Thảm họa rác thải nhựa hậu Covid-19

Chia sẻ

Việc phân loại rác và tái chế rác bị giảm thiểu do các nước dành nhiều ưu tiên hơn cho phát triển kinh tế và phòng chống dịch Covid-19. Các lệnh cấm túi nhựa bị ngó lơ, số lượng khẩu trang y tế và quần áo bảo hộ bị vứt bỏ tăng một cách đáng kể đang tạo nên gánh nặng khổng lồ về môi trường sinh thái tại châu Á.

Hình ảnh người dân trang bị “đầy đủ” đồ nhựa dùng một lần như thế này không hiếm, nhất là trong mùa dịch Covid-19.Hình ảnh người dân trang bị “đầy đủ” đồ nhựa dùng một lần như thế này không hiếm, nhất là trong mùa dịch Covid-19. (Ảnh: Int)

Sự “lên ngôi” của rác thải nhựa và những hệ lụy

Trong thời gian dịch bệnh, ước tính có khoảng 129 tỷ khẩu trang, chủ yếu được sản xuất từ nhựa nhiệt dẻo polypropylene và hơn 65 tỷ găng tay đã được sử dụng trên toàn thế giới mỗi tháng. Con số khổng lồ này dẫn tới hệ lụy là nhiều quốc gia châu Á đang phải “chật vật” đối mặt với thách thức lớn trong việc khắc phục các hậu quả gây ra bởi đại dịch Covid-19, trong đó có các hệ lụy về vấn đề môi trường.

Phải mất hơn 500 năm, nhựa mới có thể phân hủy được hoàn toàn, do đó với tình hình xả rác như hiện nay, rác thải nhựa sẽ làm tắc nghẽn hoàn toàn các dòng sông, trôi dạt trên các bãi biển và chìm xuống đáy biển làm thay đổi môi trường biển cùng chuỗi thức ăn. Không chỉ các loài sinh vật biển, con người cũng có thể “ăn” phải chính rác thải nhựa do mình thải ra do nhựa không biến mất hoàn toàn mà thay vào đó phân hủy thành những mảnh nhỏ không nhìn thấy được gọi là vi nhựa.

Từ trước khi đại dịch xảy ra, các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về mối đe dọa đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người do ô nhiễm rác thải nhựa gây ra. Giờ đây, vấn đề này còn trở nên nghiêm trọng hơn.

Theo ông Von Hernandez, điều phối viên của phong trào Toàn cầu không sử dụng nhựa cho biết việc phân loại rác thải nhằm tối đa hóa thu hồi các vật liệu có thể tái chế đã không được khuyến khích do lo ngại điều này có thể làm lây lan virus. “Các trường hợp lây nhiễm qua đường truyền bề mặt vẫn chưa được chứng minh, nhưng ngành công nghiệp nhựa đã nhanh chóng lợi dụng nỗi sợ hãi của công chúng để biện minh cho việc sử dụng ngày càng nhiều nhựa sử dụng một lần”, ông Von Hernandez nói.

Đại dịch đã dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các trang thiết bị bảo vệ cá nhân dùng một lần (PPE), chẳng hạn như khẩu trang, găng tay, áo choàng và tấm che mặt. Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Phát triển châu Á, thủ đô Manila có thể là nơi sản sinh ra nhiều rác thải y tế liên quan đến Covid-19 nhất ở Đông Nam Á, với khoảng 280 tấn rác mỗi ngày.

Sau Trung Quốc, Indonesia và Philippines là những quốc gia gây ô nhiễm nhựa ở biển nhiều nhất.

Dùng đồ nhựa một lần có thực sự an toàn?

Hơn 115 bác sĩ, học giả và chuyên gia y tế từ khắp nơi trên thế giới đã cùng ký vào tuyên bố của Tổ chức Hòa bình xanh hồi tháng 6. Tuyên bố này khẳng định không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chỉ nhựa sử dụng một lần mới có thể bảo vệ người dùng khỏi sự lây truyền Covid-19. Cùng lúc, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra các loại bao bì và túi có thể tái sử dụng hoặc có thể giặt được hoàn toàn có hiệu quả trong việc bảo vệ người dùng khỏi virus, phát hiện này cũng đã được nhiều quốc gia xác nhận dựa trên việc sử dụng thực tế. Ví dụ, Chính phủ Hoa Kỳ đã phân phối khẩu trang có thể giặt và tái sử dụng cho một số ngành quan trọng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh đã ban hành hướng dẫn về cách sản xuất các loại khẩu trang và đồ bảo hộ bằng vải. Chính phủ Úc và Hồng Kông cũng đã làm điều tương tự.

Các chuyên gia cho rằng mặc dù virus vẫn đang gây áp lực chưa từng có lên nhiều khía cạnh của cuộc sống con người, nhưng việc quản lý chất thải đúng cách không nên bị bỏ qua và mọi người nên suy nghĩ lại về sự bất cẩn của mình khi sử dụng với đồ nhựa dùng một lần. Các Chính phủ cũng nên sắp xếp lại ưu tiên của mình và đánh giá hiệu quả của các chiến lược quản lý chất thải ở cấp quốc gia và địa phương.

Đại dịch Covid-19 có thể là cơ hội để các nước đang phát triển xem xét và củng cố lại hệ thống chăm sóc y tế cũng như xử lý rác thải, các nước cần nghiêm túc đầu tư vào những hệ thống xử lý thân thiện hơn với môi trường. Đồng thời cũng cần phải áp dụng các chính sách quản lý, giảm thiểu việc sử dụng nhựa vì cả sức khỏe của cộng đồng lẫn môi trường.

Sự gia tăng rác thải nhựa sử dụng một lần được các nhà hoạt động vì môi trường coi là một thảm họa làm suy yếu các các nỗ lực kêu gọi tái chế vốn đã và đang gặp rất nhiều khó trên toàn thế giới. Sau khi đại dịch qua đi, thế giới vẫn cần phải giải quyết các khủng hoảng khí thải và ô nhiễm nhựa. Chúng ta cần phải tìm kiếm các cơ hội để tránh lặp lại sai lầm như trước đây, đó là tàn phá môi trường.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.