An ninh lương thực:

Thách thức bình đẳng giới mới với phụ nữ

ĐỖ HỮU
Chia sẻ

(PNTĐ) -Ngày 16/9/2022, ông David Beasley, người đứng đầu cơ quan lương thực Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo, thế giới đang phải đối mặt với “tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp toàn cầu ở mức độ chưa từng có” với 345 triệu người có nguy cơ bị thiếu đói và 70 triệu người bên bờ vực của nạn đói.

Thách thức bình đẳng giới mới với phụ nữ - ảnh 1
Người nghèo đói ở Tây Phi Ảnh: I24news

Giám đốc Điều hành của Chương trình Lương thực Thế giới báo cáo trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng tình trạng mất an ninh lương thực đang xảy ra vô cùng nghiêm trọng. Các con số được đưa ra đã gấp 2,5 lần so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.

Mất an ninh lương thực song hành cùng bất bình đẳng giới
Báo cáo của Tổ chức nhân đạo Care hồi đầu tháng 8/2022, chứng minh tại 109 quốc gia trên thế giới, tình trạng bất bình đẳng giới gia tăng thì tình trạng mất an ninh lương thực cũng tăng theo.

Đơn cử với Sudan, quốc gia chỉ được Ngân hàng Thế giới chấm 2,5/6 điểm về bình đẳng giới, có khoảng 65% phụ nữ cho biết họ gặp nhiều vấn đề do mất an ninh lương thực hơn như phải lao động thêm giờ mà không được trả công, nạn tảo hôn hoặc trẻ em gái không được tới trường, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 49%. Cũng theo báo của của Care, trong số 828 triệu người trên toàn cầu bị ảnh hưởng bởi nạn đói vào năm 2021, có khoảng 59% là phụ nữ. Những con số này cho thấy phụ nữ đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực cao hơn nam giới. 

So với năm 2018, sự chênh lệch về số phụ nữ và nam giới trong vấn đề mất an ninh lương thực đã tăng 8,4 lần. Lý giải cho điều này, một phần là do đại dịch Covid-19. Thêm vào đó, xung đột giữa Nga và Ukraine đã kéo theo tình trạng thiếu lương thực trên toàn cầu, cùng việc lạm phát đang lan rộng ở nhiều nơi. 

“Tình hình này trở nên tồi tệ hơn. Nếu nhìn vào tác động đối với nông nghiệp sau cuộc khủng hoảng phân bón ở Nga, thì tác động của nó là rất lớn. Chúng tôi không biết diễn biến trong thời gian tới sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ có nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng”, Emily Janoch - Giám đốc cấp cao của Care và là một trong những tác giả của báo cáo cho hay.

Báo cáo “Tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới” năm 2022 của Liên hợp quốc nhấn mạnh, phụ nữ ở mọi khu vực trên thế giới luôn rơi vào tình trạng bị mất an ninh lương thực trầm trọng hơn nam giới. Sự chênh lệch này rõ rệt nhất ở các nước đang phát triển.

Gánh nặng trên vai phụ nữ
Số liệu từ Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc cho biết, tính theo mức trung bình toàn cầu, phụ nữ đang phải chịu trách nhiệm tạo ra 85-90% nguồn thực phẩm cho gia đình. Nhưng khi khủng hoảng xảy ra, họ lại phải nhường phần ăn của mình cho các thành viên trong gia đình.

Tại một ngôi làng nhỏ ở Akkar, miền Bắc Lebanon, cô gái Rouaya đang phải nuôi dạy 5 đứa con. Nơi cô gái 33 tuổi sinh sống đang trải qua khó khăn sau cuộc khủng hoảng kép do đại dịch Covid-19 và sự sụp đổ kinh tế của Lebanon. Rouaya đã phải làm việc nhiều gấp đôi bình thường khi vừa phải lo việc đồng áng, vừa phải đảm đương việc nhà. Tuy nhiên, cô vẫn không thể kiếm đủ tiền để nuôi sống gia đình. Cũng tại Lebanon, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, 85% phụ nữ cho biết họ phải giảm khẩu phần ăn của mình, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 57%. Còn tại Bangladesh, 21% phụ nữ cho biết phải đối mặt với tình trạng bạo lực gia đình khi giá thực phẩm tăng cao.

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong sản xuất lương thực, do đó việc phụ nữ bị thiếu dinh dưỡng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Theo UN Women, trung bình phụ nữ chiếm tới 43% lực lượng lao động ở các nước đang phát triển, và tới trên 50% ở một số khu vực của châu Á và châu Phi. Tuy nhiên, phụ nữ ít có khả năng tiếp cận đất đai và nguồn lực sản xuất hơn nam giới. Cũng theo tổ chức này, nếu phụ nữ được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực trong nông nghiệp, sản lượng ở các trang trại do phụ nữ làm chủ có thể tăng thêm 20-30% và tổng sản lượng nông nghiệp ở các nước đang phát triển có thể tăng thêm tới 4%. Do đó, tạo điều kiện hơn nữa để phụ nữ tham gia và ra quyết định trong hoạt động kinh tế, ở cả phạm vi hộ gia đình và pháp luật là giải pháp dài hạn, hướng tới giảm nghèo và cải thiện tình trạng dinh dưỡng một cách toàn diện.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

ASEAN tăng cường kế hoạch đăng cai FIFA World Cup 2034

ASEAN tăng cường kế hoạch đăng cai FIFA World Cup 2034

(PNTĐ) - Các quan chức thể thao ASEAN, đại diện Liên đoàn Bóng đá ASEAN và các Liên đoàn Bóng đá các nước Đông Nam Á vừa tổ chức cuộc họp đầu tiên của nhóm công tác kỹ thuật trong việc chuẩn bị hồ sơ đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới 2034.
Việt Nam lần thứ 3 được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G7

Việt Nam lần thứ 3 được mời dự Hội nghị thượng đỉnh G7

(PNTĐ) - Nếu nhận lời mời của Thủ tướng Kishida thì đây sẽ là lần thứ 3 lãnh đạo Việt Nam tham dự hội nghị thượng đỉnh của nhóm các nền công nghiệp phát triển G7. Đó là vừa là vinh dự vừa là cơ hội quảng bá và khẳng định chỗ đứng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh

Hà Lan sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi xanh

(PNTĐ) - Nhân dịp dự Hội nghị của LHQ rà soát toàn diện giữa kỳ việc thực hiện các mục tiêu trong thập kỷ hành động "Nước vì sự phát triển bền vững" giai đoạn 2018-2022, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã có các cuộc gặp với Nhà vua Hà Lan Willem-Alexander Claus George Ferdinand, Tổng Thư ký LHQ António Guterres.