 bang chiến trường miền Trung Tây, còn gọi là "bức tường xanh" - Đây là các tiểu bang có nhiều cơ sở sản xuất là Pennsylvania, Michigan và Wisconsin. Trước đây, các tiểu bang này ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng đã có sự thay đổi trong những năm gần đây khi dân số tăng lên và khi Donald Trump thu hút được cử tri da trắng không có bằng đại học.

Khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ năm 2016, ông đã giành chiến thắng tại cả 3 tiểu bang. Khi Joe Biden trở thành Tổng thống năm 2020, ông cũng giành chiến thắng 3 tiểu bang này. Nếu Kamala Harris giành chiến thắng tại đây trong năm nay, bà có khả năng sẽ có đủ phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống. Nhưng các cuộc thăm dò cho thấy cuộc đua ở cả 3 bang đều rất sít sao.

Các tiểu "bang bức tường xanh" thường bỏ phiếu theo cùng một cách. Lần cuối cùng họ không bầu cho cùng một ứng cử viên là vào năm 1988. Trong 8 cuộc bầu cử kể từ năm 1988, lần duy nhất các tiểu bang "bức tường xanh" bầu cho một ứng cử viên Cộng hòa là vào năm 2016.

4 tiểu bang chiến trường Sun Belt - Những tiểu bang có dân số ngày càng tăng này bao gồm Arizona và Nevada ở phía Tây, Bắc Carolina và Georgia ở phía Đông. Arizona, Georgia và Bắc Carolina từng là những tiểu bang đáng tin cậy của Đảng Cộng hòa. Donald Trump đã giành chiến thắng ở Bắc Carolina 2 lần, nhưng biên độ rất sít sao vào năm 2020. Ứng cử viên đảng Dân chủ cuối cùng giành chiến thắng ở đó là Barack Obama vào năm 2008. Joe Biden cũng là ứng cử viên đảng Dân chủ từng giành chiến thắng ở Georgia và Arizona.

Chỉ 1 phiếu bầu ở Nebraska, nhưng đây được xem là một chiến trường để 2 ứng cử viên giành giật. 48 tiểu bang trao phiếu đại cử tri cho người chiến thắng ở tiểu bang của họ. Nebraska và Maine thì khác, trao phiếu bầu theo khu vực quốc hội. Tiểu bang Nebraska là lãnh thổ an toàn của Donald Trump, nhưng đây là một "chiến trường" đúng nghĩa. Một phiếu bầu tại đây có thể trở nên rất quan trọng trong trường hợp xảy ra cuộc đua sít sao ở Đại cử tri đoàn.

Tình hình ngược lại ở Maine, tiểu bang duy nhất không trao phiếu đại cử tri cho người chiến thắng toàn tiểu bang. Donald Trump có thể giành được một phiếu đại cử tri ở Maine.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

Châu Phi đầu tư mạnh mẽ cho chăm sóc sức khỏe phụ nữ

(PNTĐ) - Khu vực châu Phi cận Sahara đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng, với tỷ lệ tử vong ở bà mẹ lên tới 70% - cao nhất toàn cầu. Tình trạng đáng báo động này tác động sâu sắc đến sự phát triển bền vững của châu lục và đòi hỏi sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia.
Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

Bất bình đẳng giới là nguy nhân chính gia tăng nguy cơ nhiễm HIV ở phụ nữ

(PNTĐ) - Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS dù đã đạt được những bước tiến đáng kể, song, vẫn đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em. Số liệu thống kê cho thấy sự bất bình đẳng giới, thiếu tiếp cận chăm sóc y tế và sự thiếu hiểu biết vẫn là những rào cản lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh.